‘Không thương, đừng nói lời cay đắng với 39 nạn nhân trong container ở Anh’
Không riêng rất nhiều người Việt mà dân Anh cũng xót xa khi biết tin 39 nạn nhân chết cóng trong container đông lạnh ở Essex hôm 23.10 vừa qua.Ấy vậy mà vẫn có một số người Việt vô cảm nói lời cay đắng và hay tìm lý do cho rằng họ đáng bị vậy.
Anh quốc được bao bọc bởi tứ bề biển cả, vậy mà nơi đây đã chứng kiến bao nhiêu con người băng rừng vượt biển, trôi nổi lặn lội tìm đến đây. Có bao nhiêu người đã bỏ mạng ở những góc nhỏ tối tăm và tuyệt vọng.
Theo trang Viethome, 39 xác người lạnh lẽo ngổn ngang trong container khiến c ảnh sát Anh cũng phải lặng người, bật khóc. Cảnh sát đều là những người đã được đào tạo bài bản, nhưng có bài học nào đủ giúp họ giữ bình tĩnh trước cảnh tượng bi thảm này?
Thủ tướng Anh – Boris Johnson viết đầy xúc động và nhân văn: “Cả đất nước và thế giới đã bị sốc bởi thảm kịch, sự tàn khốc của số phận mà những người vô tội đã phải chịu đựng khi họ đang hy vọng về một cuộc sống tốt hơn tại Anh. Chúng tôi thương tiếc những con người thiệt mạng. Chúng tôi gửi lời chia buồn tới gia đình họ. Để lên án sự nhẫn tâm của những người chịu trách nhiệm về tội ác này, chính phủ Anh chúng tôi quyết tâm làm mọi việc trong khả năng của mình để đưa thủ phạm ra công lý”, còn Cảnh sát Essex gửi những thông báo đầy cảm thông và thấu hiểu. Nhiều người dân Anh không phán xét, không bàn chuyện đúng sai, giả thật dù hiểu rằng những người đến từ container này đang mang đến những rắc rối cho đất nước của họ.
Thậm chí bạn đọc tên Corallan Varley còn bình luận trên ITV News rằng: “Hải quan và bộ phận an ninh Anh nên bị… bỏ tù vì tội tắc trách, vì đã không phát hiện và cứu sống 39 người này sớm hơn”.
Rất nhiều người dân Anh bày tỏ lòng tiếc thương đến các linh hồn xấu số bất kể họ đã đến đây trong hoàn cảnh nào dù là bất hợp pháp. Các buổi cầu siêu đã diễn ra ở một vài nơi từ London đến Essex và Belfast.
Tại Belfast, một nhóm người đã thắp nên trước cửa City Hall để tỏ lòng thành kính tiếc thương đến những người đã mất. Trong khi đó, những người thuộc hội chống phân biệt chủng tốc đã diễu hành ở Westminster, tay cầm khẩu ngữ “Không có biên giới sẽ không có chết chóc”.
Các thanh niên Anh cầm khẩu ngữ: “Không có biên giới sẽ không có chết chóc” – ảnh: Reuters
Người dân London mặc trang phục đen, thắp nến và giương biểu ngữ: “Những biên giới phân biệt sắc tộc là tội ác” – ảnh: Reuters
Tại Belfast, nhiều người tập trung trước City Halls trên tay cầm những ngọn nến nhỏ. Họ cúi đầu với tấm lòng hướng về người đã khuất – ảnh: Photopress
Nến được đặt bên ngoài văn phòng Bộ Nội vụ ở London với khẩu hiệu: “Người nhập cư và tị nạn được chào đón ở đây” – ảnh: AP
Video đang HOT
Cảnh sát xếp hàng và cúi đầu bên chiếc xe container “tử thần” – ảnh: Mirror
Sống ở Anh, bạn Lily Van xúc động chia sẻ: “Có một vị khách người Anh quen của tiệm mình khi nghe hung tin về những người đã mất, bà liền mua một chậu hoa gửi cho mình và nhắn nhủ rằng, bà rất thương và lấy làm tiếc cho những anh chị em không may và đã nằm xuống. Bà sẽ cầu nguyện cho 39 người đã ra đi và xin chúc cho tất cả các gia đình sớm được toàn tụ và bình an. Tội nhất là khi vào tiệm của mình, bà khóc mếu máo làm mình khóc theo”.
Nơi lạnh lẽo nhất không phải Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương. Thế mà thay vì cầu nguyện cho 39 linh hồn tìm được bình yên và an nghỉ ở một thế giới mới, một số người Việt buông lời cay nghiệt và tìm đủ lý do cho rằng họ đáng bị vậy.
Nhiều Facebooker có tiếng bất bình với những người vô cảm, không có lòng nhân ái và bao dung với 39 nạn nhân trên.
Facebooker Đoàn Bảo Châu cho rằng: “Tâm hồn của họ quá nghèo nàn, nghèo nàn tới mức mà họ không thể hiểu được một tình cảm rất gần gũi và dễ hiểu khi thấy những đồng bào của mình quằn quại đau đớn chết trong tuyệt vọng khi trên con đường đi tìm một giải pháp cho cuộc sống khó khăn”.
Facebooker Khoa Lê nhận định: “Một số người cho rằng 39 người tử nạn ấy xứng đáng nhận kết cục như vậy vì họ đã phạm pháp và phải trả giá, mà lẽ ra họ phải tự ý thức được trước hậu quả. Tất nhiên, nếu 39 người này sống sót và thành công thì bằng cuộc hành trình đã trải qua, họ đã phạm nhiều hơn một tội danh. Tuy nhiên, có vi phạm nào trong số đó đáng bị trừng phạt bằng án tử hình không? Tôi tin là không. Bạn có nghĩ ra trường hợp nào phạm các tội kể trên mà đáng bị xử tử không? Tôi thì không nghĩ ra và chắc hẳn là phần lớn mọi người cũng giống như vậy. Thế thì, nói đúng ra, làm sao những người này lại có thể “đáng chết” vì đã phạm những điều luật đó? Làm sao mà họ lại có thể “đáng chết” vì mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn, ngay cả khi mà bản thân họ và gia đình không quá túng quẫn đi nữa? Làm sao mà họ lại có thể “đáng chết” vì đã không ra nước ngoài lao động bằng con đường hợp pháp?”.
Facebooker Hoàng Nguyên Vũ bức xúc: “Đừng nói về nạn nhân bằng những lời độc địa như ‘ai bảo tham cho chết’, ‘ai bảo thích đi chui cho chết’… Hả hê trước cái chết hoặc mắng nhiếc người đã chết, chắc chắn loại đó mất nhân tính. Đến cả cái chết cũng không làm bạn bớt cay nghiệt và ác khẩu thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ bao dung và cư xử đẹp với bất kỳ ai, nếu không nói thẳng ra là bạn quá tồi.
Cùng đọc qua status đầy đủ hơn của các Facebooker này:
1. Ông Đoàn Bảo Châu đặt câu hỏi: “Vì sao Phạm Thị Trà My (cô gái Hà Tĩnh chết trong container – PV) đi?” và chia sẻ: “Ông Phạm Văn Thìn, bố của Trà My kể: ‘Trà My học cao đẳng kinh tế xong nhưng không xin được việc nên đi lao động ở Nhật 3 năm. Ngày 4.6.2019 Trà My về nước, chờ bên Nhật gia hạn nhưng công việc trục trặc không thành. Trước đấy gia đình đã vay số tiền 650 triệu để mua taxi cho em trai của Trà My lái, không may vào ngày 2.9.2019 gặp trời mưa to, xe bị tai nạn. May có người lái xe container cứu em trai Trà My’.
Kể đến đấy ông Thìn quyệt nước mắt, giọng xúc động: ‘Cháu lúc nào cũng lo cho gia đình, cháu thương bố mẹ lắm. Cháu bảo: Con phải đi, bố mẹ vay tiền để con đi rồi con giúp trả nợ chứ em còn đang nợ 450 triệu tiền mua xe, bố mẹ thì già yếu rồi, nghề nghiệp lại không có thì bao giờ nhà mình mới trả được nợ?
Chúng tôi bảo cháu là con lớn rồi, ở nhà lấy chồng đi, đừng có đi đâu nữa. Trong thâm tâm tôi cũng biết con gái đi ra nước ngoài thì có nguy hiểm nên không muốn con đi nhưng quả thật là gia cảnh nhà tôi cũng khó khăn quá, không biết làm cách nào…’.
Bài phỏng vấn dài, nhưng tôi chỉ đưa phần này lên bởi nhiều người bảo bỏ cả tiền tỉ ra để ra nước ngoài thì đầu tư ở Việt Nam cũng được, ra nước ngoài làm gì.
Có một số người khác lại bảo những người thương xót cho các nạn nhân là đạo đức giả. Về mặt con người tôi chỉ cảm thấy thương hại cho họ. Tâm hồn của họ quá nghèo nàn, nghèo nàn tới mức mà họ không thể hiểu được một tình cảm rất gần gũi và dễ hiểu khi thấy những đồng bào của mình quằn quại đau đớn chết trong tuyệt vọng khi trên con đường đi tìm một giải pháp cho cuộc sống khó khăn.
Với người như vậy, nếu nhìn sâu vào vấn đề thì ta sẽ thấy họ không đáng giận mà đáng thương bởi chắc hẳn trong cuộc sống của họ cũng toàn gặp những hoàn cảnh ô trọc, cạn cợt tình người. Tuy cùng là con người nhưng sự trải nghiệm, khả năng yêu thương con người, kiến thức có vô số cấp bậc nên sự khác biệt là tất nhiên.
Anh Khoa Lê khẳng định: “Không ai đứng cao hơn luật pháp, nhưng không luật pháp nào đứng cao hơn sự trang nhã, lẽ công bằng và lòng từ ái” và cho biết thêm (đoạn này do Antonio Trần Xuân Bách dịch sang tiếng Việt từ tiếng Anh – PV): “Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một vài cảm nghĩ về câu trích dẫn trên, trong bối cảnh của thảm kịch vừa xảy ra với 39 người trong thùng container lạnh tại Essex, Anh. Trước hết, xin nói ngay rằng tôi không phải luật sư và tkhông tự nhận là hiểu biết mọi thứ về vấn đề này. Nhưng tôi nghĩ một số người sẽ cần phải xét lại quan niệm về “pháp trị” của họ và ý nghĩa thực sự của khái niệm đó.
Tôi không quan niệm rằng bất cứ ai có thể, hoặc nên được trao quyền, để đứng cao hơn luật pháp. Thực tế, hành vi vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật. Lưu trú và làm việc tại một quốc gia mà không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ là vi phạm pháp luật. Trồng cần sa là vi phạm pháp luật của Anh quốc. Đó đều là những điều không thể tranh cãi. Nếu bất cứ ai vi phạm pháp luật thì họ cần được xét xử một cách công bằng, theo đúng trình tự, rồi chịu những án phạt tương thích.
Nói thế tức là tôi hoàn toàn đồng ý rằng 39 người tử nạn trong container đó đã vi phạm pháp luật Anh quốc khi nhập cảnh trái phép và có ý định lưu trú, làm việc bất hợp pháp mà không đóng thuế. Giả như họ sống sót và bị nhà chức trách bắt giữ tại biên giới hoặc sau khi đã nhập cảnh trót lọt, họ cần phải bị xét xử một cách đàng hoàng, bị kết án và trừng phạt theo luật nhập cư của Anh quốc – hình phạt có lẽ là trục xuất. Nếu sau đó họ vi phạm bất kỳ điều luật nào khác tại cộng đồng mà họ có ý định cư trú thì cũng phải bị xét xử và chịu chế tài theo luật như trên. Đơn giản vậy thôi. Phạm luật thì phải chấp nhận bị trừng phạt bởi luật.
Nhưng mặt khác, chẳng phải cứ hợp pháp thì luôn đúng, cũng như bất hợp pháp không phải lúc nào cũng là sai. Niềm tin của tôi là “không luật pháp nào đứng cao hơn sự trang nhã, lẽ công bằng và lòng từ ái”. Điều này cũng áp dụng cho cách thức đối đãi với người khác, kể cả những người vi phạm pháp luật.
Có người bảo rằng không nên thương xót gì những kẻ phạm pháp hoặc đang cố gắng phạm pháp, những kẻ “ăn bám”, “tham lam” và “dại dột”, những kẻ “làm mất thể diện” đất nước mình trong mắt người nước ngoài. Tôi không chắc chắn những người phải lao động cật lực ở ngoại quốc để nuôi gia đình ở nhà có phải là loại “ăn bám”, “tham lam”, “dại dột” hay “làm ô danh tổ quốc” hay không. Nhưng có một điều tôi biết chắc, đó là nhiều người trên thế giới không hề coi cái thái độ khinh thường những người đồng bào kém may mắn hơn mình là một thứ đức hạnh hay điều gì đáng hãnh diện. Tôi nghĩ thái độ ấy chỉ phơi bày một tâm hồn kém thẩm mỹ và không có chút tôn trọng nào với đồng loại.
Một số người cho rằng 39 người tử nạn ấy xứng đáng nhận kết cục như vậy vì họ đã phạm pháp và phải trả giá, mà lẽ ra họ phải tự ý thức được trước hậu quả. Tất nhiên, nếu 39 người này sống sót và thành công thì bằng cuộc hành trình đã trải qua, họ đã phạm nhiều hơn một tội danh. Tuy nhiên, có vi phạm nào trong số đó đáng bị trừng phạt bằng án tử hình không? Tôi tin là không. Bạn có nghĩ ra trường hợp nào phạm các tội kể trên mà đáng bị xử tử không? Tôi thì không nghĩ ra và chắc hẳn là phần lớn mọi người cũng giống như vậy.
Thế thì, nói đúng ra, làm sao những người này lại có thể “đáng chết” vì đã phạm những điều luật đó? Làm sao mà họ lại có thể “đáng chết” vì mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn, ngay cả khi mà bản thân họ và gia đình không quá túng quẫn đi nữa? Làm sao mà họ lại có thể “đáng chết” vì đã không ra nước ngoài lao động bằng con đường hợp pháp?
Người ta vi phạm điều luật nào thì xứng đáng với hình phạt tương thích với điều luật đó chứ không đáng chết, nhất là theo cách như vậy. Điều đó là không công bằng.
Những phản ứng kiểu này cho thấy một sự thiếu đồng cảm và nhân ái, mà điều đáng buồn là tình trạng đó lại rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên khắp thế giới nữa, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực để giáo dục về tầm quan trọng của khả năng đồng cảm trong xã hội. Đồng cảm được hiểu là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu động cơ lý trí và cảm giác của họ. Chúng ta khó có thể nhân từ với người khác nếu không có khả năng đồng cảm, không có khả năng nhìn vượt ra ngoài bản thân mình và đặt tiêu điểm vào người khác.
Hiểu được bối cảnh chính là bước khởi đầu quan trọng nhằm xây dựng cho mình khả năng đồng cảm và nhân ái. Bối cảnh là yếu tố không thể tách rời trong mọi bước của các quy trình pháp lý, từ làm luật cho đến ra phán quyết và hình phạt, cũng như trong cuộc sống hàng ngày, khi đánh giá về con người hay tình huống. Sẽ là nguy hiểm nếu vội vã đi tới kết luận mà không xét đến toàn bộ thông tin về bối cảnh và áp đặt quan điểm riêng của mình vào việc nhìn nhận vấn đề, vì khi đó có khả năng người ta chỉ tập trung vào vấn đề ở trên bề mặt mà không thấy các nhân tố sâu xa đã tạo nên vấn đề.
Hậu quả là ta không thể hiểu đầy đủ và đúng đắn về cả bức tranh toàn cảnh lẫn những con người liên quan. Sự thiếu hiểu biết đó sẽ dẫn tới những giải pháp nửa vời, không giải quyết được vấn đề, có khi còn khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
Quan trọng hơn hết, tôi tin sự nhân từ sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Không nên đánh đồng sự nhân từ với thái độ dễ dãi, xuề xòa, dung túng cho cái sai. Chúng ta vẫn có thể đưa ra những phán xét và hình phạt công bằng, đồng thời vẫn cố gắng thấu hiểu và đối đãi tử tế với người khác để giúp họ sửa sai.
Đây gọi là “công lý mang tính sửa chữa, khôi phục”, khác với “công lý mang tính trừng phạt, báo ứng”. Nếu họ đều đã chết cả thì sao? Theo tôi, đừng nên tập trung vào khuyết điểm của họ, mà thay vào đó, hãy suy nghĩ xem chúng ta – trên tư cách một xã hội, một quốc gia – có thể làm gì để giúp đỡ gia đình các nạn nhân và ngăn chặn tối đa những thảm kịch tương tự về sau. Điều đó đòi hỏi sự cân bằng giữa lý trí và sự đồng cảm, chứ không phải là sự nhẫn tâm và vô cảm.
Tư duy pháp trị không có nghĩa là chúng ta phải thực thi pháp luật đối với con người một cách cứng nhắc, không có ngoại lệ. Nó không có nghĩa là những ai phạm pháp đều là xấu xa và không đáng được xót thương hoặc tôn trọng. Nó không có nghĩa là chúng ta cứ trừng trị họ và thế là xong chuyện.
Tinh thần pháp trị không phải là thứ duy nhất cần có để điều hành xã hội theo hướng đem lại sự thăng tiến cho phần lớn, nếu chưa phải là tất cả, trong số chúng ta. Ngoài nó ra, chúng ta còn phải có ý thức về sự trang nhã căn bản, về lẽ công bằng và lòng từ ái”.
Từng sống ở vùng quê Nghệ An, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ lên án những kẻ ác khẩu với 39 nạn nhân nhưng phản đối chuyện xuất khẩu lao động bất hợp pháp:
“1. Các bạn không ở vùng quê ấy nhưng tôi thì ở đấy. Các cháu tôi vẫn đang nuôi mộng “đi du học Nhật” (du học lao động), nuôi mộng đi Anh. Tôi sẽ cấm tuyệt đối nếu cháu chọn kiểu đi như vậy. Nó rất nguy hiểm và tạo điều kiện cho bọn cò lao động chui làm ăn phi pháp.
2. Đừng lấy đói nghèo ra để cãi nhau về nguyên nhân nữa. Đói nghèo nên phải đi lao động là có, chúng ta hãy nghĩ cách lao động sao cho an toàn (cả về mặt thân thể lẫn luật pháp) là điều nên bàn thay vì cứ tại cái này, tại cái nọ. Không chỉ vụ này mà trong cuộc sống nói chung, tôi rất ghét cái kiểu suốt ngày đưa lý do.
3. Đừng nói về nạn nhân bằng những lời độc địa như “ai bảo tham cho chết”, “ai bảo thích đi chui cho chết”… Hả hê trước cái chết hoặc mắng nhiếc người đã chết, chắc chắn loại đó mất nhân tính. Đến cả cái chết cũng không làm bạn bớt cay nghiệt và ác khẩu thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ bao dung và cư xử đẹp với bất kỳ ai, nếu không nói thẳng ra là bạn quá tồi.
4. Vượt khó là cần, thoát nghèo là đúng và làm giàu là nên nhưng đừng bất chấp mọi giá, đặc biệt là đánh đổi sinh mạng. Vì khi ta chết đi rồi, mọi thứ cũng vô nghĩa. Hơn nữa, với những người đi lao động, chẳng may họ xấu số, hậu quả còn là để lại gánh nặng cuộc sống không ít cho người thân.
5. Sống để mình thấy vui, đừng vì người khác nhìn mình như thế nào về phương diện vật chất. Đừng cố làm vì mình phải bằng ông A bà B cho mở mày mở mặt mà quên luôn cuộc sống của mình. Mình thấy đủ là sẽ đủ. Nhà xây cho to mà mình đi biệt nửa đời người thì chẳng để làm gì. Cứ mải đi hết nước này nước nọ để giàu hơn mà con cái không nuôi dạy chu đáo, còn mất nhiều hơn cái chữ giàu mà bạn cố đi tìm. Giàu mà không sướng, vui mà không yên cũng là bi kịch mà rất nhiều người lao động quần quật cả đời hay gặp phải.
Sau cùng, xin cầu siêu cho những người xấu số trong chuyến xe định mệnh ấy. Cầu mong các em sớm siêu thoát, và ở kiếp sau, các em sẽ không phải vất vả, cay đắng và đớn đau như thế này nữa”.
Trong khi Facebooker Phạm Đoan Trang cần xin người dân Việt đừng ra nước ngoài theo con đường bất hợp pháp kẻo trả giá đắt:
“1. Cầu xin người Việt trong nước đừng ai ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp nữa. Hãy nói không với di dân lậu, nguy hiểm và nhục nhã lắm. Sinh mạng và nhân phẩm của chúng ta mới là quan trọng, không phải tiền. Hiện tại mới là quan trọng, không phải tương lai.
2. Xin mọi người từ bỏ ý nghĩ “hy sinh đời bố củng cố đời con” hoặc “hy sinh đứa con gái để củng cố đời mấy thằng chống gậy/ thắp hương”, vì không ai đáng phải hy sinh cả. Người được người khác hy sinh để củng cố cho, nếu biết suy nghĩ thì cũng không sung sướng gì đâu.
3. Cầu xin người Việt ở nước ngoài, nếu có nói với người trong nước về cuộc sống bên ngoài, hãy nói sự thật. Sự thật trong suốt, không có gì lờ mờ, mơ hồ, không bị bôi đen và cũng không được tô hồng. Người Việt trong nước sống trong màn sương “thấy bảo là…”, “nghe kể là…” bao nhiêu năm nay, khổ lắm rồi. Đừng cho họ ăn bánh vẽ nữa…”.
Nhân Hoàng (tổng hợp)
Theo motthegioi
39 người chết trong xe container ở Anh: Lộ mặt kẻ chủ mưu
Một đội đặc nhiệm đang truy tìm một người đàn ông tên là Truong được cho là chủ mưu đứng sau vụ 39 người chết trong xe container ở Anh. Truong được cho là đã kiếm được hàng triệu bảng từ những gia đình nghèo ôm mộng đổi đời ở trời Tây.
Một người đàn ông người Việt Nam tên Truong được cho là đang bị truy lùng vì liên quan đến vụ 39 người chết trong xe container ở Anh
Theo báo Anh Mirror, cảnh sát đang ráo riết săn lùng kẻ chủ mưu người Việt Nam đứng đằng sau thảm kịch ở hạt Essex. Người đàn ông tên Truong được cho là trùm buôn người đã kiếm được hàng triệu bảng từ những gia đình nghèo ôm mộng đổi đời ở trời Tây.
Mirror dẫn một nguồn tin cho biết: "Mặc cho băng đảng buôn người muốn lẩn trốn trong bóng tối, tên của chúng vẫn bị người dân xì xào, bàn tán. Hiện tại, chúng đang đe dọa mọi người phải giữ im lặng, nhưng cảnh sát vẫn từng ngày dựng lên bức tranh về hoạt động của Truong ở nước ngoài".
Khi phóng viên Mirror đặt câu hỏi về người đàn ông tên Truong với các gia đình có người thân đang mất tích, nghi là nạn nhân trong thảm kịch 39 người chết trong xe container ở hạt Essex, bố mẹ của Phạm Thị Trà My, 26 tuổi cho biết, Truong chính là người nhận khoản đặt cọc trước 22.000 bảng Anh của họ để đưa Trà My sang Anh. Sau khi sang đến nơi, Truong sẽ thu nốt số tiền còn lại. Theo bố mẹ Trà My, khoản tiền họ phải trả cho Truong tổng cộng là 40.000 bảng Anh.
Vụ 39 người chết trong thùng xe container ở hạt Essex, phía đông thủ đô London hôm 23/10 đang gây chấn động trên toàn nước Anh. Cảnh sát Essex ban đầu cho rằng các nạn nhân mang quốc tịch Trung Quốc, nhưng sau đó thông báo họ có thể mang nhiều quốc tịch khác nhau
Theo Danviet
Thiếu nữ mất liên lạc khi đi Anh, môi giới trả lại bố mẹ 1 tỷ rồi biến mất Sau khi em N. mất liên lạc, người môi giới đi xuất khẩu đã trả lại hơn 1 tỷ đồng cho gia đình. Người này đã tắt điện thoại - Chủ tịch xã Hưng Đông nói. Chủ tịch UBND xã Hưng Đông (TP Vinh, Nghệ An) Trần Anh Tấn sáng nay xác nhận với VietNamNet, xã có em T.T.N. (SN 2000) mất liên...