‘Không thu bất kỳ chi phí nào liên quan tiêm vaccine Covid-19′
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Việt Nam đang tổ chức tiêm chủng vaccine Covid-19 miễn phí, do đó “tuyệt đối không được thu bất kỳ chi phí nào liên quan đến tiêm vaccine”.
Thứ trưởng Tuyên nói điều này tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố về tiến độ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, chiều 9/8. Ông nhấn mạnh “kể cả các tổ chức, cá nhân tự nguyện ủng hộ chi phí thì các đơn vị tổ chức tiêm vaccine cũng không được tiếp nhận”.
“Việc tổ chức tiêm chủng vaccine không để phát sinh cơ chế xin – cho, nghiêm cấm tiêu cực trong tổ chức tiêm. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm chính về công tác phòng chống dịch trong đó có tiêm vaccine Covid-19″, Thứ trưởng nói.
Ông Tuyên cho biết thời gian qua Bộ Y tế đã phân bổ cho các Viện và địa phương trên 18 triệu liều vaccine để triển khai tiêm chủng. Tuy nhiên, một số địa phương tiến độ tiêm chậm so với số lượng được phân bổ, như Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương, Hậu Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Thanh Hóa.
Thứ trưởng yêu cầu tất cả địa phương, đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, không trông chờ, lựa chọn; mà vaccine về đợt nào thì triển khai tiêm đợt đó, “để chúng ta từng bước đảm bảo miễn dịch cộng đồng”.
Đơn vị tiêm vaccine với tỷ lệ thấp so với số vaccine được phân bổ, Bộ Y tế sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, theo dõi và giám sát. Bộ Y tế chủ động điều chuyển số vaccine đó về các đơn vị, địa phương khác có tỷ lệ tiêm cao, tốc độ tiêm nhanh.
“Lúc đó, Bộ Y tế sẽ không trao đổi lại mà căn cứ vào số liệu tồn để điều chuyển. Quan điểm là ưu tiên vacine cho TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam đang có dịch”, ông Tuyên nói.
Video đang HOT
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên họp Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố về tiến độ triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, chiều 9/8. Ảnh: Trần Minh.
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố chậm nhất đến ngày 30/7 phải phê duyệt kế hoạch tổng thể tiêm chủng vaccine. Tuy nhiên đến hôm nay vẫn còn địa phương cho biết đến ngày 5/8 tỉnh mới phê duyệt. Thứ trưởng đề nghị các địa phương rà soát, phê duyệt trước 15/8.
Các địa phương bố trí cả điểm tiêm cố định và lưu động, càng nhiều điểm tiêm càng tốt, tránh thực trạng có nơi nhận vài chục nghìn liều vaccine nhưng tiêm cả tuần không xong. Đồng thời, không giới hạn số người tiêm trong một điểm tiêm.
“Tiêm tối đa nhất có thể. Một điểm tiêm không nhất thiết chỉ tiêm 100 liều một ngày mà có thể lên đến 200-300 hoặc nhiều hơn, nhưng phải đảm bảo tuân thủ chống dịch và an toàn tiêm chủng, chống tiêu cực trong tiêm chủng”, Thứ trưởng nói.
Liên quan đến công tác vận chuyển vaccine, ông Tuyên cho biết ngay sau khi có quyết định phân bổ của Bộ Y tế và vaccine về đến kho, yêu cầu trong 5 ngày Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và các Viện Pasteur phải cấp đến các địa phương. Nếu quá 5 ngày, các địa phương báo cáo ngay về Bộ Y tế.
“Chúng tôi đã thống nhất với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, vaccine từ các kho của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các Viện Pasteur sẽ do Bộ Chỉ huy quân sự của tỉnh phối hợp Bộ Y tế vận chuyển vaccine về địa phương. Do đó, các địa phương không lo chuyện vận chuyển vaccine”, ông Tuyên nói.
Sau 5 tháng triển khai tiêm chủng, tính đến hết ngày 8/8, cả nước đã tiêm được hơn 9,4 triệu liều, trong đó có 8.458.225 người đã được tiêm 1 liều vaccine và 967.400 người tiêm đủ 2 liều vaccine.
Thứ trưởng Y tế: Nhiều tỉnh đang chạy theo dịch
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị điều kiện chống dịch với tinh thần 4 tại chỗ chưa triệt để, đang "chạy theo dịch".
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chiều 12/7, ông Tuyên nêu nhận định trên.
Ông Tuyên phân tích, nhiều tỉnh khi dịch bệnh xuất hiện mới bắt đầu quan tâm đến giải pháp về trang thiết bị y tế, nhân lực... Việc chống dịch chủ yếu giao cho y tế, công an, quân đội mà chưa huy động nhiều đơn vị vào cuộc. Vì vậy, ông đề nghị các tỉnh phân phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm".
Đến nay 58 tỉnh, thành ghi nhận ca Covid-19. Thời gian tới, đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ghi nhận ca bệnh mới, nhưng ông Tuyên cho rằng "cơ bản tình hình vẫn trong tầm kiểm soát".
Để nâng cao năng lực xét nghiệm, các tỉnh kết hợp giữa xét nghiệm nhanh và PCR. Xét nghiệm nhanh để điều tra dịch tễ, đánh giá tình hình ngoài cộng đồng, trong tình huống quá nhiều F0. Dùng phương pháp nào còn căn cứ theo mức độ nguy cơ của từng khu vực, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm.
"Tuyệt đối tránh tình trạng lấy mẫu về mà không xét nghiệm hết để trả kết quả trong 24 giờ. Các kết quả xét nghiệm phải có đầy đủ thông tin, kể cả nồng độ virus để phục vụ truy vết, điều tra dịch tễ", ông Tuyên khuyến cáo.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Ngọc Thành
Nhấn mạnh dịch bệnh tại đồng bằng sông Cửu Long còn phức tạp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo các tỉnh trực chiến; rà soát số lượng máy móc, sinh phẩm, cơ sở cách ly, điều trị, nhân lực... Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nghiên cứu ứng dụng công nghệ để giám sát F1 cách ly tại nhà. Tuy nhiên, đây chỉ là công cụ hỗ trợ, căn bản vẫn cần dựa vào các tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng y tế, công an địa phương.
Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu của các tỉnh về sinh phẩm, máy móc, thiết bị, vật tư y tế, trang thiết bị bảo hộ... để có phương án hỗ trợ. Riêng TP Cần Thơ, Phó thủ tướng lưu ý "ngoài lo cho mình, cần chuẩn bị để hỗ trợ các tỉnh khác trong khu vực chống dịch".
Tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều tỉnh bày tỏ gặp khó khăn trong quản lý người về từ các địa phương có dịch như TP HCM, Bình Dương; kiểm soát quốc lộ, đảm bảo lưu thông hàng hóa, nông sản liên tỉnh. Năng lực truy vết, xét nghiệm ở nhiều nơi hạn chế; máy xét nghiệm, sinh phẩm, trang thiết bị còn thiếu, "cơ bản mới dừng ở mức tối thiểu". Cơ sở cách ly tập trung, điều trị dự báo sẽ gặp khó khăn nếu ca nhiễm tăng nhanh.
Các tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ nhân lực điều trị bệnh nhân nặng; nâng cao khả năng truy vết; máy xét nghiệm, sinh phẩm; tăng cường phân bổ vaccine.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư từ cuối tháng 4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 28.638 ca Covid-19, ở 58 tỉnh thành. TP HCM có số ca nhiễm cao nhất với 14.776.
Biến chủng mới SARS-CoV-2 vừa phát hiện ở Việt Nam nguy hiểm như thế nào? Về lý thuyết, đột biến Y144 được cho là có thể giúp virus lẩn tránh một số siêu kháng thể, nhưng sự thực virus có lẩn tránh được hay không và ảnh hưởng đến vaccine như thế nào, thì còn phải chờ đợi những dữ liệu quan sát dịch tễ trong thời gian tới. Hiện nay trên toàn thế giới, SARS-CoV-2 có khoảng...