Không xử phạt người mượn, thuê xe
Liên quan đến quy định tăng mức xử phạt lên tới 10 triệu đồng đối với chủ sở hữu phương tiện không làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu sau khi mua bán theo NĐ 71, đã có những thông tin giải thích chưa đầy đủ, rõ ràng khiến người dân hoang mang. Để làm rõ vấn đề này, chiều 12-11, PV Báo ANTĐ đã phỏng vấn Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH (Bộ Công an).
- PV: Thưa Thiếu tướng, mục đích của việc ban hành NĐ 71 là gì?
- Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: NĐ 71 sửa đổi bổ sung nâng cao mức phạt đối với một số hành vi vi phạm được quy định trong NĐ 34 đã được ban hành trước đó. Việc nâng cao mức xử phạt này mục đích không phải là thu tiền cho Nhà nước mà tạo sự răn đe, giáo dục đối với các trường hợp vi phạm nhất là những lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ùn tắc và TNGT. Nếu người dân chấp hành nghiêm điều đó cũng đồng nghĩa CSGT sẽ không phải xử phạt và chúng tôi luôn mong muốn điều đó.
- PV: Về quy định xử phạt chủ phương tiện không làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu sau khi mua bán, trao, tặng xe trong vòng 30 ngày được người dân hiểu là điều khiển xe không chính chủ đi ngoài đường sẽ bị xử phạt. Thiếu tướng có thể giải thích rõ hơn về quy định này?
- Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Đúng là trong những ngày qua do thông tin tuyên truyền đến người dân chưa được đầy đủ, cặn kẽ nên đã dẫn tới sự hiểu lầm không đáng có. Chúng tôi xin nhắc lại, CSGT chỉ xử phạt đối với chủ phương tiện không làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu sau khi mua, bán, trao tặng… xe chứ không xử phạt người điều khiển phương tiện đi mượn hay thuê. Trong gia đình vợ chồng, con cái đi xe của nhau hoặc bạn bè, người thân cho nhau mượn xe là chuyện hết sức bình thường miễn sao phương tiện đó phù hợp với loại giấy phép lái xe họ được cấp. Chúng tôi cũng đã có công điện gửi công an các địa phương hướng dẫn quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông nếu phát hiện người điều khiển phương tiện có đầy đủ giấy tờ, đăng ký xe do đi mượn, thuê của người khác sẽ không xử phạt lỗi không sang tên, chuyển quyền sở hữu. Ngay cả trường hợp đã mua bán, mà chưa sang tên trong khoảng thời gian 30 ngày như quy định thì lực lượng CSGT cũng chỉ nhắc nhở họ đi đăng ký, chứ không xử phạt.
CSGT Hà Nội giải thích, nhắc nhở người điều khiển phương tiện giao thông không chính chủ tại ngã tư Liễu Giai – Kim Mã (Ảnh chụp lúc 16h30 ngày 12-11-2012)
- PV: Tác dụng rõ ràng rất tốt, hiệu quả ở nhiều mặt vậy tại sao bây giờ chúng ta mới nâng mức phạt, siết chặt quản lý khâu vi phạm này?
- Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Từ năm 1995 chúng ta đã có các nghị định, quy định về mức xử phạt đối với những chủ phương tiện không làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Trước khi NĐ 71 được ban hành, hàng loạt các Thông tư của Bộ Công an cũng đã quy định rất cụ thể, cả mức xử phạt. Tuy nhiên, do mức xử phạt khi đó đều thấp nên người dân đã không thực hiện hoặc cũng vì lách luật để trốn thuế đối với phương tiện có giá trị cao. Việc tăng mức xử phạt đối với chủ sở hữu phương tiện không làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu sẽ có tác dụng giúp các cơ quan chức năng giám sát, quản lý chặt chẽ hơn phương tiện phục vụ hiệu quả công tác điều tra, giải quyết TNGT, các vụ án hình sự, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
- PV: Số lượng phương tiện hiện không đăng ký, sang tên chuyển quyền sở hữu trên cả nước là bao nhiêu, có cách nào kiểm tra, kiểm soát được những phương tiện này thưa Thiếu tướng?
- Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 30 đến 40% số lượng phương tiện không làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Việc xác định ngoài đường đối với phương tiện đã mua bán và chưa sang tên là rất khó khăn. Do vậy, trước mắt CSGT sẽ tập trung tuyên truyền. Nhưng sắp tới khi người vi phạm bị đưa về trụ sở giải quyết thì CSGT sẽ đối chiếu, kiểm tra dễ dàng hơn. Cục CSGT và CSGT các địa phương đã xây dựng hệ thống quản lý phương tiện điện tử. Đối với người mua đi bán lại xe trong vòng 30 ngày không thực hiện thủ tục trên, khi vi phạm Luật Giao thông, CSGT xử lý ở đơn vị sẽ xác minh, ra quyết định xử phạt. Thời gian trước do công tác xử lý chưa quyết liệt cộng với việc tuyên truyền chưa đạt yêu cầu nên vi phạm này tái diễn trong thời gian dài.
Video đang HOT
- PV: Nhiều người dân cho rằng mức phạt đối với hành vi này khá cao, điều đó sẽ khiến cho họ “cố tình” hoặc tìm cách “lách luật” để vi phạm?
- Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Quy định này đã ban hành từ lâu nếu ngay từ ban đầu người dân thực hiện nghiêm thì sẽ không có những vướng mắc nảy sinh. Luật, NĐ đã ban hành thì tất cả người dân đều phải thực hiện. Quá trình triển khai nếu vướng mắc đến đâu sẽ khắc phục đến đó. Hiện Bộ Công an cũng đã báo cáo Chính phủ đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm mức lệ phí trước bạ để tạo điều kiện cho người dân cũng như tăng cường công tác quản lý Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội góp giải pháp về “xử phạt xe không chính chủ”
Bên lề phiên họp nghị trường sáng qua (12-11), nhiều ĐBQH đã lên tiếng xung quanh vấn đề xử phạt xe không chính chủ, theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Phóng viên Báo ANTĐ đã ghi lại một số ý kiến của các ĐBQH.
ĐBQH Ngô Văn Minh (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam): Chính sách phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống
Tôi không nói cụ thể về quy định nào, nhưng có những ý tưởng tốt, lại không sát thực tế. Làm chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, tôi lấy ví dụ trước đây chúng ta làm chính sách về thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Khi đó nhiều ý kiến thắc mắc: “Làm gì có người 12 tuổi đã tham gia cách mạng?”. Tuy nhiên thực tế là có, 12 tuổi họ làm giao liên, rồi tham gia bỏ đất cát vào nòng súng Mỹ, cho hư hỏng khí tài. Có thể người soạn thảo mang học hàm học vị rất cao, nhưng vì ngồi một chỗ nên chính sách đưa ra thiếu hơi thở cuộc sống, và gây phản ứng.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đoàn ĐBQH TP.HCM): Không sang tên, đổi chủ – người mua chịu thiệt
Về cơ bản, nếu mua xe máy hay bất cứ tài sản nào có giá trị mà không làm thủ tục chuyển nhượng, thì bản thân người mua bị thiệt thòi vì bỏ tiền ra mà chưa được sở hữu tài sản. Theo tôi nếu người dân đưa ra được lý do chính đáng trong việc chậm sang tên đổi chủ phương tiện, thì vi phạm này không lớn, và cần xem xét khi xử phạt.
ĐBQH Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Không thể xử phạt người mượn xe
Quy định phạt nếu mua xe mà không sang tên đổi chủ là đúng, tuy nhiên việc thực thi cần có lộ trình, ví dụ như tạm hoãn chừng 6 tháng – 1 năm, trong khoảng thời gian này thì các chủ phương tiện phải hoàn thành nghĩa vụ sang tên, đổi chủ phương tiện của mình, sau quãng thời gian này có thể tiến hành xử phạt. Nhưng bất luận mọi trường hợp, không thể xử phạt người mượn xe. Rõ ràng nếu không vi phạm Luật Giao thông, có bằng lái xe và đăng ký xe thì không thể phạt người điều khiển. Cũng không nên yêu cầu người sử dụng xe chứng minh là mình đang đi mượn, cứ hễ ra đường, lại phải kèm theo một tờ giấy ủy quyền hay hộ khẩu gì đó… là rất không ổn. Còn đương nhiên như đã nói ở trên, anh đi xe mà chỉ có giấy ủy quyền công chứng đứng tên, chưa đăng ký lại thì phải đi làm thủ tục chuyển đổi theo đúng quy định, cố tình không làm thì bị xử phạt. Có một số cách quản lý việc sang tên, đổi chủ phương tiện như yêu cầu xe chính chủ mới được đăng kiểm. Có thể 1-2 lần đầu, người mua nhờ người bán đến đăng kiểm giúp, nhưng không thể nhờ mãi vì bất tiện cho cả 2 bên. Cuối cùng cũng sẽ phải sang tên đổi chủ phương tiện cho tiện Đối với trường hợp xe chuyển đổi qua nhiều đời chủ, không thể tìm ra người đứng tên trong đăng ký và đồng thời xe không có tranh chấp thì có thể áp dụng hình thức như nhà đất trước đây: “cắt” giai đoạn đầu, cho đăng ký mới với một chi phí hợp lý, hợp thức hóa chiếc xe theo luật.
Theo ANTD
Không xử phạt xe mượn hợp pháp
Sau một ngày thực hiện Nghị định 71 với lỗi phạt xe không sang tên đổi chủ, Đại tá Đào Vịnh Thắng - quyền Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền người dân. Tuy nhiên, nếu vi phạm lần hai sẽ bị xử phạt theo đúng quy định.
Sau ngày đầu ra quân xử phạt theo Nghị định 71 vào ngày 10/11, Đại tá Đào Vịnh Thắng - quyền Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết có 317 trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý. Trong đó, 55 trường hợp vi phạm về tốc độ, 29 trường hợp vi phạm đi sai làn đường, 18 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, cùng các lỗi vi phạm khác.
Đối với lỗi phạt không sang tên đổi chủ phương tiện, theo ông Thắng, do mới ngày đầu thực hiện nên lực lượng CSGT chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền người dân. Đặc biệt là đối với những trường hợp người ngoại tỉnh lần đầu về Hà Nội chưa nắm rõ về NĐ 71, người lớn tuổi, học sinh sinh viên, phụ nữ mới vi phạm lần đầu được nhắc nhở.
Tuy nhiên, nếu vi phạm lần hai sẽ bị xử phạt theo đúng quy định. Các trường hợp lạng lách, đánh võng, gây nguy hiểm cho người đi đường sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
CSGT Hà Nội chỉ nhắc nhở tuyên truyền trong ngày đầu bắt lỗi phạt xe không sang tên đổi chủ.
Ông Thắng cũng giải đáp thắc của đông đảo người dân về thủ tục sang tên đổi chủ. Theo đó, khoản 3 Điều 20 Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an Quy định về đăng ký xe: "Xe mua, bán, cho, tặng qua nhiều chủ trong cùng một tỉnh nhưng chưa làm thủ tục sang tên, sau đó người mua cuối cùng bán tiếp xe sang tỉnh khác thì người đứng tên trong giấy đăng ký xe hoặc người bán cuối cùng của tỉnh đó làm giấy khai sang tên di chuyển; nhưng chứng từ mua bán, cho, tặng xe phải đầy đủ, hợp lệ theo quy định".
Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12-10-2010 của Bộ Công an có quy định rõ về đăng ký xe, thủ tục sang tên. Thứ tự các bước gồm: Chủ xe xuất trình giấy tờ cá nhân; Giấy khai đăng ký xe; Giấy chứng nhận đăng ký xe; Chứng từ chuyển nhượng xe đúng quy định; Chứng từ lệ phí trước bạ đúng quy định;
Các chủ phương tiện sau khi mua, bán trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Bán xe xong, chủ phương tiện cũng phải có thông báo gửi đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện để có biện pháp phối hợp, hướng dẫn chủ mới làm thủ tục sang tên.
Trường hợp phương tiện được mua bán qua nhiều chủ, thì người đang sử dụng phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu và phải chịu mức xử phạt theo quy định.
Trường hợp mượn xe thì người mượn khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy tờ xe, bằng lái xe hợp lệ là được. Đối với người điều khiển ô tô còn phải có tem kiểm định, sổ kiểm định kỹ thuật an toàn. Những trường hợp cho mượn xe hợp pháp đi không vi phạm gì thì không bị xử lý.
Những trường hợp cho mượn xe hợp pháp đi không vi phạm gì thì không bị xử lý.
Với trường hợp người bán xe đã mất hoặc thất lạc giấy tờ thì người mua sau cùng không chứng minh được đấy là tài sản của mình sẽ không được đăng ký lại. Những trường hợp này khi bị phát hiện sẽ bị lập biên bản để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng CSGT cho thấy, Công an TP Hà Nội đã đăng ký, quản lý 4,8 triệu phương tiện xe cơ giới đường bộ, trong đó có trên 459 nghìn ô tô và hơn 4,4 triệu mô tô, xe máy. Tuy nhiên, trong 11 tháng của năm 2012 đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 560 trường hợp đến làm thủ tục sang tên đổi chủ đăng ký tên mình.
Theo Dân trí
Hãng cho thuê xe lớn nhất Mỹ vào Việt Nam Hiện có trụ sở tại 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, hãng cho thuê xe Hertz đã đặt chân tới Việt Nam. Đại diện cho Hertz tại Việt Nam là ITL, đối tác với tư cách là tổng đại lý kinh doanh. ITL là nhà cung cấp về dịch vụ hàng không, giao thông vận tải và hậu...