Không xóa khẩu người xuất cảnh quá 2 năm
Việc xóa (cắt) hộ khẩu gây nhiều khó khăn cho những người trong cuộc, mặt khác khi nhập hộ khẩu lại cũng không hề đơn giản, dễ dàng.
Sau buổi Ủy ban Thường vụ QH họp, cho ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cư trú (sáng 26/2), đại diện Ban Soạn thảo là Bộ Công an đã ngồi lại với Ủy ban Pháp luật của QH – cơ quan thẩm tra dự luật, thống nhất rút khỏi dự thảo quy định xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc người xuất cảnh từ hai năm trở lên. Thông tin trên được ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế – Bộ Công an, cho biết ngày 27/2.
Cắt và nhập: Nói nghe ngon, thực tế ngán
Trước đó, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH, bảo vệ cho quan điểm của mình trước những ý kiến không đồng tình với quy định trên, đại diện Bộ Công an nói: “Người đi nước ngoài hai năm chỉ xóa tên trong sổ hộ khẩu thôi, khi người ta về thì làm lại. Người đi tù cũng vậy, chỉ cắt khẩu một thời gian, khi về công an sẽ tạo điều kiện nhanh chóng nhập khẩu lại cho họ chứ có gì đâu!”. Thế nhưng thực tế việc cắt và nhập hộ khẩu không hề đơn giản, dễ dàng như vị này khẳng định.
Ông N.T.H (TP.HCM) cho biết: “Năm 2002 khi con trai tôi đi du học, cảnh sát khu vực đã đề nghị tôi nên cắt hộ khẩu của con cho gọn và để hỗ trợ địa phương trong quản lý nhân khẩu. Khi nào con trai tôi về nước, việc nhập lại hộ khẩu như cũ sẽ rất nhanh, đơn giản. Nghe giải thích đây chỉ là cắt hộ khẩu tạm thời và sau này thủ tục nhập lại cũng dễ dàng nên tôi đồng ý”.
Tuy nhiên, khó khăn về giấy tờ đã đến ngay sau khi cắt hộ khẩu không lâu – khi con trai ông làm lý lịch tư pháp số 3 (phiếu xác minh lý lịch tư pháp) tại Sở Tư pháp TP. “Vì con tôi đã cắt hộ khẩu tại TP nên Sở Tư pháp phải gửi hồ sơ lên tới Bộ Công an, chờ đợi xác minh cả hơn tháng trời mới xong. Trong khi cũng là giấy tờ đó nhưng do chưa cắt hộ khẩu nên chỉ trong vòng một tuần người bạn của nó đã làm xong thủ tục” – ông NLH cho hay.
Trên thực tế việc cắt và nhập hộ khẩu không hề đơn giản. Ảnh minh họa: HTD
Video đang HOT
Mãi mới té ngửa ra mình bị “cắt”
Gặp khó khăn hơn là trường hợp của anh Nguyễn Quang Vân (Hà Nội). Trước khi sang Pháp du học năm năm, anh cũng cắt hộ khẩu theo hướng dẫn của công an phường nơi anh cư trú. “Mới đầu nghe đi học mà phải cắt hộ khẩu, tôi cũng có phản ứng do xác định học xong quay về chứ có đi luôn đâu mà phải cắt với xóa. Nhưng rồi sau khi nghe giải thích rằng việc này chỉ là tạm thời trong thời gian mình vắng mặt và cũng muốn giấy tờ được nhanh chóng, thuận lợi nên tôi đồng ý” – anh Vân kể lại.
Đầu năm nay, sau khi học được hai năm anh Vân có ý định về nước lấy vợ rồi đi học tiếp vì… “cô ấy chờ tôi đã bốn năm rồi, không thể lâu hơn được nữa”. Nhưng khi tới phường xin giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân, phường trả lời hiện anh không còn hộ khẩu thường trú ở đó nên không thể xác nhận ngay tình trạng hôn nhân được. “Muốn làm thủ tục kết hôn hay chứng nhận bất cứ vấn đề gì trong thời gian này, tôi đều phải làm đơn xin xác nhận của lãnh sự Việt Nam tại Pháp. Tôi đã làm đơn theo hướng dẫn được hai tuần rồi nhưng chưa nhận được kết quả. Mất thời gian quá!” – anh Vân giãi bày.
Cũng theo anh Vân, việc cắt hộ khẩu khi đi du học không phải bây giờ mới được bàn mà nó đã được khá nhiều du học sinh phàn nàn từ nhiều năm trước. Có những người biết việc mình bị cắt hộ khẩu trước khi đi nhưng cũng có nhiều người cho tới khi học xong, về nước làm hồ sơ xin việc, thực hiện các thủ tục mua bán… mới té ngửa mình đã “bị cắt” từ đời nào rồi. “Không rõ người khác thì thế nào nhưng bạn tôi nói nhập lại hộ khẩu cũng không dễ dàng đâu, sau khi đi Nhật về cậu ấy nhập lại hộ khẩu và phải chờ đến mấy tháng, bổ sung đủ thứ giấy tờ mới xong, mất rất nhiều thời gian” – anh Vân cho biết thêm.
Nên xét theo lợi ích của dân
Một vị công an phường (đề nghị không nêu tên) cho biết trước năm 2007 đã có quy định việc xuất cảnh, đi tù phải cắt hộ khẩu. Tuy nhiên, từ sau khi có Luật Cư trú cho đến nay, chỉ các trường hợp như chết, bị tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết, ra nước ngoài định cư… mới phải xóa hộ khẩu. Nơi nào cắt hộ khẩu du học sinh, người đi xuất khẩu lao động nước ngoài từ hai năm trở lên đều là sai.
Vị này cho rằng việc quản lý hộ khẩu trong thực tế ngày càng phát sinh nhiều phức tạp, do đó quy định như trên cũng phần nào giúp cơ quan quản lý làm việc thuận lợi hơn. “Tuy nhiên, trước khi ban hành bất cứ quyết định nào, nhà làm luật cũng cần phải xem xét kỹ thực tế bằng việc xem quy định mình đưa ra có được người dân đồng thuận hay không. Đó là điều quan trọng” – vị này góp ý.
Theo luật sư Lê Văn Hoan, việc cắt hộ khẩu đối với các đối tượng trên có thể chỉ thuận lợi đối với cơ quan quản lý nhà nước nhưng lại gây nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân ngay cả trong những việc bình thường nhất (thừa kế, sang nhượng tài sản, khám chữa bệnh, học hành…). Bởi vậy, vấn đề ở đây không phải là cắt hay không cắt thì có lợi hoặc không có lợi hơn mà các nhà quản lý trước khi ban hành quy định nên dự liệu hết các tình huống cho phù hợp với thực tế để vừa thuận tiện trong quản lý, vừa không ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, trong đó lợi ích người dân phải được đặt lên hàng đầu.
Cân nhắc tâm lý xã hội nên rút
Dự thảo quy định như vậy xuất phát từ bản chất của thường trú. Anh thi hành án tù có thời hạn, tù chung thân thì rõ ràng thời gian đó đâu có thường trú tại địa chỉ cũ. Nơi thường trú mới phải là nơi học tập, cải tạo. Tương tự vậy, xuất cảnh ra nước ngoài hai năm thì thời gian đó đã là khá dài, không nên coi là đang thường trú ở hộ khẩu cũ.
Mặt khác, việc xóa tên khỏi hộ khẩu thường trú, sau đó đăng ký trở lại hoàn toàn dễ dàng. Việc thường trú của đương sự vẫn được lưu trong sổ cái nghiệp vụ của công an quản lý hộ khẩu địa phương, do đó rất thuận tiện cho việc trở lại hộ khẩu cũ. Luật hiện hành coi đây là một trường hợp đương nhiên được đăng ký thường trú, cho dù là ở nông thôn hay TP.
Tuy nhiên, cân nhắc tâm lý xã hội về quy định này, Bộ Công an thấy rằng với người thi hành án tù mà bị cắt hộ khẩu thì có thể gây tâm lý tiêu cực tới ý thức cải tạo, chưa kể là ảnh hưởng không hay tới chính gia đình, người thân họ. Tương tự vậy, người xuất cảnh ra nước ngoài có thời hạn thường vẫn xác định sẽ trở lại quê hương. Vì vậy, cơ quan soạn thảo rút nội dung này khỏi dự thảo.
Ông TRẦN THẾ QUÂN, Vụ phó Vụ Pháp chế – Bộ Công an
Theo 24h
Xóa tên thường trú nếu xuất cảnh quá 2 năm?
Sáng (26/2), thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Trong dự án có quy định xóa đăng ký thường trú đối với người xuất cảnh ra nước ngoài quá hai năm.
Tuy nhiên, quy định "xóa đăng ký thường trú đối với người xuất cảnh ra nước ngoài quá hai năm" không nhận được đồng tình của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Thứ nhất, việc sửa quy định xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp ra định cư ở nước ngoài thành quy định xóa đăng ký thường trú đối với người đã xuất cảnh từ 2 năm trở lên là chưa thực sự phù hợp, không bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và cũng chưa làm rõ được nội hàm của quy định này" - chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.
Ông Lý phân tích: "quy định này có áp dụng với cán bộ, công chức được cử đi làm việc ở nước ngoài, người đi lao động, học tập, chữa bệnh ở nước ngoài không? Thời hạn thực tế những người đã xuất cảnh ở nước ngoài chỉ tính thời gian ở nước ngoài liên tục hay tính từ khi xuất cảnh? Nếu tính thời gian liên tục kể từ khi xuất cảnh thì có gây khó khăn cho công dân khi ra nước ngoài học tập, lao động hay không, bởi lẽ quy định này tạo tâm lý cho người dân phải lo giữ hộ khẩu thường trú tại Việt Nam, nên trong quá trình học tập, lao động ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn 2 năm kể từ khi xuất cảnh để không bị xóa đăng ký thường trú. Hơn nữa, nếu xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này thì cơ quan nào có trách nhiệm quản lý đối với những người này; khi có những vấn đề liên quan đến họ thì sẽ xử lý như thế nào?".
Du học sinh Việt tại nước ngoài - Ảnh: tư liệu TTO
Vẫn theo phân tích của thường trực Ủy ban Pháp luật, quy định như dự thảo Luật sẽ gây ra nhiều khó khăn, phiền hà đối với người xuất cảnh không chỉ khi họ thực hiện các quan hệ dân sự như kết hôn, giao dịch mua bán tài sản, đăng ký quyền sở hữu...mà còn có thể ảnh hưởng đến việc bảo hộ quyền cho công dân Việt Nam trong trường hợp những người này tham gia vào quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự.
Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ cho rằng, đăng ký thường trú ở đâu thì công dân phải thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình ở đó, do vậy nếu đi quá hai năm thì tạm xóa rồi sau đó khi về đăng ký lại.
Nhưng lập luận của thứ trưởng Bộ Công an bị chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: "Cớ gì tôi đi nước ngoài mà ông ở nhà xóa tên tôi, đến quốc tịch mà tôi còn được giữ nữa là. Con người ta càng ngày càng tự do, tự do cư trú là quyền cơ bản. Tự do gì mà tôi vừa ra khỏi nhà đi nước ngoài một cái thì ông bảo ông xóa tên tôi trong sổ? Cái sổ của ông rất to, ông chỉ cần chú thích trong đó là tôi đi vắng, chứ làm gì phải xóa?".
Theo 24h
Dự luật cư trú thiên về cấm đoán Những quy định liên quan tới việc cấm, xóa đăng ký thường trú trong dự luật cư trú đã vấp phải phản đối trong buổi làm việc của Thường vụ Quốc hội sáng 26/2. Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những quan điểm chỉ đạo xây dựng dự luật là nhằm tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự...