Không loại trừ việc ĐBQH có thể bấm nút hộ nhau
Về việc nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vắng mặt tại một số phiên họp gần đây của Quốc hội, ngày 24/11 Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có trao đổi với báo chí.
Thưa ông, hiện có quy định ĐBQH chỉ được phép vắng mặt tối thiểu bao nhiêu buổi/kỳ?
- Chưa có quy định nào như vậy cả, chỉ có quy định trong kỳ họp ĐB không được vắng mặt. Nhưng ĐB kiêm nhiệm có việc bất khả kháng thì phải chịu. Ví dụ như một số đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành đi công tác nước ngoài chẳng hạn, hay ốm đau thì vắng mặt là điều bất khả kháng. Nhưng ĐB phải cố gắng thu xếp công việc ở cơ quan, đơn vị mình để dự họp đủ nhất có thể.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Hàng ngày Văn phòng Quốc hội có thống kê số ĐB vắng mặt và lý do vắng mặt không, thưa ông?
- Trách nhiệm này chúng tôi giao cho Ban Công tác đại biểu. Ban này có nhiệm vụ điểm danh, theo dõi các ĐB trong từng phiên họp.
Video đang HOT
Không chỉ ở hội trường, trong các phiên họp tổ rất nhiều ĐB vắng mặt. Có đoàn thảo luận chỉ hơn 1 giờ đã nghỉ. Ông nghĩ sao?
- Tôi sẽ tiếp thu ý kiến của các phóng viên.
Có những phiên họp trên hội trường, đặc biệt là những phiên phải biểu quyết thông qua các dự luật, nghị quyết, nhưng số lượng ĐB vắng nhiều khiến chính chủ tọa cũng bất bình. Theo ông, cần có biện pháp nào để ĐB tham dự đông đủ, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ mà nhân dân đã giao phó cho mình?
- Đoàn thư ký đã có công văn gửi các trưởng đoàn đề nghị các đồng chí đó nhắc nhở các ĐB trong đoàn mình, nhất là những buổi họp cuối khi phải biểu quyết thông qua các dự luật, nghị quyết… Chúng tôi đã đề nghị các ĐB cố gắng bố trí sắp xếp công việc để tham dự cho đủ.
Có những phiên, tỷ lệ bấm nút còn cao hơn số ĐB có mặt và chủ tọa có nhắc đến việc bấm nút điểm danh hộ…
- Đây mới là suy luận thôi. Có phải các ĐB bấm nút hộ nhau không thì không biết, có đúng số ĐB không thì cũng không biết vì tôi không đếm. Nhưng nếu bấm hộ thì có thể thấy ngay vì khoảng cách chỗ ngồi giữa các ĐB là rất xa nhau. Tuy nhiên, với trang thiết bị như hiện nay không loại trừ khả năng ĐB có thể bấm hộ cho nhau được.
Sắp tới Quốc hội có áp dụng biện pháp gì để việc kiểm tra, kiểm soát sự có mặt của các ĐB được chặt chẽ và dễ dàng hơn?
- Theo thiết kế thì sắp tới sẽ có thêm thẻ cắm thông minh, khi cắm thẻ đó thì tất cả các hệ thống máy tính, điện, nút bấm mới hoạt động và từ đó ĐB có thể điểm danh luôn.
Tại kỳ họp này thì hệ thống này chưa xong, phải đến kỳ sau mới có thể sử dụng hệ thống này. Có thẻ này các hệ thống, thiết bị trên bàn mới hoạt động đồng thời, giúp Quốc hội giám sát sự có mặt của các ĐB trong mỗi phiên họp. Có thẻ thì ĐB không thể bấm hộ được, bởi mỗi ĐB chỉ có một thẻ, có tên, tuổi riêng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Ngọc Lương (Dân Việt)
Gần 25% đại biểu Quốc hội vắng mặt do đâu?
Con số trên bảng điện tử cho biết có ít nhất 92 đại biểu Quốc hội (chiếm gần 25%) không dự họp trong phiên họp Quốc hội sáng ngày 20/11.
Theo tin tức từ báo Tuổi trẻ, chiều 20/11, trước khi Quốc hội kết thúc ngày làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đề nghị các vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố yêu cầu đại biểu Quốc hội tham dự đầy đủ để đảm bảo chất lượng các phiên họp Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội than phiền: "Mấy phiên gần đây số đại biểu vắng họp nhiều quá".
Tuy nhiên, theo bảng điện tử sáng ngày 21/11, khi thông qua Luật căn cước công dân, có 403/497 đại biểu có mặt. Tức là chỉ có thêm hai đại biểu dự họp so với chiều hôm trước.
Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, ngay sau đó chỉ ít phút, khi biểu quyết thông qua Luật hộ tịch thì lại chỉ còn 395 đại biểu có mặt, tức là vắng tới 102 đại biểu.
Tại sao con số trên bảng điện tử lại "nhảy nhót" chỉ sau có vài phút như vậy? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định rằng đó là do "có tình trạng đại biểu bấm hộ người khác".
Nói về việc trong 2 ngày qua, đại biểu Quốc hội vắng nhiều, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến trên báo Người lao động như sau: "Đó là đặc thù của Quốc hội Việt Nam do đại biểu kiêm nhiệm nhiều. Văn phòng Quốc hội đã đề nghị các trưởng đoàn trao đổi để đại biểu sắp xếp công việc dự họp đầy đủ, nhất là khi biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết. Hiện nay, chưa thể giảm đại biểu kiêm nhiệm".
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Luật Tổ chức Quốc hội cũng không bắt buộc đại biểu phải họp đủ 100%. Vả lại, có những lúc cơ quan đại biểu có công việc bất khả kháng nên Quốc hội không thể bắt họ phải dự họp đủ".
Liên quan đến việc giám sát hiệu quả làm việc của đại biểu, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc cho rằng nhiều nước, đại biểu vắng, Quốc hội vẫn hoạt động vì họ không phải tất cả họp ở hội trường như Việt Nam. Khi nào biểu quyết, đại biểu mới có mặt.
Theo ông Dương Trung Quốc, Quốc hội các nước vận hành với những công cụ, phương tiện, bộ máy để đại biểu thực thi trách nhiệm của mình chứ không nhất thiết phải tập trung. "Họ giám sát hiệu quả làm việc của đại biểu chứ không giám sát sự có mặt", ông Dương Trung Quốc nói.
Theo_Người Đưa Tin
Chính thức có chức danh Tổng thư ký Quốc hội Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sẽ chính thức được trao nhận chức danh mới - Tổng thư ký Quốc hội. Có thêm chức danh Tổng thư ký Quốc hội từ 1/1/2015 Ngày 20/11, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi với 86,92% phiếu tán thành. Theo Luật mới, Quốc hội sẽ có thêm chức danh Tổng thư ký...