Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục dân tộc
Với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, công tác giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ở các trường vùng dân tộc, miền núi được trang bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách giáo dục, là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học.Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm của thành phố, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trong đó có chính sách đối với lĩnh vực giáo dục dân tộc trên địa bàn Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ngày càng được nâng cao (Ảnh Viết Thành)
Đến nay, tại 14 xã vùng dân tộc, miền núi của thành phố có 62 trường học, trong đó 33 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có Trường Hữu nghị T78, Trường Hữu nghị 80, ngoài việc đào tạo bồi dưỡng cho học sinh nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, trường còn có chức năng quản lý, nuôi dạy con em đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc.
Công tác giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đã đạt được nhiều kết quả tích cực: 100% trẻ em được học lớp 1; tỷ lệ xã phổ cập giáo dục Tiểu học, Trung học cơ sở đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở tiếp tục học phổ thông, bổ túc, học nghề năm 2018 – 2019 đạt trên 90%.
Việc tuyển sinh học sinh dân tộc thiểu số vào lớp 6 và lớp 10 tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội được xét tuyển công khai, minh bạch, đúng đối tượng; chế độ cử tuyển đối với học sinh dân tộc thiểu số được đảm bảo. Hằng năm, có hàng trăm học sinh dân tộc thiểu số được vào học tại các trường Đại học, Cao đẳng và đào tạo nghề.
Video đang HOT
Lãnh đạo thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng những học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô đạt thành tích tiêu biểu trong năm học 2018 – 2019 (Ảnh Mạnh Quân)
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý vùng dân tộc miền núi ngày càng nâng cao. Hiện nay, trên địa bàn các xã dân tộc, miền núi ở cấp Tiểu học có 195 cán bộ, giáo viên có trình độ Đại học, 01 cán bộ có trình độ Thạc sĩ; cấp Trung học cơ sở có 148 cán bộ, giáo viên có trình độ Đại học, 09 cán bộ, giáo viên có trình độ Thạc sĩ; cấp Trung học phổ thông có 59 cán bộ, giáo viên có trình độ Đại học, 23 cán bộ, giáo viên có trình độ Thạc sĩ.
Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên công tác tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú và các trường vùng dân tộc miền núi; định kỳ tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi về nghiên cứu, trao đổi sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong từng trường học.
Các chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, giáo viên và cán bộ công tác ở các vùng dân tộc, miền núi được thực hiện đầy đủ. Nhiều học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và có những hạn chế nhất định, song được sự quan tâm của thầy cô, các em đã quyết tâm nỗ lực vươn lên hòa nhập vào môi trường học tập chung, nhiều em đã có thành tích nổi bật góp phần vào những thành quả quan trọng của giáo dục Thủ đô và đất nước.
Mạnh Quân
Theo laodongthudo
Mang áo ấm đến với các em nhỏ vùng cao Hà Giang
Từ ngày 20 đến 23-11, Đoàn Thanh niên Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, CLB thiện nguyện Gia đình nhà Cám đã đến thăm, tặng quà, hỗ trợ học sinh Trường Mầm non - Tiểu học tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với tên gọi "Mùa đông 2019 không lạnh".
Trường Mầm non - Tiểu học Sủng Trái nằm ở vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc có 2 điểm chính và 39 điểm phụ với số lượng học sinh tiểu học là 960 em, học sinh mầm non là 633 em . Do nằm tại xã vùng cao biên giới với nền kinh tế nông nghiệp thuần nông, thu nhập chủ yếu dựa vào cây lúa, chăn nuôi, người dân sống rải rác, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chậm phát triển, vẫn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu nên công tác giáo dục của trường còn gặp nhiều khó khăn.
Toàn bộ học sinh đều là người dân tộc thiểu số, nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt, như bố hoặc mẹ đã mất, gia đình có nhiều anh em đang trong độ tuổi lao động chính, sinh sống xa trường... Nhiều phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến con em, nhiều học sinh còn nhận thức chậm, chưa có ý thức cao trong việc tự học và nghiên cứu bài vở...
Đoàn Thanh niên Trung tâm Bảo tồn di sản văn hoá Thăng Long Hà Nội cùng các nhà hảo tâm đem "Mùa đông 2019 không lạnh" đến với các em nhỏ vùng cao tại xã Sủng Trái, Đồng Văn, Hà Giang.
Dù còn nhiều trở ngại, thiếu thốn, tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường luôn nỗ lực vượt qua những hạn chế để phát huy tinh thần giảng dạy, như triển khai đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020", vận động các em đi học tiếp sau bậc học tiểu học và trung học cơ sở, đồng thời khởi công xây dựng mới phòng học cấp mầm non ở các điểm phụ, cải tạo cảnh quanh, sơn lại hệ thống lớp học tại các điểm trường, xây nhà tắm ấm và nhà vệ sinh cho học sinh bán trú...
Trước những khó khăn của trường Tiểu học - Mầm non Sủng Trái, nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chào mừng ngày di sản Văn hóa Việt Nam 23-11, Đoàn Thanh niên Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long phối hợp cùng với các nhà hảo tâm tổ chức từ thiện đến các em nhỏ xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với tên gọi "Mùa đông 2019 không lạnh". Với mong muốn muốn giúp đỡ những trẻ em vùng cao, còn nhiều khó khăn. Tăng sự đoàn kết, chia sẻ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến các đoàn viên, thanh niên và các cán bộ, người lao động trong Trung tâm. Đây cũng là hành động thể hiện tấm lòng, mong muốn chia sẻ khó khăn với người dân vùng cao, qua đó góp phần hỗ trợ để tập thể nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, học tập trong năm học mới 2019-2020.
Chương trình trao tặng nhiều phần qùa ý nghĩa cho các em nhỏ tại 2 điểm chính và 39 điểm phụ trường Tiểu học - Mầm non Sủng Trái.
Chương trình đã trao tặng hàng nghìn áo ấm, giày dép cùng nhiều đồ dùng, dụng cụ học tập và dụng cụ chức năng cho 2 điểm chính cùng 39 điểm phụ trường Tiểu học - Mầm non Sủng Trái. Ngoài ra chương trình cũng trao tặng 40 suất quà là những nhu yếu phẩm cho 40 hộ nghèo tại xã Sủng Trái.
Cũng tại chương trình, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội Trần Việt Anh khẳng định, những món quà tuy không có giá trị vật chất lớn nhưng là tình cảm và đóng góp của cán bộ, công nhân viên hai cơ quan gửi đến nhà trường; chúc các thầy cô giáo tiếp tục chăm lo cho học sinh và mong các em tiếp tục chăm ngoan, phấn đấu đạt kết quả tốt trong năm học mới.
Khánh Huy
Theo phapluatxahoi
Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ký kết Quy chế phối hợp Chiều tối 21/11, Bộ Công an và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV ký kết Quy chế phối hợp. Toàn cảnh Lễ ký kết. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng Tham dự Lễ ký có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc...