Không thể “dạy” mẹ được đâu
Mẹ quen nói rất to, hễ bắt đầu nói là không cho ai cơ hội nói lại một câu nào. Mẹ em còn hay chửi nữa chị ạ, con này, thằng nọ, đồ thứ này kia. Hàng xóm xung quanh nhà em ai cũng ngán mẹ em.
Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em là con gái út trong một gia đình có ba anh chị em. Anh Hai và chị Ba lớn hơn em nhiều tuổi, trong nhà thường gọi em là Út Thêm, vì khi nhà tạm đủ cơm ăn ba mẹ mới sinh thêm em. Em cũng là đứa con may mắn: hai anh chị lớn lên đều làm công nhân, tới lượt em thì được đi học đại học.
Ba mẹ cũng cưng chiều con gái út nên dù ở quê thường phải lập gia đình sớm, 18-20 tuổi đã lấy vợ lấy chồng, nhưng em thì không bị hối thúc. Năm nay em 26 tuổi, cũng đã có bạn trai, ba mẹ cũng hỏi thăm nhưng nói tùy em quyết định.
Mẹ em buôn bán ngoài chợ xã, nói năng bình dân lắm, mà quen nói rất to, hễ bắt đầu nói là không cho ai cơ hội nói lại một câu nào. Mẹ em còn hay chửi nữa chị ạ, con này, thằng nọ, đồ thứ này kia. Hàng xóm xung quanh nhà em ai cũng ngán mẹ em. Vợ anh Hai, chị dâu đầu của em, còn bị chửi hoài, huống hồ em chỉ là con út, chồng em thì đáng gì… Em không thể “dạy” mẹ em được, bà đã sống như vậy cả đời rồi.
Lý do em còn chần chừ chưa tính chuyện hôn nhân là vì em sợ bạn trai sẽ không thể hòa thuận với gia đình em. Bạn trai em là người thành phố, con nhà khá giả. Mấy lần đến nhà ảnh chơi, em thấy cha mẹ, anh chị trong nhà nói chuyện với nhau rất hòa nhã, học thức, không bao giờ lớn tiếng hay có từ ngữ thô tục. Trong khi gia đình em thì ngược lại. Mà người em ngại nhất là mẹ em.
Em có nói chuyện với bạn em, anh ấy bảo không ngại. Nhưng em biết đó là ảnh chưa nghe mẹ em chửi thôi. Em phải làm gì để thay đổi hoàn cảnh của mình đây?
Cẩm Minh (TP. HCM)
Video đang HOT
Em Cẩm Minh thân mến,
Hoàn cảnh chung, tính cách, kiểu lời ăn tiếng nói đã quen cả đời thì khó mà thay đổi được. Nhưng mình có thể sắp xếp để trong những hoàn cảnh cụ thể, khi hai gia đình gặp nhau, ngày đám hỏi, đám cưới… không xảy ra những chuyện chửi mắng như em lo ngại. Điều này có thể làm được.
Người lớn có khả năng kiềm chế, cũng biết nhược điểm của mình, nên chắc không xảy ra chuyện. Nếu em vẫn lo lắng thì có thể bọc lót trước cho chắc: em cứ để ý trong gia đình ai là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với mẹ: ba, hay anh Hai, chị Ba chẳng hạn, em nói chuyện trước với người đó, nói rõ những lo lắng của em và nhờ họ nói với mẹ giúp em. Những lúc gia đình hai bên phải gặp mặt, trò chuyện, cứ để một người theo sát bên mẹ để nhắc chừng là được.
Chuyện em lo là chuyện quá trình chung sống về sau này. Bất kỳ hai gia đình nào, cho dù không có những khác biệt lớn đi nữa, cũng phải mất một thời gian mới có thể thông cảm thấu hiểu lẫn nhau. Em lấy người em yêu, chứ không phải lấy gia đình người ấy, và ngược lại cũng vậy, đừng bắt người ta phải hòa thuận ngay và luôn với gia đình mình. Em có thể nói chuyện cho chồng em hiểu: mẹ em nói năng thô ráp vậy, nhưng tấm lòng mẹ, những hy sinh ba mẹ dành cho em quý giá thế nào.
Ba mẹ thương em nên sẽ thương anh. Mình cũng tính cách để tránh bớt những hiểu lầm không đáng có trong giai đoạn đầu. Chắc chắn em đã không tính đến phương án chồng em ở rể. Nếu có thể, hãy tự tạo lập không gian sống riêng của mình, xây dựng gia đình nhỏ của mình. Đó là phương án tích cực và ổn định về lâu dài.
Riêng với mẹ, đúng là em không thể “dạy mẹ” được đâu. Với gia đình mình cũng vậy. Em cần hết sức chú ý đừng để mẹ tự ái, nghĩ rằng em coi thường gia đình mình vì nhà mình nghèo hơn, dân dã hơn nhà chồng. Đây là suy nghĩ rất dễ nảy sinh trong hoàn cảnh này.
Em hãy thể hiện tình yêu thương gia đình, ba mẹ, trách nhiệm chăm lo để giữ thể diện nhà mình, để ba mẹ tự hào đã sinh cô con gái út giỏi giang xứng đáng. Sau này, có gì đi nữa, gia đình mình cũng là nơi chốn chở che. Em đã từ chiếc nôi thô mộc ấy lớn lên, hãy trân quý giữ gìn nó em nhé.
Hạnh Dung
Mẹ chồng tằn tiện khiến nàng dâu phát bực, đến khi nhà có chuyện mọi việc mới vỡ lẽ
Hoa áp lực quá nên thành ra cáu gắt. Giờ sinh nở bao nhiêu khoản phải chi tiêu mà lúc nào mẹ chồng cũng kêu "sẽ ổn", ổn làm sao được cơ chứ!
Hoa và Long cùng là nhân viên một công ty nhập khẩu đồ đông lạnh ở Hà Nội. Cả 2 đều xuất thân ở tỉnh lẻ, xuống thành phố làm việc biết nhau rồi tiến tới hôn nhân. Bố mẹ nội ngoại ở quê đều chân lấm tay bùn nên vợ chồng Hoa phải tự thân làm ăn com cóp vun vén cho gia đình nhỏ của mình.
Hoa bảo, quan điểm của cô là bố mẹ đã vất vả sinh ra mình, nuôi nấng mình trưởng thành đến giờ đã là công lớn khó có thể báo đáp được rồi. Vậy nên cuộc sống hiện tại và tương lai, nếu giàu có để có tiền cho các cụ là tốt, còn không mà nghèo đói cũng tuyệt đối không xin xỏ phiền hà đến ông bà ở quê.
Nhà Long chỉ có duy nhất anh là con trai lại sống xa bố mẹ. Tuy không muốn sống chung với mẹ chồng nhưng vài lần Hoa bảo chồng đón ông bà xuống đây để tiện chăm sóc nhưng mẹ chồng cô không đồng ý. Bà bảo: "Bố mẹ sống ở quê quen rồi, rộng rãi thoải mái, còn nuôi được con gà, con lợn hay trồng ít rau gửi xuống cho các con. Xuống đó tù túng, mẹ không thích".
Hoa kể, mẹ chồng cô gần 60 tuổi nhưng làm nông nên nhìn bà già hơn tuổi, suy nghĩ cũng lạc hậu vô cùng. Tính bà tiết kiệm thì không ai bằng, nhiều khi cho con về chơi thấy bố mẹ chồng có khúc cá nhỏ hơn bàn tay kho mặn đắng mà cô thương rớt nước mắt. Hoa hỏi: "Bố mẹ có tuổi rồi phải ăn uống đủ chất mới đảm bảo sức khỏe chứ".
Bố chồng cô cười đáp: " Con nhìn vậy thôi mà khúc cá này ăn 2 bữa rồi chưa hết đấy".
Ngoài 3 triệu gửi về cho bố mẹ chồng sinh hoạt hàng tháng, Hoa bàn với chồng số tiền làm thêm sẽ lập cho ông bà một sổ tiết kiệm sau này dưỡng già, phòng khi ốm đau còn có cái mà dùng. Long đồng ý và việc làm này là hoàn toàn bí mật với bố mẹ anh.
Hiện tại Hoa mới sinh con thứ 2 được hơn tháng. Lúc thai nhi được 18 tuần thì bác sĩ siêu âm chẩn đoán em bé có nguy cơ bị dị tật ống thần kinh, chỉ định sau khi sinh xong phải chuyển qua bệnh viện Nhi trung ương để xét nghiệm và điều trị ngay.
Hoa tâm sự, suốt thời gian mang bầu cô lo lắng mất ăn, mất ngủ, bao đêm cô khóc ướt gối vì lo cho con, chỉ mong sớm sinh mẹ tròn con vuông khỏe mạnh. Tình trạng của con chỉ vợ chồng cô biết chứ không chia sẻ với ông bà nội, ngoại. May mắn lớn khi 38 tuần cô nhập viện thì ngay trong ngày hôm đó cô đã vượt cạn thành công.
Con trai Hoa khỏe mạnh, đúng vào thời điểm dịch bệnh phải cách ly nên bác sĩ khuyên cho cháu về nhà, đợi khi nào tình hình ổn hơn thì cho cháu vào viện khám. Mặc dù con ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân bình thường nhưng Hoa vẫn lo vô cùng. Muốn cho con vào viện nhưng lại kẹt tiền, vì chồng cô cũng bị cho nghỉ không lương 2 tháng này rồi. Mẹ chồng chăm con dâu ở cữ thì cứ luôn miệng bảo: "Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi con".
Hoa áp lực quá nên thành ra cáu gắt. Giờ sinh nở bao nhiêu khoản phải chi tiêu mà lúc nào mẹ chồng cũng kêu "sẽ ổn", ổn làm sao được cơ chứ!
Đến tối ấy, bỗng dưng mẹ chồng vào phòng Hoa, chẳng cần chờ con trai ở đấy đã đưa ra 1 thứ rồi cất tiếng: "Mẹ có chút không nhiều nhưng giờ sức khỏe cháu là quan trọng, các con cầm tạm lo cuộc sống trước".
Đúng lúc chồng Hoa bước vào, anh mở ra xem thì đó là sổ tiết kiệm trị giá 60 triệu. Con số không lớn nhưng khiến Hoa òa khóc. Trong khi đó, vợ chồng Hoa có sổ tiết kiệm nhưng chưa đến ngày được rút nên tiếc tiền lãi. Số tiền này là bao bữa cơm tằn tiện, chắt bóp của mẹ Long.
Tính bà là vậy đó, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, mua sắm gì cũng tiếc nhưng con cháu cần là sẵn sàng đưa hết tiền mình có ra mà chẳng mảy may suy nghĩ.
Ai bảo mẹ chồng nàng dâu không thể vui vẻ, hòa thuận. Mỗi người mỗi tính, sẽ rất khó để nói là có thể hợp nhau trong từng suy nghĩ, nếp sống. Thế nhưng chỉ cần sống và đối đãi với nhau bằng cái tâm chân thành thì gia đình nào cũng hạnh phúc.
Nhật Quỳnh
Bạn trai tới chơi mà thím dâu cứ ngồi cạnh khóe, tôi giận dữ chưa kịp nói lại thì đã phải sốc trước phản ứng của bố mẹ và bà nội Tôi ức chế bật khóc, bố mẹ tôi thấy thế thì lại càng làm căng, bảo từ mặt thím, không ngờ bà nội còn căng hơn... Nhà tôi ở cạnh nhà chú thím. Trước tới giờ hai bên gia đình vẫn đối xử với nhau khách sáo, không va chạm gì, có việc chung thì cùng gánh vác. Nhưng từ ngày tôi đi...