‘Không thể để tiền của dân bị lãng phí vì nhân tài’
“Thành phố chấm dứt việc tham gia Đề án và kiên quyết đòi học viên bồi thường gấp 5 lần số tiền chu cấp cho họ học ở nước ngoài nhằm không để đồng tiền của dân bị lãng phí”, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng nói.
Trao đổi với VnExpress.net về quyết định của UBND TP Đà Nẵng chấm dứt tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với học viên Hồ Thị Như Mai, Hà Thanh An do tự ý bỏ việc, không thực hiện đủ thời gian làm việc đối với thành phố theo cam kết, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Đề án, cho biết quyết định này hoàn toàn tuân theo bản hợp đồng được ký kết giữa thành phố với học viên.
Với chính sách thu hút nhân tài Đà Nẵng đang thực hiện, những học viên khi về nước làm việc, ngoài hưởng lương theo quy định chung của Nhà nước còn được thành phố hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi tháng trong vòng 5 năm, được bố trí thuê nhà chung cư giá rẻ tùy theo hoàn cảnh cụ thể… “Nhiều công chức tham gia đề án chia sẻ họ cảm thấy may mắn, vì ngoài việc được hỗ trợ tiền đi du học nâng cao kiến thức, họ còn được nhận chính sách ưu ái của thành phố”, ông Tiếng nói.
Đánh giá về khả năng bố trí sai công việc hay không đúng khả năng khiến học viên chán nản, bỏ việc, ông Tiếng khẳng định không có chuyện đó. Nhiều người được bổ nhiệm làm lãnh đạo bằng thực lực của bản thân. Như tại Ban Tổ chức Thành ủy, có hai học viên tham gia đề án hiện giữ chức Phó trưởng phòng và Phó chánh văn phòng. Hơn 200 người kết thúc khóa học ở nước ngoài đã tham gia đắc lực trong việc phát triển thành phố. “Không hy vọng họ học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về thì một lúc có thể xoay chuyển được giang sơn, nhưng chính khả năng làm việc hiệu quả, tận tâm của họ đáng được ghi nhận”, ông Tiếng nói.
Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết, hai học viên Như Mai và Thanh An làm việc có hiệu quả. Trước khi chấm dứt đề án, lãnh đạo nơi hai công chức này làm việc đã nhiều lần thỏa thuận để “giữ chân” nhưng không có kết quả. “Việcbuộc chấm dứt Đề án đối với hai học viên này là sự cố đáng tiếc, thất thoát nhân tài, nhưng đây là dự án đầu tư công nên không thể để số tiền từ ngân sách bị lãng phí. Thành phố không thể bỏ tiền đào tạo để cho người khác sử dụng. Tiền ở đây là công sức, mồ hôi của dân. Người dân hoàn toàn có quyền được biết công chức sau khi du học về làm được cái gì”.
Ông Tiếng nói thêm, ở Việt Nam mới chìa tay đón những người tài lên thảm đỏ nhưng chưa mạnh dạn chia tay những người không tương xứng với bằng cấp. Đã là công chức thì phải có tổ chức, không thể dễ dàng bỏ cuộc chơi, thích đi là đi. “Cách ứng xử của thành phố là chí tình, chí lý”, ông kết luận.
Video đang HOT
Người thân của hai học viên cho rằng, con họ không vi phạm hợp đồng và số tiền bồi thường lên đến hàng tỷ đồng khiến họ không kham nổi. Ông Hồ Hữu Nhơn (56 tuổi, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), bố học viên Hồ Thị Như Mai, nói: “Gia đình tôi bất ngờ trước quyết định của thành phố. Mai đã viết đơn xin nghỉ việc một thời gian không lương để lo việc gia đình nhà chồng ở bên Anh, sau đó sẽ về tiếp tục làm việc cho thành phố, nhưng không được chấp thuận, chứ không phải là tự ý nghỉ việc”.
Tuy nhiên, ông Nhơn cũng thừa nhận, chị Mai xin nghỉ việc tạm thời đã 1 năm nay và chưa về lại Việt Nam từ khi theo chồng sang Anh vào tháng 7/2012. “Quyết định của thành phố là hơi quá đáng. Gia đình chưa nhận được quyết định, Mai cũng chưa điện về nhà, nhưng chắc nó đã đọc được thông tin trên mạng và chắc cũng rất khó chịu vì bản thân không xù tiền từ Đề án”, ông Nhơn nói thêm.
Theo ông Tiếng, là công chức thì phải tuân thủ theo luật công chức, không thể dễ dãi trong việc “bỏ cuộc chơi”. Ảnh: Nguyễn Đông
Theo ông Nhơn, thành phố hỗ trợ ngân sách cho học viên này khoảng 60.000 USD trong vòng 3 năm. Dù lấy chồng ở Anh nhưng hai vợ chồng chị Mai đã về Đà Nẵng làm việc được hai năm nay cho đến khi bên nhà chồng có chuyện, không về Việt Nam được. Ông cũng cho biết, nếu bồi thường theo quyết định của UBND thành phố với số tiền khoảng 6 tỷ đồng, gia đình ông không kham nổi.
Ông Hà Phước An, bố của học viên Hà Thanh An, thì cho rằng, số tiền bồi thường theo quyết định của thành phố khoảng 3 tỷ đồng là quá lớn với gia đình và không phù hợp khi bản thân chị An xin được học bổng để học tiếp tiến sĩ ở nước ngoài rồi về phục vụ cho thành phố. “Tôi hy vọng có thể thương lượng với thành phố để số tiền bồi thường hợp lý hơn”, ông nói.
Về vấn đề này, ông Bùi Văn Tiếng cho biết, chị Mai lấy lý do cá nhân để nghỉ việc hơn một năm là điều không chấp nhận được. Còn chị An tự ý đi học tiến sĩ khi thành phố chưa có nhu cầu sử dụng tiến sĩ ở Sở Ngoại vụ. “Nếu không xử lý nghiêm thì hàng trăm con người sau khi du học ở nước ngoài về đang cống hiến cho thành phố sẽ cảm thấy bất công, chưa kể đến những người tự bỏ tiền túi ra du học rồi về Đà Nẵng làm việc”, ông Tiếng nói.
Với số tiền gần 10 tỷ đồng mà hai học viên này phải bồi thường, ông Tiếng cho biết, khi học viên tham gia đề án đã đọc kỹ và đồng ý ký nhận. Tuy nhiên, thành phố cũng không đưa ra quyết định một cách quá sòng phẳng mà sẽ xem xét hoàn cảnh từng gia đình. Tiền lệ đã có trường hợp phải bồi thường số tiền gấp 3-4 lần nhưng không có chuyện chỉ bồi thường gấp đôi.
“Số tiền lớn không yêu cầu học viên và gia đình phải trả một lúc mà có thể thỏa thuận thời gian nhất định. Trường hợp thương lượng không được thì buộc phải dùng đến pháp luật, đó cũng là luật công bằng”, ông Tiếng khẳng định.
Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922) được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành theo quyết định ngày 11/2/2011, do ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, lúc đó làm Trưởng Ban chỉ đạo, nhằm thực hiện chiến lực cán bộ của thành phố đến năm 2020. Hàng năm, thành phố chọn 75 người tham gia Đề án đi học tại các cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng trong và ngoài nước. Trong đó, cử 20 người đi học đại học ở nước ngoài, 40 người học đại học ở trong nước, 10 người đi học thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài; tuyển chọn và tiếp tục đài thọ đào tạo cho 5 người đang theo học đại học và sau đại học tại nước ngoài. Kinh phí du học của học viên do thành phố hỗ trợ từ nguồn ngân sách. Đề án cũng quy định học viên bị buộc ra khỏi Đề án, đồng thời phải bồi thường cho thành phố số tiền gấp 5 lần kinh phí đã nhận từ ngân sách thành phố nếu vi phạm một trong các lỗi: tự ý bỏ học; không trở về công tác tại các cơ quan thuộc thành phố; không chấp hành sự phân công công tác trong thời gian thực hiện nghĩa vụ; không thực hiện đủ thời gian làm việc theo cam kết; đơn phương chấm dứt Hợp đồng đào tạo; trong vòng 30 ngày sau khi hoàn thành chương trình học (tính theo thời gian thực họccủa cơ sở đào tạo) không trình diện và báo cáo kết quả học tập cho cơ quan Thường trực Đề án.
Theo VNE
Đà Nẵng 'dọa' kiện nhân tài
Tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng tự ý nghỉ việc, hai học viên ở Đà Nẵng bị "dọa" kiện ra tòa nếu không bồi thường đủ 5 lần kinh phí được nhận từ ngân sách thành phố.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký quyết định chấm dứt việc tham gia đề án đối với học viên Hồ Thị Như Mai, Hà Thanh An do tự ý bỏ việc, không thực hiện đủ thời gian làm việc đối với thành phố theo cam kết khi tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hai học viên này có trách nhiệm bồi thường gấp 5 lần toàn bộ kinh phí đã nhận từ ngân sách thành phố kể từ khi tham gia Đề án. Trong trường hợp học viên và gia đình không hoàn thành trách nhiệm bồi thường, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng sẽ tiến hành khởi kiện ra Tòa án dân sự theo luật định.
Nhiều công chức ở Đà Nẵng thuộc diện thu hút nhân tài và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông
UBND TP Đà Nẵng cũng chấm dứt Đề án đối với học viên Nguyễn Văn Lời do không hoàn thành chương trình nghiên cứu, buộc thu hồi kinh phí đào tạo theo quy định và thanh lý hợp đồng đã ký kết với cơ quan quản lý Đề án.
Theo hợp đồng, sau khi hoàn thành khóa học, học viên phải về làm việc tại Đà Nẵng ít nhất 7 năm. Học viên An làm việc được 1 năm thì xin nghỉ việc không lương một thời gian để đi học tiếp tiến sĩ. Còn học viên Như Mai trong quá trình du học đã lấy chồng người Anh. Làm việc tại Đà Nẵng được 2 năm, chị Mai cũng xin nghỉ phép không lương để sang Anh giải quyết việc gia đình. Hai học viên đã tự ý nghỉ việc khi không được thành phố chấp thuận.
Chiếu theo quy định, học viên Hà Thanh An học thạc sĩ ở Anh 1 năm, được thành phố hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng, số tiền buộc bồi thường khoảng 3 tỷ đồng. Học viên Hồ Thị Như Mai cũng theo học tại Anh trong vòng 3 năm, mỗi năm được hỗ trợ 20.000 USD, bị buộc bồi thường hơn 6 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Phú Thái, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, cho biết đề án được thực hiện từ năm 2004 và đã có nhiều trường hợp vi phạm hợp đồng, như không học nổi hoặc học xong nhưng không về thành phố làm việc mà ở lại nước ngoài làm việc hay lập gia đình ở nước ngoài và cũng đã bị chấm dứt hợp đồng, buộc bồi thường theo quy định của đề án.
"Học viên khi tham gia đề án cũng đã đọc kỹ và ký hợp đồng nhưng giờ lại không thực hiện. Nhân tài thì càng phải biết quy định của cuộc chơi. Nhiều người đưa ra lý do nhưng lý do gì thì cũng phải tuân thủ cam kết chứ bỏ cuộc như vậy thì còn gì là đề án nữa", ông Thái nói.
Liên quan đến vấn đề trọng dụng nhân tài, tại cuộc họp hôm 23/4/2013, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng nhận định chính sách thu hút nhân tài của thành phố đã giúp trẻ hóa đội ngũ cán bộ, bổ sung nguồn nhân lực kịp thời, trong đó tăng nguồn nhân lực có trình độ, dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, ông Ngữ cũng chỉ ra những hạn chế của đội ngũ nhân tài như chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, thiếu khiêm tốn..
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng thì cho rằng cùng với chính sách trọng dụng nhân tài, thành phố cần tạo điều kiện tốt nhất cho những người làm được việc nhưng cũng phải biết "chia tay" với những người làm không tốt. Những người giỏi không thuộc diện thu hút nhân tài của thành phố cũng cần được đãi ngộ tốt để giữ chân họ.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn (ĐH Kinh tế Đà Nẵng), nêu vấn đề: "Tình trạng chảy máu chất xám sau thu hút nhân tài ở Đà Nẵng chưa đến mức báo động nhưng cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó phải đi đôi giữa chiêu hiền và đãi sĩ. Nơi người hiền được trọng dụng sẽ giúp họ gắn bó lâu bền".
Theo VNE
Bé gái người Việt kêu cứu ở Trung Quốc sắp được về nhà Sau gần hai tháng thông tin về bé người Việt, Thào Thị Pa Na, kêu cứu ở Trung Quốc được đăng tải trên VnExpress.net, ngày 17/7 tới, phía công an Hà Nam, Trung Quốc sẽ tiến hành trao trả bé gái này cho phía Việt Nam. Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc, lễ trao trả...