“Không thể cứ duy trì chế độ tiền lương bất hợp lý như hiện nay!”
“Không thể để tiền lương như hiện nay, một chế độ tiền lương áp dụng chung cho toàn bộ đối tượng công chức với 18 loại phụ cấp. Cùng công chức với nhau mà người có thâm niên, người không có thâm niên, công chức của ngành này có phụ cấp cao hơn công chức của ngành khác. Một sự bất hợp lý của tiền lương”, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận xét.
Thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 chiều nay (1/11), đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận xét, “chiếc bánh ngân sách” đang có xu hướng ngày càng bé lại mà nhu cầu cho đầu tư phát triển lại rất lớn và bên cạnh đó còn phải chú trọng cho an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng.
Chia sẻ với tình hình ngân sách hiện nay, vị đại biểu cho rằng, vấn đề hiện nay là phải phân bổ ngân sách sao cho phát huy hiệu quả và trong bối cảnh tình hình ngân sách đang khó khăn thì phải “liệu cơm gắp cá” chứ không thể giữ lối chi tiêu như trước.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (ảnh: Quochoi.vn)
Tiền đâu để tăng lương?
Cho biết rất hoan nghênh khi Chính phủ đã dành một nguồn lực để điều chỉnh mức tiền lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức song vị đại biểu cho rằng, với dự kiến “điều chỉnh bình quân với mức tăng 7%-8%” trong giai đoạn 2016-2020 thì cần phải tính toán lại.
Ông Lợi phân tích, lương cơ sở trong khu vực Nhà nước thực chất là tiền lương tối thiểu trước đây, thực hiện cùng với khu vực sản xuất. Sau này, khi tách ra khu vực sản xuất kinh doanh thì khu vực này xác định tiền lương tối thiểu theo vùng và được điều chỉnh vào ngày 01/1 hàng năm để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động.
Trong khi đó, tiền lương cơ sở của khu vực công chức, viên chức lại không thực hiện như vậy. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ điều chỉnh 7-8%. Ông Lợi không khỏi thắc mắc rằng “ngân sách sẽ lấy từ đâu?”.
“Chúng ta không thể điều chỉnh tăng tiền lương theo cách như thế này được”, vị đại biểu bình luận. Theo đó, ông Lợi cho rằng, việc điều chỉnh tăng lương cho đối tượng người nghỉ hưu không phải là nằm trong chương trình cải cách tiền lương. Bởi nguyên tắc điều chỉnh lương hưu là đảm bảo ở mức “không để cho người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở”, không nằm dưới sàn an sinh xã hội.
Còn kế hoạch tăng lương 7%-8%/năm cho giai đoạn tới, theo ông Lợi, đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa đi vào bản chất của cải cách chế độ tiền lương.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện trên nguyên tắc phân phối theo lao động nhằm đảm bảo “tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác”, coi chính sách tiền lương như là đầu tư cho sự phát triển.
Video đang HOT
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ảnh: Quochoi.vn)
Tăng lương chỉ là giải pháp tình thế
Tuy nhiên để cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ phải quyết tâm cao giải quyết sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp, cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới áp lực của thị trường, phải lấy hiệu quả làm thước đo.
Ông Lợi cho rằng, với 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức thì chỉ có 500.000 cán bộ công chức viên chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương, còn 2,2 triệu công chức viên chức còn lại phải tính đúng tính đủ chi phí theo kết quả đầu ra, có như vậy mới thực hiện được chính sách cải cách tiền lương.
“Không thể để tiền lương như hiện nay, một chế độ tiền lương áp dụng chung cho toàn bộ đối tượng công chức với 18 loại phụ cấp. Cùng công chức với nhau mà người có thâm niên, người không có thâm niên, công chức của ngành này có phụ cấp cao hơn công chức của ngành khác. Một sự bất hợp lý của tiền lương”, ông Lợi nhận xét.
Ý kiến này cũng nhận được sự tán thành của đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận). Theo phản ánh của đại biểu, kế hoạch tăng lương 7%-8% của Chính phủ được đại đa số công chức, viên chức ủng hộ.
“Dù biết rằng trong điều kiện ngân sách khó khăn song vẫn mong muốn Quốc hội quan tâm điều chỉnh lương cho đối tượng hưu trí, những người có công, đặc biệt là những người nghỉ hưu trước 1993″, ông Việt bày tỏ.
Ông Việt cho rằng, không nên đánh đồng mức tăng lương giữa đối tượng hưu trí, người có công với công chức, viên chức đang đương chức. Nếu mức tăng cho công chức, viên chức 7% thì nên tăng lương cho đối tượng hưu trí, người có công là 8%. Bởi theo phân tích của đại biểu, khoản lương hưu này trên thực tế đã giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo, và đây cũng là sự quan tâm cần thiết dành cho những người đã có công với đất nước, với dân tộc.
Nợ bảo hiểm xã hội 22.000 tỷ đồng suốt 20 năm
Góp ý trước Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho biết, cho đến nay Chính phủ vẫn còn nợ khoản nợ của bảo hiểm xã hội (BHXH) 22.000 tỷ đồng từ 1995. Do đó, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần phải xác định kế hoạch, lộ trình để bố trí nguồn ngân sách để chuyển trả vào quỹ BHXH để đóng BHXH cho những người lao động đã tham gia BHXH trước năm 1995.
UBTVQH khóa XIII đã có nghị quyết số 1083 và Chính phủ cũng đã cam kết trước Quốc hội sẽ có lộ trình từ năm từ năm 2016 sẽ trả dần khoản này cho đến năm 2020 thì kết thúc. Song, vị đại biểu tỏ ra băn khoăn với tình hình ngân sách hiện tại thì “không biết Chính phủ sẽ cân đối nguồn này như thế nào”.
Ông Lợi cũng nhẩm tính, với 22.000 tỷ đồng nói trên, nợ hơn 20 năm “nếu lãi mẹ đẻ lãi con thì Quỹ BHXH đã có 100.000 tỷ đồng”.
Bích Diệp
Theo Dantri
Đại biểu Quốc hội "mổ xẻ" lý lẽ Sở có 44 lãnh đạo là... vì dân
"Thiếu trách nhiệm", "chưa thuyết phục", "bất hợp lý"... là những từ ngữ các đại biểu Quốc hội nói về việc Sở LĐ-TB&XH Hải Dương có 46 biên chế thì 44 người là lãnh đạo, và về lý giải "bổ nhiệm như vậy là vì dân" của nguyên Giám đốc Sở này - ông Lưu Văn Bản.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 1/11.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận xét câu trả lời của nguyên Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hải Dương về việc bổ nhiệm 43 lãnh đạo trong thời gian ngắn trước khi rời Sở này là "vì nhân dân" là thiếu trách nhiệm, có phần lấp liếm.
"Một lãnh đạo Sở mà nói bổ nhiệm nhiều lãnh đạo là vì dân thì quả thực tôi thấy khó hình dung. Tôi cũng không biết lý do "vì dân" mà bổ nhiệm lãnh đạo là gì. Tôi mong muốn lãnh đạo đó trả lời ý "vì dân" nói ra là ở điểm nào?" - đại biểu Nhưỡng nêu câu hỏi.
Ông cũng băn khoăn, sao một cơ quan khác cũng bằng ấy chức năng nhưng việc bố trí cán bộ hoàn toàn bình thường mà ở Hải Dương lại bố trí khác.
"Phải chăng ở Sở LĐ,TB&XH Hải Dương thì việc nhiều hơn, chức năng, nhiệm vụ nhiều hơn. Tôi đã hỏi xem Sở này làm được những gì cho người dân ở địa phương và biết thông tin, công việc nhiều năm nay ở Sở lao động Hải Dương đã có bê bối, có nhiều sự việc xảy ra, kiện tụng, việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương chưa đến nơi đến chốn. Vậy mà bây giờ người bổ nhiệm cán bộ như vậy lại nói làm vậy là vì dân thì không thuyết phục được các đại biểu Quốc hội, không thuyết phục được nhân dân, cử tri. Tôi cho rằng, trả lời như thế là chưa tròn trách nhiệm của lãnh đạo trước Đảng, nhân dân" - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương bình luận.
Đại biểu Bến Tre cũng bác bỏ lý do nguyên Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hải Dương (nay là Bí thư Thị uỷ Chí Linh, thuộc tỉnh này) giải thích cho việc bổ nhiệm cả loạt nhân viên vào các vị trí lãnh đạo là vì muốn giúp đỡ, khuyến khích người lao động trẻ, mới ra trường, nhiệt tình, tâm huyết nhưng lương thấp.
Ông Nhưỡng cho rằng, nếu nói vì lương thấp mà bổ nhiệm thì lý do này lại đi ngược với giải thích "bổ nhiệm cán bộ là vì dân". Bởi lẽ, người mà không đủ năm công tác, cống hiến lại cho lương cao thì nghĩa là sẽ tiêu pha thêm tiền của đóng góp của nhân dân một cách không tương xứng. Vậy thì sao có thể nói việc làm như thế là "vì dân"? "Vì dân", theo đại biểu, phải là vì cái chung chứ không phải vì một nhóm nhỏ những người công tác ở Sở này.
Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, nhân viên trong cơ quan là cần thiết nhưng Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ nhấn mạnh, "không thể quan tâm một cách vô nguyên tắc". Ông Nhưỡng lập luận, không thể vì lương thấp mà bổ nhiệm cả loạt lên những chức danh cao để tăng thêm thu nhập, như thế tiền thuế của người dân sẽ phải chi trả vô tội vạ.
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Sở 44 lãnh đạo, chỉ 2 nhân viên cho thấy anh là lãnh đạo tồi".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng, chuyện một Sở có 44 người làm lãnh đạo, chỉ 2 nhân viên, hệ thống hành chính của Việt Nam không có quy định nào cho phép như vậy. Quản lý kiểu đó là phản khoa học, trái với các quy định của nhà nước. Cách giải thích của nguyên GĐ sở này, theo đại biểu Nghĩa, cả về mặt pháp luật và thực tế đều không chấp nhận được.
"Tôi cũng đã từng làm lãnh đạo, làm GĐ một đơn vị cấp Sở, tôi thấy, theo cơ chế hiện nay, một GĐ sở không thể tùy tiện bổ nhiệm như thế vì việc này liên quan đến quỹ lương, đến ngân sách. Những quyết định về bổ nhiệm cán bộ thậm chí phải qua Đảng ủy, Ban cán sự Đảng, liên quan đến Sở Nội vụ... Nếu có những trường hợp bổ nhiệm bất thường thì phải báo cáo lên UBND tỉnh" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt vấn đề, động cơ bổ nhiệm hàng loạt lãnh đạo như vậy, chỉ cơ quan chức năng trả lời được chứ không thể như giải thích của nguyên Giám đốc Sở. Nhận xét khái quát là việc này thể hiện những điểm bất hợp lý, ông Quốc chỉ rõ, việc đề bạt như thế phải sử dụng nguồn lực ngân sách để lo chế độ chính sách cho những cán bộ được cất nhắc.
Vậy nên lý giải của vị nguyên Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hải Dương, ông Dương Trung Quốc cũng chung nhận định là... bao biện.
"Tôi không có thẩm quyền đánh giá, quy kết động cơ của vị người này nhưng rõ ràng điều này cho thấy anh ấy là một nhà lãnh đạo... tồi" - đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Ông Quốc cho rằng, là người lãnh đạo, không cảm tính được. Có nhiều cách để khuyến khích các lãnh đạo trẻ, nhiệt huyết cống hiến theo mặt bằng chung của xã hội. Nếu là doanh nghiệp tư nhân, tự bỏ tiền túi thì hoàn toàn có quyền làm việc đó, còn trường hợp này, là người trong cơ quan nhà nước, theo ông Quốc, hoạt động phải tuân theo các quy định của nhà nước.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng không thấy thuyết phục với lý do nói, trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Hải Dương là địa phương có nhiều việc hơn các tỉnh thành khác.
Bình luận thêm về vấn đề tránh nhiệm trong sự việc này, đại biểu Đồng Nai nhận xét, việc lãnh đạo cao nhất của tỉnh này trước đó nói rằng việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ tại Sở Lao động như vậy là đúng quy trình, đúng phân cấp cho thấy bộ máy hoạt động có hơi hướng quan liêu.
"Cấp tỉnh đã quan điểm như vậy thì Bộ Nội vụ phải vào cuộc, dư luận nên chờ kết quả làm việc cụ thể, xem quy trình bổ nhiệm được vận dụng, thực hiện như thế nào" - đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ, ngành nào cũng muốn xây trụ sở riêng Chính phủ đã từng có ý tưởng xây dựng trụ sở hành chính tập trung các văn phòng đại diện phía Nam của các bộ, ngành tại TP.HCM nhưng các bộ không đồng ý vì ai cũng muốn xây trụ sở riêng. Đây là thực tế được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch...