Không nên cho bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng
Đó là ý kiến của TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương. Theo ông Phú, thực phẩm chức năng (TPCN) không phải là thuốc thì không nên cho bác sĩ kê đơn mà chỉ tư vấn cho người bệnh quyết định.
Người bệnh cần biết thực phẩm chức năng không phải là thuốc để tránh tốn kém không cần thiết
Lập luận còn nhiều mâu thuẫn
Video đang HOT
Kết quả một điều tra của Cục ATVSTP – Bộ Y tế thực hiện tại Hà Nội cho thấy, cứ trong 100 người lớn thì có 56 người sử dụng TPCN, còn ở TP Hồ Chí Minh thì cứ 100 người lớn có 48 người sử dụng. Tuy nhiên, liệu có bao nhiêu người đã sử dụng loại thực phẩm này vì thực sự có nhu cầu, thực sự tin tưởng vào tác dụng của nó, bao nhiêu người sử dụng chỉ vì nghe theo quảng cáo, mời chào của các hãng kinh doanh hoặc lầm tưởng đây là một loại thuốc chữa bệnh?… Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, theo định nghĩa đã được luật hóa trong Luật ATTP, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.
Như vậy, TPCN về bản chất không phải là thuốc. Thế nhưng tại hội thảo về TPCN vừa diễn ra cách đây hơn một tuần, với lập luận nhiều người không hiểu đúng, không dùng đúng TPCN dẫn tới những hậu quả đáng tiếc nên một số ý kiến đã đề xuất cho phép bác sĩ được phép kê đơn TPCN. Tại buổi tọa đàm ngày 9-11, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam một lần nữa cho rằng, quy định cấm kê đơn TPCN là không phù hợp thực tiễn và cần kiến nghị hủy bỏ. Cũng theo ông Trần Đáng, dù cấm nhưng thời gian qua nhiều BV vẫn thường xuyên kê đơn TPCN. Chẳng hạn, một BV mắt ở Hà Nội trong những năm qua điều trị cho 10.000 bệnh nhân và đều kê 2 loại TPCN, có hiệu quả tốt. Ông Đáng còn cho rằng, nếu nhà nước có chính sách đầu tư cho ngành TPCN, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về TPCN với vai trò như một “vaccine” phòng các bệnh không truyền nhiễm, thì ngành này sẽ phát triển.
Hiểu theo cách đó, TPCN không phải là sản phẩm có thể sử dụng tùy tiện như rau, củ, quả… mà cần phải có sự tư vấn hướng dẫn của bác sĩ, nếu sử dụng không đúng có thể bất lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi như vậy, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Viện trưởng Viện TPCN nhấn mạnh, TPCN về mặt khoa học là an toàn bởi vì đây là hoạt chất tự nhiên, cũng vì an toàn nên ai cũng sử dụng được TPCN, từ người già đến người trẻ, người có bệnh hay không có bệnh. Theo ông Hoàng, một số trường hợp sử dụng TPCN gặp phản ứng phụ, bị dị ứng là điều hết sức bình thường bởi ngay cả những loại thực phẩm phổ thông như tôm cua, ốc, ếch… vẫn có một tỷ lệ người bị dị ứng khi sử dụng.
Tư vấn và kê đơn là khác nhau
Một câu hỏi được đặt ra, nếu cho bác sĩ kê đơn TPCN, nếu tuyên truyền TPCN như một vaccine phòng các bệnh không truyền nhiễm, thì liệu người dân có được lợi hơn hay lợi ích sẽ chỉ rơi về một bộ phận nào đó? Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Sở Y tế Hà Nội (xin giấu tên) cho rằng, ông không phản đối chuyện cho bác sĩ kê đơn TPCN vì loại thực phẩm này tốt cho sức khỏe, song vấn đề là phải cân nhắc cho phù hợp với hiểu biết cũng như điều kiện kinh tế của người dân. Nếu người dân thực sự nhận thức được sự cần thiết của TPCN, có đủ điều kiện kinh tế để trang trải cho TPCN thì lúc đó cho kê đơn cũng không sao. Còn hiện tại, người dân lo tiền mua thuốc còn khó khăn thì chưa nên để họ phải thêm nặng gánh vì chi trả cho loại TPCN được kê trong đơn thuốc.
Tương tự, TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương cho rằng, TPCN không phải là thuốc thì không nên cho bác sĩ kê đơn mà chỉ tư vấn cho người bệnh quyết định. Sự tư vấn là cần thiết song nó khác về bản chất so với việc kê đơn. Theo ông Phú, hiện công tác quản lý đơn thuốc phối hợp trong các BV đã rất khó khăn, nếu có thêm TPCN thì đơn thuốc sẽ “dài” cỡ nào, công tác quản lý của cả ngành dược lẫn ngành y, của hệ thống BV sẽ càng thêm vất vả. Đặc biệt, đối với người bệnh, tiền thuốc đã rất tốn kém, nếu cho bác sĩ kê đơn TPCN mà không quản được tình trạng lạm dụng kê đơn, nhất là phần hoa hồng cho kê đơn TPCN rất cao, gánh nặng sẽ đổ lên đầu dân khi một nhóm thu về lợi ích từ việc này.
Giá đắt vì… chiết xuất từ thiên nhiên
Trả lời câu hỏi về giá các loại TPCN, ông Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, TPCN phải chiết xuất hoạt chất từ thiên nhiên, cây cỏ, khoáng chất… mà thường cái gì từ thiên nhiên cũng đắt hơn. “Nói nó đắt hay không đắt chỉ là về bản chất, TPCN giúp người dùng có ý thức phòng ngừa bệnh tật, nếu rẻ quá thì như người ta vẫn thường nói của rẻ là của ôi nên đôi khi người dùng lại không coi trọng sử dụng” – ông Hoàng phân tích. Ông Trần Đáng bổ sung thêm, có 3 yếu tố khiến giá TPCN còn cao, gồm: mức thuế cao, các nhà kinh doanh muốn lấy lợi nhuận cao, cuối cùng là bản thân TPCN có hiệu quả, được sản xuất theo những công nghệ rất hiện đại.
Theo ANTD
Tiền mua thuốc bị đội lên ghê gớm
Quảng cáo quá mức, quá công dụng khiến nhiều người lầm tưởng sản phẩm là thuốc, thậm chí là thần dược chữa được bách bệnh, hay ghi nhãn không đúng... là sai phạm thường gặp trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) hiện nay. Việc nên hay không cho bác sĩ được kê đơn TPCN đang gây ra nhiều tranh cãi.
Không nên tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng theo quảng cáo. (Ảnh minh họa)
Quá nửa vi phạm về quảng cáo
Tại hội thảo bàn về thực trạng quản lý TPCN diễn ra cuối tuần qua ở Hà Nội, Bộ Y tế cho biết, ngành sản xuất, kinh doanh TPCN mới chỉ xuất hiện ở nước ta khoảng 10 năm trở lại đây nhưng đạt tốc độ phát triển quá nhanh. Cũng vì thế nên các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo về sản phẩm này xuất hiện không ít, đặc biệt là vi phạm về quảng cáo diễn ra tràn lan, gây bức xúc xã hội. Báo cáo tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 53% doanh nghiệp kinh doanh TPCN vi phạm về quảng cáo, phổ biến nhất là quảng cáo quá chức năng, sử dụng hình ảnh, thông điệp gây nhầm lẫn sản phẩm TPCN là thuốc.
Hiện tại, trên thị trường nước ta có khoảng 10.000 sản phẩm TPCN, trong đó nhập khẩu chiếm 40%. Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, đã có thêm gần 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh lĩnh vực này. Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP - Bộ Y tế thừa nhận, một trong những khó khăn hiện nay trong công tác quản lý TPCN là kiểm soát việc quảng cáo. Nguyên nhân là do TPCN thường được bán theo hình thức kinh doanh đa cấp nên muốn bán được hàng buộc người bán quảng cáo quá mức. Bên cạnh đó, kênh quảng cáo qua báo đài địa phương vẫn chưa kiểm soát hết được, những trường hợp vi phạm được cơ quan chức năng xử lý ít.
Các chuyên gia cho biết, phần đông người tiêu dùng chưa nhận thức được đúng công dụng của TPCN, nảy sinh 2 xu hướng tâm lý trái ngược: ngại sử dụng hoặc sử dụng thiếu khoa học. Nghiêm trọng hơn, một số người nghe theo lời quảng cáo quá mức, quá công dụng thực của TPCN nên tự ý mua, sử dụng nhằm hỗ trợ điều trị bệnh, kết quả là quá trình điều trị không đạt hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng bệnh tật và sức khỏe.
Không thể sử dụng tùy tiện
Theo quy định hiện hành, TPCN không phải là thuốc và không được phép kê toa trong đơn thuốc của bác sĩ, song do lợi nhuận từ khoản hoa hồng mà các công ty kinh doanh hứa hẹn, cộng thêm việc kiểm soát còn thiếu chặt chẽ... nên tình trạng này luôn diễn ra và ngày càng phổ biến. Đây cũng chính là một trong những vấn đề khiến người bệnh bức xúc nhất trong thời gian qua, bởi việc lạm dụng kê đơn của bác sĩ, kê cả TPCN vào trong đơn thuốc, khiến cho chi phí mua thuốc của người bệnh bị đội lên ghê gớm. Tuy nhiên, tại hội thảo, đa phần ý kiến chuyên gia đặt vấn đề, nên sửa quy định này nhằm hướng dẫn người dân sử dụng TPCN cho đúng và an toàn.
Ông Trần Quang Trung cho biết, sắp tới Cục ATVSTP sẽ xin ý kiến Bộ Y tế đưa các vấn đề quản lý TPCN, trong đó có việc bác sĩ được kê toa, vào thông tư hướng dẫn. Để hướng dẫn sử dụng TPCN thì bác sĩ phải kê đơn. Mục đích không phải kê đơn để điều trị mà để hỗ trợ quá trình điều trị, sau điều trị, để tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Tất nhiên để quy trình này thực sự có hiệu quả thì phải nghiên cứu kỹ, không phải sản phẩm TPCN nào cũng cho phép bác sĩ được kê đơn. Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP đặt câu hỏi: "Tại sao lại cấm bác sĩ kê đơn trong khi TPCN hữu ích cho người điều trị ngoại trú, kể cả nội trú?". Ông phân tích, phát triển TPCN để phục vụ cho sức khỏe con người là xu hướng tất yếu ở Việt Nam cũng như các nước tiên tiến trên thế giới. Do vậy, người dân cần sự tư vấn chuẩn xác để sử dụng đúng và đạt hiệu quả tốt nhất cho lợi ích của mình.
Không phản đối quan điểm trên, song GS. Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam góp ý, để cho bác sĩ kê đơn TPCN thì điều tiên quyết là bản thân người thầy thuốc phải có hiểu biết về sản phẩm đó có những thành phần gì, tác dụng như thế nào. Chẳng hạn, một số loại TPCN chứa Glucosamine mà kê cho bệnh nhân vừa đau khớp, thoái hóa khớp lại vừa có bệnh tiểu đường thì không tốt. GS. Phạm Gia Khải cho biết, thực tế hiện nay có rất nhiều người dân dùng TPCN, có người thấy tốt, có người không, thậm chí bị tác dụng phụ..., là vì cứ sử dụng mà không cần biết trong TPCN có những thành phần gì. Chính vì thế, TPCN dù có được phép cho kê đơn hay không thì trước khi sử dụng loại sản phẩm này, người dân vẫn nên tham khảo sự hướng dẫn của thầy thuốc, tránh tiền mất tật mang.
Theo ANTD
Tiêu hủy lô heo lở mồm long móng Chiều 15.10, tại TP.HCM, đoàn liên ngành thú y H.Bình Chánh đã tổ chức tiêu hủy ba con heo mắc bệnh lở mồm long móng. Trước đó, lô heo này do ông Trần Văn Thuấn tổ chức giết mổ lậu tại địa chỉ E10/4H7 tổ 10, ấp 5 xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh bị tổ kiểm tra liên ngành thú y H.Bình...