Không quân Ấn Độ sẽ vượt mặt Trung Quốc, đứng số 1 châu Á
Tạp chí “Học giả ngoại giao” (The Diplomat) của Nhật vừa có bài viết cho biết, trong tương lai không xa, không quân Ấn Độ sẽ vượt mặt không quân Trung Quốc để trở thành nền không quân mạnh nhất châu Á.
Tạp chí này cho biết, kế hoạch phát triển máy bay chiến đầu thế hệ thứ 5 FGFA do Ấn Độ và Nga liên hợp chế tạo do chậm tiến độ dẫn đến chi phí tăng cao làm cho Ấn Độ không hài lòng khi phải kéo dài thời gian chờ đợi chiếc máy bay đầu tiên. Tuy vậy, khi người Mỹ đề nghị Ấn Độ cùng hợp tác phát triển F35 thì nước này đã từ chối.
Tính từ khi bắt đầu đến nay đã 20 năm, kế hoạch này đã ngốn của New Dehli một ngân sách không nhỏ là 35 tỷ USD, đây có thể coi là ngân sách đầu tư lớn nhất cho 1 hạng mục vũ khí của Ấn Độ. Căn cứ vào kế hoạch ban đầu, người Ấn sẽ nhận được 3 nguyên mẫu đầu tiên lần lượt vào các năm 2014, 2017 và 2019, còn bước sang năm 2020 nó sẽ chính thức được biên chế trong lực lượng không quân Ấn Độ (hiện lùi lại năm 2022).
Biên đội máy bay “Liên hiệp quốc” của không quân Ấn Độ
Theo tin của các phương tiện truyền thông Nga, nguyên mẫu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 FGFA của Ấn Độ là Sukhoi T-50 đã tích hợp được tất cả những công nghệ hàng không ưu việt nhất của Nga. Các chuyên gia quân sự trên thế giới cho rằng T50 vượt trội máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35, ngang bằng, thậm chí có mặt còn vượt qua F-22 của Mỹ.
Điều đáng ngạc nhiên là người Ấn Độ dự định sẽ trang bị tới 200 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này. Trong đó, 166 chiếc là loại 1 chỗ ngồi, còn lại 34 chiếc 2 chỗ ngồi. Hiện nay, kế hoạch này dự định sẽ điều chỉnh lại chỉ còn tổng số 144 chiếc. Ngoài ra, “Kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ” (LCA) Tejas của Ấn Độ cũng sắp sửa hoàn tất, 7 chiếc máy bay sản xuất loạt nhỏ đang đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 FGFA hợp tác phát triển với Nga
Video đang HOT
Tại triển lãm hàng không quốc tế Bangalore tổ chức vào tháng 2 năm nay, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã trưng bày mô hình của AMCA – máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của riêng mình theo kế hoạch “Máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến”. So với mô hình được công khai lần đầu tiên năm 2011, rõ ràng là người Ấn Độ đã có sự điều chỉnh về thiết kế ngoại hình khí động học.
Từ hiện tượng phát triển song song của 2 dự án FGFA và AMCA, một số chuyên gia quân sự cho rằng, có khả năng dự án riêng của Ấn Độ sẽ được dùng để thay thế cho kế hoạch hợp tác phát triển với Nga. Thế nhưng, cũng không loại trừ, Ấn Độ sẽ đồng thời phát triển cả 2 loại vì chúng có tính chất hoàn toàn khác nhau.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 AMCA do Ấn Độ tự sản xuất
Loại máy bay chiến đấu hạng trung thế hệ thứ 5 AMCA có trọng lượng cất cánh khoảng 19-20 tấn. Theo kế hoạch, nó sẽ tiến hành bay thử vào năm 2019 và đến năm 2025 sẽ được đưa vào trong biên chế của không quân Ấn Độ, kế hoạch sản xuất của AMCA dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 15 năm.
Hiện tổng quân số lực lượng không quân Ấn Độ vào khoảng hơn 110.000 người, trang bị khoảng trên 1600 máy bay các loại, trong đó lực lượng máy bay ném bom và máy bay chiến đấu chủ lực là hơn 700 chiếc, được biên chế thành 45 liên đội máy bay chiến đấu không quân. Các liên đội này đã và sẽ được trang bị các loại máy bay thuộc các thương hiệu hàng đầu thế giới như: MiG-29K, Su-30MKI, FGFA của Nga, Mirage-2000 và Rafale của Pháp, Jaguar của Anh…
Máy bay tiêm kích hạm MiG-29K do Nga sản xuất
Không quân Ấn Độ được các chuyên gia quân sự trên thế giới xếp hạng thứ 4 về quy mô lực lượng và đứng thứ 5 về năng lực tác chiến. Ngoài ra, Ấn Độ còn có lực lượng không quân bảo đảm thuộc loại mạnh nhất thế giới, với các loại máy bay trinh sát và tác chiến điện tử, máy bay cảnh báo sớm Embraer EMB 145, Phalcon, IL-76 mua từ Brazil, Israel và Nga; máy bay trinh sát chống ngầm P-8I của Mỹ, IL-38SD của Nga; máy bay vận tải hạng nặng của C-17 và C-130 của Mỹ, IL-76 của Nga…
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ 4 Tejas do Ấn Độ tự sản xuất
Hiện nay, không quân Ấn Độ đã đạt trình độ ngang bằng với không quân Trung Quốc. Đến giai đoạn năm 2020 – 2025, không quân nước này sẽ có một biên đội máy bay chiến đấu hùng hậu, bao gồm đầy đủ các loại từ hạng nhẹ, hạng trung cho đến hạng nặng, từ máy bay thế hệ thứ 3 cho đến thứ 5, được xây dựng theo một mô hình hợp lý, có lực lượng máy bay hiện đại, tinh nhuệ, năng lực tác chiến rất mạnh. Đến thời điểm đó, Ấn Độ đủ khả năng vượt qua Trung Quốc đứng đầu châu Á và lọt vào top 3 cường quốc không quân hàng đầu thế giới.
Theo ANTD
Sẽ có đối đầu Mỹ - Trung vì Biển Đông?
Bất chấp những nụ cười trước ống kính truyền thông của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai cường quốc này vẫn đang lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai, theo một bài bình luận mới đây của tờ The Globe and Mail ở Canada.
Theo nhận định của tờ The Globe and Mail hôm 12/7, cả Lầu Năm Góc và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang vũ trang để chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực và theo đuổi những chiến lược cực kỳ tốn kém để nắm quyền chủ động trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Về phía Mỹ, Lầu Năm Góc đang xây dựng chiến lược toàn cầu dựa trên một kế hoạch chi tiết được biết đến với khái niệm Không hải chiến, trong đó lục quân và không quân Mỹ bảo vệ sự hiện diện của 320.000 binh sĩ tại khu vực bằng cách sẵn sàng cho một cuộc không kích và đổ bộ toàn diện nhằm vào Trung Quốc trong trường hợp phát sinh mối đe dọa tại biển Đông hoặc những khu vực xung quanh.
Trong một nghiên cứu chi tiết đăng trên Tuần san các vấn đề quốc tế Yale mới đây, chuyên gia chính sách quân sự và xã hội học uy tín Amitai Etzioni cho rằng chiến lược Không hải chiến chưa được phê chuẩn bởi các quan chức dân sự, cụ thể là Nhà Trắng và Quốc hội. Theo ông Etzioni, trên thực tế các nhà ngoại giao và chính trị gia Mỹ vốn có ý chống lại chiến lược ẩn chứa nhiều nguy hiểm và rủi ro này.
Tuy nhiên, Không hải chiến đã vượt quá giai đoạn kế hoạch dự phòng và có vẻ như đã bắt đầu quá trình thực thi, bao gồm việc tái cấu trúc lực lượng và phân bổ ngân sách, theo trang tin Huffington Post.
Mặc dù phần lớn thông tin về Không hải chiến vẫn được xếp loại mật, vào tháng 5 năm nay, hải quân Mỹ đã công bố phần tóm tắt được giải mật minh họa cách khái niệm này bắt đầu định hình các kế hoạch xây dựng lực lượng và mua sắm khí tài quân sự.
Trong năm 2011, Lầu Năm Góc đã thành lập Văn phòng phụ trách Không hải chiến để điều phối hoạt động đầu tư, tổ chức tập trận và hợp nhất Không hải chiến vào hoạt động huấn luyện và đào tạo của cả bốn quân chủng.
Một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ lưu ý khái niệm Không hải chiến đã khiến các quan chức hải quân thay đổi đáng kể kế hoạch ngân sách trong giai đoạn 2014 đến 2016 của lực lượng này, bao gồm đầu tư vào năng lực chống tàu ngầm, chiến tranh điện tử, chiến tranh mạng, chiến đấu cơ F-35, máy bay tuần tra P-8A và máy bay không người lái.
Khi chiến lược Không hải chiến được đặt ra, một sĩ quan cao cấp của Trung Quốc đã cảnh báo về phản ứng của Trung Quốc.
"Nếu quân đội Mỹ phát triển Không hải chiến để đối phó với PLA, PLA buộc phải phát triển kế hoạch chống Không hải chiến", đại tá Phàn Cao Nguyệt thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc phát biểu trong một hội thảo.
Theo tờ The Globe and Mail, cảnh báo của ông Phàn đang trở hành hiện thực. Không lâu sau khi trở thành Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã từ bỏ cam kết "trỗi dậy hòa bình" của người tiền nhiệm, nắm quyền chỉ huy trực tiếp Quân ủy Trung ương và chỉ thị cho quân đội tập trung vào "thực tế chiến đấu" và năng lực chiến thắng các cuộc chiến.
Theo tờ Wall Street Journal, ông Tập đã trọng dụng trở lại một nhóm tướng lãnh và cố vấn quân sự diều hâu, những người chủ trương một chiến lược quân sự dựa trên việc chuẩn bị cho một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ.
Ông Tập đặc biệt ưu ái đại tá Lưu Minh Phúc, người có các cuốn sách bị cấm phát hành vì những lời kêu gọi đối đầu quân sự trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ. Các cuốn sách của ông Lưu Minh Phúc hiện đã lũ lượt quay trở lại kệ sách, theo Wall Street Journal.
Theo Thanh Niên
Mỹ - Trung lặng lẽ chuẩn bị chiến tranh? Bất chấp những nụ cười trước ống kính truyền thông của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai cường quốc này vẫn đang lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai, theo một bài bình luận mới đây của tờ The Globe and Mail ở Canada. Máy bay chiến đấu không người lái...