Không phải nạp thẻ, đây mới là những “thú vui” tốn tiền nhất của dân mê game
Đôi khi, từ mê game, nhiều người sẽ chuyển sang những “bộ môn” tốn kém hơn rất nhiều
Nhiều người cứ nói rằng, chơi game là cách đơn giản nhất để không dính vào những tệ nạn xã hội, đơn giản vì game thủ chỉ có ngồi lỳ trước màn hình máy tính thì thời gian đâu ra mà đi chơi bời rồi bập vào những thứ độc hại cho cơ thể cơ chứ. Điều này vừa đúng, cũng vừa sai. Đúng ở chỗ, những người chơi game đều lành hiền, chỉ biết cắm đầu vào game, chứ không ăn chơi trác táng. Nhưng phàm đã là một người mê game, thì mặc định chúng tôi (vâng có cả tôi nữa) luôn có những thú vui cực kỳ tốn kém, không cháy túi thì cũng… bán thận.
Vậy những thú vui tiêu tốn tiền của khủng khiếp để giới game thủ tìm được niềm vui là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu. Một lời khuyên dành cho các bạn độc giả, những người đang có hứng thú với những thú chơi dưới đây, hãy tìm hiểu thật kỹ, đừng để tiền mất tật mang vì bất kỳ món đồ nào tại Việt Nam cũng đều có thượng vàng hạ cám, và hãy tiêu tiền đúng cách.
Chạy đua vũ trang phần cứng máy tính
Giờ đây người người mua máy tính chơi game, nhà nhà sắm case khủng tản nhiệt nước, vậy là thị trường máy tính Việt Nam ngày một nóng lên chỉ bằng những khoản đầu tư của những kẻ lắm tiền mê chơi game tại xứ sở này, bên cạnh những cỗ máy tính mà các công sở đặt mua phục vụ dân văn phòng, và liên quan hơn một chút, đó là những dàn máy tính các quán net mua về ngày một nhiều để chiều chuộng các “dân chơi”.
Tại Việt Nam, hầu hết các đại lý và nhà phân phối đều nhìn nhận được xu hướng mới của thị trường được hình thành trong năm 2015 là sự lên ngôi của các dòng sản phẩm cao cấp. Thực tế này cho thấy người dùng cá nhân hay đối tượng kinh doanh cyber game sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho hệ thống máy tính của họ.
Và chỉ cần thay một con chip, đổi cái mainboard, hay tậu một bộ RAM mới là game thủ đã có thể tiêu béng cả chục triệu trong 1 nốt nhạc rồi. Chơi game có mượt hơn bộ máy trước hay không vẫn còn là dấu hỏi, nhưng nhu cầu “oai” cứ phải được đáp ứng trước đi đã. Vậy là game thủ lại phải uống nước lọc cầm hơi vì trót mê phần cứng máy tính.
Video đang HOT
Mua keycap bàn phím cơ
Bên cạnh việc sở hữu cho mình một chiếc bàn phím cơ đắt tiền, game thủ nước nhà cũng có được cho mình rất nhiều “mánh” để biến tấu cho chiếc bàn phím, biến chúng trở thành một món đồ đậm phong cách cá nhân, mô tả được bản thân của chính chủ nhân của chúng.
Từ việc mod LED lập lòe, cho tới lắp o ring để gõ phím bớt ồn vào ban đêm. Nhưng trong số những thú chơi mà bạn có thể làm với một chiếc bàn phím cơ, thì “chảnh” nhất, mà cũng là đắt tiền nhất chính là những chiếc keycap cao cấp, nhưng nút bấm chỉ mang tác dụng che chắn cho switch cơ học, giúp người dùng dễ dàng gõ phím hơn.
Phàm đã là một thú chơi, giống như độ PC, hay âm thanh, hoặc những thú chơi khác, giá tiền để người chơi có thể bước chân vào cuộc chơi keycap đôi khi rất rẻ, chỉ vài trăm nghìn Đồng. Thế nhưng càng lên cao, càng khám phá ra nhiều mẫu keycap độc, lạ, đẹp, hợp gu của bản thân, thì khoản tiền bỏ ra cho những nút nhựa không hơn không kém đôi khi lại bỏ xa số tiền trước đó chúng ta mua những chiếc bàn phím cơ đủ kích cỡ, đủ thương hiệu.
Thế nhưng với những tên tuổi khác, mà trong đó phải kể tới HolyOops, thì cái giá bạn phải bỏ ra là rất khác. Cũng rơi vào khoảng 700 đến 800 nghìn Đồng, thậm chí có thể lên khoảng 1 triệu Đồng, thế nhưng số tiền bạn bỏ ra chỉ có thể mua được duy nhất… 1 nút mà thôi.
Chơi đồ âm thanh
Chơi game chán thì làm gì? Câu trả lời quá rõ ràng, không phải đứng dậy ra ngoài cho thoáng đâu mà là… xem phim, nghe nhạc. Mà muốn nghe nhạc hay thì phải làm gì, khi những chiếc tai nghe rẻ tiền đã không còn phục vụ được bản thân những game thủ có đôi tai bạc, tai vàng? Cách duy nhất: Bỏ tiền mua audio gear khủng.
Nghe chán tai nghe giá bình dân thì phải chuyển lên Sennheiser giá vài đến vài chục triệu. Mà vài triệu mua HD650 về cũng chưa chắc đã nghe được ngay vì phải mua ampli về nghe mới hay, rồi nghe chán tai nghe này, lại phải đổi sang tai nghe mới, lại muốn mua tai nghe vài chục triệu. Và bộ đồ âm thanh sẽ chỉ tồn tại được đến lúc một game thủ nhận ra có bộ đồ chơi mới nghe hay hơn hẳn.
Theo GameK
Bán lại bàn phím cơ 10 triệu với giá 20 triệu?
Đây cũng là bài học rất lớn cho những người có điều kiện nhưng lại không tìm hiểu sản phẩm trước khi mua, dẫn đến tình trạng mua phải món hàng có giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thật của nó. Khi nhận ra, mọi chuyện đã muộn màng.
Trên Group chợ Gaming Gear, nơi hội tụ rất nhiều các thương nhân trong lĩnh vực mua bán Gear (Bàn phím, chuột chơi game), vừa xuất hiện một topic giao bán chiếc bàn phím cơ có giá lên đến 20 triệu VNĐ bao gồm bàn phím The Cheat (hàng custom) đi kèm là bộ Keycap riêng. Còn lại bạn sẽ không thấy thêm bất cứ thông tin chi tiết nào khác. (Tôi tạm gọi đây là nhân vật A)
Đương nhiên là trong thế giới phím cơ, giá của một chiếc bàn phím có thể rơi từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng là chuyện hoàn toàn có thật (và thậm chí là bình thường với những set keycap hiếm hoặc phím Custom Limited tới từ các diễn đàn chuyên độ bàn phím như OTD, KBD hay Geekhack) nhưng làm sao để mua được chuẩn giá thì lại cần phải có một quá trình tìm hiểu, cân nhắc kĩ lưỡng. Comment của một người dùng (tạm gọi là nhân vật B) dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn rõ hơn:
Bộ Gaming Gear này thực tế có giá 9 triệu VNĐ (theo như lời anh B nói) nhưng đã bị đẩy giá lên gấp đôi so với bình thường và hướng vào những người có tiền nhưng thiếu kinh nghiệm chọn lựa phím, đặc biệt là với hàng độ. Nhưng một điều buồn cười hơn là dòng comment phía trên không hướng vào người lập topic này (anh A) mà lại hướng vào một nhân vật khác (nhân vật C). Và câu chuyện, cũng như bài học rút ra giãn nở từ đây.
Tìm hiểu sơ qua các vấn đề, chúng tôi nhận ra được việc anh C chuẩn bị bán chiếc bàn phím với mức giá 18.5 triệu VNĐ cho một nhân vật D nào đó (và đã sẵn sàng cốp tiền). Anh A, B và D đều là bạn nên biết chuyện đã tiến hành đăng thông tin này lên với mục đích lôi kéo nhiều người vào tìm hiểu câu chuyện, cũng là cảnh tỉnh với người dùng mới đang muốn mua bàn phím mà chưa tìm hiểu.
Căng thẳng hơn nữa, anh C thực tế lại mua lại chiếc bàn phím này với mức giá cắt cổ hơn cái giá 9 triệu từ 2 người dùng khác là anh... X và Y. Và thế là một cú đẩy giá liên tục sau 2, 3 đợt đã khiến cho chiếc bàn phím tăng hơn gấp đôi mức giá ban đầu của nó.
Nếu là người dùng mới, lạc vào một ma trận đẩy giá với rất nhiều các bên tham gia như vậy sẽ khiến họ phải hốt hoảng giơ tay xin hàng ngay từ đầu. Và thà bỏ tiền ra mua một con phím mới còn hơn là ham hố custom secondhand mà không biết chính xác giá là bao nhiêu và có bị lừa hay không?
Sau vụ việc như thế này, cho dù là cao nhân hay newbie cũng cần phải xem xét lại công việc làm ăn mà xen lẫn với niềm đam mê nó sẽ như thế nào? Kiến thức là sức mạnh, trước khi mua bán bất cứ một vấn đề gì hãy tìm hiểu nó thật kĩ để tránh những trường hợp như thế này. Ai sai, ai đúng trong trường hợp này chỉ có các bạn độc giả mới phân định được.
Theo Game4V