Không xem nhẹ y tế học đường
Có lẽ chưa lúc nào công tác y tế học đường cần kíp như trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, khi học sinh sinh viên (HSSV) quay trở lại trường sau thời gian nghỉ Tết dài hơn nhiều so với mọi năm.
Ảnh minh họa
Khi được thăm dò ý kiến, câu nói cửa miệng của nhiều phụ huynh là: Tôi chỉ thực sự yên tâm khi môi trường học đường đảm bảo an toàn, các thầy cô giáo cũng như bộ phận nhân viên chăm sóc bán trú của nhà trường được tập huấn kỹ càng về việc phòng dịch Covid- 19.
Dẫu thế, khoảng trống của y tế học đường thời gian qua vẫn là mối quan tâm của xã hội. Mỗi năm cả nước có khoảng hơn 20 triệu HSSV, chiếm tỷ lệ khoảng 1/4 dân số. Trong quá trình trưởng thành của các em, y tế học đường đóng vai trò quan trọng, vì lứa tuổi đi học là giai đoạn hoàn thiện thể chất, tinh thần, hành vi lối sống. Hơn nữa trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay, môi trường trường học ẩn chứa không ít nguy cơ tiềm ẩn dễ phát sinh bệnh tật.
Song ghi nhận thực tế cho thấy chất lượng và số lượng cán bộ y tế không phải đơn vị trường học nào cũng được đáp ứng đầy đủ. Tình trạng “trắng” y tế học đường, coi y tế học đường chỉ là bước sơ cứu ban đầu, vai trò thứ yếu trong trường học… đang hiện hữu. Đặc biệt, những trường vùng cao, y tế học đường vẫn còn là vấn đề nan giải khiến HS chịu nhiều thiệt thòi.
Theo thống kê gần đây của Bộ GDĐT: Cả nước hiện có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, tuy nhiên tổng số nhân viên y tế trường học chỉ chiếm 74,9%, trong đó biên chế là 53,7%, hợp đồng là 21,2%. Số cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học là 25,1%, chủ yếu ở cấp học mầm non…
Ngành giáo dục cũng đánh giá, hơn 10 năm thực hiện chỉ thị của Bộ Y tế về chăm sóc sức khỏe học đường, công tác này vẫn chưa có những thay đổi vượt bậc ở hầu hết các địa phương. Tỉ lệ trường có phòng y tế mới đạt hơn 50%, cùng với đó chỉ có khoảng 55% số trường thực hiện quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của HS…
Nhiều bất cập đang tồn tại. Thông tư 13 quy định, nhân viên y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y trở lên, nhưng số trường có cán bộ đảm bảo trình độ chuyên môn này chỉ đạt khoảng 30%.
Video đang HOT
Thực tiễn công tác y tế trường học và gần đây khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đòi hỏi các nhà trường phải quan tâm tới công tác chăm sóc, giáo dục sức khỏe HS nhiều hơn nữa. Mỗi thầy cô giáo, cũng như HS cần phải có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống dịch bệnh.
Như vậy, y tế trường học không những cần trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… mà chất lượng cán bộ y tế phải đảm bảo được yêu cầu. Nhìn rộng ra, với xu thế các trường học tiến tới học ngày 2 buổi, hay bán trú thì vai trò nhân viên y tế nhà trường ngày càng trở nên quan trọng.
Phân tích từ các chuyên gia y tế và giáo dục cho rằng: Muốn y tế học đường không đóng vai trò “phụ”, có cho đủ… thì trước hết mỗi Ban giám hiệu nhà trường nên tạo điều kiện nâng tầm cho cán bộ y tế trường học cũng như đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, cần coi sức khỏe HS là đối tượng phục vụ đặc biệt.
Ngoài ra, chỉ khi nào các nhà trường đảm nhận tốt vai trò tổ chức, đáp ứng việc đảm bảo, nâng cao sức khỏe của HS bằng việc làm cụ thể từ tuyển dụng nhân viên, triển khai thiết thực các hoạt động có ích cho HS… , thì khi đó y tế học đường mới phát huy hiệu quả.
Vi Cầm
Theo daidoanket
Covid -19 hoành hành, dấy lên nỗi lo thiếu nhân viên y tế học đường
Thực tế cho thấy, không ít trường học trên cả nước vẫn thiếu nhân viên y tế, khiến nhà trường gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng cho học sinh; nhất là khi dịch bệnh do Covid -19 gây ra có những dấu hiệu bất thường.
Cơ sở y tế học đường chưa được đầu tư đúng mức để mang lại hiệu quả.
Người chịu thiệt là học sinh
Thầy Dương Minh Khả - Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Vĩnh Hội Đông (An Phú, An Giang) cho biết: Nhà trường được biên chế một nhân viên y tế học đường. Đầu năm học, nhân viên y tế học đường chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho học sinh và chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng chống dịch bệnh với ban giám hiệu.
Hiện tại, y tế học đường của trường được trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị y tế cần thiết nhằm đáp ứng chăm sóc sức khỏe và sơ cứu ban đầu cho học sinh. "Bình thường không có vấn đề gì, thậm chí nhiều người chưa ghi nhận hoặc đánh giá không cao về vai trò của y tế học đường, nhưng từ dịch bệnh như sởi, tay chân miệng hay Covid -19 gây ra mới thấy tầm quan trọng của y tế trường học như thế nào.
Thực tế này đã khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ, quan điểm về công tác y tế học đường", thầy Khả chia sẻ, đồng thời cho biết: Nhà trường chưa có phòng y tế riêng nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe hoặc sơ cứu ban đầu cho học sinh. Mong rằng, trong thời gian tới công tác y tế nói chung tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Quý Quân (Hà Quảng, Cao Bằng), thầy Hiệu trưởng Đàm Văn Tuyên cho biết: Nhà trường chưa có nhân viên y tế học đường. Công việc này được giao cho nhân viên văn thư kiêm nhiệm. Điều này khiến công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh gặp nhiều khó khăn, hạn chế và người chịu thiệt thòi chính là các em.
Thầy Tuyên dẫn giải, đơn cử như để ứng phó với dịch Covid-19, nếu như trường có nhân viên y tế học đường, họ sẽ nắm chắc chuyên môn, công tác phòng chống dịch bệnh của nhà trường sẽ chủ động hơn. "Nhưng vì không có nhân viên y tế, nên mọi việc chúng tôi đều phải chờ cấp trên hoặc phải phối hợp với trạm y tế để triển khai thực hiện. Hay như không may học sinh của nhà trường bị chảy máu chân, hoặc bị cảm cúm, ho, sốt, vì không có chuyên môn nên chúng tôi không dám cho các em uống thuốc, sơ cứu ban đầu mà phải đưa các em xuống trạm y tế xã", thầy Tuyên chia sẻ.
Cũng theo thầy Tuyên, thực tế cho thấy, y tế học đường có vai trò quan trọng, nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhà trường đã đề nghị bổ sung biên chế cho vị trí việc làm này nhiều lần nhưng chưa được đáp ứng. "Hy vọng, trong thời gian tới, đề nghị của chúng tôi sẽ được chấp thuận", thầy Tuyên nói.
Ảnh minh họa/ INT
Cần giải pháp hiệu quả và bền vững
Khẳng định, y tế học đường có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe và sơ cứu ban đầu cho học sinh, ông Nguyễn Minh Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang viện dẫn: Khi dịch bệnh Covid -19 xảy ra, nếu như có nhân viên y tế học đường chuyên trách, các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sẽ được nhà trường tổ chức thường xuyên, chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nhiều địa phương, trường học vẫn thiếu nhân viên y tế học đường. Điều này dẫn đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh gặp phải khó khăn nhất định. Chẳng hạn như việc kiểm tra răng miệng, cân nặng, chiều cao hoặc những vấn đề liên quan đến phát triển thể lực của học sinh sẽ không được thực hiện thường xuyên nên thiệt thòi cho các em. Hay những vấn đề về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe để học sinh phát triển thể lực nếu có nhân viên y tế học đường, họ sẽ làm tốt hơn và chuyên nghiệp hơn.
Cũng theo ông Tuấn, vì không có nhân viên y tế trường học nên khi cần phải can thiệp về chuyên môn như học sinh bị ốm, nặng hơn là những trường hợp bị chấn thương cần phải sơ cứu ban đầu dễ bị bỏ qua, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình chăm sóc và điều trị sau này, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Ngoài ra, đối với cán bộ quản lý, khi thiếu nhân viên y tế, họ sẽ lúng túng trong việc xử lý những tình huống đột xuất, bất ngờ có liên quan đến sức khỏe của học sinh, hoặc xử lý không được chuẩn vì không có chuyên môn.
Từ thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang Nguyễn Minh Anh Tuấn đề xuất: Ngành Nội vụ cần sớm có biên chế vị trí việc làm cho nhân viên y tế trường học. Đặc biệt với những trường nội trú, cần bảo đảm mỗi trường có một nhân viên y tế. Trong trường hợp chưa bố trí được biên chế thì ít nhất mỗi xã phải có một nhân viên y tế phụ trách trường học từ bậc mầm non đến THCS.
Theo ông Nguyễn Minh Anh Tuấn, hiện nay, một số trường học của tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện giải pháp hợp đồng nhân viên y tế hoặc trả thù lao cho cán bộ trạm y tế xã để thực hiện các nhiệm vụ về y tế học đường. Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời, điều chúng ta mong muốn là cần có giải pháp hiệu quả và bền vững.
Nếu như các trường có nhân viên y tế, việc chuyển tải thông điệp, biện pháp phòng chống dịch bệnh sẽ dễ dàng, sát với thực tiễn hơn. Nhưng vì không có nhân viên y tế nên ở một số trường, người được giao nhiệm vụ này chỉ thực hiện nhiệm vụ trung chuyển những khuyến cáo của ngành Y tế và Giáo dục. - Ông Nguyễn Minh Anh Tuấn
Minh Phong
Theo Giáo dục thời đại
Hà Tĩnh: Bị tố ép các trường mua phần mềm y tế học đường, trưởng phòng "họ nói rờ rờ" Vừa qua dư luận tại Hà Tĩnh xôn xao về thông tin Phòng GD-ĐT Can Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bị tố "ép" các nhà trường ký hợp đồng cung cấp phần mềm hệ thống quản lý y tế học đường. PV Infonet đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo phòng về sự việc này. Phòng Giáo dục - Đào tạo...