Không thể đổi mạng vì chuyến biển liều lĩnh
Các làng đánh bắt xa bờ ở Phú Yên đang rúng động trước sự việc 2 ngư dân trên tàu cá PY96173TS bị hải quân Philippines bắn chết ngày 23.9.
Ngư dân Phạm Thanh Lên (phường 6, TP.Tuy Hòa) nói: “Ngay lúc còn giữa biển, anh em tàu tôi đã biết sự vụ của tàu PY96173TS. Biển ngày một khó kiếm ăn, đánh bắt cho đủ tổn, có lãi thì phải đi dài ngày, tăng chi phí. Có hồi, tui nghe một số anh em xúi nhau cùng liều một chuyến lấn sang biển nước ngoài, đánh nhanh rồi rút. Thế nhưng nhiều người không ủng hộ”.
Ngư dân Phạm Phong (phường Phú Đông, Tuy Hòa) cho biết, nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ có truyền tai về những vùng “biển hứa” ở nước khác, nơi có nhiều loài hải sản quý, “đánh vài nhát là đổi đời”. Thế nhưng đường đi phải mất ít nhất 2 tháng, nhiều nguy hiểm rình rập. “Các nước hiện đang thắt chặt kiểm soát vùng biển. Nghe nói nhiều nước sẵn sàng bắn bỏ, đốt tàu xâm phạm vùng biển của họ. Tui thì đã dứt khoát nói với anh em quen biết: Không thể đánh đổi tính mạng mình cho chuyện liều lĩnh vi phạm pháp luật như vậy” – ông Phong nói.
Video đang HOT
Tàu cá của ngư dân Phú Yên chuẩn bị rời cảng cá phường 6 (Tuy Hòa) ra khơi đánh bắt. Ảnh: T.L
Ông Lương Luận – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông cho biết: “Nghiệp đoàn đã tuyên truyền cho các ngư dân về việc không đánh bắt hải sản ở các vùng biển nước ngoài. Hầu hết ngư dân đều đồng thuận, chấp hành đánh bắt trong hải phận Việt Nam. Thế nhưng nghề đánh bắt xa bờ nước ta đang phát triển quá mạnh, nguồn cá ở biển Đông ngày càng ít dần, nhiều tàu đánh bắt bị thua lỗ. Một số tàu ham mê theo các luồng cá lớn để có thu chuyến biển cao hơn nên vô tình hay cố tình vi phạm vùng biển các nước. Biết bao rủi ro thiệt hại nặng nề đã xảy ra, đó là những bài học cảnh tỉnh cho ngư dân địa phương”.
Còn ông Nguyễn Tri Phương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chủ tịch Hội Nghề cá Phú Yên cho rằng, phải có chế tài mạnh hơn nữa để ngư dân “nói không” với xâm phạm lãnh hải các nước. Địa phương sẽ tích cực yêu cầu các tổ tàu thuyền hỗ trợ nhau để cùng đánh bắt hiệu quả, đảm bảo an toàn…
Theo Danviet
"Biển là nhà, thuyền là giường"
Coi "biển là nhà, thuyền là giường", sau khi nhận tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân vùng cửa lạch Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) đã chủ động nâng cấp, cải hoán tàu thuyền để tiếp tục bám biển làm giàu.
Ngư dân Phạm Trung Quỳnh (thôn 1, xã Cẩm Lĩnh) - một trong những người vừa đóng mới tàu công suất 420 CV, cho biết: "Trước đây, tôi đi tàu công suất 60 CV nhưng sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, nhận thấy đánh bắt vùng lộng không ăn thua, cá khó bán nên gia đình tôi đã cố gắng vay mượn, mua một tàu cá công suất trên 400 CV để đánh bắt xa bờ. Đối với ngư dân chúng tôi, "biển là nhà, thuyền là giường" nên chúng tôi quyết bám biển mà kiếm sống chứ không biết làm nghề gì khác nữa".
Ngư dân Cẩm Lĩnh khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau sự cố môi trường biển. Ảnh: Hương Thành
Với con tàu mới hạ thủy được 3 tháng, anh Quỳnh cùng các bạn thuyền đã có tổng cộng 12 chuyến vươn khơi xa. Như đợt này, thuyền anh Quỳnh đi trong vòng một ngày đêm, sản lượng đạt khoảng 5 tấn cá, sò các loại, tương đương khoảng 15 triệu đồng. Trừ chi phí và công của bạn, anh Quỳnh còn lãi 2 - 3 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với đi thuyền nhỏ trước kia.
Ngoài anh Quỳnh, các anh Phạm Văn Việt, Trần Văn Thạch (thôn 1, Cẩm Lĩnh) cũng chủ động vay vốn ngân hàng để sắm tàu công suất lớn vươn khơi bám biển. Thời điểm này, các tàu công suất lớn của ngư dân Cẩm Lĩnh hầu như đang đánh bắt ở vùng biển Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Trần Đình Lam cho biết: "Đóng mới tàu lớn công suất trên 400 CV đợt này có 3 tàu. Ngoài ra, có hàng chục ngư dân thực hiện cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư cụ để tiếp tục đánh bắt. Cũng may, tiền đền bù đến tay người dân kịp thời để họ chủ động tu sửa tàu thuyền, đón đầu mùa đánh bắt ra giêng này".
Toàn xã Cẩm Lĩnh hiện có 263 tàu thuyền các loại, trong đó có trên 20 tàu công suất lớn (trên 90 CV). Một tín hiệu vui tiếp thêm động lực để ngư dân Cẩm Lĩnh tiếp tục vươn khơi đó là người tiêu dùng đã quay lại với hải sản, thị trường đã bắt đầu ổn định. Phấn khởi hơn, tiền đền bù được chi trả kịp thời đã giúp ngư dân có thêm "vốn" để tái đầu tư, sửa chữa tàu thuyền. Vừa trở về từ chuyến ra khơi dài ngày, ngư dân Nguyễn Xuân Toản (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) chia sẻ: "Thuyền của tôi được đền bù 125 triệu đồng, chia cho bạn 3 phần, còn lại 1 phần tôi sử dụng để tu sửa lại máy móc. Ngoài ra, tôi cũng vay thêm ngân hàng để nâng cấp máy, tân trang lại vỏ thuyền. Tổng kinh phí tu sửa đợt vừa rồi cũng hết hơn 100 triệu đồng, nếu đánh bắt thuận lợi như đợt ra giêng đến nay thì chẳng mấy chốc tôi trả được nợ".
Không chỉ đầu tư cải hoán lại tàu thuyền, nhận thấy sự cần thiết phải đầu tư xây dựng cầu cảng tại vùng cửa lạch, anh Nguyễn Xuân Toản xin chủ trương của xã. Được xã đồng thuận, anh Toản mạnh dạn đầu tư xây dựng mặt bằng cầu cảng tại vùng cửa lạch để thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân vào ra, từ đó, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Tổng kinh phí làm mặt bằng và mua máy bốc hàng khoảng 1,2 tỷ đồng. Nhờ cầu cảng mới mà 1 năm qua, tàu thuyền ra vào cửa lạch Cẩm Lĩnh cũng thuận lợi hơn, xe hàng thu mua hải sản cũng vào tận nơi khiến cho hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá nơi đây phát triển mạnh.
Rời vùng biển cửa lạch Cẩm Lĩnh khi những tia nắng cuối ngày còn loang trên sóng nước, khi những con thuyền lớn đang thực hiện những chuyến đi dài ngày ngoài khơi xa, khi những tín hiệu về một mùa cá bội thu liên tục được cập nhật về bờ..., tôi càng tin hơn vào khẳng định chắc nịch của ngư dân Phạm Trung Quỳnh: "Biển là nhà, thuyền là giường" nên chúng tôi quyết bám biển
Theo Phan Trâm (Báo Hà Tĩnh)
Niềm vui trên chợ cá Cồn Gò Tờ mờ sáng, những chiếc tàu, thuyền thi nhau cập bến Cồn Gò - Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên). Bến cá lại rộn rã những âm thanh náo nức, nụ cười tươi vui... Chưa nhìn rõ mặt người nhưng chợ cá Cồn Gò đã xôn xao trong tiếng nói, cười, gọi nhau. Những người đi "ngước" biển đã đứng đợi sẵn ở đấy để...