Không thể chuộc “trọng tội” bằng “xin lỗi”!
Vụ phát hiện một bản kinh Koran bị đốt cháy vứt trong thùng rác tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Bagram, Afghanistan đã thổi bùng lên làn sóng bạo lực phản kháng chưa từng thấy ở nước này và nước láng giềng Pakistan.
Hàng ngàn người dân hai quốc gia này, đều là các tín đồ Hồi giáo, đã phẫn nộ biểu tình phản đối, thậm chí có căn cứ quân sự Mỹ tại Bagram bị tấn công bằng gạch đá, đốt phá. Một số cố vấn và quân nhân Mỹ tham gia cuộc chiến chống Taliban ở nước này đã bị thương vong vì hành động uất hận của người dân sở tại đối với vụ việc này.
Một người biểu tình đốt xe cảnh sát trong cuộc biểu tình phản đối vụ đốt kinh Koran – Ảnh: AFP
Nhận thức được tầm mức nghiêm trọng của hành vi “báng bổ Hồi giáo” xảy ra bên trong căn cứ quân sự của mình, Tổng thống Barack Obama và một số quan chức hàng đầu của quân đội Mỹ ở cả Bộ Quốc phòng và bộ chỉ huy tại Afghanistan đã phải chính thức đưa ra lời xin lỗi và hứa sẽ điều tra vụ việc.
Chính quyền Afghanistan của Tổng thống Hamid Karzai một mặt lên án hành vi của binh lính Mỹ đã xúc phạm đến Hồi giáo, mặt khác kêu gọi nhân dân bình tĩnh nhằm tránh những hậu quả khôn lường một khi đông đảo quần chúng tín đồ bị kích động cao độ.
Video đang HOT
Đây không phải là vụ đầu tiên mà một hành vi bị coi là “báng bổ Hồi giáo” chịu phản ứng mang tính cộng đồng từ phía đông đảo tín đồ đạo Hồi. Dư luận còn nhớ những vụ việc điển hình như một nhà thơ người Iran bị truy sát đến cùng vì xúc phạm chính tôn giáo của mình. Rồi một vài tờ báo phương Tây dùng hình thức tranh biếm họa để thể hiện “nhân vật” Mohammed mà người Hồi giáo suy tôn là tiên tri – sứ thần của đức Allah thậm chí đã gây nên những xìcăngđan nghiêm trọng đe dọa quan hệ ngoại giao giữa quốc gia phương Tây ấy với thế giới Hồi giáo.
Đối với những xã hội ngoài Hồi giáo, những hành vi nêu trên thường được coi là những “lỗi”, có thể hóa giải bằng việc đưa ra một lời “xin lỗi chân thành”. Nhưng với Hồi giáo thì không đơn giản như thế. Người Hồi giáo có thể chia thành các dòng như Suna, Shi’a với những giáo lý và luận thuyết có khi xung khắc đến mức không đội trời chung với nhau, có thể vẫn chiến tranh với nhau vì một lợi ích nào đó, nhưng họ có những giá trị thuộc về đức tin hoàn toàn thống nhất bất di bất dịch.
Những giá trị tối thượng không chấp nhận hoài nghi và xúc phạm, đó là Allah, Koran và tiên tri – sứ thần Mohammed. Với Hồi giáo, kinh Koran là “sách thánh ban xuống cho loài người”, ngoài việc tuyệt đối tin tưởng vào từng câu chữ, mỗi bản của kinh sách này đều được các tín đồ Hồi giáo trân trọng ở mức không chấp nhận một sự cẩu thả nào của con người.
Allah là đấng tối cao duy nhất và Mohammed là người được Allah lựa chọn để truyền bá Hồi giáo đến loài người. Sự tôn nghiêm của Allah và Mohammed được Hồi giáo gìn giữ nghiêm minh đến mức không chấp nhận việc dùng hình vẽ hay hình tượng để thể hiện. Đó là những khái niệm siêu phàm. Tất cả các tác phẩm điện ảnh và sân khấu của người Hồi giáo có nhắc tới Allah chỉ có thể thể hiện bằng âm thanh như sấm truyền. Còn Mohammed nếu xuất hiện trong phim, kịch thì chỉ có thể thấy phía sau lưng, không ai có quyền tưởng tượng ra dung nhan của vị tiên tri – sứ thần này!
Đối với người Hồi giáo, những hành vi báng bổ như kiểu đốt kinh Koran hay xúc phạm tiên tri – sứ thần Mohammed đều là “harram” – trọng tội, mức tội cao nhất trong các loại tội. Kẻ phạm tội này phải bị trừng phạt ở mức cao nhất – cái chết, chứ không thể chỉ “xin lỗi chân thành” là xong!
Thiếu hiểu biết về Hồi giáo là một trong những khiếm khuyết chết người của cựu tổng thống George W.Bush khi đưa quân Mỹ lao vào các cuộc chiến ở Trung Đông, Nam Á từ đầu thế kỷ 21 đến nay. Đã có nhiều dẫn chứng cho hậu quả tai hại của sự thiếu hiểu biết này. Việc người Hồi giáo Afghanistan phản kháng vụ đốt kinh Koran mới đây là một dấu hiệu nữa cho thấy Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến đã và đang diễn ra suốt từ năm 2001 đến nay tại vùng đất đậm đặc bản sắc Hồi giáo này.
NGUYỄN NGỌC HÙNG
Bạo lực leo thang ở Afghanistan
Câu chuyện đốt kinh Koran ở Afghanistan không còn nằm trong phạm vi biểu tình phản đối nữa, mà đã bùng lên thành một đợt căng thẳng với các cuộc tấn công chết chóc.
Ngày 27-2, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại cổng sân bay quân sự Jalalabad ở phía đông Afghanistan làm chín người thiệt mạng và 12 người bị thương, hầu hết là dân thường. Theo Reuters, Taliban đã nhanh chóng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom và nói đây là một sự trả thù vụ đốt kinh Koran.
Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày qua đã khiến hơn 30 người thiệt mạng và ít nhất 200 người bị thương.
Trong những ngày qua, liên tiếp xảy ra các vụ tấn công và sát hại lính Mỹ đang huấn luyện cho binh lính Afghanistan hay làm cố vấn quân sự ngay trong trụ sở các bộ của nước này. Các nước đồng minh trong NATO đang tham chiến cùng Mỹ tại Afghanistan đã phải tạm thời ra lệnh rút các cố vấn quân sự và dân sự của mình về nước vì lý do an toàn.
Báo Le Figaro cho rằng cơn giận dữ do việc lính Mỹ đốt kinh Koran từ một tuần qua đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng địa – chính trị đáng lo ngại. “Làn sóng chống Mỹ chưa từng có này đã làm đảo lộn kịch bản rút chân khỏi cuộc xung đột ở Afghanistan vốn đã được các thủ đô phương Tây chuẩn bị kỹ lưỡng – báo này viết – Nó cũng đã cho thấy tương lai bất ổn của Afghanistan sau khi các lực lượng nước ngoài rút khỏi đất nước này. Được dự kiến là vào năm 2014, nhưng nay không ai biết rồi đây việc này sẽ tiến triển ra sao”.
Theo Tuổi Trẻ
Hai bộ trưởng Afghanistan hoãn chuyến thăm Mỹ
Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan đã quyết định hoãn chuyến thăm Mỹ trong tuần này để tập trung giải quyết tình hình bất ổn an ninh trong nước sau vụ binh sỹ Mỹ đốt kinh Koran tại căn cứ không quân Bagram hồi tuần trước.
Binh sỹ Afghanistan tuần tra trong bối cảnh biểu tình tái diễn ở tỉnh Laghman ngày 25/2. (Nguồn: THX/ TTXVN)
Trong thông báo bằng văn bản gửi báo giới ngày 26/2, người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta "hiểu rõ vì sao cần ưu tiên giải quyết vấn đề an ninh và vì sao hai bộ trưởng Afghanistan không thể tới Washington trong những ngày tới."Ông Panetta bày tỏ hy vọng sẽ được tiếp đón hai người đồng cấp Afghanistan trong thời gian sớm nhất.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi người dân Afghanistan dừng ngay các cuộc biểu tình bạo lực gây chết người liên quan đến vụ đốt kinh Koran.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Rabat của Morocco, bà Clinton cho biết Mỹ "rất lấy làm tiếc về vụ việc đã dẫn tới cuộc biểu tình này," song không vì thế mà để bạo lực tiếp diễn và ngăn cản công cuộc xây dựng hòa bình, ổn định cho quốc gia Nam Á này.
Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, Ryan Crocker, cho rằng Mỹ cần kiềm chế và không nên đẩy nhanh tiến trình rút quân khỏi Afghanistan trước thời điểm dự kiến do tình trạng bạo lực hiện nay.
Theo ông Crocker, hiện tình hình ở Afghanistan đang căng thẳng cao độ, Mỹ cần nhân đôi nỗ lực và bình tĩnh chờ cho đến khi mọi việc trở lại bình thường. Mỹ hiện có khoảng 90.000 quân đồn trú tại Afghanistan và dự kiến sẽ rút 68.000 quân về nước vào cuối tháng 9 này.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình chống Mỹ tại Afghanistan bước sang ngày thứ sáu liên tiếp làm thêm 1 người thiệt mạng và 7 binh sỹ Mỹ bị thương, nâng tổng số người thiệt mạng liên quan vụ đốt kinh Koran lên trên 30 người. Vụ tấn công mới nhất nhằm vào một căn cứ quân sự Mỹ ở miền Bắc Afghanistan.
Cùng ngày 26/2, Đức và Pháp tuyên bố sẽ rút các cố vấn khỏi các cơ quan của Afghanistan "để bảo đảm an toàn" sau vụ hai cố vấn Mỹ bị bắn chết trong trụ sở Bộ Nội vụ Afghanistan.
Bộ trưởng Hợp tác Đức Dirk Niebel cho biết đây là "biện pháp đề phòng" của Berlin và các nhân viên sẽ trở lại công việc ngay khi tình hình lắng dịu. Bộ Ngoại giao Pháp cũng khẳng định sẽ bãi bỏ biện pháp này "ngay khi tình hình cho phép." Trước đó, NATO và Anh cũng đã có những quyết định tương tự.
Liên quan đến vụ 2 cố vấn Mỹ bị bắn chết tại Bộ Nội vụ Afghanistan ngày 25/2, một nguồn tin giấu tên trong chính phủ nước này cho biết hai người này bị đồng nghiệp Afghanistan bắn chết vì đã nhạo báng cuộc biểu tình chống Mỹ liên quan vụ đốt kinh Koran.
Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF) do NATO chỉ huy đang mở cuộc điều tra vụ việc và truy tìm thủ phạm đã bắn chết hai người Mỹ.
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã ra tuyên bố kêu gọi người biểu tình cũng như lực lượng an ninh Afghanistan kiềm chế, đồng thời cho biết Chính phủ Afghanistan đang hối thúc Mỹ "đưa ra xét xử những kẻ phạm tội"./.
Theo TTXVN
Người dân Afghanistan đốt xe của NATO Ngày 24.2, người dân Afghanistan đã đốt một đoàn xe tải tiếp tế cho các lực lượng NATO tại tỉnh Khost trong bối cảnh đã có 12 người thiệt mạng trong ngày phản đối thứ tư chống lại việc đốt các bản kinh Koran. Khói bốc lên từ đoàn xe NATO bị đốt - Ảnh: Reuters Việc đốt kinh Koran tại căn cứ...