Không thể cứ sai phạm là đóng cửa phòng khám TQ’
Gần đây, việc phát hiện nhiều bác sĩ Trung Quốc rỏm, chữa bệnh chui và “chém” khách tại các phòng khám tư đã khiến dư luận bức xúc. Có ý kiến cho rằng cơ quan Y tế đã bao che nên họ mới lộng hành. Phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết chưa có căn cứ để nói vậy.
VnExpress.net đã trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó vụ truởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề liên tiếp phát hiện sai phạm tại nhiều phòng khám có bác sĩ Trung Quốc:
Nhiều phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc kiêm luôn cả điều trị ngoại khoa. Ảnh: Thiên Chương.
- Hầu như năm nào cơ quan chức năng cũng kiểm tra các phòng khám Trung Quốc và đều phát hiện sai phạm, có phòng khám 2 năm liền đều bị xử phạt. Đặc biệt gần đây phòng khám nào ở TP HCM bị “sờ gáy” cũng đều lộ ra lỗi nghiêm trọng. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
- Hiện nay các phòng khám Trung Quốc đang có sự chuyển đổi về loại hình hoạt động, từ phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền chuyển sang phòng khám đa khoa. Lý do vì những phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền trước đã bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý sai phạm, người dân biết, không đến khám nữa, nên mới chuyển sang phòng khám đa khoa. Những cơ sở này lợi dụng nhập trang thiết bị vào, chưa được thẩm định hoặc trong lúc đang chờ thẩm định nhưng đã tiến hành hoạt động. Đây là hình thức vi phạm mới xảy ra với các phòng khám Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hiện Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân không còn hiệu lực, mọi hoạt động của các phòng khám được thực hiện theo Luật Khám chữa bệnh, có hiệu lực năm 2011. Trong lúc triển khai luật này đã có những vi phạm.
Việc cấp phép cho người nước ngoài trước kia giao cho Sở Y tế thì nay quyền này thuộc Bộ Y tế. Còn vấn đề quản lý trên địa bàn vẫn do UBND các tỉnh, trực tiếp là Sở Y tế các tỉnh, thành chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong năm 2011 ghi nhận việc tái diễn lại những sai phạm của những năm trước đó.
- Nhiều phòng khám Trung Quốc đưa ra cái giá “trên trời” với các bệnh thông thường, trong khi việc điều trị thường theo công thức: truyền dịch, chiếu đèn, chiếu tia, thuốc… Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Phòng khám Đông y không được phép truyền dịch, nơi nào thực hiện là vi phạm phạm vi hành nghề. Còn về vấn đề giá cả là do cơ sở tự đưa ra. Theo quy định, tất cả các phòng khám dù là của Việt Nam hay nước ngoài đều phải niêm yết giá khám, thuốc, dịch vụ công khai để người dân biết. Tuỳ theo từng cơ sở, vật chất, bác sĩ mà giá cả có khác nhau, không thống nhất như giá của y học hiện đại. Vì thế, khi đến khám người bệnh nên đọc kỹ bảng giá, nếu thấy không phù hợp thì đi nơi khác.
Video đang HOT
Khi lấy thuốc thì cũng cần lưu ý, không nên lấy liền một lúc 10-15 ngày, thậm chí có người lấy thuốc uống cả tháng. Chỉ cần lấy thuốc uống 3-5-7 uống ngày xem tình hình bệnh chuyển biến như thế nào, đến khám lại để bác sĩ có sự điều chỉnh.
Truyền dịch mà không cần bác sĩ chỉ định tại một phòng khám y học cổ truyền có bác sĩ Trung Quốc ở TP HCM (điều này trái với quy định là phòng khám đông y không được truyền dịch). Ảnh: Thiên Chương.
- Có ý kiến cho rằng đã có sự bao che của các cơ quan chức năng cho các phòng khám này vì cứ kiểm tra, xử phạt xong lại vẫn vi phạm, ông nghĩ sao?
- Về vấn đề cơ quan chức năng bao che cho phòng khám, theo tôi chưa có căn cứ để kết luận. Cơ sở kiểm tra lần 1 vi phạm, đến lần 2 kiểm tra mà sửa chữa không đến nơi đến chốn, tiếp tục vi phạm vì theo quy định xử phạt hành chính, đến mức nào đó không sửa chữa thì có hình thức xử phạt nặng hơn.
Trong nghị định xử phạt quy định, vi phạm nào thì có hình thức xử lý, mức phạt như thế nào, kể cả là tái phạm hay vi phạm lần đầu. Tất cả đều áp dụng theo nghị định, chứ không thể có chuyện cứ sai phạm, thích là buộc đình chỉ.
- Ngành y tế sẽ làm gì trong thời gian tới để chấn chỉnh hoạt động của các phòng khám này?
- Vụ sẽ có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành trung ương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Đồng thời sẽ xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Quy trình chung chúng ta đã có nhưng trong lĩnh vực y học cổ truyền có đặc thù riêng. Chẳng hạn, khám chữa bệnh bằng y học hiện đại thì không được bán thuốc, chỉ được kê đơn, trong khi khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền lại cho phép vừa kê đơn, vừa bán thuốc trực tiếp cho bệnh nhân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số lượng bác sĩ Đông y Trung quốc hành nghề có khoảng 67 người, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP HCM. Vì thế, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Sở Y tế 2 nơi này đột xuất kiểm tra một số cơ sở.
Bên cạnh đó, cũng yêu cầu các Sở mời chủ chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám, nguời sử dụng lao động, bác sĩ nước ngoài lên họp để quán triệt quy chế, nêu lên những tồn tại trong quá trình hoạt động, hướng dẫn thực hiện để không vi phạm.
Theo VNE
Gặp thanh tra, 'bác sĩ' Trung Quốc lại bỏ trốn
Chỉ được phép khám và bốc thuốc y học cổ truyền, phòng khám Đông Phương ở quận Tân Bình chiều 21/6 bị thanh tra Sở Y tế TP HCM phát hiện có dấu hiệu thực hiện mổ trĩ, chữa bệnh phụ khoa trái phép. Đây là phòng khám tư nhân thứ ba tại TP HCM bị Sở Y tế phát hiện sai phạm, trong vòng 4 ngày qua.
Nhiều bệnh nhân đang điều trị tại đây, trong số này có anh Quyết ở Bình Dương. Anh Quyết cho biết đã xem quảng cáo trên tivi cắt trĩ nhanh gọn của phòng khám, nên sáng 20/6 đến phòng khám Đông Dương khám. Tại đây, anh được một bác sĩ người Việt Nam và hai người Trung Quốc khám, xét nghiệm và nội soi rồi tiến hành cắt trĩ. Tổng cộng tiền phẫu thuật, xét nghiệm, truyền dịch khoảng 15 triệu đồng.
Phiếu xét nghiệm cho bệnh nhân tại phòng khám Đông Phương. Ảnh: Thiên Chương.
Anh Lập, 27 tuổi nhà ở quận Bình Thạnh cũng đến phòng khám này để cắt trĩ sau khi xem quảng cáo trên tivi. "Tôi được một bác sĩ tên Hoàng và hai người Trung Quốc, một nam, một nữ khám và phẫu thuật. Tiền nội soi mất 500.000 đồng, tiền phẫu 7,6 triệu đồng. Họ hẹn tôi từ ngày mai đến truyền dịch với giá 2,1 triệu đồng", anh Lập nói.
Một bệnh nhân khác, anh Hải nhà ở Bình Chánh cũng cho biết, anh đến điều trị trĩ tại phòng khám Đông Phương hồi đầu tuần với tổng chi phí lên đến hơn 15 triệu đồng. "Khám cho tôi vừa có người Việt Nam lẫn người Trung Quốc. Đến nay tôi vẫn còn chảy máu và đau".
Tuy nhiên chiều 21/6, phòng khám yên ắng, tất cả các khoa phòng đều được trưng biển "Đang sửa chữa, ngưng hoạt động". Khoảng 15 trước lúc đoàn Thanh tra Sở Y tế TP HCM xuất hiện, hai người nói tiếng Trung Quốc bước nhanh ra khỏi phòng khám. Một người Trung Quốc được các bệnh nhân chờ ở phòng khám cho biết có tham gia khám bệnh.
Khi đoàn thanh tra có mặt, Phòng khám Đông Phương không còn lương y nào. Căn nhà 3 tầng được chia ra thành 3 khu vực. Tầng trệt là khu vực khám, bốc thuốc y học cổ truyền, nhưng hai tầng còn lại là nhiều phòng điều trị Tây y.
Khi đoàn thanh tra đến làm việc, mọi máy móc còn làm việc buổi sáng bỗng được dán biển ngưng hoạt động. Ảnh: Thiên Chương.
Giải thích về các phòng ốc có đặt giường bệnh và trang thiết bị y tế không có trong đăng ký hành nghề, ông Phạm Xưng, người đứng tên phòng khám cho biết: "Chúng tôi chỉ hành nghề Đông y, còn máy móc này mua sẵn, khi nào xin được giấy phép mới hoạt động".
Lời khai của lương y này ngay sau đó bị đoàn thanh tra bác bỏ bởi những tang chứng vật chứng mà các thanh tra viên tìm thấy được. Cụ thể, trong hộc tủ của các phòng khám nam khoa, phụ khoa, tiêu hóa, tai mũi họng dù đã dán biển "đang sửa chữa, ngưng hoạt động" vẫn còn nguyên sổ khám bệnh, kết quả xét nghiệm, siêu âm, phiếu thanh toán cắt trĩ cho bệnh nhân. Đặc biệt, hàng chục sổ khám bệnh và điều trị ghi ngày 20-21/6 và các vật dụng y tế vừa sử dụng vẫn còn mới nguyên.
Một chi tiết khác, Thanh tra Sở Y tế phát hiện sổ sách khám bệnh đều có chữ viết tay tiếng Trung Quốc của người khám bệnh. Trong khi đó, phòng khám này không đăng ký hành nghề cho bác sĩ nước ngoài. Ngoài ra, rất nhiều tân dược, có cả thuốc ghi chữ Trung Quốc hết hạn dùng đã được phát hiện.
Từ những dấu hiệu, dấu chứng của quá trình kiểm tra, bác sĩ Phạm Kim Bình, Phó chánh thanh tra Sở Y tế, khẳng định phòng khám có sử dụng người Trung Quốc để khám việc cắt trĩ, siêu âm, xét nghiệm, điều trị phụ khoa. Và hoạt động này là hoàn toàn sai.
Theo đại diện phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TP HCM, thành phố chỉ có 3 phòng khám do người nước ngoài đầu tư và 5 phòng khám có người Trung Quốc làm chuyên môn. Riêng phòng khám Đông Phương không có người Trung Quốc nào đăng ký hành nghề.
Nhiều loại thuốc ghi chữ Trung Quốc không có giấy lưu hành và thuốc hết hạn dùng bị phát hiện. Ảnh: Thiên Chương.
Trao đổi với VnExpress.net sau khi hay tin phòng khám Đông Phương không có bác sĩ Trung Quốc được cấp chứng chỉ hành nghề và phòng khám này không có chức năng cắt trĩ, các bệnh nhân cho biết họ hoàn toàn bất ngờ.
"Xem quảng cáo, cứ nghĩ họ đã được cấp phép và có chức năng điều trị nên chúng tôi tìm đến. Giờ mới biết mình bị lừa. Thảo nào từ trưa đến giờ, tôi gọi điện cho bác sĩ điều trị để cho biết tình trạng vết mổ trĩ đau và chảy máu mà chẳng thấy ai bắt máy", một nam bệnh nhân cho biết.
Tỏ ra bất bình vì mất hơn 15 triệu đồng cắt trĩ ở phòng khám này mà vết thương vẫn chưa lành, anh Quyết ở Bình Dương cho rằng, phòng khám đã hoạt động hơn 2 năm, nếu cơ quan chức năng tích cực kiểm tra và truyền hình kiểm tra kỹ nội dung quảng cáo của phòng khám thì chắc người dân đã không trở thành nạn nhân
Theo VNE
Làm gì khi bị dương cương? Có một nghịch lý là, trong khi "thằng nhỏ" của không ít "đấng mày râu" ,dù có ham muốn hay không cũng luôn ở tình trạng "mềm như bún" thì có một số lại lâm vào trạng thái cương lên thường xuyên hoặc cương rất lâu, rất cứng, xuất tinh không dứt, thậm chí dương vật sưng to và tím tái. Bệnh chứng...