Không xem nhẹ dịch sốt xuất huyết
Thời tiết mưa nắng thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng.
Cơ quan chuyên môn CDC Hà Nội liên tục cảnh báo bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua trung gian là muỗi vằn chỉ sống ở những nơi nước đọng.
Bà Đỗ Thị Nhã (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ) vừa bị mắc sốt xuất huyết. Cả gia đình bà đều biết nguyên nhân lây truyền sốt xuất huyết là do muỗi vằn truyền bệnh. Thế nhưng bể nước mưa ngay trong sân nhà bà lại không đậy kín và không thả cá để diệt bọ gậy.
Bà Đỗ Thị Nhã kể: “Tôi cảm thấy người mệt mỏi. Bể nước mưa tôi cũng đã thả cá rồi nhưng ban kiểm tra về thì lại không thấy cá nữa. Hiện nay, tôi lại tiếp tục mua cá về bỏ vào bể nước mưa gia đình để diệt bớt bọ gậy”.
Bể nước mưa ngay trong sân nhà bà Nhã không đậy kín và không có cá để diệt bọ gậy.
Từ đầu năm đến nay, Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa Đống Đa đã điều trị cho trên 100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, riêng trong tháng 7 là 55 ca bệnh.
Theo các bác sĩ của bệnh viện thì dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ gia tăng mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 trong năm.
Video đang HOT
Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa Đống Đa đã điều trị cho trên 100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Dương Quốc Bảo, Phó trưởng Khoa truyền nhiễm – Bệnh viện đa khoa Đống Đa, cho hay: “Sốt xuất huyết có bốn tuýp, tuy nhiên mỗi năm đều có sự lưu hành của nhiều tuýp khác nhau. Năm nay có thể xuất hiện tuýp 1, 2 và 3.
Đối với người có biểu hiện như sốt, đau đầu, mệt mỏi mà nghi sốt xuất huyết thì bệnh nhân nên đi khám tại các cơ sở y tế nhằm chuẩn đoán sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh điều trị tại nhà xảy ra các biến chứng nguy hiểm”.
Toàn thành phố cần chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết ngay từ cộng đồng.
Tuần qua, toàn thành phố đã ghi nhận 125 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tăng 7 trường hợp so với tuần trước. 7 tháng đầu năm, Hà Nội đã ghi nhận trên 1.400 ca bệnh sốt xuất huyết.
Đắk Nông ngăn chặn dịch sốt xuất huyết
Trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát trong cộng đồng, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo ngành y tế, các cơ quan hữu quan, thành phố Gia Nghĩa, Ủy ban nhân dân các huyện chủ động phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, kịp thời ngăn chặn dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng.
Người dân tỉnh Đắk Nông hưởng ứng chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Từ ngày 1/1 đến ngày 28/7 vừa qua, toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 2.289 ca sốt xuất huyết; 123 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó 85 ổ dịch đã kết thúc và 38 ổ dịch đang hoạt động.
Dịch sốt xuất huyết xảy ra tại 58/71 xã, phường, ở tất cả 8 huyện, thành phố, có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại huyện Đắk R'Lấp. Trong đó, thành phố Gia Nghĩa là địa phương có số ổ dịch và số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh, với 70 ổ dịch và 1.255 ca mắc sốt xuất huyết, hiện còn 13/70 ổ dịch đang hoạt động.
Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Gia Nghĩa Nguyễn Trường Sinh cho biết, tình hình sốt xuất huyết tại địa phương đang tăng cao, phức tạp, có những ngày cao điểm có 40 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân là do diễn biến thời tiết bất thường, mưa nắng xen kẽ, nhiệt độ trung bình trong ngày khoảng từ 22 độ C-32 độ C chiếm phần lớn, là điều kiện thuận lợi để bọ gậy (loăng quăng), muỗi truyền dịch phát triển. Cùng với đó là ý thức của cộng đồng dân cư trong vệ sinh môi trường chưa tốt, còn để nhiều rác thải, dụng cụ chứa nước chung quanh nơi ở khiến muỗi truyền bệnh có nơi đẻ bọ gậy. Từ đầu năm đến nay đơn vị đã 3 lần phun thuốc diệt muỗi truyền dịch trưởng thành; tổ chức tuyên truyền đến người dân tập trung vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng dịch; phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, tổ chức ra quân các đợt chiến dịch vệ sinh môi trường... nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Trong thời gian tới, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn có khả năng vẫn gia tăng, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng do người dân còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống sốt xuất huyết, chưa chú trọng diệt bọ gậy tại hộ gia đình. Sự giao lưu đi lại của người dân tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nguồn lây bệnh, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông dân cư.
Thời tiết diễn biến phức tạp cũng là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển, khiến mầm bệnh dễ lây lan. Vì vậy, đơn vị đã chủ động nguồn nhân lực, vật tư y tế, tăng cường kiểm soát các ổ dịch đang hoạt động, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây... nhằm ngăn chặn dịch bùng phát trên diện rộng.
Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh Đắk Nông, số ca mắc sốt xuất huyết đến thời điểm này cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ các năm trước, cao gấp 2 lần so với chu kỳ sốt xuất huyết 5 năm trước. Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh hiệu quả, hoạt động phòng chống dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức của cộng đồng và hoạt động kiểm soát véc-tơ.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết là một trong những dịch bệnh do véc-tơ truyền bệnh có xu hướng lây lan nhanh nhất và trở thành vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu. Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và trong khu vực Tây Nguyên sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng và mở rộng phạm vi.
Nguyên nhân sốt xuất huyết tăng cao tại Đắk Nông được xác định do khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều đây là điều kiện thuận lợi để dịch tồn tại và phát triển. Sốt xuất huyết tập trung chủ yếu vùng ven đô thị, đô thị hóa gia tăng, mật độ xây dựng cao, điều kiện vệ sinh môi trường nhiều phế thải, rác thải, dụng cụ tích nước.
Mặt khác, do tâm lý chủ quan, ca bệnh phát hiện muộn, người dân không chủ động khai báo cho nhân viên y tế, không đến các cơ sở y tế để khám và tư vấn, bên cạnh đó Trung tâm Y tế thành phố Gia Nghĩa không có cơ sở điều trị, bệnh nhân phải nhập viện điều trị tại bệnh viện tỉnh, không quản lý được hệ thống y tế tư nhân trực tiếp khai báo bệnh truyền nhiễm qua phần mềm chuyên dụng.
Các ổ dịch xử lý chậm, không triệt để, không cập nhật diễn tiến ổ dịch từ khi phát hiện đến khi kết thúc, nên số ổ dịch còn có sai số. Công tác vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế, người dân và cộng đồng tham gia không tích cực, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại hộ gia đình, không thực hiện vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, còn chủ quan, ỷ lại vào việc phun hóa chất diệt muỗi.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông Võ Thị Ái Liễu cho biết, thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân chủ động triển khai các biện pháp diệt bọ gậy tại gia đình; huy động lực lượng đẩy mạnh công tác giám sát hỗ trợ các hộ gia đình thực hiện tốt công tác diệt bọ gậy định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó tập trung tại các ổ dịch đang hoạt động, không để dịch lan rộng, bùng phát; chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị và vật tư, hóa chất để can thiệp hỗ trợ những điểm nóng, tổ chức phun hóa chất chủ động tại các ổ dịch trên địa bàn, đồng thời kịp thời tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế mức thấp nhất các trường hợp tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm, tỉnh Đắk Nông chỉ đạo ngành y tế tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt xác định kịp thời ổ dịch, vùng nguy cơ cao và triển khai ngay các hoạt động xử lý chậm nhất trong vòng 48 giờ kể từ khi phát hiện ổ dịch hoặc vùng nguy cơ cao. Chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa phương, nhất là công tác xử lý ổ dịch, hoạt động diệt bọ gậy tại các hộ gia đình và cộng đồng.
Ngành y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết theo quy định; theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn. Bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, giường bệnh, thuốc chữa bệnh, dịch truyền, để phòng, chống dịch và điều trị bệnh sốt xuất huyết kịp thời; đồng thời, tăng cường, hỗ trợ các huyện, thành phố ngay sau khi có đề nghị.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Gia Nghĩa tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ngay tại gia đình và cộng đồng. Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại địa phương;chỉ đạo các xã, phường, thị trấn nghiêm túc triển khai hoạt động diệt bọ gậy theo lịch định kỳ đã đăng ký cho đến hết năm 2024.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, với quan điểm "phòng bệnh từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở", Đắk Nông đã và đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết lây lan trên diện rộng.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế thực hiện hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh, bảo đảm công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, nhất là với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong.
Tỉnh cũng thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh, chủ động kiểm soát không để dịch bệnh bùng phát tại địa phương.
Đồng thời, Đắk Nông đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, hướng dẫn, vận động người dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Đối với những trường hợp mắc và nghi mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không được chủ quan tự ý điều trị tại nhà, phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Dịch sốt xuất huyết đã giảm 1,6 lần so cùng kỳ năm 2023 Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết giảm 1,6 lần, 1 trường hợp tử vong (giảm 5 ca so với cùng kỳ). Ca mắc sốt xuất huyết...