Không nên lạm dụng đồ ăn nhanh khi ôn thi
Hơn 30 % thanh thiếu niên Anh thừa nhận sử dụng caffein, đồ uống tăng lực giàu năng lượng, 79% thường ăn vặt, ăn nhanh để học tốt hơn trước kỳ thi.
Nhưng họ không biết điều này gây hại cho sức khoẻ về lâu dài.
Đồ ăn nhanh không tốt cho sức khỏe về lâu dài
Nghiên cứu của Hội thực phẩm Trường học cho biết cứ 8/10 thanh thiếu niên ăn qua loa và chủ yếu là đồ ăn nhanh khi ôn thi.
Trong số đó, có 25% thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi thường sử dụng đồ uống giàu năng lượng như caffein đặc, café, nước tăng lực…
Cũng theo khảo sát, có 40% bạn trẻ thường bỏ ăn để có nhiều thời gian cho ôn luyện bài vở.
Nghiên cứu cho thấy sôcôla là đồ ăn được yêu thích đặc biệt trong lúc luyện thi khi được 42% bạn trẻ lựa chọn, 33% chọn đồ uống có ga và 31% chọn bánh quy. Những thực phẩm có thể kích thích bộ não làm việc tập trung hơn, trí nhớ tốt hơn còn có cá, hoa quả và rau, nhưng tỉ lệ bạn trẻ chọn lựa không nhiều.
Video đang HOT
Kết quả nghiên cứu cảnh báo rằng đồ ăn nhanh có chứa nhiều đường, ngọt đậm như kẹo hay bánh quy có thể kích thích não hoạt động hiệu quả hơn, nhưng chỉ tức thời, về lâu dài không có lợi cho sức khoẻ.
Hội thực phẩm Trường học khuyên bạn trẻ bắt đầu ngày mới với bột dinh dưỡng ngũ cốc nguyên hạt hay cháo ngũ cốc; thay thế đồ uống có ga bằng nước lọc, thay đồ uống có caffein bằng trà thảo dược…
Thay vì lựa chọn đồ ăn nhanh nhằm tăng cường trí nhớ tạm thời, bạn trẻ có thể ôn bài nhiều lần trong ngày. Ngoài ra bổ sung dinh dưỡng trong suốt thời gian ôn thi bằng việc đa dạng thực phẩm ăn uống như thịt cá trứng sữa, rau xanh và hoa quả là cách tốt nhất lại có thể đảm bảo sức khoẻ lâu dài.
Theo Tiền phong/Enotalone
Tôi ôn thi, tôi là... số 1?
Tôi ôn thi, tôi là... số 1?
Mùa thi, teen luôn dành được sự quan tâm, ưu tiên của bố mẹ. Nếu biết nhìn vào sự quan tâm ấy để cố gắng, nỗ lực học tập hơn nữa thì chẳng có gì đáng nói. Đằng này, nhiều bạn vin vào đó để tha hồ lên nước. Tư tưởng "tôi ôn thi, tôi phải là số một" không biết đã hình thành từ lúc nào.
Hoàng Hải, lớp 12 trường HHT vô tư kể với bạn bè: "Tao mà nói gì là cả nhà cứ gọi là răm rắp. Từ người giúp việc đến bố mẹ và hai đứa em gái!"
Đánh đồng bố mẹ, hai em với người giúp việc, cái răm rắp mà Hải tự hào với bố mẹ ở đây là cậu ta có thể toàn quyền yêu sách từng việc nhỏ nhất ở nhà. Từ việc mọi người không được làm ồn, không được tự ý vào phòng "làm mất tập trung của con", đến việc "bữa nay ăn gì" đều do Hải quyết định. "Sắp thi nên được ưu ái, tội gì!". Hải hồn nhiên giải thích cho những yêu sách với người thân của mình.
Hải không phải là trường hợp cá biệt. Một bộ phận teen vẫn tranh thủ mùa thi để cho mình cái quyền "lên giọng". Với họ, đó là cách chứng minh tầm quan trọng của bản thân, khẳng định cái "tôi" to tướng.
Huyền Thương trường NTT, hễ ngồi vào bàn học là yêu cầu mọi người phải im bặt. Một tiếng cười nói của cả nhà cũng làm Thương cáu um xùm, sẵn sàng to tiếng át lại. Bố mẹ có lỡ góp ý vài câu về thái độ của mình thì Thương ngân ngấn nước mắt, giận hờn, có khi bỏ bữa. Thương tự cho mình quyền là "duy nhất" trong nhà, không để tâm đến cái lắc đầu buồn bã của cả bố và mẹ.
"Hễ về nhà là nó cáu, mà bố mẹ có ai đã nói nặng câu nào đâu". Bác Chi, mẹ của một teen girl 12 trường ĐTĐ than thở. Thương con học hành vất vả nên cả hai vợ chồng bác đều cố gắng tạo một không gian gia đình dễ chịu, thoải mái nhất cho con. Nhưng buồn thay, cô con gái yêu lúc nào cũng cáu bẳn. Đi học về là lên phòng, có khi chẳng thèm chào bố mẹ một câu. Đến bữa ăn phải giục đến vài câu con gái bác mới chịu xuống ăn cơm. Đã vậy khuôn mặt còn bí xị đến khó chịu. "Nhìn con cái như thế, các bác nuốt sao nổi, mà cũng chẳng hiểu vì sao nó lại sinh ra như thế... Bố mẹ cũng có đặt áp lực nặng nề gì cho cam!" Bác Chi tâm sự.
Thực tế, nhiều teen cáu bẳn chẳng vì lí do gì, ra sức mè nheo chẳng qua chỉ là để bố mẹ "hoảng", càng chiều chuộng mình hơn!?
Bắt nguồn từ những suy nghĩ ích kỉ, các teen ham yêu sách đã tự hình thành những tư tưởng xấu xí, làm phiền lòng người thân yêu.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Hãy nhìn lại
Khách quan một chút, thì những hành động "lên nước" của teen có thể bắt nguồn từ những áp lực mùa thi, từ sự kì vọng của bố mẹ. Thế nhưng lấy đó ra làm lời biện hộ, bào chữa cho sự ích kỉ, ngang ngạnh của teen thì quả thực không đáng chút nào.
Bởi lẽ, khi người thân dành quan tâm cho bạn thì mỗi biểu hiện của bạn đều khiến mọi người lo lắng. Nếu bạn thực sự mệt mỏi, có điều gì không hài lòng, hãy chia sẻ chứ không phải ỷ vào sự quan tâm để đưa mình lên "cao" hơn người khác, làm phiền người khác. Trần Thu Hà, teen trường HBT đã có lần thót tim vì đang mải buôn chuyện với cô bạn thân về những đắc ý lúc ở nhà được bố mẹ "răm rắp" chiều chuộng thì bị nhóc em vô tình nghe tiếng. Cậu em lớp 9 đủ tế nhị để không nói ra chuyện đó, nhưng đối với Hà, sự im lặng của em trai còn đáng sợ hơn tất cả.
"Từ hôm ấy,mình mới giận mình nhìn lại, nhận ra bản thân thật quá đáng. Nhìn ánh mắt của nhóc em, thấy mình còn bé nhỏ hơn nó..." - Hà tâm sự
Cũng nhờ chuyện này, Hà "tỉnh" ra, để không còn quá đáng như trước. Vẫn chăm chỉ học, nhưng cô bạn không còn tự cho mình là nhất nữa. Chia sẻ nhiều hơn với bố mẹ, tâm sự nhiều hơn với em trai, cảm giác tội lỗi trong cô bạn dần phai nhạt. Và Hà đã có một mùa ôn thi thật dễ chịu trong sự yêu thương, quan tâm của gia đình.
Hương, SV năm nhất ĐH Hà Nội chia sẻ chuyện của mình: "Còn nhớ hồi ôn thi đại học, mình cũng từng như vậy. Đi học về có khi không vất vả lắm nhưng vẫn tỏ ra mệt mỏi, im lặng bỏ lên phòng nằm ngủ hay đọc truyện. Việc nhà đùn đẩy hết cho em gái, cho mẹ mà không mảy may suy nghĩ" Hương kể lại bằng vẻ hối hận chứ không phải bằng sự đắc ý. Vì tự trong lòng, cô bạn rất hối hận.
"Sau này khi đã đi học rồi, mình mới thấy thương và tội lỗi. Em trai năm nay cũng phải thi đại học, nhưng mình đi học xa, không chăm được em nhiều. Con bé vẫn làm việc nhà, tự chăm sóc bản thân rất đảm. Còn mình năm trước thì..." Câu nói của Hương bỏ dở. Hẳn cô bạn đang thầm ước thời gian quay trở lại để không xử sự như vậy nữa.
Một chút ích kỉ, một chút vô tâm, teen có thể làm mất rất nhiều điều quý giá của cuộc sống. Trước khi tự cho mình những "đặc quyền" của một sĩ tử, hãy nghĩ đến nguồn thương yêu vô bờ mà bạn đang được nhận. Hãy nhìn lại, để là một sĩ tử thật đáng yêu, teen nhé.
Theo kênh 14