“Không thể tăng lương, trừ phi… in thêm tiền” !?
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ phân bua lần cuối khi UB Thường vụ Quốc hội truy vấn về đề xuất hoãn kế hoạch tăng lương năm 2013. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn lưu ý cân nhắc chủ trương này vì tăng lương cũng là để kích hoạt kinh tế.
Đề xuất không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình trong năm tới vì lý do khó khăn của ngân sách, các ý kiến thảo luận trong UB Thường vụ vẫn không hết băn khoăn.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm tán thành phân tích của Bộ trưởng Tài chính về nỗi khó trong nguồn thu nhưng vẫn gợi ý nếu Chính phủ không đủ tiền để tăng lương theo lộ trình (khoảng 150.000 đồng) thì chỉ cần tăng ở mức 100.000 đồng.
“Tăng lương cũng là để góp phần kích hoạt tiêu dùng. Thậm chí, nếu tình hình “căng” quá, có thể lùi thời gian hai tháng so với lộ trình định trước, tăng vào tháng 7 thay vì ngày 1/5 như mọi năm” – ông Hiển phân tích. Với mức tăng giảm xuống chỉ còn 100.000 đồng, số tiền phải dành cho việc này sẽ chỉ tốn 20.000 tỷ đồng, giảm 13.000 tỷ đồng so với mức dự kiến ban đầu.
Ông Hiển cũng cho rằng, nguồn tiền dành cho tăng lương có thể lấy từ nhiều khoản như từ tăng thu dầu khí hoặc từ việc cắt giảm một số khoản chi không cần thiết khác. Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách nhấn mạnh: “Cắt chỗ khác nhưng để đầu tư cho con người là rất xứng đáng”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhắc nhở, cần cân nhắc chủ trương hoãn tăng lương với lý do Chính phủ đặt ra ba mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kích hoạt nền kinh tế, tăng tiêu dùng nhưng lại hoãn tăng lương. Ông Hùng ví đây là một nghịch lý, “chẳng khác gì tình cảnh một bà nội trợ không có tiền, lấy gì đi chợ?”.
Video đang HOT
Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm, với những cán bộ đương chức, người đang ngồi trong phòng họp, mức lương 7-8 triệu đồng vẫn coi như đủ sống. Song còn những người về hưu chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Ông tính toán, nếu chỉ tăng 10% lương cho người về hưu, người có công, tính ra mỗi người một tháng chỉ nhận được thêm vài trăm ngàn đồng, không nhiều. “Đề nghị Chính phủ cứ tính đi xem có làm được không” – ông Hùng nói.
Ông Hùng tán thành quan điểm của Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách là rà soát lại các khoản chi từ ngân sách để xem có cắt được khoản nào không thực sự cần thiết, dành ra một khoản hợp lý cho mục tiêu tăng lương theo lộ trình, thay vì không hứa hẹn gì về thời điểm.
Ngoài ra, theo ông Hùng, cần tính giải pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng để giải quyết tình trạng tồn kho, nợ xấu. Ông nêu yêu cầu trong 6 tháng đầu năm 2013 phải giảm tồn kho, giảm nợ xấu. Ngân hàng cần tính toán hướng kích hoạt cho vay tiêu dùng, cho dân vay mua nhà nhằm “giải băng” bất động sản.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề xuất cắt giảm số tiền các cơ quan nhà nước vẫn bố trí cho cán bộ đi nước ngoài, đẩy khoản tiền này về quỹ lương. Ông Giàu cũng đề xuất dừng xây mới các trụ sở cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên. Ngoài ra, cắt giảm các khoản in ấn kỷ yếu, hội hè, lễ hội đang tốn rất nhiều tiền của.
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai kêu gọi, năm 2013 nếu thấy tiện thời điểm nào thì vẫn nên quyết tâm tăng lương thay vì trì hoãn không rõ thời điểm vì nếu lùi tăng lương năm tới sẽ không thể đáp ứng được mục tiêu nêu trong lộ trình cải cách tiền lương theo nguyên tắc lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
Bà Mai lo ngại, việc tăng lương sẽ tác động đến 7 triệu người hưởng lương tại các cơ quan nhà nước và 15 triệu lao động ở khu vực doanh nghiệp. Vì vậy, việc thực hiện hay hoãn cần quyết định sớm để người sử dụng lao động và người lao động có thể chủ động tính toán kế hoạch làm việc, kinh doanh, thu xếp cuộc sống.
Trước rất nhiều truy vấn, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ một lần nữa đứng dậy phân trần nỗi khó là không còn dư địa nào để tăng thu cho mục tiêu bù vào lương, không thể lo xoay kịp được.
Ông Huệ cũng “bác” ý kiến dùng nguồn tăng thu từ dầu thô cho quỹ tăng lương. Lý do, đây là năm đầu tiên cơ quan dự báo tính toán giá dầu thô với mức giá tới 90 USD/thùng mà chính UB Tài chính ngân sách cũng cảnh báo là một tính toán có độ rủi ro rất cao, không thể tăng thêm nữa.
“Không có dư địa để tăng thêm nữa, trừ phi Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền” – ông Huệ “chốt” lại.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng “dập” ngay”: “Thường vụ không đồng ý cho đồng chí in tiền đâu mà anh nắm sổ thì phải tính thôi. Tăng lương nếu có khả năng thì làm, nếu không thì cũng phải chủ động công bố để người dân biết”.
Theo Dantri
Kiến nghị Chính phủ giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu
Đây là khuyến nghị chính của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu trình bày trong phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 16.10.
Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH) 9 tháng đầu năm, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho thấy còn nhiều lo ngại về tình hình phát triển KT-XH, thể hiện qua con số lạm phát hạ nhanh hơn mức dự kiến, cùng với việc nhập siêu giảm liên tục và xuất siêu 9 tháng vừa qua.
Thực trạng đáng lo ngại khác được cơ quan thẩm tra chỉ ra trong báo cáo, đó là cơ chế quản lý thị trường vàng, nhất là về hoạt động quản lý và kinh doanh vàng miếng, chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ KT-XH nói trên trong 3 tháng cuối năm 2012, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là "hàng tồn kho và nợ xấu".
"Tồn kho càng lớn thì nợ xấu càng tăng lên. Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, khắc phục nhanh tình hình khó khăn hiện nay", ông Giàu nhấn mạnh.
Đi liền với giải pháp trên, Ngân hàng Nhà nước cần xác định chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu xử lý nợ xấu trên nguyên tắc ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm, tự chủ động giải quyết.
Cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành mục tiêu phát triển KT-XH theo đề xuất của Chính phủ, cũng như các chỉ tiêu chủ yếu, và nhấn mạnh 8 nhóm giải pháp cần thực hiện để thực hiện được mục tiêu và các chỉ tiêu KT-XH năm tới. Các nhóm giải pháp đó chủ yếu vẫn là: tiếp tục kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ, linh hoạt kết hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế, chủ động kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định gắn với thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, cũng cần có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, cần quan tâm về thủ tục vay vốn, bảo lãnh tín dụng giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm quy định của nhà nước, nhất là vấn đề lãi suất, tiếp cận vốn tín dụng cho phép cơ cấu lại nợ các khoản vay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận cả ngày về các nội dung báo cáo, thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2012, kế hoạch năm 2013 về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách năm 2012, dự toán năm 2013.
Theo TNO
Đề xuất hoãn tăng lương năm 2013 do ngân sách khó khăn Chính phủ cho rằng, do bối cảnh khó khăn, không đủ nguồn cân đối nên không thể bố trí ngân sách chi cho việc tăng lương trong năm 2013. Tuy nhiên, nhiều quan điểm thẩm tra cho rằng vẫn cần tăng lương tối thiểu lên 1,15 triệu đồng. Báo cáo dự toán ngân sách 2013 "hút" chú ý nhất ở nội dung về...