Không kích Syria, Nga muốn có bàn đạp tiến ra Địa Trung Hải
Quyết định can thiệp vào Syria không chỉ giúp Nga bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, củng cố lợi ích chiến lược trong khu vực, mà còn mở rộng hiện diện tại Địa Trung Hải, khẳng định vị thế siêu cường quân sự.
Một chiến hạm Nga tại Địa Trung Hải. Ảnh: Sputnik
Chỉ sau hai tuần không kích tại Syria, Nga đã khiến Mỹ và liên quân lưỡng lự trong ý định lật đổ Tổng thống Assad, duy trì được nhà nước đồng minh, đồng thời nâng cao đáng kể hình ảnh nước Nga trên trường quốc tế.
Nhật báo Le Point của Pháp, dẫn lời các chuyên gia phân tích hàng đầu phương Tây cho hay đây chưa phải là mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Putin.
Tartus, bàn đạp tiến ra Địa Trung Hải
“Mục tiêu các đợt không kích của Nga tại Syria không dừng lại ở việc tiêu diệt phiến quân IS, bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad. Một khi ổn định được Syria, hành động tiếp theo của Tổng thống Putin chính là tăng cường sự hiện diện của hải quân Nga ở Địa Trung Hải”, nhà địa lý Fabrice Balanche, chuyên gia về Syria, nghiên cứu viên danh dự thuộc Viện nghiên cứu Washington cho biết.
Cũng theo ông Balanche, Địa Trung Hải nằm trên trục hàng hải lớn nhất thế giới. Để khẳng định vị thế của một cường quốc quân sự, việc tăng cường lực lượng ở Địa Trung Hải là không thể thiếu đối với mọi quốc gia. Tuy nhiên cho đến thời điểm này sự hiện diện của hải quân Nga tại đây còn rất hạn chế. Nếu không muốn bị gán biệt danh “siêu cường của quá khứ” người Nga không thể không nghĩ đến vùng biển này.
Isabelle Facon, chuyên gia của Quỹ nghiên cứu chiến lược phân tích rằng với vị trí địa lý trải dài bên bờ biển Bắc Băng Dương, lãnh hải của Nga hầu hết là biển kín. Để tiến ra các vùng biển có vị trị địa chính trị quan trọng như Địa Trung Hải, trong quá khứ Liên Xô buộc phải dựa vào các căn cứ hải quân tại các nước đồng minh như Ai Cập, Iraq và Syria.
Video đang HOT
Tuy nhiên sau khi Liên Xô tan rã, con đường duy nhất này hầu như bị đóng lại. Cánh cửa duy nhất hiện nay của Nga là cảng Tartus, Syria, nơi Nga có mặt từ năm 1971 với các hoạt động tiếp tế vũ khí cho chính quyền Syria.
“Tartus không phải là một căn cứ hải quân thông thường cho các chiến hạm neo. đậu. Các chuyên gia quân sự còn coi đây là một trung tâm hậu cần vận tải quan trọng, nơi nhiều tàu thuyền, tàu chiến cỡ lớn có thể cập bến thực hiện các hoạt động cung cấp và tiếp tế nhiên liệu nhằm phục vụ các chiến dịch mang tính dài hơi”, ông Isabelle Facon, đánh giá.
Ông Nuance Julien Nocetti, chuyên gia về Nga thuộc Viện Quan hệ quôc tế Pháp (IFRI) cho biết từ lâu cảng Tartus chỉ là một trạm trung chuyển nhỏ của quân đội Nga, với gần 10 nhân viên phụ trách các công việc tiếp nhận vũ khí, bảo dưỡng các chiến hạm Nga từ Sevastopol, Crimea quá cảnh tại đây.
Đến đầu tháng 9, nhật báo Kommersant của Nga cho biết Nga đang thực hiện việc mở rộng nâng cấp căn cứ quân sự ở cảng Tartus. Hàng nghìn chuyên gia và nhân viên đã được huy động đến đây.
“Một nguồn tin quân sự Nga cũng cho biết việc mở rộng căn cứ này là nhằm tăng cường khả năng tiếp đón các chiến hạm của Hải quân Nga đến từ Sevastopol trong thời gian tới. Như vậy, biển Đen chỉ là phương tiện chứ chưa phải mục tiêu cuối cùng của Nga. Người Nga đã thực sự trở lại Địa Trung Hải” ông Julien Nocetti phân tích.
Căn cứ hải quân ở Tartus, Syria là địa điểm chiến lược của Nga ở Địa Trung Hải. Ảnh: Historicalness
Khẳng định vị thế siêu cường
Fabrice Balanche nhận xét, song song với việc nâng cấp cảng Tartus, Nga cũng đang triển khai nghiên cứu, biến sân bay quân sự Latakia (cách cảng Tartus 90km) thành một căn cứ không quân quy mô và hiện đại.
“Trên thực tế thì quân đội Nga đang kiểm soát toàn bộ sân bay Latakia. Nhiều cố vấn và kĩ sư quân sự Nga đang có mặt tại đây”, ông Fabrice Balanche khẳng định.
Mặc dù Nga không công bố, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy các chuyên gia của Nga đang phục hồi một căn cứ tàu ngầm từ thời Liên Xô tại thành phố Jable, cách Latakia 30 km về phía nam.
“Tuy nhiên chỉ với sân bay quân sự Latakia và cảng Tartus, Nga thực sự sở hữu một tổ hợp không hải quân có sức nặng, cho phép Nga thiết lập được ưu thế tuyệt đối tại khu vực, đồng thời khẳng định vị thế của một siêu cường”, ông Julien Nocetti nhấn mạnh.
Cũng theo Julien Nocetti, một khi chiến tranh nổ ra, với tổ hợp không, hải quân này, Nga có thể nhanh chóng triển khai một số lượng lớn lục quân bao gồm pháo binh, xe tăng và bộ binh mà không gặp bất cứ trở ngại đáng kể nào.
Ngoài ra, bằng cách mở rộng hoạt động tại vùng biển Syria, Nga có thể kiểm soát hoàn toàn con đường cung cấp vũ khí viện trợ cho Hezbollah, cánh tay phải của Iran – một đồng minh quan trọng của Nga tại Trung Đông, cũng như trên bàn cờ địa chính trị thế giới.
“Cảng Tartus là căn cứ quan trọng cho vị thế siêu cường của Nga. Với việc tăng cường kiểm soát Địa Trung Hải, người Nga từ nay có thể dễ dàng vươn tới Ấn Độ Dương thông qua kênh đào Suez, cũng như mở rộng sự hiện diện tại vùng biển Maghreb và Bắc Phi thông qua eo biển Gibraltar. Người Nga đã thực sự trở lại”, Isabelle Facon nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Những đợt không kích của Nga làm suy yếu phe nổi dậy ở Syria
Bộ Quốc phòng Nga ngày 18.10 cho hay những cuộc không kích của Nga mới đây ở Syria đã làm suy yếu các phe nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Tiêm kích - bom Su-34 của Nga hoạt động tại Syria - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Bộ Quốc phòng Nga cho biết máy bay Nga đã xuất kích 39 chuyến và tiến hành 60 đợt không kích ở tỉnh Hama, Latakia, Aleppo and Damascus trong ngày 18.10, tăng nhẹ so với ngày trước đó, theo AFP.
Lực lượng quân sự Nga đã không kích "cơ sở chỉ huy của tổ chức khủng bố Jaish al-Fatah" ở thị trấn Kafr Zeita, cách Hama 40 km về phía tây bắc, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
"Kết quả của đợt không kích là các nhánh của tổ chức khủng bố Jaish al-Fatah bị tiêu diệt hoàn toàn", theo Bộ Quốc phòng Nga. Jaish al-Fatah là một nhóm của phe nổi dậy, nhưng theo Moscow đây là một tổ chức khủng bố.
Moscow cũng tuyên bố những đợt không kích đã phá hủy mạng lưới đường hầm kiên cố ở tỉnh Homs, vốn là nơi ẩn náu của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác. Tại tỉnh Damascus, Nga không kích phá hủy kho chứa đạn dược, thực phẩm và nhiêu liệu của IS.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã nhận được thông tin về bất hòa giữa IS và nhóm Mặt trận Al-Nusra (một nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda) đang leo thang và "hồi tuần rồi IS tiến hành ba đợt tấn công khủng bố nhắm vào các thủ lĩnh của Al-Nusra".
Bộ Quốc phòng Nga cũng nắm được thông tin cho biết nhiều tay súng đã rời bỏ các phe nổi dậy.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Phiến quân IS giả gái đi trốn không kích Một số phiến quân Nhà nước Hồi giáo được cho là đã cạo râu, giả làm phụ nữ để không bị phát hiện khi tháo chạy từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ tránh không kích. Những đống râu được phát hiện tại Aleppo, Syria. Ảnh: Twitter/Hala Jaber. Nhiều đống râu cùng các gói dao cạo Syria được phát hiện ở khu vực Aleppo,...