Không nguôi nỗi nhớ trùng khơi
Sau những vụ tai nạn trên biển, bỗng chốc họ trắng tay nhưng vẫn không nguôi nỗi nhớ nghề, nhớ biển
Theo số liệu của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, mỗi năm tỉnh này có 5 – 7 ngư dân bị mất tích trên biển, từ 9 đến 15 lượt tàu gặp nạn, trong đó có chuyến chỉ còn người trở về, toàn bộ tàu và tài sản đều nằm lại dưới biển sâu.
Trắng tay sau một đêm
Ông Trần Thịnh (SN 1971, ở phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vừa buông câu trên chiếc ghe nhỏ nơi cửa sông vừa nghĩ về đêm định mệnh đối với chiếc tàu PY-96284-TS của gia đình mình. Nghe đài báo cơn bão số 1 hình thành trên vùng biển Trường Sa, ông Thịnh cùng 9 ngư dân vội đưa tàu về đảo Đá Lớn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trú ẩn.
câu cá trên chiếc ghe nhỏ nơi cửa biển, ông Trần Thịnh càng khát khao lại được ra khơi
Bốn giờ ngày 28-3-2012, khi tàu vừa đến đảo Đá Lớn, chưa kịp neo đã bị một con sóng to đập mạnh, đẩy tàu vào bãi đá ngầm. Tàu PY-22005-TS của ông Nguyễn Đức (SN 1955, cùng ngụ phường 6, TP Tuy Hòa) neo đậu gần đó phát hiện vội nhổ neo, nổ máy để cứu tàu người đồng hương. “Nhưng sợi dây thừng to bằng bắp tay dùng để cứu hộ tàu của chúng tôi cũng không giữ được tàu của Thịnh.
Video đang HOT
Liên tục những con sóng to đánh đứt dây thừng, đập tàu của Thịnh vỡ tan nát”- ông Đức kể. “Toàn bộ tài sản không lấy lại được thứ gì. Hơn 750 triệu đồng trị giá chiếc tàu cùng ngư cụ và lưới cả đời dành dụm mới sắm được bỗng chốc mất sạch”- ông Thịnh chùn giọng.
Vừa nghe tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 1, ông Nguyễn Văn Thành (SN 1976, ngụ khu phố Trần Hưng Đạo, phường 6, TP Tuy Hòa) đang cùng 6 thuyền viên đánh bắt cá ngừ đại dương trên tàu PY-2825-TS ở quần đảo Trường Sa vội chạy vào bờ tránh bão. Nhưng đến chiều 24-3, khi vào cửa biển Đà Rằng thì gặp lúc cửa biển cạn nên tàu mắc kẹt.
Những đợt sóng to liên tục bổ xuống con tàu. Suốt đêm, hàng trăm ngư dân cùng lực lượng bộ đội biên phònghuy động cả xe ủi để kéo tàu nhưng bất thành. Đến sáng hôm sau, con tàu đã bị sóng đánh vỡ từng mảnh. “Cũng may 7 anh em chúng tôi đều thoátnạn dù có người bị thương phải cấp cứu nhưng tài sản, con tàu cùng máy móc trị giá hơn 300 triệu đồng thì không lấy lại được”- ông Thành ngậm ngùi.
Mơ một ngày đạp sóng vươn khơi
Sau vụ tai nạn trắng tay, ông Trần Thịnh đành ở nhà phụ giúp vợ bán quán. “Nhưng trông ảnh buồn lắm. Cứ chiều chiều lại ra bến ngóng về biển. Tối cứ thức giấc giữa đêm. Hỏi thì ảnh bảo: Ngủ trên tàu quen rồi” -bà Trương Thị Mỵ,vợ ông Thịnh, nói. Để giúp chồng đỡ nhớ biển, bà Mỵ sắm chiếc ghe nhỏ để chồng ra cửa biển câu cá vừa có cái ăn vừa có tiền chạy chợ.
Tàu cá của ông Nguyễn Văn Thành bị nạn vỡ nát trên cửa biển Đà Rằng
“Nhưng tôi vẫn chỉ muốn ra tận khơi xa để khai thác. Bao thế hệ gia đình tôi đều làm được điều ấy nhưng sao tôi lại không làm được” – ông Thịnh nói. Vợ chồng ông Thịnh mang 2 sổ đỏ của gia đình và của người em đi vay 330 triệu đồng cùng với số tiền 300 triệu đồng bảo hiểm bồi thường và 20 triệu đồng còn lại ở nhà để mua lại một chiếc tàu với giá 650 triệu đồng.
Nhưng để sắm lưới, ngư cụ, các thiết bị như máy tầm ngư, theo ông Thịnh, cần thêm ít nhất 200 triệu đồng nên con tàu vẫn chưa thể ra khơi. “Dù vậy, tôi tin rằng sẽ có một ngày tôi lái con tàu này đạp sóng ra khơi. Tôi nhớ biển lắm rồi”- mắt ông Thịnh bỗng chốc sáng lên khi nghĩ về một ngày lại vươn khơi xa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành không thể sắm lại tàu mới sau vụ tai nạn vỡ tàu tại cửa biển Đà Rằng. Bà Trần Thị Tốt (62 tuổi, mẹ của ông Thành)cho biết: “Sau vụ tai nạn, Thành buồn lắm, để đỡ nhớ nghề, nó xin đi biển cho một tàu cá khai thác gần bờ”.
Theo bà Tốt, cũng đã có lần bà cầm sổ đỏ lên ngân hàng xin vay tiền với những mong mượn thêm tiền hàng xóm mua chiếc tàu nhỏ cho con ra khơi nhưng ngân hàng không cho vay vì nhà nghèo, vẫn còn nợ ngân hàng, trong khi giá đất nơi gia đình bà ở quá thấp.Mơ ước trở lại trùng khơi vẫn canh cánh bên lòng nhưng ông Thành cứ thắt ruột một nỗi vô vọng mơ hồ…
Lỗ chuyến biển để cứu người nước ngoài
Sáng 30-4-2012, trong khi khai thác cá ngừ đại dương trên vùng biển Trường Sa, tàu cá PY- 92647-TS do ông Trần Văn Lực (37 tuổi, ở phường 6, TP Tuy Hòa) làm thuyền trưởng, phát hiện và cứu 7 người nước ngoài bị nạn đang trôi dạt trên biển. Mặc dù mới xuất bến, chưa khai thác được nhiều cá nhưng vì những người nước ngoài yêu cầu được vào bờ gấp, thuyền trưởng cũng là chủ tàu Trần Văn Lực đành chấp nhận lỗ chuyến biển hơn 200 triệu đồng để vào bờ.
“Khi biết trên tàu có 2 người Malaysia, tôi chợt nhớ đến chuyện người cháu là Ngô Ngọc Cẩn bị Malaysia bắt ở từ 6 tháng vì vào vùng biển của họ để tránh áp thấp nhiệt đới vào tháng 7-2009. Nhưng rồi tôi lại gạt qua suy nghĩ ấy để lo cứu người”- ông Lực bày tỏ.
Theo NLD
Cá độ bóng đá mùa Euro -Kỳ cuối: Cá cược bóng đá và những hệ lụy
Một vài tay cờ bạc đã phải chọn con đường quyên sinh và rất nhiều kẻ khác phải ngóng Euro trong song sắt nhà tù vì tội trộm cắp để có tiền cá độ.
Bóng đá được mệnh danh là môn thể thao vua. Mỗi lần trái bóng lăn trên sân cỏ là hàng triệu con tim thổn thức. Trong số đó có không ít con tim đập lỗi nhịp vì niềm đam mê của họ không chỉ là trái bóng mà còn là số phận những khoản tiền cá cược. Sau những trận bóng đã có không ít tội ác được thực hiện...
Cầm đồ được mùa
Mùa Euro năm 2012 mới đi già nửa đường nhưng đã đem lại cho giới cá độ Việt Nam đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Một vài tay cờ bạc đã phải chọn con đường quyên sinh và rất nhiều kẻ khác phải ngóng Euro trong song sắt nhà tù vì tội trộm cắp để có tiền cá độ. Thừa cơ "nước đục thả câu", giới cầm đồ ở Hà Nội tung ra nhiều "đòn độc" để gặt hái, ép các con bạc vào thế bí, buộc phải vay tiền với lãi suất cắt cổ.
Dũng "hà", người luôn tự hào vì có thể thuộc tên và vị trí của 80% cầu thủ tham gia Euro 2012 cho biết: "Xem bóng mà không cá độ thì khác gì ăn cơm nhạt. Ngứa chân, ngứa tay lắm. Tôi không giàu có nhưng mỗi đêm cũng đánh vài chục trái để có cảm hứng thức khuya, hò hét cùng mấy thằng bạn trùng máu. Từ đầu mùa đến giờ có quá nhiều bất ngờ, từ mạnh thắng yếu đến đang thắng như chẻ tre bỗng nhiên thua bò lê, bò càng... Chính sự bất ngờ đó đã đưa đường cho nhiều con bạc đến các cửa hàng cầm đồ để cắm nhà đất, ô tô, xe máy, thậm chí cả bằng lái xe... Đông khách nên bọn cầm đồ chảnh lắm, thu phế cao ngất ngưởng. Trước khi Euro diễn ra, phế cầm đồ chỉ 3.000 đồng/triệu đồng/ngày. Nếu quen biết có thể thấp hơn tí chút. Thế mà hôm qua tôi mang cái ô tô lên đường Láng để cắm, mấy thằng cầm đồ hét phế 5.000 đồng/triệu đồng/ngày. Thằng nào cũng đưa ra lý do hết tiền để làm giá".
Long "xoăn", nhân viên một cửa hàng cầm đồ trên đường Láng nói: "Chỉ 5 ngày sau khi bóng Euro năm nay lăn trên sân cỏ, cửa hàng nhà em đã hết tiền, dù có sự chuẩn bị từ trước. Khách cầm đồ đặt toàn nhà và ô tô nên vốn liếng vài chục tỷ đồng của ông chủ em chả thấm vào đâu. Mấy hôm nay khách đến đông nhưng cửa hàng em phải gọi tiền từ cửa hàng khác cho vay để kiếm tí chênh lệch. Tất nhiên khách phải chịu giá cao, cỡ 5.000 đồng/triệu đồng/ngày". Theo tiết lộ của Long, nhiều khách vì không có tài sản thế chấp sẵn sàng vay với lãi suất 10.000 đồng/triệu đồng/ngày để lấy tiền cá độ. Để tăng thu nhập trong một thời gian ngắn, các chủ hiệu cầm đồ ép các con bạc chỉ được vay với thời gian rất ngắn, từ vài ngày đến 1 tháng. Vì thời gian ngắn nên các con nợ thua bạc không thể "quay" được tiền để "nhổ" tài sản đang cắm ra và phải chấp nhận bán tài sản với giá rẻ. Theo Long "xoăn", có trường hợp, một con bạc ở quận Thanh Xuân cắm chiếc ô tô trị giá 500 triệu đồng để vay 100 triệu đồng với thời hạn 5 ngày. Hết hạn vay, con bạc này đến cửa hàng xin gia hạn và vay thêm 100 triệu đồng nữa nhưng chủ tiệm nhất định không nghe, tuyên bố xanh rờn: "Đã hết thời hạn vay. Tôi hết tiền nên không cho ông vay thêm được. Nếu hết ngày hôm nay ông không trả được tiền gốc thì chiếc xe ô tô này không còn là của ông nữa. Nếu ông ấm ức thì về gọi người, vác đồ đến gặp tôi...". Vì con nợ không xoay được tiền nên cuối cùng phải năn nỉ nhờ chủ cầm đồ gọi thợ xe bán chiếc ô tô với giá 300 triệu đồng. Vụ này chủ tiệm cầm đồ đút túi hơn 100 triệu đồng.
Một chủ tiệm cầm đồ trên phố Đặng Dung cho biết: "Khách cầm đồ để cá độ bóng đá diễn ra quanh năm vì hầu như trên thế giới lúc nào cũng có giải đấu. Tuy nhiên, mùa gặt của bọn tôi là những giải lớn như World Cup hoặc Euro. Sau mỗi mùa bóng lớn, nhiều cửa hàng kiếm vài tỷ đồng dễ ợt. Lợi nhuận của các cửa hàng cầm đồ ngoài tiền lãi còn có các khoản tiền lớn từ việc thanh lý đồ cầm cố của khách hàng. Tôi nói thế không có nghĩa là nghề này dễ kiếm, nhiều thằng làm cầm đồ vì xác định nhầm giá trị tài sản, nể anh, nể em hoặc mua phải đồ trộm cắp, lừa đảo là đi đứt luôn. Hơn nữa, đây là nghề kinh doanh xương máu. Nếu làm nghề này mà không "cứng", không có đông anh em thì không thể làm được vì thường xuyên phải va chạm với dân xã hội (giới giang hồ - PV)".
Tay anh chị này nói: "Chỉ trong trường hợp con nợ cố tình chây ì bọn tôi mới phải dùng vũ lực. Tất nhiên khi ấy sẽ phải dùng bất cứ phương pháp nào để thu được nợ. Từ khủng bố tinh thần đến việc dùng các biện pháp mạnh để xiết nợ. Khi cần cũng phải chấp nhận cho vài thằng em bóc lịch...".
Nhiều đối tượng cá độ bị bắt. Ảnh: M.Tuấn
Cuộc chiến không có hồi kếtCờ bạc không chỉ đẩy bao gia đình vào cảnh nghèo đói, lục đục, mà nó còn khiến các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp của, giết người gia tăng. Mùa Euro năm nay cũng không là ngoại lệ mặc dù lực lượng CA trên toàn quốc đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn. Đây là cuộc chiến không có hồi kết vì các ông trùm đều ở nước ngoài.
Ngày 11-6, CA TP Hà Nội đã triệt phá 2 đường dây cá độ bóng đá thông qua mạng internet, bắt tạm giam 22 đối tượng, thu hơn 1 tỷ đồng cùng nhiều phương tiện phục vụ cá độ qua mạng internet. Đường dây do Đỗ Huy Nam, SN 1979, trú tại phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cầm đầu. Cùng với việc khởi tố tạm giam các đối tượng Đỗ Huy Nam, Vũ Hùng Cường trú tại quận Hoàn Kiếm và Nguyễn Đức Thanh trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội về hành vi tổ chức đánh bạc. Cơ quan CSĐT CA TP Hà Nội cũng khởi tố bị can và bắt tạm giam 10 đối tượng liên quan khác, hiện đang tạm trú tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và huyện Từ Liêm.
Rạng sáng 11-6, sau khi xem xong một trận bóng đá trong khuôn khổ vòng chung kết Euro 2012, Trần Mạnh Luân, 23 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa do thua độ bóng đá dùng dao đâm anh Hồ Đăng Chính ở xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa nhiều nhát, sau đó cướp 3 triệu đồng rồi tẩu thoát. Nạn nhân đã tử vong trên đường đi cấp cứu do vết thương quá nặng.
Lương Văn Quyết trú tại huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai bị CA huyện Kông Chro bắt quả tang đang tìm mối bán con bò vừa mới ăn trộm trị giá hơn 20 triệu đồng vào đêm 12-6. Đối tượng 20 tuổi này khai mượn xe máy của người quen ở cùng xã mang ra tiệm cầm đồ đặt lấy 3 triệu đồng để cá độ bóng đá. Thua sạch, hắn đi trộm bò để bán lấy tiền chuộc xe.
Manh động nhất là trường hợp của Đặng Văn Bình TP Đà Nẵng. Vào lúc 13h30 ngày 14-6, Bình đã bịt mặt lao vào tại tiệm vàng của bà Lê Thị Nhường, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, dùng đá đập vỡ tủ kính lấy đi khoảng 10 lượng vàng. Đến 20h cùng ngày kẻ cướp tiệm vàng bị bắt, cùng với tang vật là 23 chỉ vàng và một dây chuyền. Bình khai, trong số vàng cướp được, hắn đã lấy 14 chỉ vàng để chuộc xe máy và trả tiền cá độ bóng đá....
Biết rất rõ những hệ lụy từ việc cá cược bóng đá nên lực lượng CA trên toàn quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng để triệt phá và ngăn chặn các tổ chức, cá nhân liên quan đến các đường dây cá độ. Đại tá Hồ Sĩ Tiến, quyền Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Bộ Công an cho biết, trong giai đoạn trước và trong khi giải bóng đá Euro 2012 khởi tranh tại châu Âu, Bộ Công an đã phối hợp cùng Bộ Thông tin Truyền thông, cơ quan an ninh mạng và nhiều cơ quan chức năng khác vào cuộc, chặn các trang mạng cá cược cũng như lần theo tung tích của những đường dây cá độ qua mạng bằng các biện pháp nghiệp vụ công nghệ cao.
Theo thông tin từ Bộ Công an, hiện ở Việt Nam có hàng chục website chuyên tổ chức cờ bạc. Trung bình hàng tháng, có hàng triệu lượt người tham gia cá độ. Chỉ tính với giá trị thấp nhất, mỗi lượt cá độ là 100 đến 200 USD thì số tiền tham gia đánh bạc và chuyển ra nước ngoài để thanh toán đã lên tới hàng trăm triệu USD. Một số đối tượng cờ bạc chuyên nghiệp vẫn tìm các công cụ để vượt qua sự ngăn chặn kỹ thuật của lực lượng CQCA... Việc nhiều người tham gia đánh bạc, cá độ bóng đá với số tiền ăn thua trong một tháng lên tới hàng trăm triệu USD là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Nhiều vụ án trộm cắp, lừa đảo, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người có nguyên nhân bắt nguồn từ cờ bạc, cá độ. Chính vì vậy, việc ngăn chặn các trang web tổ chức cá độ bóng đá, không chỉ ngăn được lượng tiền chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài mà còn đem lại hiệu quả xã hội rất lớn, đảm bảo an ninh trật tự trên phạm vi toàn quốc.
Theo PLXH
Cá độ bóng đá mùa Euro: Kỳ2: "Chủ bóng" cũng trắng tay Nếu như các ông trùm tổ chức cá độ bóng đá dùng mọi thủ đoạn, mánh lới lôi kéo, chặt chém các con bạc để làm giàu thì các con bạc cũng không ngần ngại sử dụng bất cứ chiêu thức nào để có tiền cá độ. Mỗi lần kết thúc một trận cầu là thêm một lần hàng nghìn con bạc điên...