Không vận dụng cứng nhắc quy định về cai nghiện ma túy
“Tôi đề nghị lực lượng Công an, Tòa án, Viện kiểm sát phối hợp với các ngành tấn công mạnh hơn nữa các loại tội phạm về ma túy như mua bán, vận chuyển, tàng trữ… Tòa án xử thật nặng các vụ án về ma túy”…
Đó là ý kiến của ông Trần Thọ – Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng tại buổi họp về giám sát giữa 2 kỳ họp của HĐND TP Đà Nẵng ngày 17/4.
Theo báo cáo của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP Đà Nẵng, từ ngày 20/8/2014 đến ngày 28/2/2015, cơ quan chức năng trên địa bàn đã phát hiện, bắt giữ 55 vụ, 85 đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy; thu giữ 4.012g ma túy tổng hợp, 20g heroin.
Bí thư Đà Nẵng phát biểu tại kỳ họp giám sát giữa 2 kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng
Các lực lượng chức năng đã mở đợt cao điểm rà soát, thu gom đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn thành phố để kiểm tra thử test nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng nghiện để đưa đi cai nghiện tập trung.
Tuy nhiên, số đối tượng nghiện đang ở cộng đồng vẫn còn nhiều (1.450 đối tượng) tạo nguồn cầu lớn về ma túy, “kích cầu” tội phạm ma túy, tội phạm có xu hướng gia tăng. Nhiều đối tượng nghiện cũng đã chuyển sang hoạt động phạm tội về ma túy bằng cách móc nối với các đối tượng ở các địa phương khác để hình thành đường dây vận chuyển, mua bán ma túy.
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/3/2015, toàn TP Đà Nẵng đã lập hồ sơ tổ chức cai nghiện cho 299 người, trong đó cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là 43 người, cai nghiện tại Trung tâm 05-06 là 256 người.
Video đang HOT
Hiện tổng số người đang cai nghiện tại Trung tâm 05-06 là 260 người, trong đó có 211 người Đà Nẵng, 49 học viên là người ngoại tỉnh và số học viên tại cơ sở quản lý là 30 người. Trong 211 học viên là người trong thành phố đang tập trung cai nghiện tại Trung tâm, số tái nghiện là 120 người và nghiện lần đầu là 91 người.
Công an TP Đà Nẵng bắt một vụ mua bán ma túy trên địa bàn
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các đại biểu HĐND, Bí thư Trần Thọ hoan nghênh và đánh giá cao các sở ban ngành đã vận dụng sáng tạo các quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay của TP Đà Nẵng.
Từ quy định của Trung ương, Đà Nẵng đã rút ngắn, loại bỏ bớt các thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian thực hiện việc đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung thông qua quy trình phán xử của toà án như luật đã quy định.
“Nếu chúng ta cứ làm theo quy định cứng như vậy thì làm sao đưa mấy trăm con người nghiện ma túy nặng ở ngoài xã hội vào trại được”, ông Trần Thọ nói. Bí thư Đà Nẵng cho rằng, vì mục tiêu chung là không để người nghiện ma túy gây tác động xấu ngoài cộng đồng nên nhiều cán bộ đã dám làm dám chịu trách nhiệm về việc đưa ra lệnh cai nghiện quản chế.
Ông Thọ tâm sự với các đại biểu HĐND: “Đã có lần tôi đã nói với lãnh đạo thành phố là tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm về việc này đối với Chính phủ, với Trung ương. May mà dân hoan nghênh, đồng thuận”.
Theo Bí thư Đà Nẵng, người nghiện ma túy không phải là tội phạm, họ là người nghiện ma túy thôi, là bệnh nên mới đưa vào Trung tâm để điều trị. Làm được như thế là một cố gắng rất lớn, góp phần giảm thiểu số người nghiện ở ngoài xã hội.
Theo Chánh án TAND TP Đà Nẵng – ông Nguyễn Thành, để thực hiện việc xử lý người nghiện qua xét xử, TAND TP đã cử đoàn lên tận Trung tâm 05-06 và các quận huyện để mở phiên họp “phán xử” người nghiện sau khi thu gom, nhưng khó khăn nhất hiện nay là kinh phí đi lại vì UBND TP mới chỉ giải quyết tiền xe đi lại được 10 triệu đồng/tháng. Số tiền này không đủ để đổ xăng, thuê xe chở đoàn cán bộ tòa án đi xử.
Khi nghe ông Nguyễn Thành phản ảnh, ông Nguyễn Thanh Sang – Giám đốc Sở Tài chính – cho biết, trong tháng 2 vừa qua, Sở đã chi đến 250 triệu đồng chứ không phải 10 triệu. Tuy nhiên, theo Chánh án Nguyễn Thành thì Sở Tài chính chi 250 triệu đồng nhưng không nói chi cụ thể cho việc thuê xe để đi “xét xử” người nghiện.
Nói về kinh phí để giải quyết vấn đề này thì Bí thư Trần Thọ đề nghị Sở Tài chính cấp kịp thời và cấp đủ thực tế. Đừng có tiếc mấy cái này thì nó mất cái lớn hơn. Ông cũng đề nghị đối với tội phạm về ma túy phải xử mạnh, xử tột khung, không có chần chừ do dự gì cả.
Bí thư Đà Nẵng cũng lo ngại, thực tế, ngoài cộng đồng, số người nghiện vẫn còn rất lớn. Số người này nếu không quản lý tốt, không có các giải pháp tích cực thì khả năng cao sẽ nhân rộng ra, số người nghiện phình lên.
“Nhân đây, chúng tôi cũng nhờ các cơ quan thông tấn báo chí lên tiếng phản ánh khó khăn là quy định buộc phải giám định hàm lượng ma túy trong các vụ bắt giữ tội phạm ma tuý mà cả nước chỉ có một điểm xét nghiệm này ở ngoài Hà Nội. Vụ án lớn nhỏ không biết, cứ phải “đứng xếp hàng” đưa ra ngoài Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả rồi về mới xử được. Việc này quá trì trệ, đáng lẽ để cho địa phương tự bỏ tiền ra mua máy móc về, các cơ quan chức năng đào tạo, huấn luyện rồi địa phương tự làm cho nhanh. Cái này rất bất hợp lý” – Bí thư Trần Thọ thẳng thắn nêu quan điểm.
Công Bính
Theo Dantri
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Cao Bằng và Lạng Sơn
Từ ngày 14-16/4, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh ủy Cao Bằng và Lạng Sơn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi làm việc, thường trực tỉnh ủy Cao Bằng kiến nghị: Trung ương bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh; Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, tham mưu, đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005 và các luật có liên quan theo hướng hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thương mại biên giới; đề nghị xây dựng cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội, có tính đến kết nối với Cao Bằng; nâng cấp Cửa khẩu Trà Lĩnh thành Cửa khẩu Quốc tế; đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải 2 nước Việt - Trung đề nghị Chính phủ 2 nước bổ sung tuyến vận tải quốc tế kết nối giao thông từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc đến Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc) qua Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) đến Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng vào Hiệp định vận tải đường bộ quốc tế.
Tỉnh Lạng Sơn cũng đã kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét hỗ trợ vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng đường trục trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn để thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, đô thị với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng. Đồng thời sớm đẩy nhanh tiến độ khởi công đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, ưu tiên bố trí vốn đầu tư hoàn thành đường tuần tra biên giới...
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn trong thời gian qua. Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn là hai tỉnh miền núi biên giới phía Bắc thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, giữ được tốc độ tăng trưởng bền vững, cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ - du lịch. Hoạt động xuất nhập khẩu đạt hiệu quả tích cực...
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Cao Bằng hoàn thiện thêm báo cáo nêu rõ một số vấn đề như quy hoạch, chính sách thương mại biên giới, kết cấu hạ tầng, sắp xếp bố trí dân cư, thị trường lao động - hàng hóa... Đối với Lạng Sơn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, những hạn chế mà Lạng Sơn gặp là khó khăn chung hiện nay. Xu thế phát triển của Lạng Sơn cho là tất yếu, không có gì ngăn cản. Nhiều tiềm năng, lợi thế trong thời gian tới, hy vọng Lạng Sơn sẽ có phát triển hơn. Đồng thời, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị tỉnh Lạng Sơn hoàn thiện thêm báo cáo về những nội dung đã nêu trong buổi làm việc để Ban Kinh tế Trung ương có kế hoạch tổng thể trong thời gian tới.
Thanh Liêm
Theo Dantri
Thủ tướng: Biến thách thức thành cơ hội, làm giàu trên mảnh đất khó Ngày 13/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra tình hình khô hạn, việc triển khai nhiệm vụ chống hạn tại tỉnh Ninh Thuận và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Không để người dân vùng hạn bị đói, khát Thủ tướng kiểm tra một điểm cung cấp nước sạch cho...