Không tùy tiện lập quỹ để ép học sinh đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện
Các khoản thu theo thỏa thuận và những khoản đóng góp hỗ trợ tự nguyện của nhà tài trợ trong các trường phải thực hiện quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả.
Ngày 13/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình có văn bản hướng dẫn việc thu, sử dụng các khoản thu khác (khoản thu ngoài ngân sách nhà nước cấp) trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và trung tâm giáo dục – dạy nghề trong năm học 2019-2020.
Ngành giáo dục Quảng Bình quy định rõ các khoản thu trong trường học để tránh nạn lạm thu. Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn
Cụ thể, hướng dẫn các trường về các khoản thu theo quy định của nhà nước được phép thu như: mức thu học phí, tiền giữ xe đạp, xe đạp điện, bảo hiểm y tế…
Đối với vấn đề dạy thêm, học thêm thì việc thu tiền (bao gồm ôn luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia ngoài chương trình chính khóa) trong các trường thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điển hình là mức chi tiền học thêm để chi trả cho 1 tiết dạy thêm cấp trung học phổ thông không quá 150.000 đồng/tiết học (đối với các trường ở đồng bằng) và 120.000 đồng/tiết học (đối với các trường ở miền núi);
Mức thu này do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của địa phương nhưng phải bảo đảm nguyên tắc: thu đủ bù chi và tự nguyện đăng ký học thêm của người học.Cấp trung học cơ sở không quá 100.000 đồng/tiết học (đồng bằng) và 70.000 đồng/tiết học (miền núi).
Các khoản thu theo thỏa thuận và đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh để hỗ trợ trực tiếp các trường theo tinh thần xã hội hóa giáo dục là cần thiết nhưng phải thực hiện đúng quy trình.
Trong đó, vào đầu năm học các trường bàn bạc, thỏa thuận với ban đại diện cha mẹ học sinh bằng văn bản; thông qua hội đồng giáo dục.
Nhưng phải bảo đảm đúng nguyên tắc (tự nguyện, thu đủ bù chi, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, thu nhập trên từng địa bàn; mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi); đối với đơn vị trực thuộc phải báo cáo Sở để thẩm định kế hoạch trước khi thực hiện.
Những khoản thu theo thỏa thuận và đóng góp tự nguyện bao gồm: tiền học Tin học cho học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5;
Tiền học Tiếng Anh chương trình làm quen cho trẻ mầm non và học sinh lớp 1, lớp 2; Tiếng Anh tăng cường cho học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5; Tiếng Anh do người nước ngoài giảng dạy (nếu có);
Tiền học phẩm cho học sinh mầm non, tiền nước uống tinh khiết, tiền phù hiệu, sổ liên lạc, thẻ bạn đọc, giấy kiểm tra học kỳ…
Ngoài ra, các khoản tiền phục vụ các lớp bán trú như: tiền ăn, chăm sóc bán trú (bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng;
Nhân viên phục vụ công tác bán trú); trang thiết bị phục vụ bán trú, tiền hợp đồng lao động… cũng phải có sự thống nhất với cha mẹ học sinh.
Đối với những khoản đóng góp hỗ trợ tự nguyện của nhà tài trợ, Sở yêu cầu các trường cần làm tốt công tác vận động, khuyến khích các nhà tài trợ có điều kiện, nguyện vọng được đóng góp hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho đơn vị, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc:
Tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân; Không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Video đang HOT
Đối với những khoản đóng góp kinh phí của cha mẹ học sinh cho hoạt động của ban đại diện thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong đó, mức vận động tối đa kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: cấp học mầm non là 11% mức lương cơ sở; cấp tiểu học 13%; cấp trung học cơ sở 14%; cấp trung học phổ thông 15%.
Đây là khoản thu có được từ sự ủng hộ của cha mẹ học sinh cho ban đại diện, các trường không trực tiếp quản lý kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện thu, chi phải bảo đảm dân chủ, công khai; Không quy định các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Sở cũng lưu ý, các khoản thu theo quy định, các khoản thu theo thỏa thuận và những khoản đóng góp hỗ trợ tự nguyện của các nhà tài trợ trong các trường phải thực hiện quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả.
Không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện; không được thu thêm các khoản thu ngoài quy định.
Các khoản thu nên chia thành nhiều đợt, thực hiện giãn thời gian thu, thời điểm thu để giảm gánh nặng đầu năm học cho người học và gia đình người học (được thỏa thuận thống nhất giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh).
Các khoản thu phải được công khai để mọi người biết, giám sát và thực hiện. Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu việc thực hiện thu và sử dụng các khoản thu khác sai qui định phải trả lại người nộp.
Đồng thời, các trường học không được thông báo, hướng dẫn, không trực tiếp thu, quản lý, sử dụng các khoản thu của các tổ chức (quỹ đoàn, quỹ đội, quỹ hội, quỹ khuyến học khuyến tài, quỹ ban đại diện cha ẹm học sinh; hội phí chữ thập đỏ…);
Không thu tiền mua học bạ (tiền mua học bạ do kinh phí chi thường xuyên chi trả).
NGUYÊN PHONG
Theo giaoduc.net
Hơn 3.800 giáo viên Hải Dương phấn khởi vì được kéo dài hợp đồng
Hơn 3.800 giáo viên, nhân viên hợp đồng tại tỉnh Hải Dương phấn khởi khi tỉnh này cho phép các nhà trường kéo dài hợp đồng đến khi tổ chức tuyển dụng xong.
Ngày 6/9/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành công văn số 3121 thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc bố trí giáo viên, nhân viên hợp đồng trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2019-2020.
Theo công văn này, Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thực hiện kéo dài hợp đồng với số lao động hợp đồng của năm học 2018-2019 đến khi tổ chức tuyển dụng xong.
Giáo viên phấn khởi, yên tâm công tác
Cùng với việc được kéo dài hợp đồng, các giáo viên hợp đồng được thanh toán tiền công, kinh phí đóng bảo hiểm xã hội các tháng 6,7,8 năm 2019 và mức khoán kinh phí tương ứng đối với từng cấp học theo quy định của tỉnh.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục còn được phép tạm thời hợp đồng vụ việc trả theo tiết dạy (giờ làm việc) thực tế đối với người lao động cho đến khi tuyển dụng xong nếu vẫn còn khối lượng công việc chưa có người đảm nhiệm.
Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cho phép các nhà trường kéo dài hợp đồng đối với các giáo viên đến khi tuyển dụng xong (Ảnh: Lã Tiến)
Công văn 3121 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương là tin vui đối với các giáo viên hợp đồng đang công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tại tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, chỉ đạo này của tỉnh đã kịp thời tháo gỡ khó khăn về việc thiếu giáo viên cho nhiều trường, nhất là các trường mầm non, tiểu học khi năm học mới bắt đầu.
Cô giáo Hứa Thị Mai là giáo viên dạy hợp đồng hơn 7 năm tại Trường mầm non Kim Lương (huyện Kim Thành).
Cô giáo Mai là một trong 7 giáo viên hợp đồng của nhà trường. Từ ngày đón nhận tin vui được tiếp tục ký hợp đồng, cô Mai cùng các đồng nghiệp như trút bỏ gánh nặng.
Cô giáo Mai phấn khởi nói: "Thân phận giáo viên hợp đồng như chúng em luôn thấp thỏm lo âu vì cứ hết năm học là bị cắt hợp đồng.
Suốt 3 tháng hè, chúng em như "ngồi trên đống lửa", hồi hộp chờ đợi một quyết định sáng suốt của Ủy ban nhân dân tỉnh để chúng em yên tâm công tác.
Và rồi, tin vui đã đến với chúng em ngay những ngày đầu năm học mới. Chúng em lại tiếp tục được đi dạy, lại được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà".
Theo cô giáo Hứa Thị Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Kim Lương, các giáo viên hợp đồng mừng một thì Ban giám hiệu nhà trường mừng gấp bội.Không chỉ vui mừng vì tiếp tục được ký hợp đồng, những giáo viên như cô Hứa Thanh Mai cảm thấy bớt thiệt thòi vì được thanh toán tiền công trong 3 tháng hè.
Trong bối cảnh thiếu giáo viên như hiện nay, nhà trường cũng trút bỏ gánh nặng vì có đội ngũ giáo viên đầy đủ đáp ứng nhiệm vụ dạy và học.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, năm học 2019-2020, toàn tỉnh có hơn 3.800 giáo viên, nhân viên hợp đồng, trong đó có gần 3.400 giáo viên được kéo dài hợp đồng lao động.
Đồng thời, toàn tỉnh tăng 353 lớp và giáo viên nghỉ hưu, chuyển công tác nên các trường có nhu cầu ký hợp đồng lao động mới với hơn 900 giáo viên.
Theo công văn 3121 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, các chế độ, chính sách, tiền công của giáo viên hợp đồng năm học 2019-2020 được thực hiện theo quy định tại Công văn số 3541 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Theo đó, mức khoán đối với giáo viên mầm non là 24.700 đồng/giờ; giáo viên tiểu học 43.000 đồng/tiết; giáo viên trung học cơ sở là 55.000 đồng/tiết và giáo viên trung học phổ thông là 68.000 đồng/tiết.
Ngay sau khi nhận được công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thành phố đã thực hiện rà soát danh sách giáo viên hợp đồng đã ký hợp đồng kéo dài từ năm học trước sang năm học này.
Từ đó kịp thời thanh toán tiền công trong 3 tháng hè cho các giáo viên và ký hợp đồng bổ sung giáo viên nhằm đáp ứng tốt nhu cầu dạy học.
Giáo viên mong sớm được tuyển dụng
Cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Vũ (huyện Cẩm Giàng) cho biết, cô ký hợp đồng lao động từ năm 2012.
Cũng như các giáo viên hợp đồng khác, cô Thu mong muốn tỉnh Hải Dương sớm tổ chức tuyển dụng biên chế để yên tâm gắn bó với nghề; được hưởng chế độ, chính sách tốt hơn.
"Nhiều năm nay, chúng tôi rất thiệt thòi so với giáo viên trong biên chế, nhưng vì lòng yêu nghề, nhiệt huyết chúng tôi vẫn cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.
Năm học 2018-2019, chúng tôi chỉ được trả tiền công theo mức khoán của tỉnh, còn không có chế độ đứng lớp mặc dù thời gian, công sức, tâm huyết bỏ ra không thua kém đồng nghiệp", cô Thu nói.
Được tiếp tục ký hợp đồng, các giáo viên hợp đồng tại Hải Dương phấn khởi, mong muốn sớm được tuyển dụng để yên tâm công tác (Ảnh: Lã Tiến)
Theo cô giáo Đặng Thị Nhâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Kim Khê (huyện Kim Thành), nhà trường có 3 giáo viên hợp đồng, trong đó có 2 cô hợp đồng từ năm 2013 và một cô hợp đồng từ năm 2017.
"Khi các cô giáo được tiếp tục ký hợp đồng, các cô vui đã đành, nhà trường như giải tỏa được tâm lý.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhà trường có hơn 10 nhóm lớp song chỉ có 16 giáo viên (tính cả 3 giáo viên hợp đồng).
So với quy định, nhà trường vẫn còn thiếu 4 giáo viên. Do đó, ban giám hiệu nhà trường cũng mong muốn Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện để các giáo viên hợp đồng được tuyển dụng để giúp các cô yên tâm công tác.
Đồng thời giao thêm chỉ tiêu biên chế cho nhà trường để bảo đảm đủ định mức giáo viên, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, dạy dỗ trẻ", cô Nhâm chia sẻ.
Do đó, cán bộ quản lý cũng như giáo viên hợp đồng đều mong muốn Ủy ban nhân dân tỉnh sớm tuyển dụng biên chế để ổn định lực lượng giảng dạy; cho các trường tuyển đủ giáo viên theo nhu cầu thực tế.Được biết, nhiều năm nay, chế độ, chính sách đối với giáo viên hợp đồng tại tỉnh Hải Dương không ổn định.
Việc này sẽ giúp nhà trường bố trí, sắp xếp, phân công chuyên môn, bảo đảm điều kiện dạy học. Giáo viên cũng không phải vừa dạy học vừa lo năm tới bị cắt hợp đồng.
Bên cạnh đó, khi tuyển dụng biên chế, tỉnh cần có hình thức phù hợp để tránh thiệt thòi cho họ, nhất là những giáo viên hợp đồng đã có thời gian công tác lâu năm, có nhiều đóng góp, thành tích.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, sở này và các ngành liên quan đang tham mưu đề xuất với tỉnh tuyển dụng biên chế giáo viên theo hai hình thức.
Một là, giáo viên ký hợp đồng lao động trước ngày 1/1/2016 thuộc diện trong biên chế và được đóng bảo hiểm xã hội sẽ xét tuyển vào cuối năm 2019.
Các giáo viên hợp đồng khác sẽ được tuyển dụng theo hình thức thi tuyển vào năm 2020.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net
Năm nào cũng góp tiền sắm máy chiếu, máy điều hòa Trên danh nghĩa đóng góp tự nguyện nhưng thực chất có những khoản thu đầu năm không đóng không được vì đánh vào nhu cầu cần thiết của học sinh như máy lạnh, máy chiếu... Những ngày qua, Báo Người Lao Động nhận được phản ánh của phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Đống Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM)...