Không quân Ấn Độ đè bẹp không quân Trung Quốc trên cao nguyên Tây Tạng?
Tháng 4 năm nay, quân đội Trung Quốc đã xâm phạm “Tuyến kiểm soát thực tế” trên biên giới Trung – Ấn về phía Ấn Độ, dựng lều bạt và đóng chốt ở đó, mãi sau mới rút đi. Sau sự kiện đó, 2 bên đã có những động thái điều chuyển binh lực khu vực biên giới, đặc biệt là lực lượng máy bay chiến đấu.
Tạp chí quốc phòng Kanwa Defence Review, số ra tháng 9-2013, bình luận, xét về chiến lược, bố trí binh lực không quân của Trung Quốc trên cao nguyên Tây Tạng có nhược điểm rất lớn là các sân bay bố trí quá tập trung, số lượng máy bay chiến đấu ít, bổ sung vũ khí đạn dược chủ yếu dựa vào tuyến đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng. Kanwa Defence Review nhận định, cán cân lực lượng không quân trên biên giới Trung-Ấn đang nghiêng hẳn về phía Ấn Độ.
Tháng 9 vừa qua, Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly cũng cho biết, các bức ảnh của Digital Globe được chụp liên tục suốt từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013 cho thấy, ngay từ tháng 1 năm 2010, máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất của Trung Quốc là J-11 đã hiện diện tại căn cứ Cống Ca ở Lhasa – thủ phủ của Tây Tạng, cùng với máy bay chiến đấu J-10 thường trực chiến đấu ở đây.
Ngoài Lhasa, Trung Quốc còn triển khai J-11 ở sát khu vực tranh chấp trên biên giới Trung-Ấn. Ngày 28/5/2012, 1 bức ảnh vệ tinh của công ty Digital Globe đã hiển thị rõ nét 5 chiếc J-11 ở căn cứ không quân Nhật-Khách-Tắc (Shigatse). Căn cứ này nằm cách căn cứ Cống Ca – Lhasa khoảng 160km về phía tây. Ngoài J-10 và J-11 ra, Trung Quốc còn triển khai trên Tây Tạng một số máy bay chiến đấu S-27 với số lượng máy bay rất ít.
Video đang HOT
Phi đội máy bay chiến đấu hùng mạnh của không quân Ấn Độ
Ngoài ra, ngày 30/05/2013, một bức ảnh vệ tinh cũng cho thấy có 2 chiếc J-11 được triển khai tại căn cứ không quân Hòa Điền ở khu tự trị Tân Cương. Đây cũng là căn cứ nằm kề bên khu vực tranh chấp biên giới Trung – Ấn đã phát sinh tranh chấp kịch liệt trong tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, không quân Ấn Độ chiếm ưu thế rất lớn trên không, nhờ dàn máy bay chiến đấu hùng hậu và phi đội máy bay vận tải chiến lược như C-130 Hercules và C-17 Globe Master.
Các máy bay chiến đấu chiến thuật của Ấn Độ bố trí khu vực giáp biên có số lượng lớn, đa chủng loại, phạm vi tấn công xa và số lượng sân bay cũng nhiều hơn. Khi chiến tranh bùng nổ, chỉ cần 2 căn cứ không quân Nhật – Khách – Tắc (Shigatse) và căn cứ Cống Ca – Lhasa bị áp chế là toàn bộ lực lượng không quân Trung Quốc ở Tây Tạng sẽ bị tê liệt. Đây chính là 2 sân bay lưỡng dụng lớn nhất ở Tây Tạng, còn lại 4 sân bay cỡ nhỏ không thể cất, hạ cánh được các máy bay chiến đấu hạng nặng.
Máy bay chiến đấu S-27 Trung Quốc triển khai ở khu tự trị Tây Tạng
Tuyến vận tải chiến lược đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng cũng rất mong manh. Trong khu vực Tây Tạng, nó phải chạy qua khoảng trên 260 cây cầu lớn nhỏ, 2 đường hầm, trong đó có một số cầu dài trên 1km. Đây là những điểm yếu chí mạng khiến nó có thể bị cắt đứt bất cứ lúc nào, bởi tất cả các mục tiêu chiến lược để đánh sập con đường này, đã được không quân Ấn Độ đưa vào tầm ngắm và huấn luyện thành thục.
Các tiêm kích Su-30MKI, Mirage-2000 của Ấn Độ đều có khả năng tấn công rất mạnh, chúng đều có thể mang các loại bom điều khiển chính xác, đặc biệt là các máy bay Su-30MKI có phạm vi tấn công xa, sức xuyên phá lớn, có thể đánh sâu trong nội địa Trung Quốc gây ra nhiều thiệt hại không thể khắc phục. Cầu gẫy, đường bị bị đánh phá, toàn bộ tuyến vận tải chiến lược của Trung Quốc hoàn toàn bị cắt đứt, quân đồn trú trên cao nguyên Tây Tạng sẽ bị cô lập hoàn toàn.
Máy bay chiến đấu J-11 của không quân Trung Quốc
Lợi thế của Ấn Độ trong tranh chấp biên giới là rất lớn. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc ở Tây Tạng, chỉ có 1 ưu điểm duy nhất là các đơn vị tên lửa chiến dịch và chiến thuật thuộc lực lượng Pháo Binh 2 được triển khai ở đây, đặc biệt là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn Đông Phong-15 (DF-15), thời gian gần đây liên tục xuất hiện ở khu tự trị này, mà trọng điểm là được bố trí ở Thủ phủ Lhasa – Tây Tạng.
Tên lửa DF-15 đặt ở Lhasa có khả năng tấn công toàn bộ các sân bay chủ lực của Ấn Độ ở khu vực bang Assam. Nếu nó được triển khai ở điểm cực tây của Tây Tạng, ở khu vực Ali, giáp biên giới Trung – Ấn thì nó sẽ có phạm vi tấn công tới cả Thủ đô New Dehli của Ấn Độ, nằm cách Ali vỏn vẹn khoảng trên 500km. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc triển khai DF-15 ở đây là rất nhỏ, vì nếu đặt quá sát biên giới, nó sẽ trở thành mục tiêu triệt hạ đầu tiên của tất cả các loại hỏa lực của Ấn Độ.
Theo ANTD