Khu du lịch sinh thái núi Dùm – Cổng Trời: Nét độc đáo của thành phố Tuyên Quang
Thuộc địa phận xóm 15, 16 xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang), núi Dùm – Cổng Trời có khí hậu trong lành, phong cảnh hữu tình.
Đứng tại điểm cao này có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố mộng mơ bên dòng Lô lịch sử. Trong tương lai, việc hình thành khu du lịch sinh thái tại đây sẽ tạo ra nét độc đáo của thành phố, điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Khu vực núi Dùm – Cổng Trời có nhiều hang động, thác nước đẹp và hệ thực vật khá phong phú, đa dạng, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái. Với khí hậu trong lành, núi Dùm – Cổng Trời được nhiều người dân địa phương và khách tham quan ví như “Tam Đảo” của thành phố Tuyên Quang. Diện tích đất tự nhiên của Cổng Trời hơn 300 ha, nằm trong quần thể núi Dùm. Nơi đây có nhiều suối, thác nước, hang động đẹp như hang Bà Cún, hang Dơi, hang Ngà Voi, dốc Ông, dốc Bà…, nhiều thác nước như Đát Tư Khang, thác Cấm, thác Cổng Trời… trong đó hang Dơi là hang động đẹp nhất trong khu vực này. Trong hang có nhiều động nhỏ, có sức chứa hàng trăm người. Trước đây, khi khai thác khoáng sản tại núi Dùm – Cổng Trời, người Pháp đã mở con đường lên núi với nhiều khúc cua tay áo, đường trôn ốc qua các sườn núi. Đến nay, con đường vẫn còn nguyên và là con đường độc đạo để lên núi. Bà Nguyễn Thị Lý, xóm 15, xã Tràng Đà cho biết, núi Dùm và các hang động tại đây vẫn còn lưu giữ được nét hoang sơ.
Những ai mới vào hang lần đầu mà không có người dẫn đường thì sẽ khó tìm lối ra vì ở giữa hang có một khu có nhiều động nhỏ giống nhau, khiến người tham quan như lạc vào mê cung. Vào những ngày mưa, nước từ các khe đá chảy xuống thành dòng, có rất nhiều cua đá theo ra, người dân địa phương hay rủ nhau lên núi bắt cua.
Video đang HOT
Cùng tuyến với núi Dùm – Cổng Trời có 3 ngôi đền linh thiêng, cổ kính được xây dựng từ thế kỷ 18 là đền Mẫu Thượng, đền Cấm, đền Ghềnh Quýt. Đền Mẫu Thượng được xây dựng năm 1801, thờ công chúa Ngọc Hân (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung công chúa (tức Quỳnh Hoa công chúa). Đền Cấm ngự trên lưng núi Cấm, kiến trúc độc đáo thờ Mẫu Thượng Ngàn. Đây là ngôi đền linh thiêng được du khách trong cả nước biết đến. Đền Ghềnh Quýt nằm trên ghềnh đá bên dòng sông Lô, thờ thần sông, thần núi. Ba ngôi đền vừa là nơi du khách đến lễ cầu may, vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp. Chị Trần Thị Duyên, xóm 16 cho biết, mấy năm gần đây đã có nhiều khách thập phương đi lễ ở đền Cấm, đền Mẫu Thượng kết hợp tham quan và thưởng ngoạn cảnh đẹp Cổng Trời. Hiện nay, chính quyền địa phương đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh hoàn thành việc phục hồi, tôn tạo các ngôi đền; làm đường, bãi để xe, kiốt bán các sản phẩm phục vụ du lịch. Người dân nơi đây mong muốn một diện mạo mới sẽ đến với núi Dùm – Cổng Trời để thu hút ngày càng nhiều du khách gần xa.
Theo ông Trương Đức Tiến, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Tuyên Quang, thành phố có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Điểm núi Dùm và Cổng Trời là nét độc đáo mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho thành phố. Nhiều ngôi đền cổ linh thiêng nổi tiếng trên địa bàn hàng năm đã thu hút hàng vạn du khách đến lễ bái, vãn cảnh. Chính vì vậy việc phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tâm linh là hết sức phù hợp, mở ra hướng đi mới về dịch vụ, du lịch ở thành phố Tuyên Quang, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương.
Hiện Thành ủy thành phố Tuyên Quang đã có kế hoạch về nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố, trọng tâm là đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái núi Dùm – Cổng Trời. Xây dựng các tua, tuyến du lịch trên địa bàn thành phố theo đường bộ và đường sông. Cùng với đó là đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm phục vụ du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố và trở thành một trong những điểm nhấn du lịch của tỉnh.
Quyến rũ Pắc Tạ - Tuyên Quang
Khu du lịch sinh thái Na Hang (Tuyên Quang) là nơi có nhiều cảnh đẹp nên thơ và có những câu chuyện cổ tích làm say đắm lòng người.
Núi Pắc Tạ như hình chú voi bên nậm rượu sừng sững cao chọc trời, giữa lòng hồ thủy điện mênh mông là dấu ấn huyền thoại xưa để lại.
Trong tiếng Tày, núi Pắc Tạ có nghĩa là "vú của trời", hay còn có tên gọi khác là núi Xa Tạ, Núi Voi. Đây là ngọn núi cao nhất huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, có dáng hình chú voi đứng bên nậm rượu. Sừng sững, uy nghiêm, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây vờn bên hồ thủy điện Tuyên Quang.
Tương truyền, xưa kia nơi đây là khu rừng rậm có rất nhiều loại động vật quý hiếm, trong đó có hàng trăm con voi sống thành bầy đàn. Voi to và khỏe nên nhân dân trong vùng thuần dưỡng chúng làm sức kéo chuyên trở hàng hóa và làm phương tiện đi lại. Năm ấy, vùng đất Na Hang có giặc ngoại xâm, nhân dân trong vùng đã tập trung tất cả binh lực dồn cho cuộc chiến, trong đó có cả những đàn voi ra trận. Thế nhưng, trong đàn có một con voi đực hết sức hung dữ, không ai có thể thuần phục được, bao nhiêu tướng lĩnh giỏi cũng phải lắc đầu bó tay. Một người quản tượng ở xa tới xin đảm nhiệm công việc này.
Ngày đầu, ông cho dân bản chặn tất cả dòng suối xung quanh vùng voi sinh sống, vài ba ngày sau voi khát không có nước uống, ông cho đổ rượu vào các hốc đá, voi lần đến đấy uống để thay nước. Năm ngày, mười ngày lâu dần voi thành quen với rượu và người quản tượng. Ông có thể đặt bành lên lưng voi và điều khiển theo mệnh lệnh- từ đó dân bản đặt tên là "voi rượu". Ngày xuất trận, "voi rượu" hùng dũng đi đầu xông trận dày xéo quân giặc chết như ngả rạ. Thắng trận, nhà vua phong cho "voi rượu" là voi quận công và mở tiệc linh đình thiết đãi các tướng sĩ. "Voi rượu" thỏa sức, uống hết nậm rượu này đến nâm rượu khác, cho đến khi say quá và tắt thở chết. Lạ thay, voi chết mà vẫn đứng sừng sững oai phong như lúc xung trận. Đêm đó, trời đổ mưa to, sấm chớp, gió rít ào ào như sự tiếc thương của dân bản dành cho "voi rượu". Sáng ra mọi người ngỡ ngàng thấy cả voi và nậm rượu hóa đá như núi Pắc Tạ bây giờ.
Nằm dưới chân núi Pắc Tạ có dấu tích của một ngôi đền cổ. Tương truyền, vào đời Trần có người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật theo chồng đi kinh lý vùng sông Gâm và sông Năng. Trên đường về, thuyền chở người thiếp bị gặp nạn. Do nước quá sâu, lại chảy xiết nên không thể cứu vớt được nàng. Cho đến mấy ngày sau, xác của nàng mới tìm thấy và được mai táng bên bờ sông Năng dưới chân núi Pắc Tạ. Ngôi đền thờ người thiếp được dựng ngay gần nơi chôn cất để tưởng nhớ người thiếp của tướng quân Trần Nhật Duật.
Khởi nguyên, đền Pác Tạ nằm trên một doi đất bên hữu ngạn sông Năng phía đối diện với vị trí hiện nay. Đền được dựng với kết cấu 3 gian 2 chái bằng tranh, tre, nứa, lá - vật liệu được khai thác tại địa phương. Nhưng đến một hôm, trời nổi cơn giông lớn, mái đền bị gió cuốn bay qua sông sang dẻo đất cao đối diện, dưới chân núi Pác tạ. Nhân dân địa phương cho rằng đây là ý của " Đức Thánh Mẫu" nên từ đó ngôi đền được dựng khang trang, bề thế dưới ngọn núi Tạ sơn huyền sử. Tới năm 1959, trong khi đốt nương, do vô ý người dân đã làm cháy toàn bộ ngôi đền, đến nay chỉ còn lại là dấu tích nền xưa.
Qua quá trình biến thiên của lịch sử cũng như sự thay đổi của thời gian, đến nay đền Pác Tạ đã được xây dựng khang trang để nhân dân bày tỏ lòng thành kính, niềm khát vọng của mình mong sao nhờ sức mạnh của Đức Thánh Mẫu mà ban cho cuộc sống bình yên, dân khang vật thịnh, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân trải qua bao thế hệ. Đây là một ngôi đền thiêng, mỗi khi du khách qua đây đều ghé lại thắp hương cầu nguyện.
Đền Pắc Tạ nằm ở địa thế cao, bằng phẳng dưới chân núi Pắc Tạ. Cửa đền quay về hướng nam, trông ra dòng sông Gâm theo thuyết phong thủy "Tiên minh đường hữu hậu chẩn" ở thế đất địa linh "sơn kỳ thủy tú". Sự kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên với nhịp sống con người miền sơn cước tạo nên cảnh sắc sơn thủy hữu tình.
Ngày nay, núi Pắc Tạ và đền Pắc Tạ là điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Na Hang - Cảnh đẹp của tỉnh Tuyên Quang Nhắc tới Na Hang, không thể không nhắc tới hồ Na Hang một địa điểm được mệnh danh là "Hạ Long trên cạn" của tỉnh Tuyên Quang. Vẻ đẹp huyền ảo của Hồ Na Hang. Ảnh: baobackan Nằm cách thành phố Tuyên Quang 110km, với cảnh quan kỳ vĩ, thiên nhiên hùng vĩ, Khu du lịch sinh thái Na Hang đang là điểm...