Không phải giáo viên nào cũng quen nhận phong bì
Gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 lại là dịp phụ huynh to nhỏ chuyện quà cáp, phong bì. Thế nhưng câu chuyện tưởng như đã thành lệ thường này lại có vẻ xa lạ với nhiều nhà giáo vẫn ngày đêm tâm huyết với nghề. Thực tế, không phải ai cũng thỏa hiệp với mặt trái của kinh tế thị trường.
Niềm tin của xã hội là động lực giúp nhà giáo giữ được tâm huyết với nghề
Chuyện hoàn toàn xa lạ
Nổi lên trong thời điểm này là thông điệp của ngành giáo dục TP.HCM với mong muốn nhận thiếp điện tử thay vì mang hoa, quà trực tiếp chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Văn hóa phong bì phổ biến đâu đó nhưng với không ít giáo viên Thủ đô lại khá xa lạ.
Cô Nguyễn Đỗ Cẩm Thi, giáo viên trường THPT Thạch Thất, Hà Nội cho biết: “Ở đâu có chứ quê tôi không hề có chuyện phong bì cho thầy cô. Ngày 20-11 vẫn chỉ là bó hoa, quyển sổ, cây bút, mà cũng lớp có, lớp không. Với giáo viên, những món quà đó, không có cũng không sao chỉ mong học trò của mình ngoan là được!”. Thầy Nguyễn Lễ, Chủ tịch Công đoàn trường này khẳng định, dù là một trong những điểm sáng về giáo dục của huyện nhưng đa số gia đình học sinh trường THPT Thạch Thất đều làm nông nghiệp, việc lo cho con cái được đi học đã khó khăn thì lấy đâu ra phong bì biếu thầy cô. “Thạch Thất chỉ cách trung tâm Thủ đô chưa đến 30km nhưng những chuyện tiêu cực với hình ảnh nhà giáo mà mọi người vẫn đề cập như vậy không hề có ở đây” – thầy Nguyễn Lễ chia sẻ.
“Nghề dạy học cho tôi một cuộc sống rất ý nghĩa, nhất là những dịp 20-11, căn nhà tôi lại đầy ắp tiếng cười của các thế hệ học sinh. Có những em đã lập gia đình, kinh tế khá giả, những ngày này lại chở cả vợ con đến thăm cô, ăn bữa cơm thân mật. Chưa đến cổng đã thấy các cháu gọi bà vang cả xóm. Đây là món quà lớn nhất mà những nhà giáo như tôi mong muốn được nhận” – cô giáo Nguyễn Đỗ Cẩm Thi chia sẻ.
Hãy nghĩ cách tôn vinh xứng đáng
Không hoàn toàn đồng ý với cách thức gửi thiếp hoa điện tử của Sở GD-ĐT TP.HCM, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: “không thể duy lý trí, bắt cả xã hội theo một cách thức được. Xã hội cần có sự tôn vinh chính đáng với người thầy. Vì thế hệ trẻ tương lai, mọi người đều cần suy nghĩ về cách ứng xử, thể hiện sự tôn trọng với thầy cô giáo, không nhất thiết chỉ là gửi thiếp điện tử”. Ông Nguyễn Tùng Lâm cho biết, điều chắc chắn là thầy cô giáo không ai trông mong vào những món quà hay phong bì trong ngày Nhà giáo 20-11 nhưng cũng thừa nhận vẫn còn một bộ phận nhà giáo không giữ được đạo đức, tư cách người thầy. “Ở trường chúng tôi, ngày 20-11 đều dành một tiết sinh hoạt riêng để thầy trò nghiêm túc, trao đổi ý kiến, tri ân thầy cô thực sự chứ không phải chỉ liên hoan văn nghệ ào ào. Ngoài ra, nhà trường và Ban đại diện phụ huynh học sinh cũng công khai, thống nhất dành một phần quỹ để thăm hỏi thầy cô, vì thế không phụ huynh nào phải nghĩ đến biếu quà giáo viên” – ông Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Tâm sự về niềm tin của xã hội với người thầy, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú kể về việc nhiều học sinh của Hà Nội nói riêng và học sinh toàn quốc nói chung rất ít đăng ký thi vào ngành Sư phạm. “Tâm sự với các em, chúng tôi được biết, các em thấy nghề giáo vất vả quá nên ngại. Có em còn nói: “nghề giáo phải sống mẫu mực, làm việc hay yêu thương cũng không thật thoải mái, tự nhiên, luôn đòi hỏi về cái chuẩn. Nghề nghiệp mà khó khăn, căng thẳng như thế thì chúng con đành tìm chọn nghề nghiệp khác” – cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ. “Xã hội đòi hỏi nghề giáo rất cao, không chỉ phải mẫu mực về tri thức, mà còn ở nếp sống. Chính sự đòi hỏi đó mà chúng tôi còn tự học cả sự chịu đựng và sự chấp nhận những điều không như ý từ những áp lực của xã hội. Là nhà giáo và cũng là con người, rồi có lúc, có nơi chúng tôi sẽ có những sai sót, nhưng đó chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất. Chính niềm tin của xã hội là động lực để mỗi nhà giáo thêm nguồn sáng tạo, tận tụy với nghề, tận tâm cống hiến và ngày càng mẫu mực hơn” – cô Nguyễn Thị Nhiếp khẳng định.
Video đang HOT
Theo ANTD
'Xã hội sẽ bất hạnh nếu thầy chỉ dạy như máy'
"Ai đã bước vào nghề giáo thì đừng ham làm giàu. Tôi rất đau lòng khi một bộ phận giáo viên không còn hứng thú với công việc, dạy qua loa, hình thức", Hiệu trưởng ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) Lê Kim Long chia sẻ nhân ngày 20/11.
- Là người gắn bó với bục giảng nhiều năm, đào tạo nhiều thế hệ học trò thành đạt, ngày 20/11 nào có ý nghĩa nhất đối với thầy?
- Tôi tốt nghiệp năm 1978, một năm sau đi dạy, tính ra đã có 33 năm trong nghề. Tôi nhớ năm đầu tiên mới tốt nghiệp được sinh hoạt 20/11 với một lớp tại chức mà người trẻ bằng tuổi tôi, người già nhất thì gấp đôi tuổi, nhưng buổi lễ rất vui, tình cảm. Năm 2009, tôi tổ chức ngày 20/11 với học sinh chuyên Hóa, có cả học sinh và phụ huynh cùng tham dự, rất ý nghĩa.
Có một kỷ niệm đặc biệt khiến tôi phải rơi nước mắt. Đó là một cô giáo dạy cấp 1, chồng mất khi hai con trai một đứa mới 3 tuổi và một đứa 5 tuổi. Hai em sau này đều học khối phổ thông chuyên Hóa do tôi dạy và em lớn đã đạt nhì Hóa quốc gia. Mẹ các em mang đến nhà tôi một bao gạo 30 kg biếu, nói đó là gạo do chị cấy. Với tôi không có món quà nào ý nghĩa và thành tâm như thế, nó xuất phát từ tấm lòng nên rất đáng trân trọng.
Bên cạnh những món quà bày tỏ lòng tri ân đối với thầy cô thì cũng có món quà được tặng với mục đích khác, đòi hỏi người thầy phải có bản lĩnh. Tôi từng từ chối nhiều món quà do người ta tặng khi nó không xuất phát từ cái tâm.
Thầy Lê Kim Long cho rằng xã hội sẽ bất hạnh khi giáo viên chỉ làm như cái máy, dạy không hứng thú, qua loa. Ảnh: HT.
- Hiện nay nghề giáo không còn được xã hội xem trọng như xưa, bằng chứng là ít học sinh giỏi thi vào sư phạm và một số thầy cô chưa thể hiện tốt vai trò của mình, thầy nghĩ sao về điều này?
- Thời xưa và nay có nhiều khác biệt. Xưa giáo viên ra trường được dìu dắt chi tiết, có hai năm thực tập, nay nhà quản lý thả cho các em tự bơi. Sức ép đòi các em nhập cuộc ngay lập tức, thậm chí làm hợp đồng dạy luôn xem có giỏi không mới nhận chính thức, nhưng các em chưa bao giờ dạy thì sao giỏi được?
Sinh viên khi vào nghề giáo phải chấp nhận thách đố to lớn - tạo ra sản phẩm là con người, mà con người thì không được sai, sai sẽ rất nguy hiểm. Thế nên trách nhiệm người đi trước là phải uốn nắn, hướng dẫn, dìu dắt, tạo cơ hội cho giáo viên trẻ để họ bình tĩnh nhập cuộc.
Cái tâm, cái tầm của người thầy nằm ở khâu chuẩn bị, còn khi dạy là chỉ diễn những gì mình đã chuẩn bị sẵn. Khi giáo viên bỏ tâm, tài và sức để chuẩn bị thật chi tiết thì bài giảng trên lớp sẽ hay. Đó là tố chất mà tôi muốn nhấn mạnh với các học trò, giáo viên.
Kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần, dưới sự ảnh hưởng đó, người thầy cũng phân hóa. Tuy nhiên, có người thế này và cũng có người thế khác, không thể từ một vài hiện tượng để suy ra bản chất.
- Thầy nghĩ thế nào khi nhiều người cho rằng nếu giáo viên mà nghèo quá thì không thể là tấm gương tốt cho học sinh, các em sẽ e ngại khi lựa chọn con đường trở thành nhà giáo?
- Tôi nhớ trước đây có thầy giáo mà chỉ nhìn người ta đã lắc đầu chê, rằng không có tướng đứng trên bục giảng. Nhưng khi thầy vào lớp dạy, chỉ cần cất tiếng là cả lớp yên lặng lắng nghe. Như vậy phong cách người thầy không ở hình thức bên ngoài, mà phụ thuộc vào năng lực và bản lĩnh bên trong.
Đã bước vào nghề giáo thì mình phải sống phong lưu, đừng ham làm giàu, bởi nếu mong làm giàu thì không tránh khỏi việc chạy theo đồng tiền. Giới giáo viên chuyên có câu: "Đã giỏi thì phải giàu, mà không giàu thì không giỏi" - đây chỉ là sự biện minh cho việc dạy thêm của một số thầy cô.
- Là hiệu trưởng của trường ĐH Giáo dục, đào tạo đội ngũ giáo viên cho cả nước, theo thầy, người giáo viên hiện nay cần đạt được tiêu chuẩn gì?
- Người thầy có sự phân tầng như mới ra trường, đứng lớp nhiều năm, dạy giỏi hay dạy khỏe. Tuy nhiên, để là người thầy tốt thì trước hết cần có chuyên môn. Người thầy phải có đủ kiến thức dạy tốt, dạy giỏi nhưng phải điều hành được lớp. Khi tôi còn trẻ mới ra trường, học trò ồn, quát nó chẳng nghe, nay chỉ cần "hừ" một cái nó đã ngồi im. Như vậy càng có kinh nghiệm nhiều năm, kỹ năng quản lý lớp càng tốt hơn.
Ngoài ra, người thầy còn phải là người dẫn dắt các em vào ngôi nhà kiến thức. Tôi rất đau lòng khi hiện nay, xã hội tác động làm một bộ phận giáo viên không còn hứng thú với công việc, chỉ dạy qua loa, hình thức cho xong. Một bất hạnh lớn cho xã hội khi giáo viên chỉ làm việc như cái máy.
Giáo viên thì cũng có đội ngũ phục vụ ở vùng xa, đồng bằng hoặc trường quốc tế. Để giảng được ở các trường tốp trung, cao thì người thầy phải có tiếng Anh giỏi, tâm lý tốt, chuyên môn cao, phương pháp sư phạm hay và kỹ năng điều hành lớp linh hoạt.
Tôi tâm đắc câu nói "Kinh nghiệm là ngọn đèn pha soi sáng con đường ta đã đi qua còn lý luận và lý thuyết là ngọn đèn pha soi sáng con đường ta sẽ đi qua". Như vậy phải trang bị kiến thức đủ, cộng với sự tìm tòi, học hỏi của giáo viên mới đi lên được.
- Đầu vào không cao so với một số trường khác, nhưng sư phạm đòi hỏi sản phẩm đạt chất lượng cao nhằm tránh để lại hậu quả cho cả thế hệ. Điều này tạo áp lực gì cho các trường sư phạm hiện nay, thưa thầy?
- Đào tạo hiện nay phải đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng tôi băn khoăn nhu cầu đó cần hiểu cụ thể như thế nào? Ở nước ta, có nhiều em học xong đại học đi làm công nhân, nhưng cũng có em sang nước ngoài làm nghiên cứu sinh. Các trường đại học thường chỉ đáp ứng một "khúc" của nhu cầu.
Ở ĐH Giáo dục, chúng tôi chú trọng đáp ứng nhu cầu giáo viên trung bình - khá. Sinh viên năm thứ nhất đến năm thứ ba được gửi học ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên và trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Các em được học với các nhà khoa học đầu đàn.
Khi chúng tôi chưa đào tạo theo mô hình tín chỉ, sinh viên được học riêng một lớp sư phạm nhưng nay lựa chọn tín chỉ, sinh viên các ngành đều học chung, các em bình đẳng trong học và thi. Vì vậy, sinh viên của chúng tôi phải nỗ lực không ngừng để nắm bắt nội dung yêu cầu của nhà khoa học tương lai.
Cũng từ khi đào tạo theo tín chỉ, từ năm thứ hai chúng tôi đã cho sinh viên đăng ký học nghiệp vụ sư phạm để có sự chuẩn bị tốt hơn. Cùng với chuyên môn, các em còn được trang bị về nghiệp vụ giảng dạy, và khi đi thực tập sẽ tự tin hơn nhiều.
Tóm lại, khi đào tạo, các trường phải hướng đến mục tiêu đào tạo người giỏi để các em ra trường xin được việc làm, có thu nhập cao.
Trong hội thảo khoa học tri thức thủ đô với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước cho rằng, người thầy phải biết yêu người, yêu nghề để có thể giáo dục học sinh bằng chính nhân cách của mình, có khả năng sư phạm của một nhà giáo dục chuyên nghiệp để tổ chức, hướng dẫn, giúp học trò tìm kiếm, chiếm lĩnh tri thức và phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo. Vai trò của người thầy là căn cứ quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển giáo dục nhưng vấn đề giáo viên lại chưa một lần được giải quyết thấu đáo.
Thu nhập từ lương, phụ cấp không đủ đảm bảo một cuộc sống tươm tất, nhiều giáo viên ở trường công phải "tự cứu" mình bằng cách dạy thêm dẫn đến việc dạy thêm tràn lan. Tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội gây nhiều tác động tiêu cực đến trường học mà ngay cả giáo viên cũng bị lây nhiễm. Do vậy, vị thế của nghề thầy và người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội. Trong cuộc điều tra gần đây thì 40-60% giáo viên phổ thông bày tỏ ý kiến nếu được chọn lại sẽ không làm nghề dạy học, còn học sinh khá, giỏi thì không thi vào trường sư phạm.
"Trước thực trạng đáng lo ngại đó cần tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, làm cho các thầy cô đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực và có thu nhập từ lương, phụ cấp cao hơn mức thu nhập trung bình trong xã hội", nguyên phó chủ tịch nước nói.
Theo VNE
Nữ sinh trường Đoàn Thị Điểm gây bất ngờ cho Phó thủ tướng "Đất nước Việt Nam có ba điều gì làm em tự hào nhất?" là câu hỏi của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi về trường Đoàn Thị Điểm dịp 20/11. Câu trả lời của 2 nữ sinh khiến ông bất ngờ và cho 10 điểm. Sáng 17/11, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự lễ kỉ niệm 30 năm ngày nhà giáo...