Không thắng cả, chẳng thua hết
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Mỹ vào thời điểm bầu không khí chính trị không hẳn thuận lợi đối với cặp quan hệ song phương này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đến sân bay Paine Field ở bang Washington, Mỹ ngày 22.9 – Ảnh: Reuters
Nhưng việc cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung vẫn diễn ra trong chính bối cảnh tình hình như thế đủ để cho thấy hai nước có nhiều chuyện để thương thảo và không thiếu vấn đề có thể được giải quyết. Không bên nào sẽ thắng cả, cũng chẳng bên nào bị thua hết và cuối cùng thì cả hai bên rồi sẽ đều hài lòng về kết quả chuyến thăm.
Do cọ xát lợi ích và cạnh tranh chiến lược vẫn tiếp diễn nên chuyến đi của ông Tập Cận Bình chưa thể mở ra triển vọng về thời kỳ quan hệ song phương mới. Nhưng hai bên sẽ khẳng định nhận thức chung là không để bất đồng quan điểm và cả xung khắc lợi ích chiến lược ảnh hưởng tiêu cực và tổn hại đến những lĩnh vực hợp tác vẫn có thể thúc đẩy được. Hai bên găng nhau trong chuyện này nhưng lại cần đến nhau trong chuyện khác.
Họ không đồng thuận quan điểm về ý đồ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng không vì thế mà không thể đạt được thỏa thuận xử lý những cáo buộc lẫn nhau về tấn công trên mạng. Trung Quốc không dễ dàng chịu chấp nhận giảm bớt xuất siêu sang Mỹ nhưng lại sẵn lòng hợp tác với Mỹ để cùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở hai nước và trên thế giới.
Video đang HOT
Lý do là cả hai hiện đều có nhu cầu duy trì sự kiểm soát cả biến động của mối quan hệ song phương lẫn tác động của những biến động ấy tới khu vực, châu lục và thế giới. Vì thế, cả hai sẽ đều hài lòng về sự kiện này.
La Phù
Theo Thanhnien
'Cú đáp êm ái' ở Mỹ của ông Tập Cận Bình có thể hóa ê ẩm
Seattle xưa nay luôn là lựa chọn số một "đầu xuôi, đuôi lọt" của các lãnh đạo Trung Quốc khi đến Mỹ. Lần này, ông Tập Cận Bình cũng chọn Seattle nhưng ông sẽ phải nếm chút ê ẩm.
Cái bắt tay giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Trung lần này sẽ chứa đựng lắm gai góc - Ảnh: AFP
Từ bao năm nay, tại Seattle - thành phố sầm uất nhất của bang Washington, các lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Mỹ luôn tham gia vào hàng loạt hoạt động xã giao vui vẻ, đến thăm một nhà máy nào đó (thường là Boeing), ra những thông cáo thể hiện tình hữu nghị Mỹ - Trung... Lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn yên tâm về sự đón tiếp vui vẻ tại Seattle trước khi đối mặt với những vấn đề gai góc, bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của bang Washington, mà Seattle lại là thành phố phát triển kinh tế sầm uất bậc nhất bang này.
Nhưng lần này thì khác. Có thể dẫn ngay một ví dụ: 4 nghị sĩ bang thuộc đảng Cộng hòa tuyên bố tẩy chay một cuộc tiếp xã giao với ông Tập Cận Bình, theo tin từ báo Washington Post. Các đảng viên Cộng hòa thậm chí chỉ trích Tổng thống Obama vì đã chủ trì bữa tiệc chiêu đãi nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Quan hệ Mỹ - Trung đang ở giai đoạn cực kỳ căng thẳng. Người Mỹ bực bội tố cáo Trung Quốc tấn công mạng, ăn cắp từ các thiết kế nhà máy hạt nhân đến mã tìm kiếm trên mạng. Dẫu lệnh cấm vận mà Mỹ nhiều lần "đe" áp đặt lên Trung Quốc vì vấn đề này được hoãn lại nhưng "đám mây đen" vẫn còn đó. Người Mỹ cũng tức giận cho rằng các công ty của họ bị ngăn cản tiếp cận thị trường đông dân nhất hành tinh một cách bất công. Sự ngạo mạn của Trung Quốc ở Biển Đông càng khiến người Mỹ khó chịu.
Tâm lý nghi ngại Trung Quốc thể hiện rất rõ. Chẳng hạn như với hội nghị về internet mang tên Diễn đàn công nghiệp internet Mỹ-Trung diễn ra tại Seattle trùng với chuyến thăm của ông Tập, người Mỹ bực bội vì cách "chơi" không mấy sòng phẳng của "ông bạn bằng mặt không bằng lòng" từ bên kia bờ đại dương: ép các ông khổng lồ của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tham gia.
Ai cũng biết đất nước đông dân nhất hành tinh là thị trường béo bở với các công ty Mỹ trong hàng loạt lĩnh vực, công nghệ thông tin lại càng béo bở. Trung Quốc chính là thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, còn Mỹ là đất nước của những hãng sản xuất điện thoại thông minh "máu mặt" nhất hành tinh.
Bất kỳ hãng công nghệ thông tin nào ở Mỹ cũng phải thèm muốn thị trường rộng lớn ở Trung Quốc - Ảnh: AFP
Có thông tin giới chức công nghệ thông tin của Trung Quốc đã thông báo đến các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ là phải lo mà cử đại diện cấp cao đến sự kiện trên. James Mulvenon, phó chủ tịch tình báo tại Defence Group (bang Virginia, Mỹ) nói ông nghe từ rất nhiều công ty rằng họ bị "đe" sẽ bị "soi" tới nơi tới chốn nếu từ chối tham gia. Tờ Washington Post dẫn lời ông nói thông điệp đưa ra rất rõ ràng: "Vắng mặt đồng nghĩa với khó lòng làm ăn". Rồi ông Mulvenon bình luận đây là một trong những "chiêu" của Trung Quốc nhằm cố gắng nâng tầm vị thế của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Thêm một đồn đoán khác, cũng liên quan đến giới công nghệ thông tin: "ông trùm" Microsoft Bill Gates sẽ không tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại nhà riêng như các tin đồn trước đó.
Cuối cùng là một điểm không thuận lợi trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình: trùng với lúc Giáo hoàng Francis, nhân vật có sức hút mạnh mẽ với công chúng, đến thăm nước Mỹ.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Dân Trung Quốc không xem được bài báo Mỹ phỏng vấn ông Tập Cận Bình Bài phỏng vấn Chủ tịch Trung Quốc trên The Wall Street Journal sẽ không dễ đến với người dân Trung Quốc, vì hiện tại website của báo này bị khóa cả bản tiếng Anh và tiếng Trung, theo CNN. Người Trung Quốc sẽ bị hạn chế trong việc theo dõi bài phỏng vấn Chủ tịch Tập Cận Bình trên The Wall Street Journal...