Không quyết liệt mở đường bay quốc tế, Việt Nam mất cơ hội vào tay láng giềng
Cần đánh giá lại các quy định về mở đường bay quốc tế, quy định về đi lại, cách ly.
Nếu không làm quyết liệt, nhà đầu tư sẽ bỏ đi, Việt Nam sẽ lỡ nhịp phục hồi kinh tế – các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho biết.
Nguy cơ chậm chân
Phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 hôm qua 14.12, nhắc đến việc mở cửa đường bay quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta có vaccine, quyết tâm chống dịch thì phải tự tin mở cửa, không ngại gì cả. Chúng ta phải thích ứng linh hoạt an toàn hiệu quả. Việc mở đường bay đưa ra rất cụ thể, các bộ ngành phải làm”.
Chỉ đạo của Thủ tướng đã được sự đồng tình của nhiều Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt bên lề Hội nghị Ngoại giao, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm cho biết: “Các đại lý vé máy bay ở Hong Kong nói rằng, chúng tôi có thể bán vé máy bay đi hầu hết thế giới nhưng đi Việt Nam thì chưa bán. Đến lúc phải phải làm quyết liệt, nếu không là nguy cơ chậm chân, mất cơ hội vaò tay láng giềng.
Du khách nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh: CTV.
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cảnh báo: Quy định nhập cảnh của Việt Nam rất chặt, danh sách vào phải được duyệt, về phải cách ly, trong khi các doanh nhân làm ăn họ không đủ thời gian. Kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, nếu ta không kịp thời đón du khách, họ chọn sang nước khác thuận tiện hơn, chúng ta sẽ lỡ nhịp phát triển kinh tế”.
Trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói rõ: Hiện giờ là thời cơ để phục hồi kinh tế. Nếu các chính sách, trong đó có việc đi lại, giao thương không được thay đổi, nhà đầu tư sẽ đi tìm thị trường khác.
Nhu cầu nhập cảnh lớn
Trong đề xuất mở cửa đường bay của Bộ Giao thông Vận tải, đường bay Hong Kong mở cửa đợt 2, nhưng điều đó, theo Tổng lãnh sự Phạm Bình Đàm, là không hợp lý: “Hong Kong là nơi duy nhất trên thế giới không có dịch. Nên mở ngay không nên chờ, không cần điều kiện nào cả”.
“Nhà đầu tư muốn bay thương mại vào Việt Nam rất khó khăn: Các CEO, lãnh đạo đạo tập đoàn vào Việt Nam làm việc ngắn ngày chúng tôi phải có công văn giải quyết từng trường hợp. Ngoài ra là bà con người Việt ở Hong Kong muốn về nước”. (Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm)
Nhu cầu đi lại của doanh nhân và người Việt tại Áo cũng rất lớn. Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên nói: “Khi tôi trao đổi với các doanh nghiệp Áo thì câu hỏi đầu tiên của doanh nghiệp và Bộ Kinh tế Áo là khi nào Việt Nam mở cửa, mở cửa thế nào. Các doanh nghiệp ở Áo cho rằng đã đi vào trao đổi giao thương không thể online, có thể cung cấp thông tin online nhưng đàm phán không thể online. Rất nhiều doanh nghiệp Áo muốn vào Việt Nam nhưng họ quan tâm điều kiện cách ly, khi vào làm việc với ai, đi thăm nhà xưởng, doanh nghiệp như thế nào. Cộng đồng người Việt cũng mong về thăm quê vì đó là vấn đề tình cảm”.
Có ý kiến tương tự, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cho biết, số người Việt ở Nga là khoảng 60.000 – 80.000 người, tất cả bà con đều rất mong muốn về quê ăn Tết, nhất là 2 năm qua chuyến bay thương mại không có. “Tâm tư tình cảm bà con xa xứ ai cũng hướng về quê hương đất nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Nga vừa qua, khi gặp gỡ đại diện cộng đồng, bà con đã bày tỏ mong muốn sớm triển khai chuyến bay thương mại bình thường để bà con về quê ăn Tết”.
Video đang HOT
Ông cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp Nga muốn vào Việt Nam đầu tư làm ăn, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch nước nhưng không vào được vì các quy định ngặt nghèo của Việt Nam.
Chi phí về nước đắt đỏ, lãng phí nguồn lực cách ly
Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao đã thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập trong việc tổ chức các chuyến bay giải cứu cũng như các quy định nhập cảnh đã triển khai thời gian qua.
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi nói về các “chuyến bay combo” kết hợp giữa bay và cách ly khách sạn: “Chuyến bay combo không được tổ chức định kỳ, thường xuyên nên rất đắt đỏ, từ hàng không, khách sạn, các công ty tổ chức nên chi phí rất cao, nhiều bà con không thể đáp ứng được điều kiện mua combo như vậy”.
Chuyến bay đưa người Việt về nước. Ảnh: CTV.
Ông Khôi cho biết, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện đã kiến nghị chuyến bay thương mại từ lâu. “Khi chưa tiêm vaccine đầy đủ thì có thể hạn chế chuyến bay từ nước ngoài, nhưng giờ dịch đã được kiểm soát, tỷ lệ tiêm vaccine rất cao ở nhiều địa phương” – ông nói. “Một tỉnh như Yên Bái, sáng nay tôi trao đổi với Chủ tịch tỉnh thì được biết Yên Bái đã tiêm mũi 1 cho 98% người dân, mũi 2 gần 90%”.
Việt Nam là một trong số ít nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Trong bối cảnh đó sớm mở lại chuyến bay thương mại về nước không phải cách ly là đáp ứng bình thường mới – Đại sứ Đặng Minh Khôi phân tích. “Như Thủ tướng chỉ đạo, không lẽ gì đã chi nguồn lực rất lớn để tiêm vaccine thì giờ chuyến bay cách ly là lãng phí lớn nguồn lực cho xã hội và ảnh hưởng tâm tư tình cảm người dân”.
“Người bay đã tiêm 2 mũi, xét nghiệm âm tính trong vòng 72h, nên rủi ro từ người nhập cảnh rất ít, rất thấp, trong khi đi lại giữa các địa phương ở Việt Nam rất nhiều, với vài trăm, cả nghìn ca một ngày, rủi ro từ nước ngoài về thấp hơn nhiều so với trong nước”. (Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm)
Ông cho rằng, giờ đây trong nước mỗi ngày có 14 – 15.000 ca nhiễm, trong khi bà con về số ca ít, như vậy người từ nước ngoài về không phải nguồn lây nhiễm. Quan trọng yêu cầu bà con test PCR, tiêm 2 mũi vaccine, test ngay tại sân bay, theo dõi ở nhà, sẽ đảm bảo đi lại, thông thương, kinh doanh phát triển bình thường.
Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm cũng nhắc đến các quy định cách ly: Việt Nam là nơi có dịch lại cách ly với người từ nơi không có dịch như Hong Kong là chưa hợp lý.
Mở cửa an toàn
Tuy nhiên, đặt lên hàng đầu vẫn là yếu tố an toàn – các Đại sứ nhấn mạnh. Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên nói: “Chính phủ đang đứng trước thách thức lớn, một mặt là người nhiễm tăng trong khi năng lực y tế hạn chế, nên mở cửa thế nào là bài toán khó. Nhưng hướng là chúng ta phải chung sống với bệnh dịch, phải mở”.
Theo ông Kiên, Việt Nam dựa vào ngoại thương, đầu tư, xuất nhập khẩu rất lớn, nên mở thế nào để đảm bảo an toàn cuộc sống người dân tối đa, tận dụng giao thương nước ngoài để phát triển. “Phải cố gắng đảm bảo lợi ích chung của cả đất nước chứ không phải từng ngành từng địa phương, bảo đảm lợi ích của người có thu nhập thấp, thu nhập ngắn hạn, người có sức khoẻ không tốt. Đó là nỗi lo chung”.
Ông cho rằng, khủng hoảng bệnh dịch là hồi chuông thức tỉnh chúng ta quan tâm hơn đến môi trường, lối sống, sự tôn trọng trật tự, quy tắc trong xã hội, tôn trọng cái chung, tôn trọng các quy định y tế mới có thể giúp Chính phủ điều hành, tôn trọng sự minh bạch để giúp quản lý y tế tốt.
Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long khẳng định: “Nếu muốn khôi phục kinh tế bắt buộc phải mở đường bay. Nhưng mở phải đảm bảo an toàn” – ông nói. Đại sứ Long cho biết: Mở đường bay là mong muốn của các sứ quán, đảm bảo an toàn là yêu cầu của Chính phủ, những điều đó sẽ có các cơ quan chức năng đánh giá.
Đề xuất mở lại đường bay quốc tế từ ngày 15/12, không cách ly hành khách nhập cảnh
Bộ GTVT đề xuất nối lại đường bay thường lệ quốc tế từ ngày 15/12 tới, đồng thời bỏ quy định cách ly với hành khách nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine khi vào Việt Nam.
Bộ GTVT vừa có gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị khôi phục, mở lại đường bay quốc tế thường lệ theo đề nghị của các hãng hàng không từ ngày 15/12 tới.
Bộ GTVT tiếp tục đề xuất thí điểm mở lại đường bay thường lệ quốc tế từ ngày 15/12 tới, sau nhiều lần chuẩn bị xong phải rút.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ, ngày 30/11, bộ đã làm việc với đại diện các hãng hàng không của Việt Nam về những khó khăn và giải pháp khôi phục khai thác các đường bay quốc tế thường lệ. Các hãng hàng không, doanh nghiệp hàng không đều kiến nghị nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách.
Tuy nhiên, để các đường bay hoạt động hiệu quả, các hãng đề xuất dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước chuyến bay.
Đại diện các Bộ, ngành cũng bày tỏ quan điểm thống nhất chủ trương và sự cần thiết khôi phục khai thác hàng không quốc tế, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, du khách và thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19. Trong đó, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn nới lỏng quy định cách ly với khách nhập cảnh. Bộ Ngoại giao đang đàm phán với các đối tác để công nhận lẫn nhau về "hộ chiếu vaccine"...
Nhu cầu người Việt về nước ăn Tết tăng cao
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, thời gian qua, Việt Nam không ban hành các quy định dừng hoặc hạn chế các chuyến bay quốc tế thường lệ đến và đi từ Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay phải đáp ứng các quy định về kiểm soát y tế đối với người nhập cảnh theo quy định.
Cụ thể, công dân Việt Nam hồi hương bằng đường hàng không hiện được vận chuyển trên các chuyến bay "giải cứu" cách ly tại cơ sở quân đội, chuyến bay "combo" cách ly tại các cơ sở chỉ định của địa phương và hoặc kết hợp vận chuyển trên các chuyến bay chở hàng trên cơ sở chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Nhu cầu nhập cảnh của công dân Việt Nam về nước thời điểm này tiếp tục tăng cao, đặc biệt là dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán.
Người nước ngoài là các nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao...nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay của của các hãng hàng không trên cơ sở chấp thuận của các cơ quan chức năng của Việt Nam và các địa phương. Gần đây, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo thông tin của Bộ Ngoại giao, nhu cầu nhập cảnh của công dân Việt Nam về nước thời điểm này tiếp tục tăng cao, đặc biệt là dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với mục đích làm việc, đầu tư, sản xuất kinh doanh và du lịch là rất lớn.
Do vậy, việc khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân đồng thời thúc đẩy phục hồi hoạt động du lịch quốc tế nói riêng và kinh tế nói chung.
Đề xuất thí điểm 2 giai đoạn, miễn cách ly với khách nhập cảnh đủ điều kiện
Bộ GTVT đề xuất 2 giai đoạn thí điểm. Theo đó, trong giai đoạn 1 (hai tuần từ thời điểm áp dụng, dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15/12/2021), tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ).
Đây là các thị trường có quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, có số lượng lớn các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài có nhu cầu sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ này nhiều và có nhu cầu hồi hương cao.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Y tế hướng dẫn và công bố điều kiện, thời điểm thực hiện miễn cách ly đối với người nhập cảnh Việt Nam.
Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về 2 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Tần suất hoạt động 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần).
Trong giai đoạn 2 (thực hiện trong thời gian 1 tháng kể từ khi kết thúc giai đoạn 1, dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022).
Ngoài 9 thị trường trên, Bộ GTVT mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hong Kong (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Australia), Moscow (Nga). Các thị trường được mở rộng này cũng là các đối tác hợp tác quan trọng với nhiều hoạt động hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch với Việt Nam cũng như có số lượng lớn người lao động và du học sinh Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc.
Ở giai đoạn này, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng hàng không quốc tế đề xuất tiếp nhận gồm: Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vân Đồn.
Tần suất dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên (dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 40.000 người/tuần).
Trong thời gian thực hiện giai đoạn 2 thí điểm khôi phục các đường bay quốc tế, Bộ GTVT sẽ tổ chức tổng kết đánh giá để tham mưu việc khôi phục hoạt động khai thác quốc tế thường lệ như trước đây.
Để đảm bảo tính khả thi nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách, theo Bộ GTVT cần sớm có hướng dẫn dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.
Bên cạnh đó, việc nối lại các chuyến với các nước chỉ có thể thực hiện thực hiện với các nước theo nguyên tắc "có đi có lại" trên cơ sở thúc đẩy đàm phán thống nhất với các đối tác về công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vaccine".
Ngoài ra, cần có phần mềm khai báo y tế thống nhất để phục vụ công tác kiểm soát, truy vết người nhập cảnh.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Y tế hướng dẫn và công bố điều kiện, thời điểm thực hiện miễn cách ly đối với người nhập cảnh Việt Nam. Bộ Ngoại giao chủ trì đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vaccine", ưu tiên các nước và vùng lãnh thổ thực hiện trong 2 giai đoạn thí điểm nêu trên./.
Vỡ hụi Sài Gòn, mẹ già 82 tuổi cùng các con mất sạch 4 tỷ đồng Nhiều con hụi tại TP.HCM đã gửi đơn tố cáo việc chủ hụi ôm tiền và đi khỏi nơi cư trú. Số tiền ước tính lên tới cả trăm tỷ đồng và nữ chủ hụi có thể đã không còn ở Việt Nam. Mẹ già 82 tuổi và các con mất 4 tỷ đồng tiền hụi "Cả nhà mất sạch tiền hụi rồi...