Không xác minh được người bị đánh?
Tiếp xúc với báo chí vào 18 giờ ngày 19.12, anh Dương Văn Cao (23 tuổi, khai ngụ ở thôn Đình Tổ, H.Thường Tín, Hà Nội) cho biết đã bị một số cán bộ Công an huyện Thanh Trì tạm giữ, đánh đập bắt nhận tội cướp giật. Sau 3 ngày, anh này được thả ra và vào viện cấp cứu với chẩn đoán đa chấn thương phần mềm.
Anh Dương Văn Cao ở Bệnh viện đa khoa Thanh Oai – Ảnh: Hoàng Trang
Anh Cao nằm điều trị tại Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oai với nhiều vết trầy xước, bầm tím trên cơ thể. Tại vùng cổ tay và cổ chân có những vết trầy xước theo mô tả là bị cùm cứa vào. Tường trình về sự việc này, anh Cao nói khoảng 13 giờ ngày 13.12, anh đến một tiệm hớt tóc quen ở huyện Thường Tín để ngồi chơi. Một lúc thì có 4 người mặc thường phục dừng xe máy, đi vào tiệm. Một người đến chỗ Cao hỏi: “Cao à, mày biết tội gì chưa?”. Anh Cao trả lời không biết chuyện gì thì bị 4 người kia xông vào còng tay dẫn ra xe máy áp tải về trụ sở công an. Tại đây, Cao bị đánh bằng dùi cui, mục đích là bắt anh khai nhận có tham gia một vụ cướp giật. Vì bị đánh đau nên Cao đã nhận tội và được đưa ra thực nghiệm hiện trường, nhưng tất cả đều không khớp. Đến chiều ngày 16.12, sau khi được thả ra vì không có bằng chứng buộc tội, Cao thuê taxi đến Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oai.
Hồ sơ bệnh án thể hiện: khám lúc 23 giờ ngày 16.12, bệnh nhân có tình trạng tiếp xúc tốt, tỉnh táo nhưng trên cơ thể “các vùng bụng, lưng, đùi và sườn có nhiều vết bầm tím… sờ nắn bệnh nhân kêu đau nhức”. Chẩn đoán: đa chấn thương phần mềm.
Video đang HOT
Trả lời Thanh Niên sáng 20.12, thượng tá Nguyễn Thế Hùng, Phó trưởng Công an huyện Thanh Trì cho biết đã nhận được thông tin và đang tổ chức xác minh, yêu cầu cán bộ cấp dưới giải trình. “Tôi đang được đơn vị cử đi học nên sau khi có thông tin về sự việc, đã tổ chức anh em xác minh. Nếu có sai phạm thì quan điểm của lãnh đạo Công an huyện là xử lý nghiêm, không bao che dung túng”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, Công an huyện Thanh Trì cho rằng do anh Cao có hoàn cảnh gia đình phức tạp, không có chỗ cư trú ổn định nên công an không biết anh này ở chỗ nào để mời lên làm việc. Theo thông tin phóng viên nắm được cuối chiều qua thì hiện anh này cũng đã rời khỏi bệnh viện đi đâu không rõ.
THeo TNO
Truy tố nguyên giám đốc bệnh viện và 9 bị can trong vụ gian lận xét nghiệm
Sau 2 tháng tập trung điều tra, ngày 26.10, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 10 bị can trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (H.Hoài Đức, TP.Hà Nội).
Ảnh minh họa
Trong vụ án này, bị can Vương Thị Kim Thành, nguyên Trưởng khoa xét nghiệm cùng 7 bị can là kỹ thuật viên trưởng, kỹ thuật viên, nhân viên kỹ thuật hợp đồng, nhân viên xét nghiệm bị đề nghị truy tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Riêng 2 bị can Nguyễn Trí Liêm, nguyên Giám đốc và Nguyễn Thị Nhiên, nguyên Phó giám đốc bị đề nghị truy tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận điều tra, đầu tháng 6.2013, cơ quan công an nhận được đơn tố giác của một số cán bộ Bệnh viện đa khoa Hoài Đức về việc lãnh đạo bệnh viện này đã để cho bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ, rồi tự in ra nhiều kết quả từ một mẫu khác để gắn trả cho nhiều người bệnh. Quá trình điều tra xác định, từ 1.8.2012 đến 31.5.2013, Vương Thị Kim Thành cùng 7 nhân viên Khoa Xét nghiệm đã thực hiện 24.857 xét nghiệm huyết học, trong đó có 1.544 kết quả xét nghiệm bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú trùng nhau, mẫu bệnh phẩm trùng nhiều nhất là 4 kết quả, thấp nhất là 2 kết quả. Theo quy định Bộ Y tế, Trưởng khoa xét nghiệm là người phải kiểm tra lại kết quả xét nghiệm, ký trước khi trả kết quả cho bệnh nhân. Nhưng bà Thành không thực hiện công đoạn này, đồng thời còn để nhân viên trực tiếp in kết quả rồi đưa vào hồ sơ thanh toán BHYT.
Thực tế trong số 1.544 kết quả xét nghiệm trùng thể hiện trong 18 quyển sổ có 789 kết quả được thống kê vào BHYT; và trực tiếp thu của bệnh nhân không có BHYT là 16.569.000 đồng (789 x 21.000 đồng/kết quả).
Các bị can thừa nhận sai phạm nêu trên và cho rằng mục đích là để Khoa Xét nghiệm và các khoa khác đưa vào hồ sơ thanh toán BHYT, tăng nguồn thu cho bệnh viện (bệnh viện được hưởng 30%). Đáng chú ý, các bị can cho biết trước khi bị khởi tố đã được bà Thành, ông Liêm hướng dẫn nội dung khai báo với cơ quan điều tra, động cơ gian lận kết quả xét nghiệm là cho một số người thân quen để đưa vào hồ sơ học lái xe, xin việc làm... Việc làm này là tự phát không có ai chỉ đạo.
Đối với ông Nguyễn Trí Liêm và bà Nguyễn Thị Nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra kết luận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã buông lỏng quản lý, không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao; không kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của Khoa Xét nghiệm nên để xảy ra sai phạm có hệ thống trong thời gian dài nhưng không phát hiện được.
Cơ quan cảnh sát điều tra cũng làm rõ, đối với người tố cáo là bà Hoàng Thị Nguyệt đã ký 20 phiếu kết quả xét nghiệm huyết học trùng nhau. Tuy nhiên, xét việc bà Nguyệt đã chủ động tố giác sự việc và từ tháng 7.2012 bà này không thực hiện việc in trước các kết quả xét nghiệm, nên cơ quan cảnh sát điều tra không xem xét xử lý sai phạm của bà Nguyệt trong vụ án này.
Theo TNO
Lạc đà chui qua 'lỗ kim' đăng kiểm Một chiếc ụ nổi có tuổi đời gần 50 năm được thanh lý với giá sắt vụn đã được phù phép thành một con tàu đủ điều kiện hoạt động hàng hải rồi nhập khẩu về VN. Những hành vi này có sự đồng lõa, đổi trắng thay đen của cơ quan đăng kiểm. Minh họa: DAD Theo kết luận điều tra của...