Không thanh tra lại kết luận về Đà Nẵng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/1, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, việc công bố kết luận thanh tra tại Đà Nẵng là bình thường và không thanh tra lại.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói: “Công tác thanh tra là việc làm rất thường xuyên của Thanh tra Chính phủ (TTCP). Nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra Chính phủ được thể hiện trong các luật và nghị định rất chặt chẽ”.
Theo ông Vũ Đức Đam, hàng năm TTCP có kế hoạch tranh tra, có thanh tra theo kế hoạch, có thanh tra đột xuất. Việc thanh tra ở Đà Nẵng cũng là cuộc thanh tra như rất nhiều cuộc thanh tra khác.
“Tại Cổng thông tin của TTCP, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các kết luận thanh tra. Năm 2011, TTCP có 27 kết luận và đã công bố 26 kết luận thanh tra. Năm 2012 đã có kết luận 24 cuộc thanh tra và đã công bố 20 kết luận. Còn lại một số rất nhỏ kết luận chưa công bố do nội dung liên quan các vấn đề quốc phòng, hoặc nội dung cần làm rõ tiếp chưa kịp công bố”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Từ những dẫn chứng trên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, cuộc thanh tra ở Đà Nẵng là bình thường, được thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc công bố kết luận thanh tra cũng tuân theo quy định của pháp luật. Và TTCP báo cáo cũng là việc làm bình thường của cơ quan này.
Về việc Đà Nẵng có phản hồi với kết luận của TTCP, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết hiện Chính phủ mới tiếp nhận được thông tin này qua báo chí. “Chính phủ luôn cầu thị và trách nhiệm trước thông tin báo chí phản ánh. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu thanh tra có báo cáo về những thông tin mà báo chí đã đưa”, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 29/1
Video đang HOT
Thanh tra Chính phủ không thanh tra lại
Trước câu hỏi của phóng viên về việc có phúc tra kết luận thanh tra hay không, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ: Theo Luật Thanh tra và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra (nghị định số 86 – P.V) và một số luật khác thì không có khái niệm “phúc tra”, chỉ có khái niệm thanh tra lại. Nhưng nếu thanh tra lại, chỉ thanh tra lại đối với những kết luận thanh tra của thanh tra các bộ hoặc các tỉnh. Còn khi TTCP tiến hành thanh tra thì không có khái niệm thanh tra lại (không có khái niệm “phúc tra”).
“Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận việc thanh tra ở Đà Nẵng, đã giao nhiệm vụ cho UBND TP. Đà Nẵng, cho một số bộ ngành như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Công an” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Theo ông Vũ Đức Đam, trong quá trình thực hiện các ý kiến chỉ đạo đó, nếu các cơ quan Nhà nước thấy có vấn đề cần báo cáo lại Chính phủ xem xét lại, thì sẽ báo cáo.
Chính phủ, Thủ tướng chưa nhận được báo cáo của Đà Nẵng
“Cho đến giờ phút này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa nhận được báo cáo của Đảng ủy, UBND TP Đà Nẵng, hay của các bộ ngành nào liên quan đến việc thực hiện kết luận của Thủ tướng. Trong tương lai, nếu các nơi thực hiện, có vấn đề cần báo cáo lại, lúc đó Thủ tướng sẽ xem xét và có ý kiến chỉ đạo phù hợp” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.
Theo 24h
Kiến nghị kiểm điểm lãnh đạo Đà Nẵng
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm chủ tịch và các phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức và cá nhân có liên quan trong thời kỳ 2003-2011 vì đã vi phạm về quản lý sử dụng đất đai, gây thất thu ngân sách Nhà nước hơn 3.434 tỉ đồng.
Chiều 17/1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ra thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng thanh tra một số dự án đầu tư có liên quan đến việc sử dụng đất.
Sáu trường hợp bất thường
Theo TTCP, quá trình xác định giá thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án, Hội đồng Thẩm định giá đất và UBND TP Đà Nẵng chưa căn cứ vào quy hoạch mục đích sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng thiếu điều tra, khảo sát khu đất, tính không đủ diện tích, phê duyệt giá không tuân thủ quy định... nên đã xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường, quy định trong Luật Đất đai và các nghị định của Chính phủ. Tổng hợp số liệu từ 22 dự án có vi phạm về xác định số tiền phải thu khi chuyển quyền sử dụng đất trên 2.120 tỉ đồng.
Ngoài ra, có một số khu đất mà hội đồng xác định giá thiếu căn cứ, cơ sở, không phù hợp với quy định như tại khu đất 209 đường Trường Chinh, khu đất số 8 đường Hùng Vương, 4 khu đất khu vực Thuận Phước... cần có biện pháp tiến hành xác định lại giá thu tiền sử dụng đất để truy thu về ngân sách Nhà nước. Trong số đó, TTCP phát hiện ít nhất 6 trường hợp có dấu hiệu bất thường, gây thất thu ngân sách và tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính với số tiền lớn.
Đáng chú ý là khu đất chuyển nhượng cho Công ty TNHH Phúc Thiên Long đã được UBND TP Đà Nẵng xác định giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2007, qua 4 lần gia hạn nộp tiền, đến tháng 9-2009, công ty mới nộp nhưng TP không xác định lại giá. Sau đó, nhà đầu tư đã chuyển nhượng thu lợi gần 500 tỉ đồng.
"Khu đất vàng" ở đường Hùng Vương là một trong những khu đất có sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại TP Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Theo TTCP, với hai khu đất A2, A3 (diện tích 34.306 m2) thuộc khu tái định cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, tổng số tiền mà các cá nhân đã thu lời từ chênh lệch so với giá chuyển nhượng của TP Đà Nẵng lên tới trên 520 tỉ đồng. Khu đất A4, A5 được chuyển nhượng cho Công ty CP Xây dựng Thương mại Phú Mỹ, sau đó công ty này đã chuyển nhượng cho Công ty CP Bất động sản Phương Trang để hưởng chênh lệch trên 220 tỉ đồng.
Khu đất 29 ha thuộc dự án sân golf Đa Phước cũng được TP giao cho Công ty CP 79 thấp hơn giá TP quy định, làm lợi cho công ty này 570 tỉ đồng. Khu đất được chuyển đổi mục đích sử dụng của Công ty Tân Trường Thành tính giá thấp hơn giá TP quy định trên 67 tỉ đồng.
Ngoài ra, năm 2006, UBND TP Đà Nẵng đã chuyển nhượng khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc. Hai người này không triển khai dự án mà ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ để chuyển nhượng, thu lời trên 495 tỉ đồng. Năm 2009, khu đất này lại được chuyển nhượng tiếp và đến giờ vẫn bị bỏ trống... Ngoài ra, việc UBND TP Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất phải nộp cho các hộ dân được bố trí tái định cư, các tổ chức cá nhân được TP giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không đúng đối tượng và trái quy định.
Kiến nghị thu hồi hơn 2.353 tỉ đồng
TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm chủ tịch và các phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức và cá nhân có liên quan trong thời kỳ 2003-2011 theo phân cấp quản lý cán bộ vì đã vi phạm về quản lý sử dụng đất đai liên quan đến việc xác định giá thu tiền sử dụng đất, giảm tiền sử dụng đất phải nộp cho các đơn vị, cá nhân gây thất thu ngân sách Nhà nước trên 3.434 tỉ đồng.
TTCP chỉ đạo chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chấn chỉnh việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, các thông tin công khai liên quan đến đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất. Thu hồi, hủy bỏ hoặc điều chỉnh các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai cho 26 đối tượng, đồng thời kiểm tra, rà soát lại tất cả các trường hợp tương tự để thu hồi, điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng với diện tích được giao...
Về xử lý tài chính, TTCP kiến nghị thu hồi về ngân sách TP Đà Nẵng trên 1.486 tỉ đồng đối với các nhà đầu tư và phải thu hồi trên 867 tỉ đồng là số tiền sử dụng đất đã giảm 10% cho các nhà đầu tư khi được ký hợp đồng chuyển nhượng đất trái quy định của pháp luật. Đồng thời, phải kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với giám đốc các sở: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Nội vụ, Hội đồng Thẩm định giá đất, chánh văn phòng UBND TP, giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đất TP, giám đốc Ban Quản lý dự án công trình đường Bạch Đằng Đông và các cá nhân đã để xảy ra sai phạm nêu trong kết luận thanh tra.
Làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về kết luận thanh tra này. Thủ tướng đồng ý với kết luận và kiến nghị của TTCP, giao chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm. Thủ tướng giao Bộ Công an xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật, gây thất thu ngân sách Nhà nước, trước hết là 6 trường hợp đã nêu trong kết luận thanh tra. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Các bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư phải kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, thu chi tài chính và việc thực hiện dự án đầu tư liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất tại Đà Nẵng thời gian qua.
Theo 24h
Kết luận về xử lý sau thanh tra ở TP Đà Nẵng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo xử lý sau thanh tra tại thành phố Đà Nẵng Theo Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1930/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về xử lý sau thanh tra tại thành phố Đà Nẵng....