“Không thể có chuyện 100% đại biểu Quốc hội đều hoàn thành nhiệm vụ”
Nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng cần đánh giá hoạt động cụ thể của các đại biểu Quốc hội, xem ai làm tròn nhiệm vụ trước nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: ĐBQH làm tốt, trăn trở, nỗ lực cố gắng cũng giống như ĐBQH cả kỳ chẳng có hoạt động gì đáng kể. Đó là điều làm tôi đau xót
Đại biểu làm tốt cũng như đại biểu chẳng có hoạt động gì đáng kể
Tại phiên thảo luận tổ sáng nay 23-3 về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH bày tỏ: “Tổng kết nhiệm kỳ của QH cũng không có đánh giá nào về hoạt động cụ thể của đại biểu ĐBQH. Vì vậy, ĐBQH làm tốt, trăn trở, nỗ lực cố gắng cũng giống như ĐBQH cả kỳ chẳng có hoạt động gì đáng kể. Đó là điều làm tôi đau xót”
Ông Quyền đặt vấn đề: Là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, QH đã biến những ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành gì? “Ở đây là biến thành các quy định của Hiến pháp, luật pháp. QH đã làm tròn vai trò nhiệm vụ này. Những bài học về dân chủ, trách nhiệm trong nghị trường đã để lại cho các nhiệm kỳ sau bài học quý giá”- ông Quyền nói.
Ông Quyền cũng nhìn nhận: Trách nhiệm của mỗi ĐBQH đại diện cho gần 200.000 người dân bầu cử ra mình là vô cùng lớn.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, bài học kinh nghiệm đầu tiên của QH là phải làm thế nào để bầu ra được ĐBQH tốt. Những ĐBQH hoàn thành tốt, ĐBQH chưa hoàn thành nhiệm vụ phải được đánh giá. “Tôi cho rằng không thể có chuyện 100% ĐBQH đều đã hoàn thành nhiệm vụ của mình” – ông khẳng định.
Video đang HOT
Ông Quyền giãi bày: “Tôi nhớ rất nhiều các báo cáo tổng kết của các khóa QH đều có một câu là QH ngày càng vươn lên để làm tròn trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ của mình trước nhân dân theo Hiến pháp, pháp luật quy định. Vậy là QH chưa bao giờ làm tròn cả, đầy đủ cả. Thành tựu thì đúng là nhiều, song cũng còn quá nhiều việc chưa làm được hoặc cần nỗ lực hơn để làm tròn nhiệm vụ của mình”.
Do đó, QH khóa tới, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là phải chọn được người thực sự có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết với đất nước, nhân dân.
Băn khoăn chất lượng làm luật của Quốc hội
ĐB Phạm Thị Hồng Nga cho rằng vai trò của QH trong quyết định các vấn đề lớn có tầm trí tuệ cao, có phản biện rõ ràng với một số quyết sách mà Chính phủ đưa ra chưa thật hợp lý. Những vấn đề lớn của đất nước cần được giải quyết một cách cụ thể, mạnh mẽ hơn.
“Tôi cũng còn băn khoăn về chất lượng làm luật của QH. Vai trò làm luật của QH, vẫn còn phụ thuộc lớn vào dự thảo luật của Chính phủ, vì thế tuổi thọ, sức sống của luật chưa cao, một số luật chưa có hiệu lực đã phải sửa”- bà Nga nói.
ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà cũng đồng tình quan điểm của ĐBQH Nguyễn Đình Quyền. Bà Hà cho biết trung tâm của QH là ĐBQH song báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH không có trang nào, dòng nào nói riêng về thực hiện trách nhiệm của cá nhân ĐBQH mà chỉ là những ý rất sơ sài, chung chung. Vì vậy cần bổ sung, đánh giá sâu hơn.
“Qua theo dõi trên nghị trường, có những ĐBQH phát biểu giống hệt nhau, ý tứ trùng lặp nhau hoàn toàn. Vậy trách nhiệm của các cá nhân ĐBQH đó như thế nào?”- bà Hà đặt vấn đề.
ĐBQH Nguyễn Quốc Bình, Thích Bảo Nghiêm cũng đều nhất trí trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH phải có đánh giá về hoạt động của các ĐBQH. Có thể không đánh giá được đầy đủ hoạt động của cả 500 ĐBQH trong nhiệm kỳ nhưng có thể đánh giá trách nhiệm của ĐBQH theo các đoàn ĐBQH.
“Nếu không đánh giá thì một đoàn 30 ĐBQH như Hà Nội cũng giống như một đoàn chỉ có 5-6 ĐBQH. Rồi tôi biết có những ĐBQH cả một nhiệm kỳ không phát biểu lần nào trước Quốc hội, không rõ trách nhiệm đến đâu”- ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Văn Duẩn
Theo_Người lao động
Cả nhiệm kỳ, ngành tòa kết án oan 3 người vô tội
"So với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này ngành tòa án đã giảm được số vụ kết án oan, nhưng đối với người dân để xảy ra một trường hợp kết án oan cũng là gây thiệt hại rất lớn cho họ" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý nói.
Sáng 25.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo về công tác nhiệm kỳ của ngành tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo nhiệm kỳ của ngành tòa án do Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trình bày cho thấy công tác xét xử các vụ án hình sự còn có 3 trường hợp kết án oan người không có tội, giảm được 2 trường hợp so với nhiệm kỳ trước.
Ông Huỳnh Văn Nén - người được minh oan trong năm 2015.
Ngoài việc để xảy ra 3 trường hợp kết án oan người không có tội, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chỉ ra những hạn chế của ngành tòa án: Một số tòa án nhân dân chưa khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan của tòa án. Tỉ lệ các bản án, quyết định của tòa án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán có xu hướng giảm, nhưng chưa giảm mạnh.
"Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của một số tòa án nhân dân chưa cao; nhiều bản án, quyết định có sai sót về số liệu, thông tin về người tham gia tố tụng hoặc tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án nên phải đính chính, giải thích hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa được giải quyết còn tồn đọng nhiều", ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho biết.
Góp ý vào báo cáo nhiệm kỳ của ngành tòa án, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đã đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành tòa án. "So với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này ngành tòa án đã giảm được số vụ kết án oan chỉ còn 3 vụ, nhưng đối với người dân để xảy ra một trường hợp kết án oan cũng là gây thiệt hại rất lớn cho họ" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Cũng theo ông Lý, so với nhiệm kỳ trước, ở nhiệm kỳ này ngành tòa án ngoài việc nắm được số vụ án oan, đã chỉ ra được nguyên nhân, hạn chế và giải pháp khắc phục.
Góp ý cho báo cáo, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - nêu quan điểm: Điểm nhấn trong báo cáo của ngành tòa án cần phải chú ý nhất đó là qua công tác xét xử đã góp phần vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thế nào, cần phải phân tích, nêu rõ.
"Tòa xử lý nghiêm minh, nguyên tắc là phải đúng pháp luật, không thể ngoài luật được. Bản án của tòa tổng hợp từ điều tra, truy tố, chứ không riêng tòa. Nhưng chúng tôi nghe phong thanh thấy có nhiều cái chưa được yên tâm về các mối quan hệ. Người ta cảm thấy cuộc đấu tranh về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi của tòa chưa được triệt để..." - ông Ksor Phước nói.
Cũng theo ông Ksor Phước, tính răn đe trong việc xét xử các vụ án tham nhũng trong nhiệm kỳ này lúc đầu cũng bị đại biểu Quốc hội kêu ca, sau đó ngành tòa án có điều chỉnh lại và nâng dần tính răn đe lên. Tuy nhiên theo ông Ksor Phước, ngoài tính răn đe, tính phòng ngừa và giáo dục qua công tác xét xử các vụ án tham nhũng cần phải được nâng cao hơn.
Trong nhiệm kỳ qua, các tòa án đã thụ lý 27 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án; đã giải quyết được 17 trường hợp thông qua thương lượng với tổng số tiền phải bồi thường là gần 11 tỷ đồng; đình chỉ giải quyết 8 trường hợp; còn lại 2 trường hợp đang trong quá trình thương lượng, giải quyết. Các tòa án cũng đã thụ lý 51 vụ án dân sự do đương sự khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đã giải quyết, xét xử 39 vụ, còn lại 12 vụ đang trong quá trình xem xét, giải quyết.
Theo_Dân việt
Văn Miếu 271 tỷ ở Vĩnh Phúc nhìn từ trên cao Công trình gây nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều được xây dựng trên khuôn viên 4,2 ha, tổng vốn đầu tư lên tới 271 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc có số vốn đầu tư 271 tỷ đồng (nằm tại khu đô thị Hà Tiên, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên) xây dựng...