Không khởi tố vụ án tự chặt chân, tay để đòi bảo hiểm
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội xác định hành vi của chị L.T. N. chưa hoàn thành, mục đích trục lợi bảo hiểm chưa thực hiện được nên ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Hiện trường nơi chị N. thuê người chặt chân, tay để tạo hiện trường giả vụ TNGT đường sắt – Ảnh: THÂN HOÀNG
Ngày 24-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vụ chị L.T. N. (30 tuổi, trú huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thuê người tự chặt chân trái và tay trái của mình để trục lợi bảo hiểm.
Theo quan điểm của cơ quan công an, hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị N. chưa hoàn thành, phía bảo hiểm chưa bồi thường nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được cấu thành vật chất, nghĩa là người có hành vi phạm tội dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiến đoạt tài sản của ai đó và phải chiếm được tài sản.
Trong vụ việc này phía bảo hiểm chưa chi tiền theo yêu cầu bồi thường của chị N. và CQĐT đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tài sản chưa chiếm đoạt được nên chưa cấu thành tội phạm.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, lúc 0g05 Công an quận Bắc Từ Liêm nhận được tin báo của anh D.V. D. (21 tuổi, trú huyện Phúc Thọ) trình báo có vụ tai nạn đường sắt xảy ra trên địa bàn huyện. Nạn nhân là chị L.T.N. bị tàu hỏa cán cụt một bàn tay và một bàn chân trái.
Video đang HOT
Công an quận đã đưa chị N. vào bệnh viện 19-8 cấp cứu để nối lại bàn tay và bàn chân đã bị đứt rời. Mấy ngày sau chị N. tiếp tục được đưa sang Bệnh viện Việt Đức điều trị, các bác sĩ xác định vết thương đã bị hoại tử nên phải tháo bàn tay và bàn chân ra.
Trong quá trình điều trị vết thương chị N. liên tục yêu cầu cơ quan công an cung cấp hồ sơ vụ tai nạn để yêu cầu công ty bảo hiểm mà chị đã mua bảo hiểm nhân thọ bồi thường.
Tuy nhiên, từ khi tiếp cận hồ sơ vụ việc cơ quan công an xác định có nhiều điểm nghi vấn: các vết thương có dấu hiệu bị cắt bằng vật sắc nhọn chứ không phải do tàu hỏa cán, trên người chị N. không có những thương tích giống như bị tàu hỏa hút vào đường ray, chị N. và anh D. có quen biết nhau…
Sau một thời gian dài điều tra, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng… cơ quan công an xác định chị N. đã thuê anh D. chặt tay và chặt chân mình, tạo hiện trường vụ TNGT giả để trục lợi bảo hiểm.
Theo hợp đồng bảo hiểm mà chị N. đã mua, nếu hành vi được thực hiện trót lọt thì phía công ty bảo hiểm sẽ phải bồi thường cho chị N. 3,5 tỉ đồng.
Lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết điều đáng tiếc nhất là hiện tại chị N. đã bị cụt một bàn tay và một bàn chân. Cơ quan công an khuyến cáo đây là hành vi hết sức nguy hiểm, người dân không nên vì lợi ích nào đó mà hủy hoại thân thể của mình vì rất có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Tuổi Trẻ
Được người khác thuê chặt chân tay, có bị xử lý hình sự?
Theo luật sư, hành vi này có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích, tuy nhiên việc khởi tố thì lại phụ thuộc vào bị hại có đơn yêu cầu hay không.
Liên quanđến vụ việc chị LTN (30 tuổi, trú huyện Phúc Thọ, Hà Nội) tự thuê người chặt chân, tay của mình nhằm yêu cầu bảo hiểm bồi thường hơn 3 tỉ đồng gây chấn động dư luận, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Lý do là bởi hành vi của chị N. có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên mục đích chưa thành.
Bên cạnh việc có khởi tố vụ án hay không, một vấn đề khác đang được rất nhiều người quan tâm đó là DVD, người được chị N. thuê chặt chân, tay với giá 50 triệu đồng, sẽ bị xử lý ra sao?
Trả lời câu hỏi này với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng hành vi của D. có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích, tuy nhiên việc khởi tố thì lại phụ thuộc vào bị hại có đơn yêu cầu hay không.
Theo luật sư này, dù được chị N. đồng thuận và thuê tiền thì hành vi của D. vẫn có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, theo Điều 104 BLHS. "Đây là lỗi cố ý trực tiếp, D. buộc phải nhận thức hành vi dùng dao tác động vào chân, tay người khác là trái pháp luật" - luật sư Thơm phân tích.
Chân và tay của chị N. đã bị chặt đứt. Ảnh: CAND
Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng D. lại phải theo quy định pháp luật. Cụ thể, nếu Công an quận Bắc Từ Liêm khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại (theo Điều 105 BLTTHS).
Nghĩa là chị N. hoặc người đại diện hợp pháp phải có đơn yêu cầu khởi tố D. Tiếp đó, chị N. phải đi giám định để các cơ quan chuyên môn xác định tỉ lệ thương tật theo quy định của pháp luật. Sau khi giám định thì tỉ lệ thương tật của chị N. sẽ là căn cứ xử lý đối tượng theo quy định.
"Những vụ án về các tội phạm như trường hợp này chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại" - luật sư Thơm cho hay.
Vị luật sư cũng phân tích thêm trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Chỉ trong trường hợp có căn cứ xác định việc rút yêu cầu khởi tố là trái với ý muốn của người yêu cầu khởi tố (do bị ép buộc, cưỡng bức) thì các cơ quan tố tụng vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Ngược lại, người bị hại khi đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp việc rút yêu cầu là do bị ép buộc, cưỡng bức.
Chia sẻ thêm về hành vi thuê người chặt chân, tay của mình nhằm trục lợi hơn 3 tỉ đồng từ bảo hiểm của chị LTN, luật sư Thơm cho rằng dù không khởi tố vụ án hình sự nhưng cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính đối với chị N. về hành vi báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Nghị định 167/2013.
TUYẾN PHAN
Theo PLO
Chuyển VKS vụ trung tá công an bị tố trục lợi bảo hiểm Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho biết đã có cơ sở kết luận người điều khiển xe gây tai nạn chính là trung tá Bùi Minh Thắng, bà Lê A chỉ là người "đóng thế". Liên quan đến vụ trung tá công an bị tố trục lợi bảo hiểm, tin tức trên báo Tuổi trẻđăng tải, trong thông báo vừa được...