Không nợ thuế vẫn bị nêu tên: Coi nhẹ thanh danh doanh nghiệp
Có những đơn vị làm ăn đàng hoàng, không nợ thuế vẫn bị nêu tên, cho thấy ngành thuế đã thiếu cẩn trọng, coi nhẹ thanh danh của doanh nghiệp.
Chủ trương nêu tên doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện truyền thông nhằm đẩy mạnh việc thu ngân sách, đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có những đơn vị làm ăn đàng hoàng, không nợ thuế vẫn bị nêu tên, cho thấy ngành thuế đã thiếu cẩn trọng, coi nhẹ thanh danh – thứ quí giá nhất của doanh nghiệp.
Nhìn rộng ra một số ngành cung ứng dịch vụ hiện nay, ai cũng thấy, có một mối quan hệ bất bình đẳng giữa người sử dụng với đơn vị cung cấp. Mà nguyên nhân lại bắt đầu từ thói quan liêu, cửa quyền của các đơn vị cung ứng dịch vụ gây ra.
Hẳn là trước khi quyết định nêu tên công khai doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện truyền thông, ngành thuế đã ý thức rõ tác động của việc làm này. Bởi tên tuổi, uy tín là một trong những giá trị cơ bản nhất mà doanh nghiệp phải dày công xây dựng. Nếu việc nêu tên được thực hiện đúng đắn, tất sẽ đạt mục đích ảnh hưởng đến thanh danh của các doanh nghiệp chây ì, nợ thuế và cũng là răn đe các doanh nghiệp khác, nhằm khắc phục tình trạng nợ thuế dây dưa, tận thu cho ngân sách.
Không nợ thuế vẫn bị nêu tên khiến doanh nghiệp có sự phản ứng gay gắt đối với ngành thuế. (Ảnh minh họa: KT)
Để đảm bảo đòi nợ đúng người, Bộ Tài chính yêu cầu Cục thuế các địa phương tổng hợp danh sách doanh nghiệp nợ thuế lớn đến cuối tháng 6 năm nay để tiến hành công khai danh tánh trên các phương tiện truyền thông. Bởi không thể chịu đựng hơn nữa, khi số tiền nợ thuế đến ngày 30/6 đã là 12.658 tỉ đồng.
Video đang HOT
Thế nhưng, sau khi Tổng Cục thuế công bố 600 doanh nghiệp nợ thuế trên website của mình, nhiều doanh nghiệp không nợ thuế đã bị nêu tên. Trong đó Hà Nội có 34 doanh nghiệp, TP HCM có 26 doanh nghiệp bị nêu tên với tổng số nợ lên đến 508 tỷ đồng.
Nợ thuế hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỉ đồng, cũng đồng nghĩa với tình hình tài chính không lành mạnh, là ý thức chấp hành pháp luật của chủ doanh nghiệp kém, luôn phải đối mặt với tình trạng phá sản hoặc bị cơ quan pháp luật sờ gáy. Liệu có đối tác nào còn muốn hợp tác làm ăn với những doanh nghiệp như vậy! Ngành thuế biết rất rõ điều này nên đã ra một chiêu độc mà không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài. Còn dư luận thì lại rất đồng tình, vì ngân sách quốc gia đang gặp khó khăn.
Chây ì, nợ thuế, bị nêu tên công khai cũng đành một nhẽ! Đằng này những người làm ăn đàng hoàng, nộp thuế đầy đủ lại đứng tên trong danh sách nợ thuế, khiến đối tác đơn phương dừng ký hợp đồng làm ăn, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho doanh nghiệp. Đấy là chưa kể, phía sau ông chủ là việc làm, là cuộc sống của hàng trăm, hàng ngàn lao động và gia đình họ. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì những người này cũng không nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng.
Vì thế, sự phản ứng gay gắt của doanh nghiệp đối với cách làm việc tắc trách của ngành thuế là điều dễ hiểu. Tiếc rằng, việc làm tắc trách này lại được giải thích một cách đơn giản là “do …lỗi phần mềm!”
Vấn đề đặt ra là, vì sao ngành thuế rất ý thức về giá trị của thanh danh, uy tín doanh nghiệp, quyết định dùng sức mạnh của thông tin dư luận nhằm được việc cho mình mà không tính đến những tác động ngược lại nếu việc nêu tên không chính xác, trước khi hạ bút chốt “danh sách doanh nghiệp nợ thuế lớn” phải bị nêu tên?
Nêu tên là các đánh thẳng vào uy tín, thanh danh của doanh nghiệp, cũng giống như chỉ định người bệnh dùng thuốc, chỉ cần sử dụng sai là có thể tử vong. Sao không “3 kiểm tra, 5 đối chiếu” như nhân viên ngành y tế phải làm khi cho bệnh nhân dùng thuốc, để có thể đối chiếu, rà soát lần chót, và cũng là để cảnh cáo lần cuối trước khi đưa vào danh sách nợ thuế phải nêu tên, thi hành “án tử thanh danh” các doanh nghiệp?
Từ chuyện nợ thuế oan, nghĩ đến một số dịch vụ công khác như điện, nước…mới thấy người dân và doanh nghiệp luôn bị đối xử không công bằng, như người được ban ơn. Chậm nộp tiền là điện, nước bị cắt. Nhưng khi giá điện tăng cao bất thường do nhân viên cố tình cộng dồn, cách tích lũy tiến chưa hợp lý; nước thất thoát nhiều do đường ống vỡ, người tiêu dùng cũng đành bấm bụng trả tiền. Nếu không, lại bị cắt nước, cắt điện thì biết mua ở đâu!
Không thể cứ sai là đổ cho “lỗi phần mềm”. Các ngành dịch vụ công phải xem đó là lỗi của phương pháp và thái độ làm việc. Bởi con người mới là chủ của công nghệ. Không thể xem nhẹ thanh danh của doanh nghiệp – một thứ mà các doanh nhân còn quý như mạng sống của mình, giải thích qua loa “chưa đúng thì chỉnh lại chứ có gì đâu!”, rồi buông một lời xin lỗi là xong! Còn doanh nghiệp, nếu có được đính chính, được xin lỗi, thì cũng là “được vạ, má đã sưng”!
Vân Thiêng
Theo_VOV
HimLam, Bitexco nợ thuế hàng chục tỷ đồng
20 doanh nghiệp bất động sản lớn tại TPHCM trong đó có HimLanm, Bitexco... tiếp tục bị bêu tên vì nợ thuế.
Theo báo cáo Cục thuế TP.HCM, hiện có khoảng 20 đại gia địa ốc đang nợ thuế khoảng 500 tỷ đồng (tính đến 30/6/2015).
Đứng đầu là Công ty CP bất động sản Tiến Phước có trụ sở tại 542 Trần Hưng Đạo với số tiền nợ lên tới 57,4 tỷ đồng. Tiến Phước được biết tới là nhà phát triển BĐS với nhiều dự án lớn. Gần đây nhất, Tiến Phước gây chú ý khi công bố xây dựng tòa tháp Empire City có tòa tháp cao nhất Việt Nam 86 tầng, tổng mức đầu tư dự án 1,2 tỷ USD.
Công ty CP Him Lam tại 234 Ngô Tất Tố đang nợ 34,8 tỷ đồng. Him Lam là một công ty lớn trong lĩnh vực BĐS, tính đến nay Him Lam đã tiến hành đầu tư và xây dựng trên 70 dự án nhà ở, Khu đô thị mới, hầu hết các dự án đều ở vị trí gần trung tâm thành phố. Một đơn vị khác là CTCP. KD Địa Ốc Him Lam cũng bị bêu tên với số tiền trên 24 tỷ đồng.
Các ông lớn BĐS khác cũng đã bị liệt vào danh sách này như Công ty CP Bitexcoland số nợ trên 13 tỷ đồng. Bitexcoland là thành viên trực thuộc Tập đoàn Bitexco, chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản. Tại HN, Công ty TNHH tập đoàn Bitexco cũng đang nợ thuế hơn 22 tỷ đồng.
Công ty TNHH đầu tư địa ốc Thành Phố với số tiền 44,8 tỷ đồng. Công ty này có vốn điều lệ trên 350 tỷ đồng hiện đang có gần 10 dự án tại TP HCM và Hà Nội. Một đại gia khác trong lĩnh vực BĐS tại TP HCM là Vạn Phát Hưng, hiện đang nợ 16,031 tỷ đồng.
Ngoài ra còn kể tới các công ty khác như Công ty TNHH Một Thành Viên Phát Triển GS Sài Gòn nợ 11,3 tỷ đồng, Địa ốc Phú Tân hơn 100,2 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Xây dựng Cotec hơn 12,6 tỷ đồng, Toàn Thịnh Phát hơn 16,7 tỷ đồng.
Khánh An
Theo_VnMedia
Hà Nội công khai hàng loạt ông lớn bất động sản nợ thuế Theo công bố của cơ quan thuế, 23 doanh nghiệp nợ số tiền thuế lên tới 1.234 tỷ đồng, trong số đó có tới 19 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Trong danh sách công bố đợt đầu của Cục thuế Hà Nội, 23 doanh nghiệp nợ số tiền thuế lên tới 1.234 tỷ đồng. Cục thuế...