Khu du lịch sinh thái Măng en – điểm đến “níu chân” du khách
Những ngày này, khi đến với khu du lịch sinh thái Măng Đen (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), người dân và du khách không khỏi “mê đắm” bởi những cảnh sắc tuyệt đẹp, nhiều trải nghiệm văn hóa, du lịch mang đậm nét riêng của vùng đất “ba hồ, bảy thác”.
Dưới những hàng thông xanh, khí hậu mát mẻ trong lành, từng đoàn du khách tản bộ, trò chuyện rôm rả và chụp hình lưu niệm để chia sẻ với bạn bè, người thân ở xa. Nhiều du khách lần đầu đến với Măng Đen tỏ ra tiếc nuối, vì thời điểm này phần lớn cây mai anh đào ở Măng Đen chưa bung nở; chỉ lác đác một số cây trổ bông, nhưng như thế cũng tạo được điểm nhấn cho “bức tranh thiên nhiên” nơi đây và làm thỏa đam mê chụp hình check in của một số bạn trẻ.
Trải nghiệm sản phẩm tinh dầu từ tiêu rừng Măng Đen. Ảnh: H.T |
Du khách Trần Thị Xuân (phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) “nhanh chân” chọn cho mình cây mai anh đào đang nở rộ tại Quảng trường trung tâm huyện Kon Plông để “selfie” cùng bạn bè. Chị vui vẻ chia sẻ: “Do đã đến Măng Đen nhiều lần nên cũng không lạ gì việc mai anh đào ở đây thường nở muộn trong những ngày đầu năm dương lịch. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều ấy không làm giảm sức hút đối với du khách. Ngược lại còn là điểm độc đáo, “lợi thế” riêng hút khách du lịch khi vào dịp Tết Nguyên đán, mấy chục nghìn cây mai anh đào sẽ đồng loạt nở rộ, du khách sẽ tiếp tục có thêm chuyến du xuân”.
Đúng là chỉ những người yêu du lịch, yêu Măng Đen như chị Xuân mới nắm được những đặc trưng của vùng đất này đến thế- tôi thầm nghĩ. Dù mai anh đào có nở sớm hay muộn thì Măng Đen vẫn luôn hút khách, bởi những đặc trưng về khí hậu, văn hóa mà thiên nhiên ban tặng.
Một số du khách khác cho biết, không chỉ những dịp lễ, dịp xuân, mà ngay cả những ngày thường, nhất là dịp cuối tuần, nếu khách du lịch không “nhanh chân” thì cũng khó mà tìm được chỗ ăn uống, nghỉ ngơi ưng ý, vì các khách sạn nơi đây thường ở trong tình trạng “cháy phòng”.
Anh Trịnh Quang Thủy ở phường Chánh Lộ (thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Vì bận công việc nên dịp cuối năm 2022 gia đình tôi chưa đi du lịch được, nên rút kinh nghiệm, năm nay đã gọi điện nhờ người quen trên Kon Tum đặt giùm phòng từ sớm để chuyến này lên chơi. Gia đình tôi đến Măng Đen dịp này còn để tham gia Giải chạy Marathon “Khám phá Măng Đen, khuyến khích không mang giày”. Tôi đăng ký tham gia cho cả bốn thành viên trong gia đình và cả chú cún cưng nữa”.
Giải chạy Marathon “Khám phá Măng Đen, khuyến khích không mang giày” đã tạo được sự khác biệt, để lại nhiều dấu ấn cho du khách. Giải chạy không đặt nặng thành tích, sự cọ xát mà hướng đến việc kết nối mọi người, cùng trải nghiệm những cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu của Măng Đen trên suốt các cung đường chạy 22km, 12km, 6km. Chính vì thế mà Ban tổ chức đã có một đề nghị “đặc biệt” là kêu gọi mọi người chạy bằng chân trần, vớ hoặc dép, có thể đăng ký cho cả thú cưng tham gia. Điều ấy có lẽ để “làm chậm” bước chân của mọi người trên các cung đường, để có thể thong dong tận hưởng những nét đẹp văn hóa của vùng đất “ba hồ, bảy thác”.
Video đang HOT
|
Sôi động đêm nhạc accoustic tại Không gian văn hóa Măng Đen. Ảnh: HT |
Ngay sau buổi lễ khai mạc Giải chạy diễn ra vào chiều 6/1, tại Không gian văn hóa “Thiên đường Tây Nguyên- Măng Đen” diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm kết nối, quảng bá nét đẹp văn hóa, con người Măng Đen. Du khách, các vận động viên được hòa trong điệu xoang cùng với những cô gái, chàng trai Mơ Nâm trong ánh lửa bập bùng, cùng thưởng thức những món ngon như cơm lam, gà nướng, thịt xiên, bánh nếp, rượu cần. Để cho “cuộc vui bất tận” càng trở nên rộn ràng là những thanh âm cồng chiêng được các nghệ nhân tấu lên, hòa điệu cùng nhạc cụ tre nứa, “pha” thêm chút màu sắc trẻ trung, tươi mới từ những giai điệu “accoustic” mộc mạc của các bạn trẻ. Du khách được thưởng thức một “bữa tiệc âm thanh” giữa núi rừng Măng Đen. Cả không gian văn hóa bừng sáng như một “thiên đường” đầy màu sắc, âm thanh hấp dẫn, mọi người mê say không muốn rời.
Không chỉ với những du khách gần xa, chính những con người sống lâu năm tại Măng Đen cũng có những xúc cảm đặc biệt khi chứng kiến nơi đây đổi thay từng ngày với nhiều hoạt động kết nối, quảng bá du lịch đặc sắc.
Chị Võ Thị Nở- công tác trên 15 năm tại Trung tâm Y tế huyện Kon Plông, là chủ sạp hàng tinh dầu chiết xuất từ tiêu rừng “hút khách” tại Không gian văn hóa “Thiên đường Tây Nguyên- Măng Đen” cho biết, chị quê ở Quảng Nam lên Kon Plông lập nghiệp từ những ngày đầu huyện còn gian khó. Giờ đây, chứng kiến quê hương thứ hai của mình đang đổi thay từng ngày, tận dụng được tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ nên chị rất vui và tự hào. Chị hy vọng, khi du khách sử dụng sản phẩm tinh dầu từ tiêu rừng của mình sẽ có ấn tượng tốt về một sản phẩm của vùng đất này và luôn nhớ đến Măng Đen mà quay lại nhiều lần hơn nữa.
Với tầm nhìn đến năm 2045 phát triển Măng Đen thành Khu trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia theo Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 29/11/2023 của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngay trong những ngày đầu xuân, huyện Kon Plông đã cụ thể hóa bằng những việc làm, hoạt động thiết thực, hiệu quả. Ngoài Giải chạy Marathon, trước đó tại Tuần văn hóa- du lịch Măng Đen 2023 còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc khác như: Phối hợp với nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh tổ chức chương trình nghệ thuật thời trang “Măng Đen- Thiên đường hồng”, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, kết nối du lịch đặc sắc tại các điểm, khu du lịch nổi tiếng trên địa bàn; ca, múa, giao lưu các ban nhạc, trình diễn cồng chiêng, múa xoang, các nhạc cụ dân tộc; tái hiện các lễ thức dân gian; trưng bày và bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương, các hiện vật văn hóa, lịch sử; nghệ thuật trà đạo-thư pháp.
Không gian du lịch sinh thái dưới chân Sơn Trà
Dưới chân bán đảo Sơn Trà, có một điểm đến lý thú đã trở thành địa chỉ quen thuộc trong bản đồ và sổ tay du lịch của nhiều du khách.
Đó là nơi mọi người có thể thả hồn mình trước cảnh sắc kỳ thú với non nước, mây trời ngay giữa lòng Đà Nẵng.
Điểm đến nói trên là khu du lịch sinh thái Tiên Sa nằm trong phạm vi của khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, thuộc phía đông bắc thành phố Đà Nẵng.
Sau khi trải qua hành trình ngắn chừng 10 cây số từ trung tâm thành phố về cuối đường Yết Kiêu gần cảng Tiên Sa, du khách sẽ được "mục sở thị" vẻ đẹp hoang sơ của thắng cảnh du lịch này.
Đặt chân đến Tiên Sa, du khách sẽ có dịp tham gia nhiều hoạt động như dã ngoại, câu cá, mô-tô nước, lặn biển, dù lượn... hoặc đơn giản hơn là thả mình vào làn nước biển trong xanh, lắng nghe tiếng rì rào của cây rừng, sóng biển, ghi lại những bức ảnh ấn tượng về thắng cảnh này.
Bên cạnh đó, cũng như nhiều điểm du lịch khác trên bán đảo Sơn Trà, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng kêu gọi du khách khi tham quan, dã ngoại tại khu vực biển Tiên Sa không xả rác bừa bãi, góp phần giữa gìn môi trường bán đảo Sơn Trà luôn xanh-sạch-đẹp.
Một góc khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa. Ảnh: TĂNG TRUNG KIÊN
Tương truyền, khu vực bãi biển Tiên Sa đã từng được các vị vua truyền Nguyễn như Khải Định và Minh Mạng ngự lãm. Ảnh: TĂNG TRUNG KIÊN
Ở Tiên Sa có những khối đá lớn nằm kề hoặc xếp chồng lên nhau, ẩn hiện giữa làn nước biển xanh trong và sóng biển trắng xóa. Ảnh: TĂNG TRUNG KIÊN
Không gian tại Tiên Sa là sự kết hợp hoàn hảo của tự nhiên. Nơi đây vẫn còn đó vẻ hoang sơ của non nước, mây trời. Ảnh: TĂNG TRUNG KIÊN
Làn nước trong xanh có thể soi thấy bóng của bầu trời. Ảnh: TĂNG TRUNG KIÊN
Đến Tiên Sa, du khách có thể tham gia đánh bắt hải sản tại chỗ. Ảnh: TĂNG TRUNG KIÊN
Đây là một bãi tắm lý tưởng, là nơi nghỉ dưỡng, thư giãn của mọi người sau khoảng thời gian làm việc căng thẳng. Ảnh: TĂNG TRUNG KIÊN
Ảnh: TĂNG TRUNG KIÊN
Nghỉ dưỡng, chữa lành - xu hướng du lịch trong năm 2024 Trong vài năm trở lại đây, cụm từ du lịch 'nghỉ dưỡng, chữa lành' được đề cập thường xuyên và thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Bởi lẽ, cuộc sống hiện đại ngày càng có nhiều áp lực, du lịch nghỉ dưỡng, chữa lành sẽ giúp mỗi người có thêm năng lượng, lấy lại cân bằng về thể chất...