Không thể xài sang khi còn nghèo
Nhà đấy nghèo, có lẽ là nhất xóm, vì có tên trong danh sách cứu đói của chính quyền địa phương, và vì láng giềng vẫn cứ phải thường xuyên giúp đỡ lúc thì lon gạo, lúc lại rổ khoai, do thu nhập của gia đình này hàng tháng chỉ đủ ăn trong một tuần.
Nhưng, ở nhà thì thôi, chứ mỗi lần ra phố, con cái nhà đấy lại “vận hàng hiệu” đúng kiểu, từ quần áo, giày dép đến giỏ xách. Họ chỉ tự biết với nhau rằng hàng hiệu này được mua từ những đồng tiền cứu đói.
Chuyện đó khó lòng xảy ra trong thực tế nhưng nhìn một cách nào đó, cách Sơn La đòi chi 1.400 tỉ đồng gây xôn xao dư luận mấy ngày qua cũng không khác bao nhiêu.
Nghèo đói vẫn là câu chuyện dài kỳ ở Tây Bắc hiện nay
Con số 1.400 tỉ đồng mà chính quyền tỉnh Sơn La dự định dùng để xây cụm tượng đài Bác Hồ và những công trình liên quan thật sự gây “choáng” cho cộng đồng cả nước suốt ba ngày qua. Với nhiều thành phố lớn trên cả nước,con số 1.400 tỉ đồng này đã là vấn đề phải “nâng lên đặt xuống” nhiều lần, cân nhắc giữa đồng vốn và hiệu quả, thế mà một địa phương chạy ăn từng bữa như Sơn La lại có thể dễ dàng thông qua.
Như đã đăng tải trên báo chí, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La đã ra nghị quyết 127/NQ-HĐND ngày 8-7-2015, thông qua chủ trương đầu tư cho cụm tượng đài này với tổng vốn đầu tư lên đến 1.400 tỉ đồng. Dự án này bao gồm nhóm tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, quảng trường có sức chứa 20.000 người, đền thờ Bác Hồ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, bảo tàng tổng hợp, khu nhà điều hành, đón tiếp…, tất cả đều là các công trình phi kinh tế.
Câu hỏi day dứt – không phải đối với chính quyền tỉnh Sơn La mà là đối với công chúng – là “tiền ở đâu ra?” Và câu trả lời đã có sẵn: từ “đồng tiền cứu đói.“
Thật vậy, Sơn La là một trong những địa phương nghèo nhất nước, và nguồn thu ngân sách cho dù có “giật gấu vá vai” cũng chỉ đáp ứng khoảng một phần tư mức chi tiêu, chưa tính công trình tượng đài theo dự kiến này.
Video đang HOT
Đến mùa tựu trường, bọn trẻ con phải tự trèo trên mái nhà để lợp lại lá, thế mà…
HĐND tỉnh Sơn La tại kỳ họp thứ 9 cuối năm 2014 đã ra Nghị quyết số 96/2014/NQ-HĐNDvề dự toán thu chi ngân sách địa phương năm 2015. Theo đó, dự kiến tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chỉ là 2.852 tỉ đồng, và sẽ phải nhận nguồn phân bổ từ ngân sách trung ương là 6.516 tỉ đồng. Nghĩa là, trong tổng ngân sách 2015 của Sơn La là 9.345 tỉ đồng, thì nguồn thu từ địa phương chỉ đạt chưa đến 30%.
Con số thu ngân sách khiêm tốn này dự kiến có được cũng không hẳn là do sự tháo vát của tỉnh từ hiệu quả của các dự án, chương trình kinh tế, vì có đến khoảng một nửa nguồn thu là nhờ thủy điện, nghĩa là từ những điều kiện địa lý tự nhiên. Chẳng hạn, trong tổng thu ngân sách trên địa bàn trong chín tháng đầu năm 2014 là 2.173 tỉ đồng, thì thủy điện đã đóng góp đến 1.212 tỉ đồng.
Trong tổng chi ngân sách địa phương dự kiến theo nghị quyết là 9.323 tỉ đồng, thì chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm 324,6 tỉ đồng, trong khi chi thường xuyên lên đến gần 7.500 tỉ đồng, bao gồm chi cho quản lý hành chánh lên tới 1.422 tỉ đồng.
Khoản kinh phí khổng lồ cho công trình cụm tượng đài thật sự gây sốc vì Sơn La hiện có đến khoảng 36.000 người thiếu đói, và có 5/11 huyện nghèo thường xuyên nhận hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững (gọi tắt là Chương trình 30A của Chính phủ).
Trong khi đó, theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo đến hết năm 2013, toàn tỉnh Sơn La còn 68.947 hộ nghèo, chiếm 27% tổng số hộ; và 30.277 hộ cận nghèo, chiếm 11,86% tổng số hộ. Nghĩa là số hộ nghèo và cận nghèo ở Sơn La lên đến gần 40% dân số tỉnh. Tình hình này đã khiến chính quyền phải hỗ trợ 3.278 tấn gạo để cứu đói và vận động nhân dân cho nhau vay gạo để giải quyết cứu đói, nhất là vào thời điểm giáp hạt.
Một “con đường” lầy lội ở Sơn La. Không biết nên gọi đây là “đường” hay “đầm lầy”?
Trước phản ứng của công luận, chính quyền tỉnh Sơn La ngày hôm qua, 5-8, đã tổ chức họp báo nhằm thanh minh về dự án, rằng kế hoạch xây tượng đài đã được Ban bí thư TW Đảng thông qua, rằng Chính phủ đã cho phép…
Tuy nhiên, việc cho phép xây tượng đài không đồng nghĩa với việc thông qua một khoản ngân sách “khủng” cho dự án bất kể quy mô thế nào; trong khi Thủ tướng Chính phủ trong một văn bản trả lời đại biểu Quốc hội đầu tuần về dự án này đã nói rõ rằng việc xây quảng trường (không kể nhiều công trình khác trong cụm dự án này) là chuyện của địa phương, do HĐND địa phương quyết định. Thủ tướng ngày hôm qua cũng có một văn bản hỏa tốc gởi Sơn La, yêu cầu chính quyền tỉnh báo cáo về dự án này trước ngày 15-8.
Có lẽ kế hoạch khởi công dự án này dự kiến vào tháng 11-2015 sẽ phải điều chỉnh lại, vì không thể chấp nhận được việc một địa phương phải sống nhờ vào ngân sách trung ương lại có thể dễ dàng vung tay hàng ngàn tỉ đồng trong bối cảnh nợ công và bội chi ngân sách quốc gia đang trở thành sức ép lớn cho đất nước.
Và, có lẽ cần có một cơ chế giám sát khác, không thể chấp nhận việc kế hoạch được duyệt xây tượng đài lại có thể bị tùy tiện mở rộng sang những món “hàng hiệu” như quảng trường, bảo tàng tổng hợp, khu nhà điều hành, đón tiếp, hay thậm chí cả khu hành chánh tập trung như giải thích ngày hôm qua của chính quyền tỉnh Sơn La. “Đồng tiền cứu đói” hay đồng tiền hỗ trợ để phát triển kinh tế không thể được sử dụng mà không có kiểm soát, nhất là đối với trường hợp đồng tiền đó được sử dụng theo kiểu “sơn phết lại căn nhà ọp ẹp” ở địa phương.
Theo The SaigonTimes
Đừng mang lòng yêu nước để biện minh cho sự lãng phí
Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc, tượng đài bất diệt trong lòng mỗi người dân đất Việt. Nhưng đáng tiếc thay, chính tình yêu thiêng liêng ấy lại là lí do để lãnh đạo tỉnh Sơn La biện minh cho đề án xây dựng Đề án tượng đài Hồ Chủ tịch 1.400 tỷ đồng. Con số không thể tin được đối với một tỉnh nghèo như Sơn La.
Những em bé nhếch nhác bệnh tật, người dân nghèo khổ quanh năm với thức ăn chính là mèn mén ngẹn đắng để sống qua ngày. Những con đường gập ghềnh nguy hiểm, cây cầu treo chơi vơi trên dòng sông chảy xiết, thiên tai liên miên cướp đi bao nhiêu tính mạng và tài sản của người dân. Nhưng, bấy nhiêu đó cũng không quan trọng bằng việc xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chủ tịch với lý do "đáp ứng nguyện vọng của nhân dân".
Dù thức ăn chỉ là mèn mén nhưng các em vẫn vui khi được đến trường
Nếu xưa kia Bác đã dùng chính chén cơm của mình để chia sẻ với người dân thì nay lãnh đạo Sơn La lại dùng chính Bác làm lí do xây lên tượng đài vô cùng lãng phí đó. Trước ý kiến của dư luận, lãnh đạo Sở VH-TT-DL đã nói: "Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng". Đúng là chưa bao giờ người con dân Đất Việt thôi nhớ và biết ơn Bác nhưng việc lãng phí hay không lại là một chuyện đáng bàn.
Lãng phí là sử dụng nguồn vốn không hợp lí, gây thất thoát và không có hiệu quả. Trong tình hình chung của tỉnh: trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường, cuộc sống người dân vô cùng khốn khó, cái ăn, cái mặc còn chưa đủ đầy, trẻ con bữa đói bữa no. Số tiền 1.400 tỷ theo ước tính tương đương với thu nhập một tháng của 1 triệu người dân Sơn La, tức ngót nghét toàn tỉnh. Như thế vẫn chưa gọi là lãng phí ư?
"Quá lãng phí! Bác tiết kiệm cho dân, cho nước liệu Bác có vui khi biết người ta lãng phí để dựng lên hình tượng khi dân còn đói còn nghèo, đặc biệt 1 tỉnh còn nghèo như Sơn La. Với phần lớn là đồi núi vùng sâu vùng xa, 1400 tỉ đó phát triển cở sở hạ tầng, thêm con đường vào bản, thêm ngôi trường cho học sinh nghèo, giúp đỡ người nghèo có phải ý nghĩa hơn không? Trước khi làm phải tự đặt mình vào vị trí của người dân, xem đang thiếu thốn cái gì, đang cần gì, cái gì cấp bách thì làm ngay, làm kịp thời. Có như thế thì hình ảnh của Bác trong lòng dân mới trường tồn, xây tượng Bác hùng vĩ mà dân xung quanh nghèo xơ xác, chắc Bác đau lòng lắm..." - bạn Hoài An bức xúc lên tiếng.
Thiết nghĩ, một tỉnh còn quá nghèo như Sơn La tại sao không lo cải thiện đời sống dân sinh mà lại tập trung vào nâng cấp bộ mặt thành phố. Đúng là sự phát triển của một vùng cũng có thể đánh giá qua bộ mặt đô thị, nhưng cái gì cũng phải đúng với thực chất của nó. Khi một công trình hoành tráng ra đời mà dưới chân còn bao nhiêu người dân đói khổ, thì có phải là quá kịch cỡm và giả tạo hay không?
Sinh thời, Bác là người giản dị, tiết kiệm dù chỉ là một que diêm. Nhưng lãnh đạo Sơn La lại muốn xây nên một tượng đài hoành tráng và lãng phí để thể hiện tình cảm đối với Bác, như vậy có phải là đi ngược lại với tôn chỉ của Người. Muốn tôn vinh Người, trước hết hãy hoàn thành ước nguyện của Người là diệt giặc đói, giặc dốt.
Có lẽ bấy nhiêu thiên tai vẫn chưa đủ để lãnh đạo"vô cảm" nhìn thấy cái khổ của dân.
Quyết định xây dựng các quảng trường thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh, thành phố. Trên thực tế, hầu hết các quảng trường tại các tỉnh, thành phố được xây dựng bằng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Vậy ngân sách của địa phương ở đâu ra? Chẳng phải từ những giọt mồ hôi mặn chát, bàn tay nứt nẻ và rớm máu của người dân trên mảnh đất vùng cao này hay sao? Khi người dân còn nghèo, bữa đói bữa no sống qua ngày, thì sao lại đành lòng mang những giọt mồ hôi và nước mắt của họ để xây dựng một đề án quá xa xỉ?
Thay vì, quan tâm lo lắng làm cho người dân đủ ăn đủ mặc thì lãnh đạo tỉnh lại vô cảm tới mức "đua đòi" xây dựng một đề án thật to, thật hoàng tráng. Để phục vụ cho nhu cầu và nguyện vọng của ai? lãnh đạo hay người dân, khi mà vắt kiệt họ đến từng củ khoai, củ sắn. Xin đừng lấy lý do "lòng dân" hay "vì Bác" để biện mình cho sự lãng phí của một đề án mà cả dân và Bác không bao giờ đồng tình.
Theo truongtansang.net
Muốn thì tìm cách...? Khi thông tin tỉnh Sơn La sẽ xây công trình gồm tượng đài Bác Hồ, quảng trường, trung tâm hành chính... lên đến 1.400 tỷ vấp phải làn sóng phản ứng quyết liệt từ dư luận, lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Sơn La tìm đủ mọi cách lý giải. Thậm chí, vì không muốn công trình "đình chỉ", họ...