Không tự ý mua thuốc Tamiflu điều trị cúm
Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu điều trị cúm cho trẻ.
Tháng 6 trở về trước thuốc Tamiflu trên thị trường có giá bán phổ biến khoảng 450.000 đồng/hộp, đến nửa đầu tháng 7 tăng lên 520.000 đồng/hộp. Tại một số cửa hàng thuốc ở khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), các nhà thuốc đều “cháy” mặt hàng Tamiflu và chưa hẹn ngày có thuốc để bán. Một số cửa hàng trả lời thẳng, giá thuốc tăng cao không phải do hãng cung cấp tăng giá mà do tình trạng các mối buôn ôm hàng, tác động tới thị trường.
Ngoài ra kit xét nghiệm cúm A cũng được rao bán đầy rẫy trên các chợ thuốc online với giá từ 70.000-80.000 đồng/hộp. Chủ một hàng thuốc tại phố Khâm Thiên (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày, cửa hàng này bán 40-60 kit test, thậm chí nhiều thời điểm hết hàng.
Trẻ mắc cúm A điều trị tại BV Nhi Trung ương. (Ảnh: Tiền phong)
TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu cho trẻ sử dụng.
Video đang HOT
“Đây là thuốc dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào dịch cúm A/H1N1 năm 2009 cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ kể từ lúc có triệu chứng sốt thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng. Cách đây vài năm, tại một hội nghị cúm ở Singapore, một báo cáo cho biết, sau năm ngày dùng Tamiflu, vẫn có tới gần 60% số em bé có virus cúm ở trong họng, sau mười ngày vẫn còn 30-40%”, bác sĩ Hải thông tin.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai): “Cúm là bệnh thông thường, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Một số trường hợp nặng có thể gây biến chứng như co giật, tổn thương gan, thận, phổi, gây tử vong nhanh do suy hô hấp và viêm cơ tim. Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi; người trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ bị virus cúm tấn công nhất. Ngoài ra, cần lưu ý những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, thiếu máu, suy giảm miễn dịch…”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM) cho rằng không thể xem đây là loại cúm mới hay cúm lạ. Việc số lượng lớn bệnh nhân cúm A được xác định xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng thấp do trẻ trong hơn hai năm qua ít mắc bệnh, nhiều gia đình cũng không tiêm ngừa vaccine cúm. Thứ hai, trước đây kit test không được dùng đại trà như bây giờ nên có thể không “vạch mặt, chỉ tên” các ca mắc cúm A.
“Không nên quá lo lắng về cúm A mà hãy ứng xử với căn bệnh này như khi trẻ sốt, viêm đường hô hấp trên thông thường. Cha mẹ cần theo dõi, nếu trẻ tỉnh táo, bệnh có thể tự hết. Nếu ho nhiều, sốt cao thì phải đưa đi bác sĩ để thăm khám. Cúm A hay không cúm A không quan trọng, cuối cùng vẫn phải theo dõi sát diễn biến bệnh ở trẻ và tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ”, bác sĩ Khanh phân tích.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân tiêm vaccine phòng cúm mùa hằng năm với người từ 6 tháng tuổi trở lên; hầu hết các chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh. Bên cạnh đó, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Hải nhấn mạnh, thực tế, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống thuốc này mà bệnh sẽ tự khỏi. Hơn thế, việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc này thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng. Sau 48 giờ, bệnh nhân cúm chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng. Thuốc Tamiflu không dùng đại trà vì đa số người mắc cúm tự khỏi.
Bác sĩ cũng lưu ý người dân cần hết sức cẩn thận vì thuốc có tác dụng phụ. Các chuyên gia dịch tễ chung quan điểm không nên lạm dụng mua kit test để kiểm tra tại nhà vì không cần thiết. “Vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm A là phải chú ý hạ sốt cho trẻ, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế người lớn tiếp xúc với em bé làm bé có bội nhiễm cao hơn. Cùng với đó, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng đề kháng ở trẻ”, bác sĩ Hải khuyến cáo.
Cúm A tăng 'bất thường' vào mùa hè tại miền Bắc có đáng lo ngại ?
Những ngày qua, nhiều bệnh viện tại miền Bắc ghi nhận bệnh nhân mắc cúm A gia tăng. Sở Y tế Hà Nội cho biết đến nay đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc cúm A.
Bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN
Thông tin tại hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 21-7, đại diện Sở Y tế Hà Nội thông tin, từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 2.065 trường hợp cúm A. 4 tháng đầu năm 2020, mỗi tháng ghi nhận dưới 400 ca/tháng, tháng 5 lên 556 ca, tháng 6 tăng gần 900 ca/tháng.
Cũng thông tin về dịch cúm A, TS Nguyễn Lương Tâm, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thời gian qua nhiều tỉnh, thành ghi nhận các trường hợp cúm nhập viện gia tăng, trong đó phần lớn là các chủng cúm A thông thường, không có độc lực cao như H5N1, H5N6, H5N8.
"Chúng ta cần tăng cường giám sát trọng điểm, phát hiện các ca bệnh tại cộng đồng, xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh và truyền thông để người dân hiểu và dự phòng", TS Tâm nói.
Về tình hình các ca cúm A mắc chủng thường nhưng vẫn tăng nhanh, TS Tâm nói: "Theo tôi, một năm ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca không phải tăng đột biến. Tại Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm số ca mắc cúm A thấp hơn năm ngoái. Hà Nội cũng tăng nhẹ và chưa nằm ngoài kiểm soát của ngành y tế".
Lý giải về việc bệnh nhân cúm A tăng trong mùa hè, TS Tâm phân tích: "trong 2 năm dịch COVID-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm A ít. Tuy nhiên sau khi khống chế được COVID-19, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng.
Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết thay đổi thất thường cũng khiến bệnh phát triển. Tuy nhiên đến nay, chúng ta chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A, các ca phần lớn đều có triệu chứng nhẹ".
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - thứ trưởng Bộ Y tế cũng nói thêm: "cúm chủ yếu 2 chủng là H3N2 và H1N1 đây là những chủng đã có vắc xin để dự phòng. Cho đến nay, hệ thống giám sát chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8.
Thời gian qua thông tin trên truyền thông cúm A gây lo lắng cho người dân, thông tin lại chính xác hơn đảm bảo sự an tâm cho người dân.
Số nhập viện xu hướng tăng để phòng chống bệnh này chúng ta tăng cường giám sát phát hiện các chủng mắc, các ổ mắc, xác nhận các tác nhân gây bệnh, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồn khám sàng lọc để tăng hiệu quả khám chữa bệnh.
Bệnh cúm không có sự khác biệt so H3N1, H1N1. Đây là những chủng cúm có vắc xin phòng bệnh. Chưa ghi nhận cúm A có độc lực cao", bà Hương nhấn mạnh.
Ca bệnh cúm A gia tăng, 'loạn giá' thuốc Tamiflu Thời gian gần đây, ca bệnh cúm A tăng nhanh khiến thị trường thuốc Tamiflu điều trị cúm cũng "nhảy múa". Nhiều nơi giá thuốc tăng cao với giá từ 65.000 - 80.000 đồng/viên. Tuy nhiên, có phải ai mắc cúm cũng cần phải uống Tamiflu? Thuốc Tamiflu trị cúm A được bán với giá 650.000 đồng/hộp/10 viên tại một nhà thuốc ở...