Không muốn về nhà vì vợ như “máy nói”
- Tôi có góp ý với cô ấy thì cô ấy lại bù lu bù loa lên cho rằng tôi thay đổi, rằng tôi chê cô ấy. Mà không hiểu sao trước đây vợ tôi rất nền nã, còn bây giờ thì cô ấy tay làm miệng nói, cái gì cô ấy cũng có thể nói được.
Vợ chồng tôi lấy nhau đã gần chục năm và có hai cô con gái. Công việc của tôi thì ổn định với mức lương cũng tạm đủ chi tiêu còn vợ tôi thì công việc bấp bênh. Gia đình tôi hiện tại kinh tế cũng tạm ổn định mặc dù chưa có xe hơi và nhà cao tầng, nhưng chất lượng sống thì không đến nỗi nào.
Còn vợ tôi trước đây cô ấy có làm nhân viên văn phòng cho một công ty tư nhân với mức lương 4,5 triệu. Từ lúc mang thai đứa đầu tiên cô ấy đã bị yếu đi nhiều do việc nghén thường xuyên cộng với cô ấy bị loét dạ dày nên phải kiêng khem nhiều. Bình thường với người khác thì sau khi sinh con xong khoảng 3 – 4 tháng là có thể đi làm nhưng do cả hai mẹ con đều yếu ớt nên cô ấy nghỉ hẳn ở nhà 1 năm. Sau đó thì vợ tôi lại “lỡ” có bầu thêm đứa nữa, nhưng cả hai vợ chồng đã thống nhất là giữ lại vì thương bé nên vợ tôi tiếp tục mang thai bé thứ hai trong khi bé thứ nhất được hơn 8 tháng.
Lúc đó công ty làm ăn bị thua lỗ nên cắt giảm nhân sự, tất nhiên là cô ấy có trong danh sách những người phải nghỉ việc. Tôi cũng động viên cô ấy thôi thì không có việc nọ thì việc kia, không làm cho người khác thì tự mình làm. Cô ấy vốn đã biết may mặc nên tôi bảo vợ sắm thêm máy khâu và ít đồ đạc về tự mở cửa hàng sửa chữa quần áo. Ban đầu cửa hàng mới mở nên rất ít khách, tiền sửa chữa quần áo một ngày chỉ đủ trang trải mua rau cỏ trong nhà còn lại gánh nặng tài chính gia đình dồn lên vai tôi.
Cho dù chúng tôi không phải thuê nhà nhưng hai đứa con nhỏ cộng với sức khỏe của vợ tôi cũng không ổn định nên tiền lương tôi mang về chỉ tiêu được khoảng nửa tháng là hết. Nói chung những thay đổi từ việc ở văn phòng cho đến làm việc tại nhà cũng làm cho cô ấy hụt hẫng mất một khoảng thời gian, thêm nữa việc không va chạm giao tiếp với đồng nghiệp khiến cho cô ấy trở nên thay đổi.
Video đang HOT
Lúc nào cô ấy cũng phàn nàn từ việc chăm sóc con đến công việc nhà (ảnh minh họa)
Ban đầu là việc cho dần đi những bộ váy đẹp đẽ mà thay vào đó là những bộ quần áo xuề xòa giản đơn, sau đó là tóc tai rồi giày dép. Không biết tự bao giờ mà cô ấy biến từ một nhân viên văn phòng gọn gàng trở thành một bà nội trợ chính hiệu chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Cả ngày cô ấy chỉ quanh quẩn với đống quần áo cũ phải sửa và những công việc nhà cộng với hai đứa con. Tất nhiên là công việc của cô ấy cũng có nhiều bạn, toàn những bà hàng xóm sồn sồn rảnh chuyện và gặp nhau đương nhiên là buôn dưa lê. Mà không hiểu các bà và vợ tôi có thể buôn được từ sáng đến tối, cho đến khi tôi về thì cô ấy lại mang ra kể lại không sót chi tiết nào khiến tôi mệt mỏi.
Nhiều khi tôi có góp ý với cô ấy thì cô ấy lại bù lu bù loa lên cho rằng tôi thay đổi, rằng tôi chê cô ấy. Mà không hiểu sao trước đây vợ tôi rất nền nã, còn bây giờ thì cô ấy tay làm miệng nói, cái gì cô ấy cũng có thể nói được. Kể cả khi đang tắm cho con thì cô ấy cũng có thể lầm bầm: “con làm cái gì mà bẩn thế, tóc sao mà bết thế này, tắm cho sạch sẽ rồi tí lại làm bẩn lên không ai tắm cho được”… Thậm chí tôi có trót để đôi giày không ngay ngắn cô ấy cũng ngay lập tức lên án tôi là vô ý thức, rằng tôi không hiểu được nỗi vất vả của cô ấy.
Những lời phàn nàn hằng ngày cứ phải dội vào tai tôi, nào là chuyện con cái đứa ăn được đứa không, nào là chúng nó cãi nhau như thế nào, rồi thì chuyện tiền điện nước tăng giảm ra sao, rồi hôm nay cô ấy đi chợ bị ức chế với mấy bà bán cá như thế nào… Tất cả các chuyện “thượng vàng hạ cám” cô ấy lôi tôi ra như bình phong để kể khiến tôi ung thủ. Nếu tôi chỉ im lặng không nghe thì cô ấy cho rằng tôi thiếu tôn trọng, còn nếu có nói thì cô ấy lại bảo tôi là không thông cảm cho vợ. Thật tôi không biết lối nào mà lần.
Tôi không nói thì cô ấy cho rằng coi thường, tôi nói thì cô ấy kêu ca
là tôi không hiểu (ảnh minh họa)
Lúc đầu, tôi cũng nghĩ vợ tôi ở nhà cả ngày, không có người để nói chuyện, các cháu thì đi học nên buổi tối là “cơ hội” để cô ấy xả hết những điều muốn nói nên cũng cố gắng chịu đựng. Tôi muốn cô ấy đi học để xin vào một công ty nào đó nhưng bây giờ sau vài năm ở nhà vợ tôi bắt đầu ì ạch về đầu óc, cô ấy lại ngại không muốn vất vả nữa. Đến bây giờ sau những giờ làm việc tôi bắt đầu thấy mệt mỏi khi trở về nhà, tôi chỉ muốn gặp gỡ bạn bè đi uống thật say đến lúc về chỉ việc ngủ để khỏi nghe những lời phàn nàn. Thôi thì thà mang tiếng vô trách nhiệm còn hơn là mang tiếng “coi thường vợ”. Kiểu gì tôi cũng là người có lỗi. Thực sự từ đáy lòng tôi chỉ muốn làm sao để cô ấy có thể thay đổi…
Theo Ngoisao
Cụ lang làng
Mẹ gọi điện báo tin, con về ngay cụ lang làng vừa mất rồi. Nước mắt tôi trực òa ra, chạy ngay sang phòng sếp xin nghỉ việc rồi bắt vội xe về nhà. Chặng đường chỉ có hơn 90 cây số mà sao hôm nay dài thế.
Xét về máu mủ thì nhà tôi với cụ chẳng họ hàng gì, tôi ở Hà Nam, cụ ở Nam Định. Nhưng nếu không có cụ, chắc sẽ chẳng có tôi, và sẽ chẳng có gia đình tôi bây giờ. Mẹ tôi lấy bố hơn 4 năm trời hết thuốc nọ thuốc kia chạy chữa mà vẫn không sinh nổi mụn con. Tiền bạc cạn kiệt, ý chí chán nản, bố mẹ định chia tay thì được người ta mách đến cụ.
Sau ba tháng thuốc men của cụ, mẹ mang bầu tôi. Tiền công, tiền thuốc suốt ba tháng, phải nài ép lắm cụ mới chịu nhận dăm cân gạo nếp. Rồi lúc tôi nghịch ngợm bị chệch khớp tay, rồi dạ dày, đến thằng em tôi bị sỏi thận... đều tìm đến cụ. Chẳng lần nào cụ lấy tiền. Tiền thuốc cho không, tiền công cũng chẳng lấy. Đến ngày lễ tết, cụ chỉ lấy duy nhất 1 cái bánh chưng, hay 1 gói kẹo để thắp hương tổ tiên, còn lại cụ bắt mang về.
Lúc còn bé, theo mẹ xuống thăm cụ tôi vẫn thắc mắc, sao lại gọi cụ là cụ lang làng, phải chăng là vì cụ chỉ chữa bệnh trong làng, hay y thuật của cụ chỉ ở mức độ làng xã? Mẹ cười nhẹ nhàng giải thích, y thuật của cụ rất cao, không những gia đình ta được cụ cứu giúp, mà còn rất nhiều người khác ở nơi rất xa tận hai miền đất nước tìm đến cụ. Cụ giúp người chẳng bao giờ suy tính thiệt hơn, chẳng đè nặng của cải vật chất nên làng xóm ai cũng quý mến gọi cụ là cụ lang của làng rồi gọi tắt là cụ lang làng.
Ngày nhỏ, chị em tôi đã rất thích xuống nhà cụ chơi. Lần nào xuống cũng được cụ cho biết bao quà bánh, toàn đồ của bệnh nhân này biếu, cụ lại chia hết cho bệnh nhân kia. Nhà nào nghèo, thường được cụ thương nhiều hơn. Sau này lớn lên, dù không theo nghề thuốc nhưng cứ vài tháng tôi lại xuống thăm cụ một lần, nghe cụ hướng dẫn các vị thuốc đơn giản có thể tìm thấy ngay trong vườn, ngoài ruộng. Chồng cụ là bác sĩ quân y, con trai duy nhất của cụ cũng là bác sĩ quân y. Hai con người thương yêu nhất của cụ đã hy sinh anh dũng tại chiến trường. Kể từ đó cụ ở vậy, theo nghề thuốc gia truyền bốc thuốc cứu đời. Thuốc trồng được trong vườn thì cho không, tiền công cũng chẳng lấy, thuốc phải mua thì cụ kê đơn cho người bệnh tự mua, đến tiền xe gửi thuốc cho người bệnh ở xa thường cụ cũng chẳng lấy. Lý giải cho việc làm của mình cụ chỉ cười trừ giải thích: " Tao có một mình, lại có nhà nước nuôi thì lấy tiền bạc làm gì, chỉ mong chúng mày luôn mạnh khỏe, làm nhiều việc thiện là tao vui rồi".
Tôi về vừa kịp lúc đưa tang cụ, đoàn người quấn khăn trắng kéo dài nửa cây số, ai cũng sụt sùi thương nhớ, đau xót như mất đi phần máu mủ. Có người làng, có người tứ xứ, có cả cụ già tám, chín mươi, cả em nhỏ vài tháng tuổi, có chị đang bụng bầu, tất cả quy tụ tại đây tiễn đưa cụ tới nơi vĩnh hằng.
Theo VNE
Tôi không muốn phải hối hận Anh hẹn sau giờ làm việc chiều nay sẽ bàn với chị về chuyện phân chia tài sản. Họ sẽ ra tòa một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Chị nhìn đồng hồ, càng gần đến giờ chị càng hồi hộp. Chị thấy xấu hổ khi phải đối diện với điều này. Chị ước gì mình đủ giàu có để kiêu hãnh dắt...