“Không thể vì nhân văn với người nghiện mà để xã hội bất ổn”
Đa số các ý kiến phản hồi đều chia sẻ, đồng tình với việc đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM xin Quốc hội cơ chế đặc biệt để xử lý vấn đề người nghiện tràn phố. Tuy nhiên, quy trình nào để giải quyết kiến nghị “vượt rào” của TPHCM?
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi: Người bị bệnh phạm tội cũng phải chặn
Tôi ủng hộ kiến nghị của đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM. Nhân đạo của con người phải có giới hạn. Nhân đạo với người đáng nhân đạo. Trước đây, khi TPHCM thực hiện Nghị quyết 16 đã đưa vào các trung tâm cai nghiện 32.000 người nghiện. Xã hội lúc đó trở lên bình yên. Tức là chúng ta phải chấp nhận trừng phạt một nhóm người nhỏ để bảo đảm bình yên cho số đông nhân dân. Xã hội phải đi theo nguyên tắc đó. Không thể vì một số người mà để xã hội bị bất ổn.
Nghiện ma túy phải xác định là bệnh lý. Từ bệnh lý mà ra tội phạm. Vậy thì những tội phạm đó phải được quản lý, phải được xem xét và tính toán để ngăn chặn những hành vi trộm cắp, phá hoại, gây thương tích cho xã hội. Nếu chúng ta không làm thì sẽ rất bất ổn. Nếu chúng ta không bảo đảm xã hội trật tự yên ấm thì làm sao phát triển được kinh tế. Kinh tế không phát triển được thì lại dẫn đến tiêu cực trong xã hội. Cả 2 vấn đề này phải song hành. Mà TPHCM lại là đầu tàu kinh tế của cả nước nên càng phải quan tâm.
Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về cai nghiện ma túy là chúng ta rất nhân đạo, đã bàn nhiều, điều đó là đúng. Nhưng ra thực tiễn thì ai cũng thấy, thủ tục hành chính quá nhiều, vì thế không đáp ứng được nhu cầu để xử lý nhanh chóng. Trong khi đó, cai nghiện là vấn đề phải xử lý tức thời.
Với kiến nghị của TPHCM, tới đây các cơ quan chức năng phải ngồi với nhau để xử lý một phương pháp thực thi. Về mặt pháp luật, tôi nghĩ các cơ quan chức năng sẽ cơ bản sẽ ủng hộ. Vấn đề là bàn cách thức tổ chức thực hiện ra sao để bảo đảm nhanh gọn, không trái luật. Có thể ngay trong kỳ họp này, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ đứng ra làm trung gian để mời các cơ quan chức năng thảo luận về kiến nghị của TPHCM.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai:Quốc hội cần có Nghị quyết
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề cai nghiện, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét. Tôi cho rằng cần tính toán lại. Vì trong thực tiễn các cơ quan thực thi pháp luật rất khó khăn trong vấn đề xử lý cai nghiện ma túy và giáo dục tại cộng đồng.
Theo tôi, trên cơ sở xem xét từ tình hình thực tiễn, Quốc hội không cần phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính mà có thể có Nghị quyết để điều chỉnh vấn đề này. Nghị quyết sẽ khắc phục được những khó khăn trong thực tiễn mà các địa phương, cơ quan thực thi pháp luật đang vấp phải trong xử lý cai nghiện.
Tôi đồng tình với kiến nghị của đoàn ĐBQH TPHCM về việc Quốc hội có Nghị quyết hoặc lồng ghép vào nội dung của Nghị quyết về kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 8 để TPHCM xử lý vấn đề này.
Phó đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Bình Dương – ông Huỳnh Ngọc Đáng: Không sợ ảnh hưởng đến nhân quyền
Tôi đồng ý với đề xuất của đoàn ĐBQH TPHCM. Tôi cho rằng, nếu thực thi kiến nghị đó thì không có gì ảnh hưởng đến vấn đề nhân quyền của con người. Một cơ chế để xử lý vấn đề cai nghiện sẽ tốt cho TPHCM cũng như một số địa phương khác khi có quá nhiều người nghiện gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, quản lý Nhà nước trên địa bàn và làm người dân bất an.
P.Thảo ghi
Theo Dantri
TPHCM xin Chủ tịch Quốc hội cơ chế giải quyết người nghiện "tràn" phố
Chiều 27/10, đoàn ĐBQH TPHCM thống nhất ký văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm UB Pháp luật, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội "xin" quyền được tổ chức quản lý, cắt cơn cho người nghiện tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội...
Văn bản do Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Huỳnh Thành Lập ký nêu rõ, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 quy định theo đó việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do TAND cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, việc thực hiện đến nay rất khó khăn.
Số người nghiện ma túy ở TPHCM hiện đã là 19.000 người, tăng 7.000 người so với năm 2013, trong đó có hơn 60% từ các tỉnh nhập cư về và không có địa chỉ quản lý.
TPHCM được coi là "vùng trũng" tập trung rất nhiều người nghiện.
Mặt khác, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc... rất phức tạp. Theo quy định, trước khi đưa đi cai nghiện tập trung, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương từ 3-6 tháng. Tiếp đó, nếu việc giáo dục này không thành công thì chính quyền giao cho các tổ chức xã hội, phải xét nghiệm dương tính với chất gây nghiện và giao cho Tòa án quyết định...
Trong khi đó gia đình của người nghiện không cư trú ở thành phố, còn "tổ chức xã hội" lại không quy định là tổ chức nào hay phải lập ra một tổ chức mới. Từ đó, để đưa được người nghiện vào cai nghiện tập trung phải mất cả năm.
Do đó, đoàn ĐBQH TPHCM kiến nghị UB Pháp luật và UB Về các vấn đề xã hội nghiên cứu, xem xét, báo cáo UB Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét cho phép áp dụng giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện tại TPHCM.
Các đại biểu đoàn TPHCM kiến nghị 2 UB có các cuộc họp với các bộ ngành hữu quan sớm tháo gỡ những khó khăn, ách tắc đối với công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy sống ở các địa bàn dân cư.
Trưởng đoàn Huỳnh Thành Lập đề nghị Quốc hội cho phép triển khai việc này dưới hình thức một Nghị quyết hoặc lồng ghép vào nội dung của Nghị quyết về kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 8, giao cho thành phố thẩm quyền quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội (thay cho các tổ chức xã hội) trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của Tòa án đưa đi cai nghiện tập trung.
"Đây là vấn đề hết sức cấp bách, vì mức độ lây lan ngày càng nhanh, ngày càng nghiêm trọng, là "bước đệm" quản lý nhằm hạn chế người nghiện tràn lan ngoài xã hội, gây bất ổn cho người dân" - văn bản của đoàn ĐBQH nêu rõ.
Trao đổi thêm về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thành Lập cho biết, ông báo cáo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề quản lý cai nghiện của TPHCM.
"Hiện nay tình hình người nghiện, tái nghiện ở thành phố đã báo động, nếu không được tập trung cắt cơn, cai nghiện thì sẽ làm lây lan ra cộng đồng, gây bất an cho người dân. Để càng chậm trễ thì nguy hại càng lớn"- ông Lập bày tỏ lo ngại, TPHCM là "vũng trũng", tập trung con nghiện ở khắp nơi đổ về làm ăn, phạm tội để "kiếm thuốc", rất cần một cơ chế thí điểm để ngăn chặn tình hình lan rộng.
Trưởng đoàn ĐBQH thành phố dẫn chứng, Nghị quyết 16 thí điểm tại Quốc hội trước đây đã giúp TPHCM kéo giảm mạnh số người nghiện. Trộm cướp, tệ nạn xã hội, lây nhiệm HIV/AIDS, theo đó, cũng giảm theo. Đến nay, thành phố vẫn liên tục nỗ lực trong công tác xử lý người nghiện ma tuý nhưng với quy trình mới thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian như luật Xử lý vi phạm hành chính mới, hiệu quả công tác không cao.
P.Thảo
Theo Dantri
Hà Nội có hàng nghìn người nghiện lang thang Trên 1.000 người nghiện vắng mặt tại nơi cư trú. Đây được xem là những người có nguy cơ gây mất an toàn trật tự cao nhất trong nhóm người nghiện. Trao đổi với VnExpress ngày 27/10, ông Nguyễn Kim Hùng, Chi Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho hay, tính...