“Không thể tính chi phí hoạt động của bộ máy vào thu nhập của NLĐ”
“Sau sắp xếp lại, bộ máy đi vào hoạt động ổn định thì lúc đó người lao động sẽ sống được bằng lương do nhà nước trả. Còn phần tiết kiệm được từ chi phí thường xuyên sẽ do cơ quan đó dùng để bổ sung, khoán cho các nhiệm vụ khác”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.
Tiếp tục hoạt động khảo tại các cơ quan Trung ương để xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người người có công, sáng nay 9.11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã làm việc tại Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (T.Ư MTTQVN).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)
Cùng tham dự còn có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQVN, Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo.
Thay mặt Ban Thường trực Uỷ ban T.Ư MTTQ VN, ông Trần Thanh Mẫn đánh giá thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá IX từ năm 2004 tới nay, Chính phủ đã xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng; sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên theo nghề, phụ cấp đặc thù theo ngành; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp,… từng bước hoàn thiện chế độ tiền lương và cải thiện đời sống cán bộ công chức, viên chức và người lao động với mục tiêu để người lao động có thể sống bằng lương.
Tuy nhiên, Ban Thường trực Uỷ ban T.Ư MTTQ cho rằng quá trình điều chỉnh, triên khai từng nội dung của chính sách tiền lương vẫn còn nhiều bất cập, chính sách tiền lương dù đã trải qua nhiều lần cải cách mà chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng, không tạo khuyến khích người có năng lực gắn với khu vực nhà nước. Trong đó, tiền lương của cán bộ Mặt trận chưa đảm bảo mối tương quan chung giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước và MTTQVN.
Ghi nhận những góp ý từ phía Ban Thường trực Uỷ ban T.Ư MTTQVN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của MTTQVN với chức năng giám sát và phản ảnh tiếng nói của người dân sẽ giúp Ban chỉ đạo xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, trình Trung ương Đảng thảo luận vào năm 2018.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, không thể tính chi phí hoạt động của bộ máy vào thu nhập của người lao động. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)
Qua buổi làm việc, Trưởng Ban chỉ đạo rút ra hai nội dung quan trọng. Một là cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phải đi đôi với tinh giản biên chế trong khối hành chính và sự nghiệp công lập, trong đó tinh giản biên chế phải được thực hiện trước một bước.
“Hiện nay có cơ quan của Chính phủ xin đề nghị thành lập tới 14 trung tâm là đơn vị sự nghiệp nhưng hạch toán phụ thuộc ở 2 đơn vị cấp Cục. Làm gì có chuyện như thế này được. Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo dừng việc này lại để làm rõ, nếu không thì vẫn còn tồn tại việc cấp phép thủ tục hành chính và không giảm được các thủ tục kiểm tra chuyên ngành hay tinh giản bộ máy”, Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ bày tỏ.
Thứ hai, Trưởng Ban chỉ đạo cũng khẳng định cải cách chính sách tiền lương phải gắn với quản lý biên chế, quản lý chi phí thường xuyên: “Không thể tính chi phí hoạt động của bộ máy vào thu nhập của người lao động được, không đúng với bản chất của tiền lương. Sau sắp xếp lại, bộ máyđi vào hoạt động ổn định thì lúc đó người lao động sẽ sống được bằng lương do nhà nước trả. Còn phần tiết kiệm được từ chi phí thường xuyên sẽ do cơ quan đó dùng để bổ sung, khoán cho các nhiệm vụ khác”.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)
Đối với mức lương hưởng cho cán bộ MTTQVN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phải xác định Uỷ ban T.Ư MTTQVN là liên minh chính trị chứ không phải là cơ quan đoàn thể xã hội, nên cần phải ghi nhận và giải quyết những bật cập về lương cho cán bộ Mặt trận hiện nay.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng đề nghị Ban Thường trực Uỷ ban T.Ư MTTQVN, Hội đồng tư vấn, Ban chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng và hoàn thiện Đề án với Ban chỉ đạo trong thời gian tới.
Theo Danviet
Mời chuyên gia quốc tế tư vấn điều chỉnh tiền lương theo thị trường
Chiều 8/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp người có công làm việc với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam.
Cùng tham dự còn có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, lãnh đạo các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện nay Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Đề án về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Dự kiến đề án này sẽ được Trung ương Đảng xem xét, thông qua vào tháng 5/2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam.
Đây là một lĩnh vực rất khó, có phạm vi rộng. Đề án bao gồm cả khu vực công, các khu vực trong tổ chức nhà nước, khu vực sản xuất (cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân), liên quan đến các chính sách bảo hiểm xã hội - một trong những trụ cột an sinh xã hội. Đây cũng là một vấn đề rất nhạy cảm vì liên quan đến hầu như tất cả những người đang trong độ tuổi lao động cũng như đã nghỉ hưu.
Do vậy, Ban chỉ đạo mong muốn cập nhật thông tin, kinh nghiệm và khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế để xây dựng Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp người có công, giúp Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội của Việt Nam theo các tín hiệu của thị trường.
T.S Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO đánh giá tiền lương, bảo hiểm xã hội là chính sách then chốt, có ảnh hưởng đối với sự phát triển, khuyến khích sự năng động sáng tạo cho mỗi người lao động, mỗi doanh nghiệp và cả một quốc gia.
"Vì vậy, không chỉ ở Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên thế giới, đây là chính sách luôn gây nhiều tranh cãi, rất khó để Chính phủ, công đoàn cũng như giới chủ có sự đồng thuận", T.S Chang- Hee Lee nhận định.
Ông Chang Hee Lee chúc mừng Trung ương Đảng Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 18 và 19, đưa ra những định hướng rất rõ cũng như những hướng dẫn để có thể thực hiện cải cách các thiết chế công, bao gồm cả vấn đề quản lý cũng như vấn đề tiền lương.
Ông Chang Hee Lee cho rằng lương tối thiểu chỉ có chức năng chức năng hữu hạn trong một số lĩnh vực trong nền kinh tế thị trường, việc thương lượng tập thể giữa người lao động và công đoàn mới là quá trình then chốt để xác định mức lương thực tế và các điều kiện làm việc khác phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp. Ở Việt Nam, thương lượng tập thể chưa phát triển, trong khi đó yêu cầu của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU là được phê chuẩn công ước của ILO, Công ước 98. Đây là yếu tố để thúc đẩy thương lượng từ đó thúc đẩy vấn đề xác lập thương lượng tiền lương trong nền kinh tế thị trường.
Phó Thủ tướng muốn có những đề xuất cụ thể về việc trả lương theo cấp bậc, vị trí
Theo ông Chang Hee Lee, cần cải thiện hơn nữa thống kê về tiền lương, tăng cường hơn nữa năng lực của bộ phận thư ký giúp việc cho Hội đồng Tiền lương quốc gia để họ có năng lực tốt hơn trong việc giám sát cũng như đánh giá tác động của tiền lương tối thiểu, giữa tiền lương và việc làm. Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cũng khuyến nghị cần có một công thức để ước lượng điều chỉnh tiền lương tối thiểu hay thống nhất về những tham số trong những công thức đó, như vậy việc xác định, ấn định để điều chỉnh tiền lương tối thiểu có thể dự báo trước được.
Về chính sách bảo hiểm xã hội, các chuyên gia của ILO khuyến nghị Việt Nam cần thay đổi từng bước, tránh đột ngột; tăng cường mở rộng độ bao phủ của Bảo hiểm xã hội.
Đánh giá cao những khuyến nghị của ILO tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sẽ giúp ích cho các cơ quan ban hành hành chính sách của Việt Nam trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng đề nghị ILO tiếp tục có đề xuất cụ thể liên quan tới vấn đề tiền lương, nhất là trả lương theo cấp bậc, vị trí với các nguyên tắc, cách thức thực hiện; cung cấp các tài liệu về mô hình tiền lương, bảo hiểm xã hội của một số nước để Việt Nam tham khảo; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam trong thảo luận, hỗ trợ các vấn đề liên quan.
P.T
Theo Dantri
Bất hợp lý khiến giáo viên bị thiệt thòi về tiền lương Câu chuyện lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng của cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh làm dấy lên bất cập lâu nay về chính sách tiền lương của giáo viên. Đại biểu Quốc hội: Giáo viên mầm non xứng đáng nhận lương cao hơn Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng cô giáo mầm non xứng đáng nhận mức lương cao...