Không ly hôn, già sống sao nổi!
Đàn bà – con người nhỏ bé nhưng hết sức quan trọng trong gia đình ấy, đã bị bóp nát, tan biến đi, để hiện hữu trong hình ảnh ông chồng viên mãn, chỉn chu, trong những đứa con ngoan, căn bếp sạch, chiếc giường phẳng phiu…
Tôi đùa với bạn: “Chúng ta chẳng già đi chút nào, cậu nhỉ?”. Bạn cười xòa, tiếp lời: “Chỉ đến khi đứa này nhìn đứa kia”. Tôi chăm chú nhìn cô bạn hơn 15 năm thân thuộc như chị em một nhà. Mái tóc dài được bạn gìn giữ cẩn thận, nhưng không còn dày và mượt như xưa, thấp thoáng đã có vài sợi trắng. Lớp phấn nền được đánh khá kỹ vẫn không che được những vết hằn ở khóe môi, khóe mắt. Đặc biệt là ánh mắt của bạn như thể đã nhìn suốt đời mình.
Vào những ngày tháng Sáu, cách đây hơn 20 năm – thời gian cuối cùng của đời học sinh – khi những cây phượng già vẫn vươn mình khoe từng chùm hoa rực rỡ, khi bạn bè miệt mài trên đống sách vở cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, rồi đại học; bạn theo chồng rời quê hương. Ngày bạn cưới, chúng tôi cũng mơ hồ hiểu được chút chuyện, tuy không tận tường sâu sắc, mà cũng không ai dám hỏi, không ai dám nhìn vào ánh mắt ngấn nước của bạn lúc chúng tôi chào ra về. Hình ảnh bạn lạc lõng giữa những tiếng cười đùa, cụng ly chúc phúc, giống cô bé Maica ở một thế giới quá xa lạ đối với mình.
“Nếu không ly hôn, đến già làm sao sống nổi hả cậu. Đã đến lúc mình phải sống cuộc đời của riêng mình rồi”. Tôi choàng tay ôm, chúc bạn có chuyến bay dài bình yên. Câu nói của bạn vẫn còn vang bên tai. Xưa nay, tôi chỉ nghe khuyên là hãy gắng vì con cái, đã chịu được bao nhiêu lâu rồi thì cố chịu nốt đi, rằng không ai yêu mình hơn vợ hay chồng mình, được này mất kia… Rất nhiều người xung quanh tôi, kể cả mẹ, cũng nói đến sự hy sinh, gói ghém cảm xúc, khát khao riêng tư vì gia đình – nơi cái tôi đàn bà gần như bị xóa nhòa. Từ lúc nào chẳng rõ, không còn ai nghĩ rằng, đàn bà cũng cần được yêu thương, được chăm sóc, thậm chí là được lười biếng, sai trái, nuông chiều vào một lúc nào đó.
Ảnh minh họa
Video đang HOT
Đàn bà thời trẻ còn bạn bè, con cái, còn gánh nặng mưu sinh; dù có gặp phải một người chồng lệch pha với mình (thường trước đó, thuở còn yêu đương, chúng ta ít khi để ý) thì giữa những thứ bộn bề phải lo toan, cũng đành nhắm mắt, lắc đầu cho qua. Nhưng khi con cái đã trưởng thành, rời xa vòng tay ta, công việc cũng đã ổn định, bàn chân đang bước vào giai đoạn cuối của đời người, không gian hẹp dần, những mối quan tâm, tương tác với mọi người cũng giảm thì chỉ còn ta với người. Ta “sống làm sao nổi” với người không có, không còn chút tình cảm nào.
Không nhất thiết hai người ở bên nhau phải có tình yêu mãnh liệt, nhưng chắc chắn nó phải là thứ tình được lắng đọng từ một tình yêu ngày trẻ, từ sự hòa hợp, sự tin cậy, tấm lòng tôn trọng, sẵn sàng nâng đỡ, sẻ chia của một người thương qua bao năm tháng thăng trầm. Nếu không có, không còn gì hết, thậm chí không cả nỗi chán chường, ghét bỏ, làm sao cùng nhau đi qua bóng xế tuổi già? Tuổi già quả thực là đoạn đời khủng khiếp nếu chúng ta không có một bàn tay đằm thắm nắm chặt, không có được cái thanh thản mỗi ngày.
Ảnh minh họa
Tôi đã thấy bao cặp vợ chồng nhiều tuổi tồn tại bên nhau như hai cái bóng. Mỗi ngày, thay vì ngồi với nhau bên tách trà sáng, nói nhau nghe chuyện cháu con, kể về những kỷ niệm… rồi thi thoảng cùng nhau đi du lịch thì họ lại dằn hắt, khai quật, chà xát những vết thương của tháng năm cũ rồi giận hờn, trách móc nhau. Tuổi già như sương mà nét mặt cứ chất chứa nỗi buồn, khắc khổ đến ái ngại. Ông bà nội tôi đã từng như thế. Kết quả là không khí trong nhà lúc nào cũng nặng nề, khiến con cháu luôn thấy bất an, bức bối. Cảm giác cứ như ta đang nuôi một vết thương mà mỗi ngày nó đều nhói đau. Chẳng phải như thế còn tàn nhẫn hơn cả đoạn tuyệt?
Có lẽ đã đến lúc, đàn bà chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về trách nhiệm với chính bản thân mình. Ta cần lắng nghe tiếng nói của trái tim, để chọn sống cuộc đời của chính mình và cho mình. Dẫu còn trẻ hay đã bước vào tuổi về già, hãy trung thực và dũng cảm với chính mình. Chỉ như thế, đàn bà mới mong có cuộc sống hạnh phúc thay vì đầy rẫy những nước mắt, muộn phiền, những cam chịu… để đến cuối đời vẫn là nỗi cô đơn.
Theo Báo Phụ Nữ
Xung đột tuổi già
Thường thì tuổi trẻ "nóng đầu" mới dễ xảy ra xung đột. Trong quan hệ vợ chồng cũng vậy; chuyện các cặp vợ chồng trẻ thi thoảng to tiếng cự cãi, "đổ nồi bay xoong" là điều không lạ. Vậy nhưng với các cặp vợ chồng già - thậm chí già đến mức con cái đều đã thành gia thất, cháu chắt đầy đàn - vẫn xảy ra xung đột.
ảnh minh họa
Thực tế, có nhiều "ca" xung đột tới mức không thể hòa giải: "chiến tranh lạnh", li thân, cả... đưa nhau ra tòa vẫn cứ xảy ra. Đáng lo hơn, ngày nay, vẻ như hiện tượng ấy đang xảy ra ngày càng thường xuyên, gây những hệ lụy nhiều khi khá nặng nề cho cộng đồng; nhất là cho chất lượng cuộc sống của người già.
Cậu mợ tôi, ông bà đều đã ngấp nghé cái ngưỡng tuổi "cổ lai hy". Lúc trẻ, vợ chồng luôn "đồng thanh đồng khí", làm gì cũng có đôi có cặp, nắm tay cùng vượt qua bao sóng gió cuộc đời. Vậy nhưng tới lúc tuổi già lại bắt đầu sinh ra hục hặc, cự cãi.
Những chuyện mới nhìn tưởng chẳng đâu vào đâu; vậy nhưng dần dà cứ leo thang theo kiểu "nâng quan điểm" của hai bên thành lớn chuyện. Mẹ bà mất, ông lập bàn thờ, đặt bài vị ở chỗ hơi chật hẹp, tối tăm. Bà hờn nhưng không nói, cứ lặng im mặt nặng mày treo suốt mấy tháng ròng. Tới lúc kình nhau không nhịn nổi mới bung ra: Nhà là nhà chung, của chồng công vợ chớ phải riêng ông na; vậy mà ông nỡ đem ông bà cha mẹ ông thờ phía sáng; còn mẹ tui ông đem nhét vô hóc tối đặng thờ...
Ông vốn thích nhậu nhẹt, bạn bè, lại cũng hơi gia trưởng. Lúc trẻ việc nhiều ít có thời gian; nhưng khi về già không phải vướng bận chuyện làm ăn ông có cơ hội giao du, nhậu nhẹt nhiều hơn. Bà rất khó chịu về chuyện ông cứ rượu lần sần vô lại về nhà "mở đài" huyên thuyên đủ thứ chuyện trời ơi đất hỡi điếc tai; chưa kể lâu lâu còn rủ bạn về nhà "gầy độ" nhậu! Bà phản ứng thì ông dở máu gia trưởng ra nạt: Thứ đàn bà đái không qua ngọn cỏ, biết gì mà nói nhăng...
Nói nữa, ông nổi sung, thách thức: Nhà tao tao có quyền; mày ở được thì ở, không được thì biến! Nghe ông nói ngang ngược, bà tức khí lăn ra la làng. Chuyện xé to, con cái túa về hỏi han, khuyên giải đôi bên. Bà cứ khăng khăng: Tao chịu đựng ổng đủ rồi, không chịu thêm được nữa! Ráng năn nỉ, dàn xếp êm êm được vài hôm lại tiếp tục nổ chiến tranh. Con cái bất lực, đành ngăn nhà cho hai cụ ở riêng...
Xóm tôi có vợ chồng ông M, lúc trẻ sống chung cũng không nghe điều tiếng gì. Ông M vốn chất phác lo làm ăn, chỉ phải cái tính hơi... ở dơ và chậm lụt vụng về làm trước quên sau. Khổ, lúc trẻ thì những "bệnh" ấy có gây bực mình chút ít nhưng chưa đến nỗi nào; thêm nữa, ông M thường xuyên đi làm xa nên thời gian sống chung cùng vợ không nhiều.
Vậy nhưng tới lúc ông "nghỉ hưu", về nhà sống luôn với vợ con thì mới đẻ chuyện. Tuổi già lẩm cẩm khiến những tật chứng của ông lúc trẻ ngày càng trầm trọng thêm: ăn ở luộm thuộm, làm đâu bỏ đó, nói đâu quên đó. Ác cái, bà M lại sạch sẽ, chỉn chu ngăn nắp nên rất khó chịu.
Ban đầu bà còn cố theo nhắc, hy vọng ông sửa đổi. Già rồi, thói quen in thành nếp, sửa sao được? Chưa kể bị "chỉnh" nhiều còn khiến ông mất tự tin lính quýnh, sai sót càng trầm trọng hơn. Chỉnh không được thì bức xúc. Từ bức xúc dẫn đến nặng nhẹ, thậm chí mắng mỏ là điều đương nhiên. Ông M cũng đâu phải đất cục để có thể nhịn vợ hoài không nổi xung. Vậy là lục đục, cự cãi. Tình cảm vợ chồng cứ ngày một bị bào mòn. Không dám chia tay sợ con cái tủi buồn làng xóm cười chê; nhưng sống chung thì hệt như đang "chịu nạn"!
Căn nguyên xung đột giữa các cặp đôi vợ chồng già là chuyện muôn hình vạn trạng. Nhưng dù là căn nguyên nào cũng sẽ để lại hậu quả rất xấu. Rất mong những người trong cuộc cố gắng suy nghĩ, kềm chế bản thân đừng để sự việc đi quá xa. Bên cạnh đó, cũng cần thêm sự động viên, góp ý kịp thời của người thân, bạn bè và các ngành chức năng để giảm thiểu nguy cơ hiện tượng tiêu cực này sẽ bùng phát trong tương lai gần.
Theo Gdtd
Sáu cái tội của đàn bà ngoan Đàn bà dù vất vả hy sinh đến mấy vẫn thấy vui, hạnh phúc, tự hào, vì thấy mình có ích cho chồng con, ngộ nhận là chồng thể nào cũng biết ơn và yêu quý mình hơn vì những hy sinh ấy. Vẫn tưởng đàn bà càng ngoan thì càng đem đến hạnh phúc cho mình và người khác, nhưng thực tế...