Không sa mạc, nền văn minh Ai Cập liệu có tồn tại?
Quá trình hình thành Ai Cập cổ đại khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi ngược, liệu sa mạc là vật cản hay bước đệm tạo đà cho quốc gia Bắc Phi này phát triển?
Cằn cỗi, trơ trụi, không sự sống là hình ảnh mọi người thường nghĩ khi nghe đến sa mạc. Tuy nhiên điều đó có vẻ như không đúng với Ai Cập, một trong những quốc gia có nền văn minh phát triển lâu đời bậc nhất thế giới. Quá trình hình thành Ai Cập cổ đại khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi ngược, liệu sa mạc là vật cản hay bước đệm tạo đà cho quốc gia Bắc Phi này phát triển?
Giàu tài nguyên
Từ những công cụ lao động làm bằng đồng, tới thuốc nhuộm trang trí kim tự tháp mà màu sắc vẫn còn tươi mới sau hàng nghìn năm tồn tại, Ai Cập đã khai thác vô vàn nguyên vật liệu quý họ tìm được từ thời cổ đại. Trải dài từ Thung lũng sông Nile đến Biển Đỏ, Ai Cập xa xưa rộng lớn và trù phú hơn rất nhiều so với đất nước có tên Ai Cập ngày nay. Một phần lãnh thổ Ai Cập cổ đại còn vươn đến cả sa mạc Libya ở phía Tây, cũng như sa mạc Ảrập bên bờ Đông.
Nghiên cứu về Ai Cập cổ đại suốt hàng chục năm, Tiến sĩ Pawet Polkowski, Giám đốc Bảo tàng Khảo cổ Poznan (Ba Lan) cho biết nền văn minh của quốc gia này bắt nguồn từ 5 ngàn năm trước. Ở thời con người sinh sống tại nhiều nơi vẫn quen lối sống ăn lông ở lỗ, săn bắt hái lượm, người Ai Cập cổ đã biết khai thác tài nguyên, chế tạo công cụ lao động từ kim loại đồng. Đó là tiền đề để khai sinh ra nhà nước Ai Cập đầu tiên vào năm 2686 TCN.
Sống giữa sa mạc nhưng người Ai Cập hiếm khi nào rơi vào cảnh thiếu nước uống hay lương thực, bởi họ không bao giờ chọn những vùng đất cằn cỗi để định cư. Thay vào đó họ tìm đến các ốc đảo, nơi nguồn nước luôn có sẵn cùng hệ động thực vật trù phú. Thói quen tập trung nhau lại ở các ốc đảo chính là cơ sở hình thành lối sống quần cư, đô thị hóa sau này. Từ những khoáng sản phổ biến, người Ai Cập dần biết cách khai thác và chế tạo đồ dùng từ những vật liệu hiếm.
Sa mạc Libya là một trong những nơi có trữ lượng cát thủy tinh lớn, và nó không thể vượt khỏi tầm mắt của những người Ai Cập cổ. Công nghệ chế tác của người Ai Cập chính là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp sản xuất thủy tinh đến tận ngày nay. Ngoài ra các sản phẩm nông nghiệp và rượu của Ai Cập cũng được đánh giá rất cao về khả năng sản xuất hàng loạt, cũng như chất lượng của nó.
Bí quyết giúp Ai Cập có trình độ sản xuất vượt trội so với các khu vực khác ở cùng thời kỳ chính là khả năng sản xuất công cụ lao động với số lượng lớn. Mỏ đồng ở Sinai được khai thác liên tục ngay từ thời cổ đại, qua đó giúp quốc gia này chế tác ra đủ lượng công cụ cần thiết vào mọi hoạt động hàng ngày. Những khối đá xây nên kim tự tháp trải dài từ bán đảo Sinai đến vùng Nubia xa xôi ở phía Nam Ai Cập đều có dấu tích cho thấy chúng được cắt xẻ, chuyên chở bởi công cụ lao động làm bằng đồng.
Các ốc đảo giữa sa mạc là tiền đề giúp văn minh Ai Cập phát triển.
Không có sa mạc thì sao?
Nghiên cứu sâu hơn về những bức họa bên trong kim tự tháp Giza, các nhà khoa học tìm thấy một sự thật bất ngờ khác. Thuốc nhuộm màu đỏ dùng để trang trí trong lăng tẩm có thành phần chính là ôxít sắt, qua đó họ đặt giả định tồn tại một mỏ sắt được khai thác từ thời Ai Cập cổ đại mà chưa ai biết tới. Nếu suy đoán trên là sự thật, lịch sử về Ai Cập thời các pharaoh trị vì sẽ phải viết lại toàn bộ. Điều đáng tiếc là không ai có đủ thông tin để chứng minh giả định trên.
Từ những dẫn chứng đã nêu ở trên, Polkowski chỉ ra những nguồn tài nguyên phong phú từ sa mạc (bao gồm nước sạch, đồng, cát thủy tinh và nhiều loại nguyên vật liệu khác) chính là cơ sở giúp nền văn minh Ai Cập phát triển sớm. Nếu không có chúng, Ai Cập khó có thể vươn đến những thành tựu vượt bậc như họ từng làm trước kia. Chắc chắn những lăng mộ, kim tự tháp… sẽ không tồn tại, hoặc nếu có cũng không thể trù phú với vô vàn vật phẩm bày biện bên trong.
Khó khăn duy nhất nền văn minh Ai Cập phải đối mặt là rủi ro trong những hành trình từ vùng đất này đến vùng đất khác. Ngay cả trong thời hiện đại, việc lái xe đi dạo quanh vùng sa mạc hoang sơ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bão cát xâm thực, cát lún,… luôn là những hiểm họa chực chờ người hành hương. Tuy nhiên chừng đó khó khăn không thể ngăn Ai Cập cổ đại phát triển với một trình độ vượt bậc với nguồn tài nguyên có sẵn.
Ở thời đại những phương tiện vận chuyển như xe ngựa chắc chắn không thể chạy qua những đụn cát lớn, người Ai Cập đã sử dụng khéo léo súc vật nhằm phục vụ cho những chuyến đi dài. Họ không dùng lạc đà như các quý tộc Trung Đông, mà sử dụng lừa để đi lại. So với lạc đà hay ngựa, lừa dai sức hơn hẳn nên chúng được sử dụng với số lượng lớn từ rất sớm. Những đàn lừa được bảo vệ nghiêm ngặt bởi binh lính canh gác vì chúng là tài sản quý giá.
Video đang HOT
Trong vài thập niên gần đây, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy một vài di chỉ có thể là trạm dừng chân của những đoàn hành hương lớn trong lịch sử. Dấu tích để lại cho thấy người Ai Cập cổ có sự hiểu biết tiến bộ về đo lường, bởi họ tính đến khoảng cách giữa các chuyến đi để xây dựng trạm dừng chân một cách tương đối hợp lý. Các trạm sẽ cách nhau khoảng 30-90km tùy vào khoảng cách quãng đường, và nơi đây cung cấp cả nước lẫn thức ăn giống như trạm dừng trên đường cao tốc ngày nay.
“Những trạm dừng này đã có từ hàng ngàn năm trước. Chúng tạo thành một mạng lưới dày đặc liên kết việc di chuyển giữa vùng Dakhla và Jebel Uweinat, qua đó đi lại thuận tiện hơn rất nhiều”, Polkowski nhận định. Thay vì đi một mình, người Ai Cập cổ thường đi thành những đoàn lớn để hỗ trợ nhau, cũng như làm giảm nguy cơ gặp hiểm họa trên đường đi như trộm cắp hay bão cát.
Sa mạc Ai Cập còn chứa rất nhiều bí ẩn về những thứ bên trong nó.
Ai Cập thời hiện đại
Trong vài năm qua, Polkowski và những người có chung đam mê nghiên cứu nền văn minh Ai Cập cổ đại gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin. Tình hình bất ổn tại quốc gia Bắc Phi này khiến nhiều vùng sa mạc còn ẩn chứa nhiều di chỉ khảo cổ phải đóng cửa với giới nghiên cứu. Cách duy nhất để Polkowski tiếp tục đào sâu vào những nghiên cứu của mình là thu thập tài liệu ghi chép lại từ những đồng sự trước đây. Đó cũng chính là lúc ông tìm ra ý nghĩa của thần Set.
Mang trong mình hình hài của một con chó, Set là một vị thần đầy bí ẩn của Ai Cập cổ đại. Nhưng theo Polkowski, đây là biểu tượng của sa mạc, giông bão và hỗn loạn. Trước mỗi chuyến hành hương, người Ai Cập sẽ mang theo một bức tượng của thần Set để cầu mong bản thân được bình yên. Những vật phẩm được tìm thấy bên cạnh một vài bức tượng thần Set cho thấy Ai Cập cũng mới chỉ bị sa mạc hóa. Nhiều nơi thuộc Ai Cập cổ đại từng là đồng bằng màu mỡ.
Nguyên nhân giúp nền văn minh Ai Cập tồn tại và phát triển cũng có thể chính là thứ khiến nó biến mất trong thời gian ngắn. Theo thời gian, vùng đất Ai Cập trù phú xưa kia dần bị sa mạc hóa. Những ốc đảo sau khi bị khai thác cạn kiệt các túi nước ngầm cũng trở nên cằn cỗi, không thể đáp ứng nổi nhu cầu sử dụng nước sạch và lương thực ngày một tăng lên khi dân số phát triển. Tài nguyên không còn, nền văn minh Ai Cập cũng lụi tàn theo.
Thật khó để tưởng tượng về một Ai Cập trù phú với những cánh đồng lớn, người dân quần cư đông đúc nếu nhìn vào những dấu tích còn lại của hôm nay. Tuy nhiên đó lại là giả thiết hợp lý nhất được các nhà khoa học tán đồng. Trên thực tế tại sa mạc Sahara, quá trình sa mạc hóa vẫn đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Có những nơi bị cát lấn sâu vào đến 200km chỉ trong một năm, do đó nền văn minh Ai Cập biến mất vì thiên nhiên tàn phá không phải lý do quá bất hợp lý.
Dù vậy, rất nhiều khoáng sản quý vẫn đang ngủ yên dưới lòng đất của những nơi thuộc Ai Cập cổ đại và chờ được phát lộ. Đầu tháng trước, chính quyền Ai Cập tuyên bố họ vừa phát hiện ra một mỏ vàng lớn có giá trị đến 2 tỷ USD chưa từng được biết đến từ trước đến nay. Liệu sau phát hiện lớn trên, người ta còn tìm thấy được những gì trong lòng đất vốn từng là thung lũng của các pharaoh? Chẳng ai có thể biết trước được.
Văn minh Ai Cập Những ảnh hưởng xuyên không gian và thời gian (Kỳ 2)
Văn minh Ai Cập là một trong những nền văn minh phát triển rực rỡ nhất của thế giới cổ đại mà tầm ảnh hưởng xuyên không gian, thời gian. Cho đến nay, những thành tựu ấy vẫn làm cho chúng ta thán phục, ngạc nhiên trước sức sáng tạo kì diệu của Ai Cập thời cổ đại.
Nhà nước Ai Cập cổ đại ra đời từ cuối thiên niên kỉ IV TCN. Từ đó cho đến năm 525 TCN, theo cách phân chia của Manêtông, tác giả sách Lịch sử Ai Cập, sống vào thế kỉ III TCN, lịch sử Ai Cập cổ đại được chia thành 5 thời kì là Tảo vương quốc, Cổ vương quốc, Trung vương quốc, Tân vương quốc và Hậu kì vương quốc gồm tất cả 31 vương triều.
Xã hội Ai Cập cổ đại đã có sự phân chia giai cấp ở mức độ cao và địa vị xã hội đã được phân biệt rõ ràng. Tầng lớp thống trị là giai cấp chủ nô (vua, quý tộc, tăng lữ) nắm quyền lực kinh tế, chính trị và có địa vị ưu đãi, có quyền sở hữu nhiều ruộng đất và nô lệ. Những người bị trị bao gồm: nông dân, thợ thủ công, nô lệ. Bộ máy nhà nước tuy tương đối cồng kềnh, nhưng hoạt động một cách hiệu quả và chặt chẽ. Ngoài những quy định trong tuyển chọn quan lại theo thứ bậc, nhà nước ban hành nhiều quy định về hoạt động, thẩm quyền của các bộ phận từ trung ương đến địa phương, ban bố những sắc lệnh quy định về sự trừng phạt.
Hatshepsut (1508 - 1458 TCN) nữ Pharaoh vĩ đại trong lịch sử Ai Cập, nắm giữ toàn vương quyền và thời gian trị vì lâu nhất đã cai quản bằng những chiến lược và mô hình đúng đắn, đưa Ai Cập trở thành một quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng và giàu có thời bấy giờ
Đứng đầu bộ máy nhà nước là Pharaoh. Ông có quyền lực rất lớn: bổ nhiệm hoặc bãi miễn chức vụ của quan lại, quyết định các công việc quan trọng của quốc gia. Pharaoh là người sở hữu tối cao về ruộng đất, có quyền phân phát ruộng đất và của cải theo ý mình. Quyền lực tối thượng của ông ta được tín ngưỡng hóa làm cho nó trở thành thứ siêu nhiên, huyền bí. Người đứng đầu hệ thống pháp luật cũng là Pharaoh, người chịu trách nhiệm thi hành pháp luật, thực thi công lý, duy trì pháp luật và trật tự và dựa vào một bộ máy quan lại giúp ông quản lý công việc của mình. Nhưng ông vẫn phải kiêng dè các tăng lữ lập thành phe nhóm, liên kết lẫn nhau để tạo một ảnh hưởng cực mạnh. Bộ máy tư pháp hình thành khá sớm, đồ sộ nhưng thẩm quyền của nó chưa tách bạch với hành pháp. Sự mờ nhạt về ranh giới giữa quản lý hành chính và quyền xét xử là đặc trưng của chế độ chiếm hữu nô lệ chuyên chế.
Để chinh phục được những vùng đất mới mở rộng bờ cõi lãnh thổ cũng như bảo vệ đất nước trước quân xâm lược, các Pharaoh đã xây dựng lực lượng quân đội hùng hậu và thiện chiến. Nhiều binh sĩ được huấn luyện khắc nghiệt từ khi 5 tuổi và sử dụng thành thạo nhiều vũ khí. Trang bị quân sự điển hình bao gồm cung tên, giáo và loại khiên đầu tròn được chế tạo bằng cách bọc da động vật vào một khung gỗ. Binh lính được tuyển chọn từ những người dân thường, nhưng trong giai đoạn Tân Vương quốc và đặc biệt là thời kỳ sau đó, lính đánh thuê đã được tuyển mộ để chiến đấu cho Ai Cập.
Vào khoảng nửa sau thiên niên kỉ IV TCN, do sự phát triển của lực lực lượng sản xuất và sự phân hóa giàu nghèo, các công xã nông thôn đã liên hiệp lại thành những nhà nước nhỏ đầu tiên gọi là châu. Dần dần, những châu ấy hợp lại thành hai miền Thượng và Hạ Ai Cập. Tổ chức nhà nước lúc bấy giờ còn sơ khai nhưng đã mang đặc điểm của một nhà nước chuyên chế. Tiếp đó, qua đấu tranh, hai miền Thượng và Hạ Ai Cập mới thống nhất thành nước Ai Cập. Giai đoạn củng cố và phát triển nhà nước quân chủ tập quyền thống nhất của Ai Cập cổ đại từ khoảng 3200-30 TCN.
Từ khi nhà nước Ai Cập thống nhất ra đời cho đến khoảng năm 3000 TCN, ở Ai Cập đã trải qua hai vương triều là vương triều I và vương triều II và được gọi chung là thời Tảo vương quốc. Vào thời kỳ này, người Ai Cập đã biết sử dụng công cụ bằng đồng đỏ, biết dùng cày và súc vật để kéo cày. Người đứng đầu nhà nước là vua chuyên chế gọi là Pharaoh.
Thời kì Cổ vương quốc bao gồm 8 vương triều, từ vương triều III đến vương triều X. Đầu thời Cổ vương quốc, chế độ tập quyền trung ương càng được củng cố, kinh tế cũng phát triển hơn trước. Trên cơ sở ấy, các Pharaoh đã huy động sức người sức của để xây dựng cho mình những Kim tự tháp rất đồ sộ. Nhưng từ vương triều V, thế lực của chính quyền trung ương bắt đầu suy giảm, đến vương triều VII, nền thống nhất không duy trì được nữa.
Đến thời kì Trung vương quốc (khoảng 2200-1570 TCN) bao gồm 7 vương triều, trong đó, thời kì thống trị của vương triều XI và vương triều XII là thời kì ổn định nhất. Nhưng đến năm 1750 TCN, ở Ai Cập đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa của dân nghèo. Từ đó Ai Cập bị suy yếu. Năm 1710 TCN, miền Bắc Ai Cập bị người Híchxốt ở Palextin chinh phục thống trị 140 năm. Trong thời gian ấy, miền Nam Ai Cập cũng phải thần phục vương triều ngoại tộc. Năm 1570 TCN, người Híchxốt bị đánh đuổi khỏi Ai Cập, đất nước lại được thống nhất, thời Tân vương quốc bắt đầu. Các Pharaon thời kỳ này thi hành chính sách vũ lực và không ngừng mở rộng lãnh thổ. Nhờ đó, Ai Cập trở thành một quốc gia rộng lớn hơn bao giờ hết.
Cuối vương triều XVIII, do thế lực của tầng lớp tăng lữ thờ thần Mặt trời Amôn phát triển quá mạnh, lấn át cả uy quyền của vua, vì vậy, để làm suy yếu thế lực của tầng lớp tăng lữ, vua Ichnatôn đã tiến hành một cuộc cải cách tôn giáo, nhưng chính sách cải cách này chỉ được thi hành một thời gian ngắn. Sau vương triều XVIII, Ai Cập ngày càng suy yếu. Từ thế kỉ X TCN, Ai Cập hết bị chia cắt lại bị ngoại tộc thống trị. Đến năm 30 TCN, Ai Cập thành một tỉnh của đế quốc La Mã.
Ai Cập là một quốc gia có lịch sử cổ đại sớm nhất, lâu dài nhất và liên tục. Lịch sử có thể coi là lịch sử nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, tạo nên các tác phẩm quy mô lớn, đồ sộ. Chịu ảnh hưởng của yếu tố chiến tranh, bao gồm cả chiến tranh xâm lược và bị xâm lược thế nên Ai Cập đã truyền bá văn minh của mình và tiếp thu học tập nền văn minh khác.
Nền văn minh Ai Cập cổ đại hay còn được biết tới là nền văn minh sông Nile được xem là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại. Địa lý chính là một trong những điều kiện thuận lợi góp phần hình thành nên một trong những nền văn minh sớm nhất thế giới.
Địa hình Ai Cập được chia làm hai khu vực rõ rệt là thượng và hạ Ai Cập. Thượng Ai Cập là dãy thung lũng dài và hẹp, có nhiều núi đá; hạ Ai Cập là vùng châu thổ đồng bằng sông Nile. Lãnh thổ Ai Cập hầu như bị đóng kín, phía Tây giáp sa mạc Libi, phía Đông là Hồng Hải, phía Bắc là Địa Trung Hải, phía Nam giáp sa mạc Nubi và Êtiôpia.
Sông Nile dài hơn 6 ngàn km, có 7 nhánh đổ ra Địa Trung Hải, là một trong những con sông dài nhất thế giới, phần chảy qua Ai Cập là 700km. Hạ lưu sông có hình dáng tam giác, hai bên lưu vực sông có đất đai phì nhiêu, màu mỡ nhờ lượng phù sa lớn bồi đắp, thuận tiện cho các loại cây trồng phát triển. Nơi đây cũng sở hữu quần thể động vật đa dạng. Nhờ đó, cư dân sống ở hai bờ sông Nile không chỉ an cư lạc nghiệp mà còn phát triển thông thương. Thiên nhiên đã ưu ái ban cho nơi này điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển trở thành một trong những nền văn minh sớm nhất thế giới.
Tuy vậy, về mặt địa hình, Ai Cập là một nước tương đối bị đóng kín, phía Bắc là Địa Trung Hải, phía Đông giáp Biển Đỏ, phía Tây giáp sa mạc Xahara, phía Nam giáp Nubi, nơi giáp giới ấy là một vùng núi hiểm trở khó qua lại. Chỉ có ở Đông Bắc, vùng kênh đào Xuyê sau này, người Ai Cập cổ đại mới có thể qua lại với vùng Tây Á.
Cách đây khoảng 12.000 năm, trên lưu vực châu thổ sông Nile, đã có những nhóm người sinh sống. Cư dân Ai Cập cổ bao gồm các bộ lạc từ Đông Bắc châu Phi và Tây Á đến. Họ quần tụ lại cùng tồn tại và trở thành chủ nhân của nền văn minh rực rỡ ở phương Đông - văn minh Ai Cập.
Năm 3150 TCN, nền văn minh Ai Cập được thống nhất dưới thời pharaoh Narmer, thường được gọi là Menes. Đây cũng là vị vua đầu tiên của đế chế Ai Cập cổ. Trải qua nhiều đời pharaon với những biến động lịch sử, nền văn minh Ai Cập đã tạo ra được vô số thành tựu, từ tín ngưỡng - tôn giáo, văn hóa cho đến xây dựng, tiêu biểu là kim tự tháp - một trong 7 kỳ quan thế giới cổ còn sót lại tới ngày nay.
Người Ai Cập cũng được cho là một trong những nhóm người đầu tiên hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Điều này có được là do sự khéo léo trong việc phát triển hệ thống thủy lợi của họ. Để tận dụng một cách tốt nhất nguồn nước, họ đã phát triển các các hệ thống thủy lợi nhằm mục đích chính là tưới tiêu và kiểm soát các hoạt động nông nghiệp. Nền canh tác của người Ai Cập cho phép họ trồng được những cây lương thực, đặc biệt là các loại ngũ cốc như lúa mì và lúa mạch, và các loại cây công nghiệp. Người Ai Cập sử dụng nước của sông Nin cho nhiều mục đích khác nhau. Nước lũ có thể được chuyển sang hướng khác, như vườn tược, để tránh việc ngập lụt cho một số khu vực nhất định. Hệ thống này cũng được sử dụng để cung cấp nước uống cho người Ai Cập.
Những bằng chứng khảo cổ sớm nhất về hệ thống thủy lợi được tìm thấy trên đầu vương trượng của vua Scorpion II, có niên đại vào khoảng năm 3100 TCN. Phần đầu vương trượng mô tả hình ảnh nhà vua đang cầm cuốc đào mương. Sự kết hợp hình ảnh nhà vua với thủy lợi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nước và nông nghiệp đối với đời sống của cư dân Ai Cập.
Điều kiện tự nhiên của Ai Cập vừa thuận lợi vừa khắc nghiệt đã tạo nên nét đặc trưng trong tính cách con người Ai Cập và trong văn hóa Ai Cập nói chung cũng như các công trình kiến trúc nói riêng. Cư dân ở đây là những người dũng cảm, liều lĩnh, kiên nhẫn và chăm chỉ. Nhà nước Ai Cập ra đời từ rất sớm, mang tính chất chuyên chế. Đời sống nhân dân vô cùng cực khổ do bị áp bức bóc lột quá nặng nề. Chính vì vậy, tầng lớp áp bức đã không ít lần nổi dậy đấu tranh, lật đổ chế độ cai trị. Ai Cập cũng đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược các vùng đất, các nước khác. Mặt khác, Ai Cập cũng là đối tượng xâm lược của các thế lực bên ngoài. Dẫu vậy, người dân Ai Cập sớm bước vào xã hội văn minh cùng những thành tựu vô cùng to lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống, bao gồm: chữ viết, văn hóa, tôn giáo, khoa học tự nhiên, kiến trúc, điêu khắc... mà ngày nay nhân loại không thể phủ nhận được. Tất cả đều là do sức sáng tạo thần kỳ của con người thuở đó.
Để hiểu biết mang tính chất nền tảng về các nền văn minh của nhân loại và hiểu sâu sắc hơn về nền văn minh Ai Cập, Nhà Sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng, tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại với các tác phẩm tiêu biểu viết về lịch sử văn minh nhân loại như: "Nguồn gốc văn minh" (Will Durant), "Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới" (Niall Ferguson), "Sự va chạm của các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới" (Samuel Huntington), "Nền văn minh và sự bất mãn của nó" (Sigmund Freud), "Lược sử loài người" (Yuval Noah Harari)... cùng nhiều cuốn sách quý khác.
Tủ sách nền tảng Đổi đời gồm hơn 100 đầu sách quý, thấm đẫm tư duy biện chứng, tuần hoàn liên thông từ lập thuyết đến thực hành, hợp nhất tinh hoa của toàn thể nhân loại về 12 lĩnh vực căn cốt nhất: Khoa học, Triết học, Huyền học, Y học, Võ học, Kinh tài học, Chính trị học, Đạo đức học, Xã hội học, Mỹ học, Âm thanh học và Ngôn ngữ học nhằm khuyến khích việc học hỏi, tiếp thu và ứng dụng tinh hoa tri thức nhân loại. Từ đó, chuyển hóa sức mạnh tri thức thành sức mạnh vật chất, sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần giúp mỗi cá nhân rút ngắn con đường đi đến thành công và hạnh phúc đích thực.
Ai Cập cổ đại là khu vực rất đặc biệt với nền văn minh phát triển từ rất sớm và tồn tại trong thời gian khá lâu dài, có vai trò quan trọng trong việc mở đường cho nền văn minh nhân loại. Thành công của văn minh Ai Cập bởi chính sự hiểu biết, tinh thần học hỏi và sáng tạo đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa-xã hội; có chiến lược, tư tưởng chuẩn mực và tinh thần đoàn kết của các vương triều Pharaoh với đức tin tối thượng vào các vị Thần tối cao cùng tầm ảnh hưởng lớn. Thế nhưng, cũng như Lưỡng Hà, nền văn minh Ai Cập cuối cùng cũng suy vong bởi những giá trị cốt lõi không được đảm bảo và duy trì: có tầm ảnh hưởng lớn nhưng nền văn minh cũng xây dựng dựa trên những nỗi sợ hãi, tham lam của các vua chúa, cá nhân ích kỷ; một tín ngưỡng tôn sùng sự bất tử và 1 vị vua có thể đảm bảo cho ánh mặt trời soi sáng mỗi ngày dẫn đến bị lợi dụng niềm tin để phục vụ cho các mục đích riêng; xã hội bị chia cắt, mất dần tinh thần đoàn kết dân tộc bởi những mâu thuẫn giữa các cấp trong xã hội ở mức cao và địa vị xã hội phân biệt rõ ràng.
(Đón đọc kỳ sau: Văn minh Lưỡng Hà - Bài học đoàn kết vượt lên mọi khác biệt.)
Tìm thấy thành phố cổ 7.000 năm tuổi, tiết lộ "bí mật ngàn năm" về Ai Cập? Các nhà khảo cổ tìm thấy di chỉ này trong dự án khai quật tại khu đền Vua Seti I ở thành phố Abydos, được cho là một trong những kinh đô đầu tiên của Ai Cập, do Bộ Cổ vật Ai Cập chỉ đạo thực hiện. Các chuyên gia khảo cổ cho hay, Abydos là thủ đô của Ai Cập vào cuối...