Không phát triển dự án nhà ở cao tầng ở trung tâm TPHCM
Khu vực trung tâm TPHCM (quận 1 và quận 3) sẽ không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng. Trong khi đó, 6 quận nội thành phát triển sẽ được ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như metro tại các quận 2, 9 và Thủ Đức.
Trong dự thảo chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2025 được trình HĐND TPHCM khóa IX tại kỳ họp lần thứ 9, UBND TP cho biết, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng ở khu vực trung tâm (quận 1 và quận 3).
Khu vực trung tâm thành phố sẽ không phát triển các dự án mới đầu tư xây nhà ở cao tầng. Trong ảnh: trung tâm thành phố nhìn từ công trường nhà ga Bến Thành tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên
Trong khi đó, khu vực 11 quận nội thành hiện hữu (gồm quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh) sẽ tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại, tập trung hoàn thiện các dự án dở dang. Đồng thời, ưu tiên cho các dự án cải tạo, xây mới thay thế các chung cư cũ trước năm 1975; chỉnh trang nhà ở ven kênh, rạch…
Khu vực 6 quận nội thành phát triển (gồm quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân) sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn, như metro 1 tại quận 2, 9, Thủ Đức hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.
Ngoài ra, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Hạn chế chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.
Khu vực 5 huyện ngoại thành (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) sẽ ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính.
Tập trung tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp để thực hiện trong giai đoạn 2021-2015, đồng thời khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đô thị như các tuyến metro, đường vành đai…
Đồng thời, có chính sách ưu đãi đặc biệt để hình thành các khu dân cư mới (cao cấp và bình dân) phù hợp với các đối tượng để giảm dân nội thành, kết hợp với tổ chức lại đân cư ngoại thành và phục vụ giải phóng mặt bằng ở nội thành.
Video đang HOT
Theo dự thảo, quan điểm phát triển nhà ở của thành phố hướng đến các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội theo quy định.
UBND TP đề ra mục tiêu phấn đấu nâng chỉ tiêu diện tích bình quân đầu người đến năm 2020 của toàn TP là 19,8m2/người.
Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội, gồm 10.000 căn cho các đối tượng thu nhập thấp và 10.000 căn cho các đối tượng tái định cư; 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân và 6.750 chỗ ở tập trung cho sinh viên.
Từ nay đến 2020, thành phố tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư, ưu tiên triển khai thực hiện các dự án nhà ở chung cư cao tầng dọc các trục đường giao thông công cộng lớn nằm trên 6 quận nội thành phát triển theo quy hoạch để thay thế các khu vực nhà ở cũ, xuống cấp.
Đồng thời cũng khuyến khích phát triển loại hình nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê. Ưu tiên phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội để người khó khăn về nhà ở (lao động nhập cư) được thuê, góp phần hạn chế việc xây dựng nhà không phép, trái phép ở các khu vực ngoại thành.
Đáng chú ý, thành phố là sẽ phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư trong các lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở xã hội cho thuê.
Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn nhấn mạnh, phát triển nhà ở phải đảm bảo sự đồng bộ thống nhất với phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên. Tỷ lệ nhà ở cao tầng phát triển tăng dần, thành phố phấn đấu nhà ở chung cư đạt 39% các nhà ở xây dựng mới.
Theo ông, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Liên đoàn lao động TP, Sở Lao động – Thương binh và xã hội TP để rà soát đánh giá nhu cầu và dự án liên quan đến nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ đó, đưa ra chỉ tiêu xây dựng nhà lưu trú công nhân bên cạnh lượng nhà ở trọ của người dân cho thuê.
“Nếu không tính toán lượng nhà trọ thì rõ ràng khả năng đáp ứng nhu cầu cho công nhân là rất khó”, ông Tuấn nói.
Quốc Anh
Theo Dantri
Nếu đấu giá 26.000 ha đất nông nghiệp, TPHCM sẽ thu 1,5 triệu tỷ đồng
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố được phép chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ. Nếu mang đấu giá nguồn đất này sẽ thu về cho ngân sách 1,5 triệu tỷ đồng.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 9 của HĐND TPHCM khóa IX diễn ra ngày 10/7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TPHCM chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ. Đây là nguồn lực to lớn, tạo nguồn vốn cho thành phố phát triển. Theo tính toán sơ bộ, nếu đem đấu giá 26.000 ha đất sẽ thu về 1,5 triệu tỷ đồng.
Kỳ họp thứ 9 của HĐND TPHCM khóa IX diễn ra trong 3 ngày, từ 10-12/7
Theo Bí thư Nhân, nguồn lực đất đai dành cho công nghiệp, dịch vụ chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của thành phố. Trong khi đó, đất nông nghiệp của thành phố lớn nhưng không mang lại giá trị cao.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, kinh tế thành phố vẫn giữ vững vị trí đầu tàu và đóng góp 22% kinh tế cả nước; thu ngân sách 27% cả nước trong 2 năm qua. Lượng kiều hối chiếm một nửa cả nước, mỗi năm khoảng 5 tỷ USD.
Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng bộ TP lo lắng về chỉ số tăng trưởng công nghiệp, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố có tỷ trọng đóng góp vào kinh tế cả nước thấp hơn trước đây. Thành phố đặt mục tiêu trong năm 2018 phải hình thành thêm 1 khu công nghiệp.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất phục vụ công nghiệp, dịch vụ mang lại nguồn lực lớn cho thành phố
Bên cạnh đó, ông Nhân cho biết, các chỉ số về cải cách hành chính tuy có tiến bộ nhưng vẫn phải đẩy mạnh hơn nữa, nâng cao sự hài lòng của người dân, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công.
Đánh giá về công tác giảm ngập của thành phố, ông Nhân cho biết dù đạt được những kết quả nhất định nhưng một số chỉ tiêu còn thấp như việc khắc phục các điểm lấn chiếm kênh, rạch, cửa xả, cống thoát nước...
Bí thư Nhân cho rằng tình trạng người dân xả rác ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, nghẽn cống, gây khó khăn cho công tác chống ngập.
"Chúng tôi tha thiết kêu gọi HĐND TP và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP vận động, kêu gọi người dân làm cho thành phố bớt ngập bằng việc làm của mình", ông Nhân nói. Theo ông, thành phố đang gặp khó khăn về vốn nên các dự án chống ngập rất cần nguồn vốn xã hội hóa.
Về chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị, Bí thư Nhân cho rằng nếu thành phố không thay đổi cách làm thì rất khó hoàn thành. Trong đó, thành phố phải đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội hóa.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng lãnh đạo UBND, HĐND TPHCM bên lề kỳ họp
Ngoài ra, Bí thư Nhân cho biết, việc đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư còn khó khăn và gây cản trở đến nhiều lĩnh vực khác. Do đó, thành phố cần có đề xuất cơ chế thí điểm quy trình giải phóng mặt bằng mới để nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Theo ông Nhân, thành phố đã khởi động quy hoạch Khu đô thị sáng tạo phía Đông (quận 9, 2 và Thủ Đức) để biến khu vực này thành hạt nhân phát triển của thành phố.
Quốc Anh
Theo Dantri
TPHCM có vội vàng khi bán hơn 5.000 nhà, đất tái định cư thu tiền ngân sách? TPHCM xin phép Trung ương chuyển nhà tái định cư sang mục đích khác, chuyển một số nhà tái định cư dôi dư thành nhà thương mại để đưa vào sử dụng, thu hồi hồi vốn nhanh. Để chuyển mục đích thì thành phố phải tính toán lại giá đất, suất đầu tư, tổng giá trị... và tất cả đều xin ý kiến...