“Không tư lợi sao một bãi giữ xe phường cũng phải giành nhau”?
Đại biểu Quốc hội truy tình trạng phí chồng phí đè lên vai người dân, Bộ trưởng Tài chính khẳng định không ai tự “đẻ” được ra phí. Đại biểu Quốc hội lo có tiêu cực trong việc thu phí, Bộ trưởng Tài chính “lắc đầu” nói quy định chặt chẽ, không thể tư lợi…
Chiều 11/4, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng có phiên giải trình trước UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội về vấn đề chấp hành pháp luật về phí, lệ phí.
Lợi ích cục bộ trong việc thu phí
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: “Phí chồng phí là vấn nạn phổ biến”.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu thực tế, hiện nay, việc thu phí, lệ phí đã trở thành “nạn” phổ biến từ nông thôn tới thành thị. Tình trạng phí chồng phí khiến người dân ta thán mà việc tăng phí lại không đi liền với chất lượng dịch vụ đang tạo nên gánh nặng với người dân. Ông Vinh truy trách nhiệm của Bộ tài chính với việc thanh tra các đơn vị thu phí.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tiếp lời, khái quát hiện có hàng trăm loại phí, lệ phí đánh vào người dân. Các bộ, ngành, địa phương cũng “ sáng tạo” ra nhiều loại phí khác không đúng quy định. Ông Cương dẫn báo cáo của Thanh tra Chính phủ về vấn đề này với 2 điển hình về việc lạm thu là Bộ Y tế và TPHCM.
Ngoài ra, theo đại biểu, mỗi người dân, gia đình còn phải tham gia hàng chục khoản đóng góp khác mà mỗi địa phương huy động và người dân vẫn lầm tưởng đó cũng là những khoản phí, lệ phí bắt buộc nộp của nhà nước. Ông Cương nghi ngờ “có lợi ích cục bộ của ngành, địa phương trong việc thu phí, lệ phí”?
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời, pháp lệnh phí lệ phí được ban hành chỉ kèm theo danh mục 73 loại phí, 43 loại lệ phí.
Tuy nhiên, ông Dũng xác nhận, có nhiều khoản thu mang tính chất xã hội như quỹ từ thiện, khuyến học; phí xây dựng hạ tầng như làm đường nông thôn; các loại quỹ quốc phòng an ninh, quỹ phòng chống thiên tai… Nhưng đây không phải là phí, lệ phí mà là những khoản đóng góp tự nguyện.
Thêm vào đó còn một số loại giá dịch vụ từ sản xuất đến đời sống như phí bến bãi, phí ra vào khu công nghiệp, phí quản lý vận hành chung cư, phí quản lý bay…
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định quy trình ban hành phí, lệ phí rất chặt chẽ.
Tình trạng này, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, dẫn đến sự hiểu nhầm của dư luận là có quá nhiều phí lệ phí mặc dù các khoản thu đó bản chất hoàn toàn không đúng. Ông Dũng cho rằng, vấn đề là cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ những khoản tiền nộp của mình, đâu là phí, lệ phí, đâu là những khoản đóng góp tự nguyện để chống… sai phạm.
Bộ Tài chính cũng thường xuyên thanh tra theo thẩm quyền của cơ quan quản lý về phí, lệ phí, yêu cầu các địa phương hàng năm phải rà soát bãi bỏ các khoản thu không đúng quy định.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng trình bày, hiện có xu hướng mạnh nhiều loại phí, lệ phí chuyển sang thành giá dịch vụ, như viện phí thành giá dịch vụ khám chữa bệnh. Các cơ sở dịch vụ công lập cũng đang chuyển đổi mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, sang việc tự hạch toán. Theo đó, phí bến bãi, phí trông xe, phí vệ sinh môi trường… hay một số khoản thu không còn phù hợp với cơ chế phí cần chuyển thành giá.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát lại danh mục, bổ sung những loại phí đang quy định ở các luật khác cũng như đưa ra khỏi danh mục phí, lệ phí các loại tiền thu có tên nhưng thực tế không có nhu cầu.
Gạt bỏ lo ngại về việc “sáng tạo… phí”, hay tư lợi, người đứng đầu ngành tài chính cho biết, quy trình xây dựng biểu phí, lệ phí rất chặt chẽ, qua UBND tỉnh đề xuất, HĐND phê duyệt rồi ủy ban mới ban hành, công bố được. Như vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng quả quyết: “Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị không thể tự ra những khoản, loại phí, kệ phí mới ngoài danh mục. Việc giao thẩm quyền ban hành phí, lệ phí chặt chẽ nên cũng không thể có việc, chỗ này chỗ khác tự đặt ra các khoản thu phục vụ lợi ích cục bộ của mình”.
Thu phí làm quỹ… gửi ngân hàng lấy lãi
Video đang HOT
Phiên giải trình của Bộ trưởng Tài chính trước UB Tài chính Ngân sách.
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển (cơ quan chủ trì tổ chức phiên giải trình) yêu cầu Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải thêm về nhận định người dân không hiểu đâu là phí, lệ phí, đâu là giá dịch vụ nên nhiều khi bị nhầm lẫn, thậm chí bị lừa.
Ông Hiển cũng chưa hài lòng với khẳng định không cơ quan nào tự đặt ra các loại phí, lệ phí được. Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách nêu tình huống nhiều điểm kinh doanh nơi lợi dụng danh nghĩa nhà nước để thu tiền dịch vụ. Như việc khai thác lòng, hè đường, ông Hiển xác nhận, đúng là có quy định về phí sử dụng không gian này, phí trông giữ xe nhưng nhiều nơi vẫn tùy tiện thu, tông tiền coi xe lên nhiều lần so với quy định, thậm chí dịp lễ hội, giá gửi xe lên đến hàng trăm nghìn đồng/lượt, ngay giữa Hà Nội. Mà đứng đằng sau đó, ông Hiển cho rằng, có bóng dáng của chính quyền địa phương.
“ Minh bạch, công khai khoản thu nào là phí, lệ phí là của chúng ta, không thể nói người dân phải phân biệt được” – Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Ngoài ra, ông Hiển còn dẫn chứng về tình trạng lạm thu phổ biến, có trường hợp thu đủ làm quỹ rồi không chi dùng mà đơn vị quản lý còn mang đi gửi ngân hàng để lấy lãi.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu nghi vấn có lợi ích tiêu cực trong việc thu phí.
“Gật đầu” với những phân tích này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lập luận, nếu không vì nhập nhèm lợi ích, nếu không vì tư lợi, sao có chuyện chỉ một khoảng không làm nơi trông giữ xe được mà UBND phường và đơn vị “đóng” tại cơ sở tranh giành nhau quyền… thầu bãi? Tiền thu được từ việc làm dịch vụ trông xe đó, ông Cương đặt nghi vấn, không phải để nộp về ngân sách mà để chia nhau.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Phó Tổng kiểm toán nhà nước Vũ Văn Hoa xác nhận, việc quản lý phí, lệ phí hiện không đồng bộ từ cách điều hành, quản lý khoản thu, khoản phải nộp ngân sách và khoản tiền để lại cho địa phương, cơ sở… Ông Hoa nêu quan điểm quản lý các loại quỹ thu từ phí tập trung, thống nhất để đỡ hình thành cơ chế xin – cho.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Kim Ngân vẫn băn khoăn vì người dân ta thán việc phí chồng phí là chuyện thực tế nhưng qua giải trình, cơ quan quản lý vẫn chứa làm rõ được có bao nhiêu khoản thu ngoài danh mục vẫn đang đánh lên đầu người dân.
P.Thảo
Theo Dantri
Lương Thứ trưởng 8 triệu, tôi đủ sống thoải mái
GS.TS Đặng Hùng Võ chia sẻ thời ông còn giữ chức Thứ trưởng, lương của ông 8 triệu, cộng thêm những khoản phong bì 'pháp luật cho phép' và làm thêm công việc chuyên môn, ông đủ sống thanh sạch.
Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với GS.TS Đặng Hùng Võ.
Làm giàu là Quyền con người
Ông cũng đang sống trong một căn nhà biệt thự, có ô tô để đi, ông nghĩ gì về sự giàu có của quan chức? Người làm cán bộ liệu có quyền được giàu có hay không?
Ở Singapore, họ đã đưa ra một nguyên tắc phòng, chống tham nhũng là lương quan chức phải cao hơn doanh nhân. Thế có nghĩa là một quan chức có thể giàu có bằng trí tuệ, sức lao động và năng lực quản lý của mình, đó là chính đáng. Chưa kể, trước khi làm quan chức, anh ta có thể làm doanh nhân, là một tỷ phú. Ví dụ như Thủ tướng Thái Lan là một trường hợp cụ thể như vậy.
Ông Đặng Hùng Võ. Ảnh: Lan Hương
Làm giàu là một Quyền con người, không ai có thể cấm.
Trong Hiến pháp nhiều nước cũng như công ước quốc tế, người ta gọi đó theo nghĩa rộng là quyền mưu cầu hạnh phúc, không có lý do gì lại cấm cán bộ giàu có. Chỉ là phải giầu có trong minh bạch.
Nếu lương của Nhà nước không đủ mà anh vẫn chấp nhận làm cán bộ, thì anh phải chấp nhận mức lương đó và không được lợi dụng chức quyền để "mưu cầu hành phúc" cho mình.
Còn trước khi làm cán bộ, anh có quyền làm giàu bằng mọi cách mà pháp luật không cấm. Sau khi nghỉ hưu cũng vậy.
Lúc đương chức cán bộ phải hi sinh một số quyền: không được kinh doanh, vì kinh doanh là thu lợi từ thị trường, mà làm quan chức ở một số vị trí nhất định có quyền tác động vào điều chỉnh thị trường. Tức là khi anh "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Ở Singapore, họ trả lương như vậy để chống tham nhũng, nhưng họ cũng xử lý rất nghiêm những quan chức thu lợi bất chính. Nhà nước Singapore đã cho quan chức một điều kiện sống tốt nhất có thể để công bằng với doanh nhân và không có lý để tham nhũng.
Vấn đề lớn của nước ta là đồng lương danh nghĩa của cán bộ quản lý quá ít ỏi, không thể sống được. Cán bộ quản lý phải nghĩ ra những chiêu để tăng thu nhập thực tế, và tìm cách "minh giải có lý nhất" về thu nhập thực tế đó. Tất cả đều xuất phát từ môi trường quản lý ít công khai, minh bạch.
Vậy như ông nói, với đồng lương mà chúng ta đang trả, việc tham nhũng là tất yếu. Tôi tò mò ông sẽ sống thế nào với đồng lương Thứ trưởng của mình mà vẫn giữ được sự thanh sạch, sảng khoái?
Đồng lương thấp là nguyên nhân làm chúng ta khó thực hiện phòng, chống tham nhũng. Tôi muốn nói: khó phòng, chống tham nhũng là quy luật tất yếu trong hoàn cảnh thu nhập danh nghĩa của cán bộ không đủ chi dùng.
Khi còn đương chức, tiền lương của tôi được 7 8 triệu đồng. Tiền phong bì được pháp luật "cho phép" được phát chính thức tại các hội thảo, hội nghị, cuộc họp cũng thêm được khoảng 2 triệu một tháng. Tham gia vào công tác dạy học và nghiên cứu khoa học cũng thêm được mỗi năm vài chục triêu đồng. Như vậy, thì chi dùng cho cá nhân tôi là đủ, con cái đã lớn cả rồi, vợ cũng có nguồn thu nhập riêng.
Trước khi làm quan chức, tôi cũng đã tích luỹ cá nhân nhất định sau 8 năm nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài. Điều này tôi từng nói trên báo chí rồi. Tôi nghĩ rằng mình may mắn vì không phải chịu áp lực lớn về tài chính lúc đó.
Còn khi về hưu, tôi kiếm tiền từ công việc dạy học, nghiên cứu khoa học, viết báo, dẫn chương trình truyền hình, làm cố vấn cho một số tổ chức phát triển quốc tế, làm trọng tài thương mại quốc tế, v.v.. Năm 2013, nhờ những công việc đó tôi kiếm được gần 1 tỷ đồng. Tính ra, tôi giàu hơn cái thời còn đương chức.
Nhưng tôi vẫn cho rằng ngay cả khi tiền lương không đủ, thì cũng không phải đó là cái cớ để quan chức được quyền tham nhũng mà nhiều người đương nhiên coi đó quy luật tất yếu. Tôi đồng ý là hệ thống tiền lương của ta còn nhiều bất cập, không dễ dàng giải quyết trong ngày một ngày hai. Nhưng về nguyên tắc, ai đã chấp nhận làm cán bộ, thì anh ta phải đồng ý với cách trả lương đó.
Còn nếu không thì thôi, làm nghề khác đi, đừng làm cán bộ nữa.
Còn nhiều quan chức có tài sản giật mình hơn ông Truyền
Ông có bình luận gì về những tài sản khủng của quan chức mà truyền thông đưa tin thời gian gần đây?
Tôi chưa bao giờ bình luận về khối tài sản của người này hay người khác, và cũng không bình luận để trả lời câu hỏi này.
Trước hết, để bình luận thì cần tới những thông tin chính xác. Sau đó, câu chuyện tài sản của quan chức là câu chuyện chung. Việc tìm ra người này hay người kia có tài sản bao nhiêu không phải là cách để giải quyết vấn đề. Tôi tin sẽ còn có nhiều quan chức có tài sản đáng giật mình hơn thế nhiều.
Chúng ta không nên đi xem xét những trường hợp cụ thể khi không đủ thông tin. Cái gốc rễ để giải quyết vấn đề là công khai, minh bạch tài sản với đầy đủ thông tin về nguồn gốc và gắn với trách nhiệm giải trình cụ thể.
Căn biệt thự đang gây xôn xao dư luận của ông Truyền được xây dựng trên diện tích hàng ngàn m2 tại xã Sơn Đông, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Ảnh: BizLive
Một khi chúng ta không ngại ngần trong việc thực hiện công khai và minh bạch tài sản quan chức, người dân sẽ tự bình luận chính xác được từng ngữ cảnh một. Khi đó, người dân còn giúp Nhà nước biết nhiều thông tin hơn khi thực hiện quyền giám sát của mình.
Tiền bạc có thể giấu được, chứ còn đất đai, nhà cửa thì không thể giấu được. Hiện nay ở nước ta, đất đai là chỗ dễ phát hiện sự tham nhũng của quan chức nhất. Trong công cuộc chống tham nhũng, chúng ta hãy nhằm vào những câu hỏi đó để giải quyết toàn bộ vấn đề. Tôi vẫn cho là phòng tham nhũng quan trọng hơn, là giải pháp dài hạn.
Trên thế giới, người ta đã tổng kết rằng, cách phòng bệnh tham nhũng đơn giản nhất gồm 3 yếu tố: một là minh bạch và công khai hoàn toàn mọi thông tin, trừ các thông tin mật được pháp luật quy định; hai là tăng trách nhiệm giải trình của cán bộ, trong đó có giải trình về tài sản cá nhân; ba là tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt quyền giám sát của mình.
Có những công cụ như vừa nói ở trên, tự nhiên ta sẽ thấy mọi chuyện rất nhẹ nhàng.
Nhưng chúng ta đã có cả một nghị định về kê khai, minh bạch tài sản cán bộ do chính Thủ tướng Chính phủ ban hành. Vậy mà có vẻ sự công khai đó rất nửa vời?
Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống tham nhũng vừa rồi có tốt hơn, nhưng cũng chưa có quyết định cụ thể về minh bạch tài sản của quan chức đến đâu, bằng cách nào, công khai bằng phương tiện nào, phạm vi nào. Nghị định của Chính phủ đã có hướng dẫn, công khai và minh bạch tài sản của quan chức có phạm vi rộng hơn nhưng vẫn còn chưa đi tới cùng của cơ chế.
Hiện nay, quan chức chỉ phải công khai trước tập thể cán bộ dưới quyền trực tiếp và cũng không quy định công khai bằng phương tiện nào. Điều cần làm là cán bộ quản lý mọi cấp phải công khai đầy đủ mọi loại tài sản của gia đình mình gắn với các giải trình về nguồn gốc trên một mạng thông tin công khai để bất kỳ người dân nào quan tâm đều có thể tiếp cận và thực hiện hiệu quả quyền giám sát của mình.
Nhưng người Việt mình vốn có truyền thống kín đáo. Buộc quan chức phải công khai tài sản trước dân, rồi buộc cả vợ con, anh chị em ruột của quan chức làm thế như ý ông nói, có xâm phạm đến sự tự do cá nhân của họ không?
Ở góc độ nào đó, quan chức và nghệ sĩ giống nhau ở điểm là cả hai đều phải chăm lo cho hình ảnh của mình và phải chấp cuộc sống của mình sẽ bị chú ý hơn nhiều người khác.
Ở nước ngoài là thế, nhưng tôi thấy ở ta thì báo chí, công luận mới chăm chăm xoi xét các văn nghệ sĩ nhiều hơn, như bình luận về chuyện chị này chụp một bộ ảnh trên mức gợi cảm, hay chuyện anh kia phát ngôn xấu xí. Người dân cũng muốn soi quan chức lắm chứ, nhưng báo chí, truyền thông lại ngại ngần động chạm tới.
Lý do tài sản là vấn đề cá nhân chỉ là cái lý luận mang tính nguỵ biện để chần chừ trong xây dựng pháp luật và hướng dẫn thực hiện về công khai, minh bạch. Chúng ta nói cương quyết phòng, chống tham nhũng, nhưng sự cương quyết chưa được thể hiện qua hoàn chỉnh pháp luật, thể chế và hoạt động thực hiện.
Không đâu xa, một Đại biểu Quốc hội trong kỳ họp quốc hội vừa rồi đã kể rằng ở tỉnh dặn ra đây nói gì thì nói nhưng đừng nói về tham nhũng. Kết lại những điều đó, ta thấy có vẻ như ở đây chưa thể hiện được quyết tâm chống tham nhũng của đất nước ta, dân tộc ta.
Xin cảm ơn ông!
Lan Hương(thực hiện)
Theo_VietNamNet
Bán tín, bán nghi về bất động sản quan chức Sự thiếu minh bạch về chính cá nhân các "đầy tớ", dẫn đến những thông tin bán tín bán nghi về tài sản, bất động sản. Có mấy cặp đôi mở Luật Hôn nhân gia đình? Nếu làm một thống kê điều tra về sự am hiểu Hiến phápLuật pháp của VN hỏi có bao nhiêu % người dân nắm rõ những quyền-...