Không riêng Sau ánh hào quang, khán giả Việt từng mê mệt với loạt talkshow ngôi sao đình đám này
Trước đây, các chương trình Lần đầu tôi kể, Khách của VTV3 hay Ghế đỏ cũng từng khiến khán giả mê mệt khi mang đến những câu chuyện thú vị “khó ai ngờ” về thế giới showbiz.
Thời gian gần đây, các talkshow Sau ánh hào quang, Chuyện tối nay với Thành hay Hát câu chuyện tình… thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả khi tiết lộ những câu chuyện hậu trường, hắt sáng vào góc khuất trong đời sống của người nghệ sĩ.
Tuy nhiên, hình thức talkshow ngôi sao vốn không quá mới mẻ với công chúng Việt. Trước đây, các chương trình Lần đầu tôi kể, Khách của VTV3 hay Ghế đỏ cũng từng khiến khán giả mê mệt khi mang đến những câu chuyện thú vị “khó ai ngờ” về thế giới showbiz.
Khách của VTV3
Có thể xem Khách của VTV3 là một trong những chương trình truyền hình đầu tiên mang định dạng talkshow cùng người nổi tiếng trên màn ảnh nhỏ. Với khách mời là nhân vật nổi tiếng trong các lĩnh vực giải trí, thể thao, văn hóa – nghệ thuật cùng sự dẫn dắt của MC kỳ cựu Lại Văn Sâm, Khách của VTV3 trở thành chương trình thành công gắn liền với thương hiệu của VTV những năm 90.
Cùng với SV 2012, Khách của VTV3 là chương trình “huyền thoại” được “hồi sinh” thành công của VTV.
Sau 13 năm tạm dừng, Khách của VTV3 trở lại với phiên bản mới vào tháng 6/2011. Không chỉ xoay quanh câu chuyện của những ngôi sao giải trí hàng đầu như Mỹ Tâm, Ngô Thanh Vân, NSND Hồng Vân, Mỹ Linh, ban nhạc Bức Tường… Khách của VTV3 còn gây ấn tượng còn đưa ra nhiều vấn đề văn hóa – xã hội nổi bật để tập trung bàn luận. Đó chính là lý do bao giờ chương trình cũng mang đến câu chuyện mới mẻ và đầy ý nghĩa cho khán giả truyền hình.
Khách của VTV3 trò chuyện cùng Mỹ Tâm với chủ đề nạn buôn người.
Đúng như tên gọi Trò chuyện cuối tuần, talkshow gắn liền với tên tuổi của MC Quỳnh Hương từng là món ăn tinh thần quen thuộc trên HTV mỗi trưa chủ nhật từ năm 2003. Khách mời nổi tiếng trong các lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật đến chương trình để chia sẻ về chặng đường đưa họ đến với thành công cũng như bật mí những câu chuyện hậu trường thú vị ít ai biết đến.
Tính chất gần gũi, ấm áp đúng nghĩa trò chuyện chính là chìa khóa làm nên thành công và thương hiệu của Trò chuyện cuối tuần.
Trò chuyện cuối tuần cũng là talkshow đầu tiên tạo nên sự tương tác giữa MC, nhân vật chính và các khách mời đặc biệt. Bên cạnh lời bộc bạch chân thành, chân dung nghệ sĩ còn được khắc họa chân thực và đầy khách quan thông qua những thước phim tư liệu, lời kể của đồng nghiệp, người thân và qua câu hỏi của khán giả ngay tại trường quay.
Cẩm Ly, Phương Thanh là khách mời trong số Trò chuyện cuối tuần cùng nghệ sĩ Minh Thuận.
Lần đầu tôi kể
Lần đầu tôi kể cũng từng là talkshow về thế giới showbiz và đời tư ngôi sao thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Bên cạnh việc ôn lại quá trình chạm ngõ và hoạt động nghệ thuật của nhân vật chính, chương trình còn chú trọng khai thác những câu chuyện bí mật, các mối quan hệ đặc biệt trong giới nghệ sĩ.
Điểm đặc biệt của Lần đầu tôi kể là vị MC giấu mặt với cách dẫn dắt thâm trầm, tự nhiên và luôn thông hiểu tường tận về khách mời. Lối dẫn dắt không có kịch bản của “Anh Bờ Vai” không hề lan man mà còn khiến khách mời tin tưởng để chia sẻ tất cả những vinh quang lẫn góc khuất trong sự nghiệp và cuộc sống.
Không cần đầu tư dàn dựng hoành tráng nhưng Lần đầu tôi kể vẫn gặt hái không ít thành công khi thuyết phục được những ngôi sao khó tính hàng đầu làng giải trí Việt như Hoài Linh, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Phạm Hương, Trấn Thành, Sơn Tùng, Tăng Thanh Hà, Lý Nhã Kỳ… chia sẻ vô số câu chuyện lần đầu công bố.
Hoài Linh chia sẻ về Đàm Vĩnh Hưng trong Lần đầu tôi kể.
Mỹ Tâm cùng ôn lại thời sinh viên gian khó trước khi trở thành ca sĩ hàng đầu V-Pop.
Ghế đỏ
Ghế đỏ được dẫn dắt bởi MC Thùy Minh là talkshow trò chuyện với người nổi tiếng được khán giả trẻ yêu thích vì tính chất ngắn gọn và mới mẻ. Tạo điểm nhấn là đôi ghế đỏ nổi bật cho host và khách mời, bối cảnh của talkshow thay đổi linh động theo tính chất công việc cũng như cá tính của nhân vật chính.
Talkshow Ghế đỏ có sự linh hoạt từ cách dẫn dắt của host đến bối cảnh, chủ đề.
Talkshow Ghế đỏ với sự tham gia của Sơn Tùng MTP.
Hướng đến đối tượng khán giả trẻ, Ghế đỏ không đặt nặng tính chất tự sự mà thường tập trung vào sự kiện, hoạt động nghệ thuật nổi bật của nghệ sĩ. Thay thế cho những câu chuyện hậu trường là màn trao đổi cởi mở, thẳng thắn của host Thùy Minh để nhân vật chính thể hiện rõ quan điểm và cá tính.
Kết
Ngoài ra, các talkshow như Nhịp cầu nghệ sĩ (THVL), Văn hóa Sự kiện và Nhân vật (VTV), Ghế không tựa (VTV)… cũng bền bỉ chiếm sóng trong khoảng thời gian dài khi khai thác thành công câu chuyện của thế giới nghệ sĩ ở nhiều góc nhìn khác nhau.
Sức hút của những chương trình tiên phong cho đến các “hậu duệ” Sau ánh hào quang, Chuyện tối nay với Thành… đã phần nào chứng minh: talkshow ngôi sao luôn có lượng khán giả riêng bởi câu chuyện đời tư của thế giới nghệ sĩ chưa bao giờ là “lỗi thời”.
Theo Saostar
Đã hết thời hài nhảm, bây giờ là thời "kể khổ" lên ngôi!
Sự ra đời của "Sau ánh hào quang", "Người kết nối", "Chuyện tối nay với Thành"... đã làm thay đổi bộ mặt của thị trường truyền hình vốn đã nhạt màu vì hài nhảm.
2 tháng trở lại đây, màn ảnh nhỏ Việt Nam có thêm một làn gió mới, đấy là hơi thở của các show truyền hình thiên về trò chuyện, tâm tình, chứ chẳng phải đậm màu sắc hài hước như trước nữa.
Và kỳ lạ một điều, dù show nào cũng kéo dài cả tiếng đồng hồ với dằng dặc những lời chia sẻ, nhưng khán giả vẫn bị hút vào. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi, phải chăng rằng hài nhảm đang thoái trào, nhường chỗ cho những talkshow đậm tính hoài niệm lên ngôi!
Đã từng có thời hài nhảm làm mưa làm gió trên sóng truyền hình.
Đã từng có thời hài nhảm tràn lan mọi ngóc ngách
Đừng nói đâu xa, chỉ mới 3 năm trước, cứ bật TV vào mỗi buổi tối thì y như rằng sẽ thấy những Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương đang tung hứng trong một vở hài kịch nào đó.
Từ sóng truyền hình quốc gia VTV cho đến đài truyền hình lớn nhất khu vực phía Nam - HTV hay "đại gia truyền hình" mới nổi ở khu vực miền Tây - Vĩnh Long đều tràn ngập show hài.
Đấy là xu thế, là dòng chảy bắt buộc vận vào cuộc chơi của truyền hình. Vậy nên, các nhà đài cứ đua nhau bắt tay với công ty truyền thông để làm màn ảnh rộn ràng bởi tiếng cười náo nhiệt. Ở cuộc chơi này, chả ai là người thiệt thòi cả.
Vì đúng là ở thời điểm năm 2014, thị hiếu khán giả đổ dồn vào các chương trình hài. Người ta chẳng mặn mà lắm với các chương trình mang tính giáo điều, khô cứng. Người ta thích theo dõi các chương trình hài để xua đi sự mệt mỏi, ức chế sau ngày dài làm việc, học tập căng thẳng.
Hoài Linh.
Vì thế cho nên Ơn giời cậu đây rồi, Hội ngộ danh hài, Cười xuyên Việt, Thách thức danh hài đã lần lượt ra đời như một lẽ hiển nhiên.
Ở khía cạnh giải trí, các chương trình này đã đáp ứng được nhu cầu của khán giả, đó là thổi vào cuộc sống dư vị vui vẻ, rộn ràng, khiến người ta tạm quên đi đời thực còn nhiều mệt mỏi.
Trường Giang.
Trong vòng 3 năm, các đơn vị sản xuất như Đông Tây, Điền Quân, BHD, Khang, Jet Studio đã mang đến loạt chương trình đủ mùi vị sắc hương. Họ sẵn sàng chi hàng đống tiền để mua format chương trình từ Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha... để mang về Việt Nam sản xuất lại.
Họ đã góp phần khiến cho thị trường giải trí trở nên tưng bừng hơn bao giờ hết. Chính những đơn vị này cũng tạo đòn bẫy để những cái tên như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương, Thu Trang phủ sóng rộng rãi.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó, khi chương trình hài "bùng nổ" và chiếm thế thượng phong, bắt đầu nảy sinh những vấn đề có phần tiêu cực. Vô số bản sao của Trấn Thành, Hoài Linh, Trường Giang đã xuất hiện.
Họ được gọi với những cái tên như "bản sao Trấn Thành", "tiểu Trường Giang", "phiên bản lỗi của Việt Hương"... Và cũng giống như những phiên bản gốc, họ lao vào cuộc chiến giành thị phần hài trên màn ảnh nhỏ bằng cách làm việc "nhanh thần tốc".
1 Trấn Thành, 1 Việt Hương là đã đủ, đến khi có hàng loạt phiên bản như thế, thị trường hài trở nên lộn xôn. Khi nghệ sĩ trẻ chưa trải qua quá trình rèn luyện, trau dồi nghề nghiệp đúng mực, họ dễ dãi bước lên sân khấu và biến những vở hài kịch thành kệch cỡm.
Việt Hương - Đại Nghĩa.
Cộng thêm quá trình sản xuất vội vàng, thiếu trau chuốt của các đơn vị sản xuất, loạt chương trình hài dần đi theo hướng "nhảm".
Có một thực tế đáng buồn là để tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, nhiều đơn vị đã cho thu hình theo kiểu "đánh nhanh rút gọn", nghĩa là chỉ trong 1 ngày quay, các nghệ sĩ tham gia chương trình phải gồng mình diễn đến 3 - 4 vở cho kịp lịch phát sóng.
Khi nghệ thuật bị đặt trong vòng xoáy kim tiền, chuyện lố lăng, phản cảm xảy đến là điều dễ dàng dự đoán được.
Tùng Sơn tham gia "Thách thức danh hài" mùa 4.
Không riêng gì các chương trình hài, mà hầu hết chương trình truyền hình được sản xuất theo hình thức tiết kiệm thời gian này đều rơi vào vòng lẩn quẩn thiếu chiều sâu. Muốn làm ra tiếng cười có chất lượng, điều kiện tiên quyết là phải dành cho nó sự quan tâm đúng mực.
Số lượng chương trình ngày một gia tăng nhưng thời gian chuẩn bị, sản xuất gấp rút đã dẫn đến hệ lụy là hài biến thành hài nhảm. Và khi cái sự nhảm tràn lan, bật TV kênh nào cũng thấy hài nhảm, khán giả chán, không còn quan tâm nhiều như trước cũng là chuyện đương nhiên thôi.
Đã hết thời hài nhảm, nghệ sĩ thi nhau tâm tình trên sóng truyền hình
Trong năm 2017 này, Hoài Linh và Trấn Thành - những cái tên ăn khách, sáng giá nhất làng hài đã bắt đầu xuất hiện ít dần trên các show truyền hình về hài.
Về phần Hoài Linh, có lẽ anh đã phần nào thực hiện đúng lời hứa của mình, đấy là khi đã đủ kinh phí xây dựng nhà thờ Tổ, anh hạn chế ngồi ghế nóng, hạn chế chạy show kiếm tiền.
Từ giữa năm 2017 đến nay, Trấn Thành hạn chế xuất hiện trong các chương trình hài.
Với Trấn Thành, anh cũng có lý do để bớt diễn hài, bớt giả gái, bớt gây khó chịu cho khán giả màn ảnh nhỏ vì những tiết mục hài có phần quá đà. Bởi, Trấn Thành vướng vào quá nhiều tai tiếng, nếu cứ tiếp tục diễn hài như trước đây, hẳn là hình ảnh của anh sẽ xấu đi nhiều lắm.
Khi Trấn Thành, Hoài Linh - những nhân tố góp phần lớn trong dòng chảy hài bắt đầu "lặn sâu", thị trường truyền hình đã có chuyển biến mới.
Từ đầu tháng 9/2017, một số đơn vị sản xuất thay đổi định hướng phát triển của mình. Nắm bắt và đo lường được thị hiếu khán giả có sự thay đổi, các đơn vị này mạnh dạn đầu tư vào việc sản xuất gameshow chú trọng vào chiều sâu.
Thay vì để nghệ sĩ diễn hài, làm trò trên sân khấu, các đơn vị để họ có cơ hội trải lòng về nghề nghiệp và những góc khuất trong cuộc đời của mình. Vậy là Sau ánh hào quang, Người kết nối, Chuyện tối nay với Thành, Gương hai chiều đã ra đời.
Trấn Thành và Minh Hằng ở "Chuyện tối nay với Thành".
Chỉ sau 3 tuần phát sóng, Sau ánh hào quang đã làm người xem ngỡ ngàng vì những câu chuyện đớn đau của Thanh Hà, Xuân Lan, Đàm Vĩnh Hưng. Hay C huyện tối nay với Thành cũng khiến khán giả bùi ngùi xúc động bởi chia sẻ thật của Minh Hằng về việc đã giúp bố mẹ hàn gắn sau 18 năm ly hôn.
Thậm chí, chương trình Người kết nối còn gây rúng động showbiz Việt khi để Sơn Ngọc Minh kể về cuộc sống túng thiếu, khó khăn, chênh vênh của mình. Hàng loạt dấu ấn đớn đau, gây ám ảnh đã được đưa lên sóng truyền hình.
Thanh Hà.
Thực tế, chuyện trải lòng bằng talkshow không phải là cách làm gì mới mẻ. Bởi trước đó, đã có nhiều chương trình truyền hình thực hiện theo hình thức này.
Tuy nhiên, cái chưa được của những chương trình ấy là còn nặng tính khoe mẽ, chưa tạo cho nghệ sĩ điều kiện để họ cởi bỏ lớp vỏ bọc hào quang, đối diện với chính bất hạnh trong đời thực của mình.
Sau ánh hào quang, Chuyện tối nay với Thành, Người kết nối, Gương hai chiều là những talkshow thế hệ mới. Nhờ cách thể hiện súc tích, trực diện mà người xem có cơ hội khám phá thế giới của từng nhân vật tham gia chương trình.
Chẳng ai ngờ được Xuân Lan đã phải chịu cảnh tủi nhục vì bị tình nhân ruồng bỏ. Cũng không ai dám nghĩ rằng ca sĩ Thanh Hà đã sống như một đứa con rơi suốt mấy chục năm dài.
Lại càng không ai ngờ tới việc Sơn Ngọc Minh - cựu thành viên nhóm Vmusic đình đám lại để mẹ ruột đi làm giúp việc cho những nhà giàu có. Khi nghệ sĩ không diễn hài, không cố gồng mình làm trò lố lăng, họ cũng có vô vàn thông tin thú vị, dễ dàng gây xúc động cho khán giả.
Đàm Vĩnh Hưng.
Nếu như 3 năm trước, nghệ sĩ thi nhau lên truyền hình để diễn hài thì đến nay, nghệ sĩ lại dắt díu tay nhau tâm tình với khán giả. Nếu gọi là họ "kể khổ" cũng chẳng sai, bởi họ đã can đảm trút bỏ ánh hào quang, sống thật với những nỗi đau của chính mình.
Dòng chảy truyền hình mỗi giai đoạn lại có một nét thú vị khác nhau. Nếu cứ để khán giả "nhai đi nhai lại" một món ăn, các đài truyền hình và cả những đơn vị sản xuất cũng lâm vào thế khó.
Cái thời của hài nhảm qua đi, chưa hẳn là điều xấu, chỉ có điều cần có sự chuyển giao thích hợp để mang đến cho người xem những giá trị tích cực hơn.
Cindy Thái Tài và Xuân Lan.
Ở thời điểm hiện tại, Sau ánh hào quang, Chuyện tối nay với Thành, Người kết nối đang là những chương trình thú vị, được khán giả quan tâm.
Nhìn trực diện, các chương trình này chẳng hào nhoáng, hoành tráng như Ơn giời cậu đây rồi, Thách thức danh hài, Cười xuyên Việt, nhưng bù lại, nó khiến khán giả say mê, cuốn hút và lắng đọng cùng các nhân vật. Làm giải trí, để khán giả nhớ mặt đặt tên và lưu lại ấn tượng đẹp, ấy đã là thành công.
Theo Thời đại
Nghệ sĩ Duy Phương: Kiện vì nhà sản xuất "Sau ánh hào quang" ném đá giấu tay "Tất nhiên Lê Giang sẽ bị ảnh hưởng nhưng tôi mới là người bị ảnh hưởng nhất"- Nghệ sĩ Duy Phương khẳng định. Mới đây, nghệ sĩ Duy Phương đã chia sẻ với dư luận về quyết định khởi kiện nhà sản xuất chương trình "Sau ánh hào quang" vì đã phát những thông tin sai sự thật, không kiểm chứng về anh...