‘Không nên hoang mang’ về rệp hút máu ở Hà Nội
Theo ý kiến chuyên gia, rệp giường không phải là loài côn trùng mới phát hiện. Cách đây vài năm, Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội từng phát hiện chúng trong một số phòng ở tập thể.
Khoảng một tháng gần đây, ngay trong nội thành Hà Nội đã xuất hiện rệp giường ( Bedbug) hút máu người. Tuy loại côn trùng này chưa có khả năng truyền bệnh nguy hiểm cho con người, nhưng với khả năng sinh trưởng mạnh, khi đốt gây đau, ngứa rát khó chịu, khó phát hiện do kích thước nhỏ chỉ bằng hạt gạo, đặc biệt rất khó tiêu diệt triệt để, nếu không được phát hiện sớm và phòng lây lan, chúng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống con người.
Cá thể rệp giường hút máu người tìm thấy ở Hà Nội.
Phát hiện rệp hút máu người trong nội thành
Một khách sạn tại quận Hai Bà Trưng – Hà Nội đã gọi điện đến Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội, do có khách bị một loại côn trùng lạ đốt gây mẩn ngứa, khó chịu đến mức không ngủ được. Cán bộ của Viện tới và phát hiện nhiều vệt máu li ti trên ga trải giường, khi lật đệm lên, soi kẽ giường thì phát hiện nhiều con côn trùng Bedbug, thường gọi là rệp giường vì chúng rất ưa lẩn trốn trong kẽ giường, chăn đệm.
Video đang HOT
Không chỉ có phòng ở của vị khách nói trên, mà toàn bộ tầng của khách sạn đều xuất hiện nhiều cá thế rệp giường. Qua kiểm tra sổ sách, khách sạn có tiếp nhận một vị khách người Ấn Độ đến nghỉ và đã rời đi 3 ngày trước khi phát hiện rệp hút máu người. Theo nhận định của cán bộ Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội, rất có thể, vị khách này là tác nhân mang theo rệp giường lẫn trong hành lí.
Ngay sau đó, các phòng khách sạn đã được phun các hóa chất diệt côn trùng như Fendona, Icon, Permethrin 50 EC, nhưng không hiệu quả, nhiều con rệp giường vẫn sống. Đặc biệt, hóa chất không diệt được trứng của rệp giường. So với loại bọ xít hút máu người mới gây xôn xao dư luận gần đây, rệp giường có kích thước nhỏ hơn nhiều (chỉ bằng hạt gạo) và chạy nhanh hơn, nên việc phát hiện và diệt chúng cũng khó khăn hơn.
Theo ông Nguyễn Quang Thái, Trưởng phòng Thí nghiệm động vật y học, Khoa Côn trùng – ký sinh trùng – động vật y học (Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội), rệp giường là loài côn trùng thuộc bộ bọ xít (Hemiptera), có mùi hôi, cơ thể dẹt, kích thước khoảng 4-5mm. Chúng hút máu người và động vật để sinh trưởng và phát triển. Bình thường cơ thể chúng có màu vàng nhạt, khi hút no máu chúng chuyển thành màu nâu đỏ. Chúng thường lẩn trốn và đẻ trứng trong các các khe nứt của nền nhà, đèn áp tường, khung ảnh, đặc biệt ưa thích các kẽ giường, chăn đệm, nơi gần người.
Vòng đời của rệp gồm 3 giai đoạn trứng, thiếu trùng và trưởng thành. Trứng của chúng có màu trắng sữa hoặc trắng xanh, dài khoảng 1mm. Thiếu trùng giống với rệp trưởng thành, nhưng kích thước nhỏ hơn, cả hai dạng đều hút máu. Rệp thường hút máu vào ban đêm, nhưng nếu điều kiện thuận lợi hoặc bị đói lâu ngày, chúng sẽ đốt người cả vào ban ngày. Thời gian đốt hút máu người của rệp trưởng thành khoảng 5-10 phút, sau 2-3 ngày rệp lại hút máu một lần, gây ra nốt mẩn đỏ, đau, ngứa ngáy khó chịu trên da.
Một con rệp cái đẻ trung bình 5 trứng một ngày và đẻ khoảng 125 – 500 trứng trong vòng đời kéo dài 6 tuần đến vài tháng. Do đó, khả năng sinh sôi của rệp giường là khá mạnh. Chúng có thể lưu giữ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như dịch hạch, hồi quy, sốt Q, Tularemia, viêm gan B… song đến nay chưa phát hiện chúng gây lây truyền cho con người, động vật bị đốt.
Không hoang mang và cần chú ý phòng, diệt rệp
Ông Nguyễn Quang Thái cho biết thêm, rệp giường không phải là loài côn trùng mới phát hiện. Cách đây vài năm trở về trước, Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội đã từng phát hiện chúng trong một số phòng ở tập thể. Việc diệt trừ tận gốc chúng khá đơn giản vì có thể dùng các hóa chất mạnh như DDT, mang cả giường, chiếu ra cọ rửa, phơi nắng… Nhưng hiện nay, DDT đã bị cấm sử dụng do gây hại đến môi trường và sức khoẻ con người, giường ngủ có khe kẽ đệm, ga… nên rất khó phát hiện và diệt trừ triệt để rệp giường.
Các cán bộ Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội phải áp dụng phương pháp nâng nhiệt lên 50 độ C để diệt rệp giường, đồng thời tiến hành diệt gối theo từng đợt đẻ trứng của chúng trong vòng vài tháng.
Việc rệp giường bất ngờ xuất hiện trở lại có thể do sự giao lưu, đi lại của người dân. Trên thế giới, dịch rệp đang hoành hành tại Phần Lan, đặc biệt là ở Mỹ và các nước châu Âu khác như Anh, Pháp…
Với nguồn khách du lịch, đi lại từ nhiều nước trên thế giới, nguy cơ lây lan rệp giường vào nước ta luôn tiềm ẩn. Do đó, cần chú ý phát hiện sớm và diệt trừ chúng, nhằm tránh gây lây lan rộng. Khi phát hiện trên ga giường, quần áo có các chấm máu nhỏ, nên nghĩ đến sự xuất hiện của rệp giường. Khi phát hiện rệp giường, cần tìm và diệt chúng ngay, đồng thời vệ sinh, phơi nắng chăn màn, giường chiếu, bàn ghế…, xịt hơi nóng vào các kẽ giường tủ nơi rệp có thể trú ngụ… Có thể đun nước sôi, hoà với thuốc diệt rệp tưới vào các khe, kẽ có rệp, làm mỗi tuần một lần, liên tục trong nhiều tuần đến khi hết rệp và lặp lại 2-3 tuần sau đó.
Theo CAND
Xuất hiện dơi "ma cà rồng" hút máu người
Những con dơi hút máu người này đã tấn công người dân ở một ngôi làng thuộc Urakusa, rừng Amazon, phía bắc Peru, đây là nơi ở của bộ lạc Aguajun. Những người Aguajun bắt đầu lên tiếng kêu gọi sự cứu giúp khi mà những đứa trẻ trong làng bị chết một cách kỳ lạ. Chúng đã tấn công hơn 500 người ở nơi đây, tuy nhiên chỉ có 4 đứa trẻ bị cho là chết vì dơi tấn công. Sự xuất hiện của những con dơi này khiến cho người dân nơi đây vô cùng lo sợ.
Những con dơi hút máu người xuất hiện ở Peru.
Theo BBC thì những con dơi này tấn công và hút máu người do nạn phá rừng khiến chúng bị mất chỗ ở, nạn phá rừng còn làm mất nguồn thức ăn tự nhiên của chúng buộc chúng phải tìm nguồn thức ăn mới. Tuy nhiên người dân địa phương lại cho rằng dơi tấn công người vì thời tiết quá lạnh khiến cho những con dơi bị hoảng loạn và không làm chủ được.
Những người bị con dơi này cắn và hút máu sẽ mắc bệnh dại, virus gây bệnh dại gây ảnh hưởng đến não và nó sẽ ủ bệnh trong vài tháng. Nếu như không có biện pháp cứu chữa kịp thời thì sẽ dẫn đến tử vong.
Ông Jose Bustamente thuộc bộ y tế nói rằng thuốc men và vác-xin phòng chống đã được gửi đến đây từ vài tháng trước. Tổ chức y tế đã bắt đầu tìm kiếm những người bị nghi là mắc bệnh trong vòng 6 tháng trở lại đây. 97% trong tổng số những người bị dơi cắn đã nhận được vác-xin ngừa bệnh.
Những con dơi sẽ tấn công khi chúng ta ngủ, chúng sẽ xác định vị trí để cắn. Nếu nơi cắn bị che khuất bởi tóc nó sẽ cắn tóc ra. Các chuyên gia nói rằng loài dơi này thường chỉ hút máu động vật hoang dã và vật nuôi nhưng thỉnh thoảng chúng cũng tấn công cả con người. Những con dơi này nặng trung bình 40 gram và có thể hút tới 20 gram máu.
Theo VCTV
Robert Pattinson là hậu duệ của ma cà rồng? Họ hàng với Robert Pattinson được cho là Vlad the Impaler - một kẻ nổi danh chuyên... hút máu người vào thế kỉ 15. Theo nguồn tin trên The Sun thì Robert Pattinson không những là ma cà rồng nổi tiếng trong series phim "Chạng vạng" mà nam diễn viên này còn có mối quan hệ họ hàng với ma cà rồng thật...