Không thể cưới vì khác biệt tôn giáo
Gia đình anh theo đạo Thiên Chúa và gia đình em thì theo đạo Phật. Nhà anh muốn em phải theo đạo thì hai đứa mới được cưới, còn gia đình em nói đạo ai nấy giữ.
Chúng em yêu nhau được 5 năm. Năm nay anh ấy 26 tuổi và em 25. Cả hai đã có nghề nghiệp công việc ổn định. Từ lúc yêu nhau đến giờ không có sự cản trở gì từ phía hai gia đình cho đến khi tính đến chuyện kết hôn.
Gia đình anh ấy thì muốn em phải theo đạo thì hai đứa mới được cưới còn gia đình em thì nói là đạo ai nấy giữ và bên nào cũng rất cương quyết mặc dù em và anh ấy đã thuyết phục hai gia đình. Anh ấy là con trai út trong nhà. Em là con gái út trong gia đình có hai chị em, chị đã có gia đình và ba mẹ cũng nói sau này ba mẹ trăm tuổi già thì việc thờ cúng ông bà tổ tiên nhờ em lo giúp, vì vậy em cũng hiểu ba mẹ em và cũng hiểu cho ba me anh ấy.
Em cũng đã nói với gia đình là chỉ học đạo để kết hôn thôi nhưng ba mẹ nói không được vì đã học đạo là đã có ý theo đạo mà theo đạo người ta thì phải tôn trọng lễ nghi của đạo người ta. Gia đình em muốn đạo ai nấy giữ. Bây giờ trở ngại lớn nhất của chúng em là vấn đề tôn giáo, ngoài ra không có vấn đề gì cả. Nhờ chuyên gia tư vấn giúp em có cách nào giải quyết vấn đề này không? (Ngọc Trâm)
Ảnh minh họa: wp.
Trả lời:
Ngọc Trâm thân mến,
Có thể nói, chuyện khác tôn giáo luôn là trở ngại lớn trong chuyện hôn nhân của các bạn trẻ hiện nay, đặc biệt là với các bạn trẻ theo Thiên Chúa giáo. Có bao giờ bạn nghĩ rằng tại sao lại có những quy định “nghiệt ngã” như vậy không? Những quy định đã làm cho nhiều bạn trẻ đành phải chia tay tình đầu trong nỗi buồn vô hạn.
Video đang HOT
Thoạt nhìn, những quy định đó có vẻ vô lý bạn nhỉ. Trong một xã hội đề cao sự tự do cá nhân như hiện nay, tại sao lại bắt buộc người khác phải tin như mình? Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề này một cách sâu xa, chúng ta có thể hiểu được ý tưởng của những người lãnh đạo tôn giáo khi đưa ra quy định này.
Về bản chất, có thể thấy, tôn giáo cũng là một dạng ý thức hệ. Mà bạn biết rồi đấy, phần lớn cuộc chiến tranh trên thế giới này đều có nguyên nhân từ vấn đề xung đột ý thức hệ. Cuộc sống gia đình cũng thế, khi tình đang hồng, cuộc sống đang phơi phới thì các vấn đề tôn giáo không là gì cả. Nhưng khi cuộc sống khó khăn, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng nên hai trái tim, thì lúc này vấn đề khác biệt tôn giáo – chính là khác biệt về ý thức hệ – trở thành ngòi nổ cho nhiều cuộc xung đột trong gia đình, thậm chí gây nên cảnh tan đàn xẻ nghé.
Mà cuộc đời đâu phải lúc nào cũng chỉ có toàn màu hồng phải không bạn? Chính vì lường trước chuyện đó, nên các nhà lãnh đạo tôn giáo luôn mong muốn trong một gia đình phải có sự thống nhất về tôn giáo.
Trở về với vấn đề tôn giáo, lời khuyên chân tình cho bạn là không nên theo đạo chỉ để kết hôn mà thôi. Vì để theo đạo, bạn sẽ phải trải qua rất nhiều nghi lễ trước một cộng đoàn, trong đó đặc biệt có nghi thức phải hứa là sẽ theo đạo và sống đạo suốt đời. Bạn có thể dối mọi người, nhưng liệu bạn có thể dối lòng mình không?
Vì vậy, giải pháp tốt cho cả hai bạn là nếu người này chưa sẵn sàng để theo tôn giáo của người kia thì đạo ai người đó giữ. Tuy nhiên, trước khi đi đến quyết định như thế, cả hai cần phải hiểu rất rõ những vấn đề sẽ gặp phải trong cuộc sống hôn nhân, chẳng hạn việc bắt buộc phải cho con cái theo đạo Thiên Chúa, các quy định về nghi lễ tôn giáo… Bên cạnh đó phải làm sao để gia đình hai bên, họ hàng hiểu rõ những nghi lễ cần thực hiện đối với tôn giáo từng bên – mà đôi khi, các nghi thức đó có thể trái ngược nhau. Điều này cần được thống nhất, được hai bên hiểu rõ trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
Ngoài ra, hai bạn phải chuẩn bị tinh thần để biết kiềm chế bản thân trong cuộc sống chung sau này, không bao giờ tranh cãi về vấn đề tôn giáo. Mỗi khi có chuyện gì xảy ra, hãy tôn trọng niềm tin của nhau và không bao giờ khích bác nhau về chuyện tôn giáo.
Nói chung, để có thể chọn giải pháp đạo ai người đó giữ, các bạn cũng phải vượt qua nhiều trở ngại từ chính bản thân, từ gia đình và từ cộng đồng xã hội. Đòi hỏi ở các bạn sự nỗ lực, sự hiểu biết về niềm tin của nhau và cả sự thuyết phục có tình có lý đối với hai bên gia đình.
Vì vậy, các bạn cần cân nhắc khả năng vượt khó của mình có thể vượt qua những trở ngại như vậy. Nếu không thể đủ sức vượt qua, hãy chấp nhận dừng lại trước khi quá muộn. Có thể hai bạn đau khổ lúc này, nhưng còn hơn sau này sẽ làm cho nhiều người khác buồn khổ bạn nhé.
Chúc các bạn có được sự chọn lựa sáng suốt.
Theo VNE
Anh không dám đến với tôi vì khắc tuổi
Chúng tôi đều đã trải qua một lần đò, anh có con trai riêng 6 tuổi nên việc yêu, hiểu, thông cảm và đến với nhau cũng không khó khăn lắm.
Chúng tôi yêu được hơn một năm và cũng đã xác định tiến tới hôn nhân. Nhưng thời gian gần đây bố mẹ anh không đồng ý vì xem tử vi chúng tôi không hợp tuổi, lấy nhau rồi sẽ lại biệt ly. Tôi sinh năm 1987, anh sinh năm 1979. Thi thoảng tôi vẫn về nhà thăm gia đình và bố mẹ anh vẫn quý mến, hỏi han bình thường. Anh vì không muốn bố mẹ phải buồn và suy nghĩ như lần cưới đầu nữa nên quyết định nghe lời bố mẹ mặc dù vẫn rất yêu và thương tôi.
Tôi nhiều lần nhắn tin, gọi điện nhưng anh không bắt máy và cũng không nhắn tin lại. Tôi cũng đã động viên anh rất nhiều nhưng giờ đây không biết phải làm như thế nào? Nên tiếp tục cố gắng động viên anh hay tôn trọng quyền quyết định của anh? Tôi xin chân thành cảm ơn. (Hồng Thái)
Ảnh minh họa: tiin.
Trả lời:
Chào bạn Hồng Thái,
Ca dao tục ngữ Việt Nam chúng ta có một câu khá hay để diễn tả sức mạnh vượt khó của tình yêu:
"Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua".
Câu ấy có nghĩa là khi đã yêu thì khó khăn nào cũng vượt qua để đến với nhau.
Trở về với câu chuyện của bạn, bạn và anh ấy đều đã một lần dang dở. Và chắc hẳn khi đến với nhau cả hai đều đã suy nghĩ cẩn thận về tình cảm của mình chứ không phải là tình yêu sét đánh như thời mới lớn phải không? Các bạn cũng đã cân nhắc đến những trở ngại phải vượt qua khi đến với nhau, đặc biệt với anh ấy, khi đã trên 30, cái tuổi mà các cụ nói là tam thập nhi lập, tuổi đã là người lớn.
Theo nhận định của tôi, vấn đề của bạn gặp phải không phải là chuyện tử vi tuổi tác, dù hiện nay việc đó đang được mang ra để làm cớ từ chối tình yêu của bạn dành cho anh ấy. Vấn đề thực sự mà bố mẹ anh ấy không muốn chính là lo lắng trước tình trạng, con anh, con tôi và con chúng ta sẽ xảy ra sau này.
Lẽ ra, trong chuyện này, người cần được động viên, cần được nâng đỡ phải là bạn, người phụ nữ, chứ không phải người đàn ông vốn là "phái mạnh". Vì bạn mới là người đang bị tổn thương bởi gia đình anh ấy không chấp nhận. Ở đây, đang xảy ra điều ngược lại, bạn lại đi động viên, khuyến khích thúc đẩy anh ấy cố gắng vượt qua những khó khăn trong tình yêu.
Tuy nhiên, theo tôi, bạn nên tôn trọng quyết định của anh ấy và buông tay khỏi cuộc tình này. Với tính cách của anh ấy, trong cuộc sống chung sau này, sẽ khó mang lại hạnh phúc cho bạn khi thiếu đi sự quyết đoán của người đàn ông. Đừng níu kéo làm gì khi người khác đã không còn mong muốn. Thực sự, anh ấy chỉ còn yêu bạn bằng miệng mà thôi, chứ con tim anh ấy đã không còn chỗ cho bạn nữa rồi.
Với một lần dang dở và thêm một lần tình yêu tan vỡ như lúc này, có thể bạn sẽ rất buồn, tuy nhiên với độ tuổi 26 của bạn hiện nay, tương lai vẫn còn thênh thang lắm. Hãy tin tưởng một ngày nào đó sẽ có người đàn ông thực sự là của bạn sẽ xuất hiện trước mặt. Người đàn ông đó sẽ đến với bạn với tất cả trái tim của anh ấy mà không hề bận tâm đến chuyện tuổi tác hay những vấn đề khác. Và đó mới thực sự là yêu bạn nhé.
Đừng mặc cảm, đừng quá lo lắng cho chuyện tình của mình, điều gì phải đến thì chắc chắn sẽ đến với bạn. Lúc này, hãy để thời gian lo cho con bạn và chăm sóc cho chính bản thân, Hồng Thái nhé.
Theo VNE
Tuyệt vọng vì bạn gái đòi chia tay Em đã trở nên trống rỗng và tuyệt vọng thực sự khi mà cô ấy đòi chia tay vì gia đình ngăn cản. Chị Thanh Bình thân mến ! Thật sự em đang rất đau khổ vì tình yêu của chúng em vì bị bố mẹ, gia đình người yêu em phản đối, không cho tiếp tục mối quan hệ này nữa. Em...