Không phải Everest, đây mới là ngọn núi trên Trái đất gần với các vì sao nhất
Ngọn núi này là điểm gần nhất trên Trái Đất với các vì sao. Và nó không phải là đỉnh Everest nổi danh.
Chimborazo là đỉnh núi cao nhất ở Ecuador. Đây cũng là điểm gần nhất trên Trái Đất với các vì sao. Ảnh: Getty Images
Ngọn núi cao nhất trên Trái Đất là gì? Hóa ra câu trả lời cho câu hỏi đó còn gây tranh cãi hơn bạn nghĩ.
Nếu bạn đo độ cao so với mực nước biển trung bình, thì rõ ràng là đỉnh Everest cao 8.849 mét, nằm giữa biên giới Tây Tạng và Nepal, là đỉnh núi cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, nếu bạn đo một ngọn núi từ chân núi đến đỉnh núi, thì Mauna Kea cao 10.211 mét, một ngọn núi lửa đã tắt trên đảo Hawaii, sẽ đứng đầu.
Nhưng vẫn còn một ứng cử viên khác cho danh hiệu ngọn núi cao nhất: đó là Chimborazo, một ngọn núi lửa đã tắt nằm trên rặng núi Cordillera Occidental, thuộc dãy Andes ở Ecuador.
Khi đo từ mực nước biển, Chimborazo thấp hơn Everest khá nhiều, với độ cao 6.263 mét. Tuy nhiên, đỉnh núi Chimborazo thực tế lại cách xa tâm Trái Đất hơn Everest tới 2.072 mét, khiến nó trở thành điểm gần nhất trên Trái Đất với các vì sao.
Khi Trái Đất không thực sự tròn
“Nếu bạn tưởng tượng Trái Đất là một chấm xanh trong không gian, thì Chimborazo là nơi duy nhất bạn có thể đứng và ở xa tâm của chấm đó nhất có thể”, Derek van Westrum, một nhà vật lý thuộc Cục Khảo sát trắc địa quốc gia của NOAA, cơ quan liên bang xử lý việc lập bản đồ và lập biểu đồ, giải thích.
Lý do nằm ở vị trí của Chimborazo, cách đường xích đạo 1,5 độ về phía nam.
Video đang HOT
Ông Van Westrum giải thích rằng Trái Đất thực sự hơi phình ra một chút quanh “eo” của nó. “Trái Đất được tạo thành từ đá và khá tròn, nhưng vì nó quay nên nó phình ra ở đường xích đạo”, ông nói.
Lực ly tâm do sự quay liên tục của hành tinh đã làm Trái Đất phình ra ở vòng xích đạo, và vì thế Chimborazo ở xa tâm Trái Đất hơn những ngọn núi cao thuộc dãy Himalaya, vì tất cả đều nằm xa đường xích đạo hơn.
Ecuador gần đây đã nắm bắt được sự kỳ quặc về mặt thống kê này để quảng bá Chimborazo như một điểm đến mới nổi. Ý tưởng là, không giống như Everest hay Aconcagua (đỉnh cao nhất dãy Andes), ngọn núi siêu việt này nằm trong tầm với về mặt vật lý và tài chính của những du khách thích phiêu lưu. Họ chỉ cần đi chuyển xa hơn 4 giờ lái xe về phía nam từ Quito để có thể chinh phục đỉnh núi tuyết phủ này.
Núi Chimborazo nằm cách thủ đô Quito 4 giờ lái xe về phía nam. Ảnh: Moment RF/Getty Images
Leo núi Chimborazo
Chimborazo thực ra chỉ là ngọn núi cao thứ 39 ở dãy Andes nếu đo từ mực nước biển, nhưng có một thời gian ngắn vào thế kỷ 19, người ta cho rằng đây là đỉnh núi cao nhất thế giới.
Tin đồn đó bắt nguồn từ nhà địa lý và nhà thám hiểm người Đức nổi tiếng Alexander von Humboldt, người đã leo lên Chimborazo vào năm 1802. Von Humboldt chỉ lên đến độ cao khoảng 5.882 mét trước khi đi xuống thung lũng cao nguyên mà sau này ông đặt tên là Đại lộ Núi lửa.
Tuy nhiên, những câu chuyện được lưu truyền rộng rãi về việc ông dũng cảm chinh phục ngọn núi khổng lồ Andes này đã thu hút nhiều nhà thám hiểm châu Âu đến Ecuador. Trong số đó có nhà leo núi người Anh Edward Whymper. Sau những lần leo núi Matterhorn và Mont Blanc nổi tiếng ở dãy Alps vào năm 1880, Whymper trở thành người đầu tiên được biết đến là đã lên đến đỉnh Chimborazo.
Ngày nay, khoảng 500 nhà leo núi đăng ký chinh phục đỉnh Chimborazo mỗi năm, nhưng chỉ hơn một nửa trong số họ lên đến đỉnh.
Đường lên đỉnh Chimborazo “dễ thở” hơn nhiều so với hành trình chinh phục đỉnh Himalaya. Ảnh: Alamy Stock
Mùa leo núi chính là từ cuối tháng 9 đến tháng 2, khi thời tiết ôn hòa hơn và ngọn núi thường được bao phủ bởi một lớp tuyết dày. Tuy nhiên, Bộ Du lịch Ecuador cho biết sức hấp dẫn của dãy Andes ở Ecuador là không giống như hầu hết các trung tâm leo núi khác, đây là điểm đến quanh năm.
Những ngọn núi cao nhất của quốc gia này tương đối ôn hòa, do nằm ở vùng nhiệt đới và có rất ít sự thay đổi về ánh sáng ban ngày giữa các mùa. Hầu hết các đỉnh núi cũng dễ dàng tiếp cận từ các thành phố vùng cao như Quito hoặc Cuenca. Ví dụ, Chimborazo nằm gần như cách đều hai ngọn núi trên Đường cao tốc liên Mỹ.
Ông Santiago Granda, Thứ trưởng Bộ Du lịch Ecuador, cho biết: “Ngày càng có nhiều người bắt đầu đến để tập luyện và chuẩn bị cho những thử thách lớn tại Chimborazo. Bạn ở xa lõi Trái đất hơn và gần các vì sao hơn – và đó là một điểm hấp dẫn lớn”.
Những người hy vọng lên đến đỉnh núi thường mất hai ngày để chinh phục, trái ngược với khoảng hai tháng để leo lên Everest. Tất nhiên, những người leo núi cũng cần khoảng một tuần để thích nghi trước.
Nhiều người đến Chimborazo vì môi trường núi cao đặc biệt của nơi này. Ông Granda lưu ý rằng: “Đối với một số người Ecuador, đây là lần đầu tiên trong đời họ nhìn thấy tuyết”.
Ngọn núi này còn là nơi trú ẩn của 8.000 con lạc đà vicuna hoang dã, tổ tiên của loài lạc đà alpaca thuần hóa, và là nơi sinh sống của loài chim ruồi lớn nhất thế giới. Ngoài ra nơi đây còn có những khu rừng queua cong queo, có thể sống sót ở độ cao lớn hơn bất kỳ loài cây nào khác.
Công nghệ đột phá giúp tên lửa sử dụng bất kỳ kim loại nào làm nhiên liệu
Công nghệ mới mở ra bước ngoặt cho lĩnh vực khám phá không gian, khi tên lửa không cần quay trở lại Trái Đất để tiếp nhiên liệu.
Công nghệ đột phá giúp tên lửa sử dụng bất kỳ kim loại nào làm nhiên liệu (Ảnh: Đại học Southampton).
Nói về khám phá vũ trụ, nhiên liệu vẫn là một trong những trở ngại chính, khiến tầng của tên lửa không thể đi xa hơn với nguồn năng lượng bị hạn chế.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố mới đây có thể tạo ra bước ngoặt, khi cho phép tên lửa được phóng đi xa hơn, và qua đó mở rộng phạm vi tiếp cận của chúng ta vào vũ trụ.
Để làm điều này, các kỹ sư thiên văn tại Đại học Southampton thử nghiệm một hệ thống tên lửa đẩy mới, có thể cung cấp năng lượng cho tàu vũ trụ di chuyển giữa các vì sao bằng cách sử dụng bất kỳ loại kim loại nào làm nhiên liệu.
Họ cho biết điều này nghĩa là các tàu vũ trụ giờ đây có thể bay vô thời hạn bằng cách nạp lại nhiên liệu từ các khoáng chất thu được từ các tiểu hành tinh hoặc mặt trăng xa xôi.
"Tàu vũ trụ có lượng nhiên liệu hạn chế, vì chi phí và năng lượng khổng lồ cần thiết để phóng chúng vào không gian", TS Minkwan Kim, nhà khoa học của dự án chia sẻ.
"Tuy nhiên, động cơ đẩy mới có khả năng hoạt động nhờ bất kỳ kim loại nào có thể cháy được, chẳng hạn như sắt, nhôm hoặc đồng".
Theo đó, sau khi lắp đặt, tàu vũ trụ có thể hạ cánh trên sao chổi hoặc mặt trăng, nơi giàu các khoáng chất, và thu thập những gì cần thiết trước khi tiếp tục hành trình với bình nhiên liệu được nạp đầy.
Công nghệ mang tên Super Magdrive này có tiềm năng lớn đến mức gần đây, chính phủ Anh đã tài trợ 1 triệu bảng Anh để hiện thực hóa ý tưởng.
TS Kim, người đã thiết kế động cơ đẩy plasma cho tên lửa SpaceX Falcon 9 được phóng vào năm ngoái, cho biết ông hy vọng công nghệ này có thể được sử dụng cho các sứ mệnh không gian sâu trong tương lai.
"Hệ thống này có thể giúp chúng ta khám phá các hành tinh mới, tìm kiếm sự sống mới và đến những nơi chưa từng biết trước đây", TS Kim cho biết. "Đó là hành trình khám phá không bao giờ kết thúc".
Được biết, sau khi được đưa lên khỏi bầu khí quyển của Trái Đất, tàu vũ trụ chủ yếu được đẩy bằng nhiên liệu dạng khí hiếm như xenon hoặc krypton. Đây cũng là nhiên liệu cung cấp năng lượng cho vệ tinh Starlink.
Khi nguồn năng lượng này cạn kiệt, tàu vũ trụ buộc phải quay trở lại Trái Đất để bắt đầu quá trình tái sử dụng. Điều này sẽ tốn nhiều ngân sách, chủ yếu đến từ quá trình tiếp đất và phóng tên lửa một lần nữa khỏi Trái Đất.
Nhánh chính sông Amazon cạn trơ đáy Ngày 30/9, mực nước sông Solimoes, một trong hai nhánh lớn nhất của sông Amazon tại Brazil, đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của cư dân tại các ngôi làng ven bờ. Đây là hệ quả của đợt hạn hán nghiêm trọng nhất được ghi nhận tại khu vực Amazon. Sông Amazon...