Không khí u buồn bên sông Trường Giang
“Chuyện này chưa từng xảy ra trước đây”, Deng Liping, một tài xế kiêm nghề dịch vụ tang lễ, nói khi chỉ vào 10 chiếc túi màu cam mà ông đựng thi thể các nạn nhân bên sông Trường Giang.
Cứu hộ và nhân viên y tế đưa một thi thể nạn nhân lên bờ. Ảnh: Reuters
Từ một tài xế xe tải nhỏ, Deng Liping chuyển thành người thu thập xác chết khi nhận được cuộc gọi của chính quyền vào sáng sớm qua. “Chính quyền gọi tôi đến sông và tiếp nhận các thi thể”, người đàn ông 52 tuổi kể. “Họ nói rằng một con tàu bị chìm”.
Chưa đầy hai giờ sau, Deng và hàng chục thợ lặn tình nguyện khác có mặt ở hai bờ sông Trường Giang, hiện trường của vụ tai nạn hàng hải tồi tệ nhất Trung Quốc từ năm 1948.
Cách bờ không xa, Ngôi sao phương Đông, một con tàu du lịch hạng sang chở 458 người, trong đó có hàng chục người già và một bé trai 3 tuổi, nằm lật úp sau khi bị chìm vào tối 1/6.
Tính đến đêm qua, chỉ có 14 người được cứu sống, 7 thi thể được tìm thấy và vẫn còn hơn 400 người đang mất tích.
Deng, một tài xế kiêm dịch vụ tang lễ, chỉ vào 10 chiếc túi màu cam mà ông được giao cho để đựng thi thể các nạn nhân. “Chuyện này chưa từng xảy ra trước đây”, ông nói.
Tàu du lịch Ngôi sao phương Đông đang đi trên con sông lớn thứ ba thế giới, từ Nam Kinh đến Trùng Khánh, thì gặp phải một cơn bão dữ dội mà cơ quan khí tượng Trung Quốc xác định là một cơn lốc xoáy.
Người dân làng Miaoling, cách nơi con tàu bị lật úp hơn 3 km, mô tả cơn cuồng phong làm bật gốc cây, gây ngập lụt cho các cánh đồng và nhà cửa.
“Đó là một cơn bão cấp 12 trên sông”, Liu Pingshan, một nông dân 45 tuổi nói. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng như thế trước đây. Rất hiếm”.
Video đang HOT
Một hành khách tên Trương Lệ Phấn, 60 tuổi, đã lo lắng gọi điện về cho chồng ở Thượng Hải khi tàu đi vào vùng bão. “Trời mưa to quá, gió quật như điên”, bà nói với chồng.
Lực lượng cứu hộ tập trung ở xác tàu chìm trên sông Trường Giang. Ảnh: Reuters
Chưa đầy hai giờ sau, vào 9h28, con tàu nghiêng xuống dòng nước đục ngầu và chìm trong vòng chưa đến hai phút. Sáng sớm hôm qua, công tác cứu hộ bắt đầu diễn ra với hàng trăm binh sĩ, cảnh sát, nhân viên khẩn cấp.
Zhang Hongxia, một bác sĩ địa phương, nằm trong số hàng trăm người có mặt trên bờ sông Trường Giang với hy vọng về những phép màu. “Cơ hội có người sống sót là rất mong manh. Nhưng nhiệm vụ của bác sĩ là ở đây. Dù cứu được một người chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc thực sự”, ông nói.
Tuy nhiên, không khí nặng nề bao trùm hiện trường khi những người thu nhận xác chết nghiệp dư xếp hàng trên bờ sông để chờ những thi thể được đưa vào bờ.
Anh Ngọc
Theo Guardian
Thân nhân hành khách tàu chìm Trung Quốc nổi giận vì ít thông tin
Gia đình của một số hành khách trên tàu du lịch bị chìm Ngôi sao phương Đông ẩu đả với giới chức thành phố Thượng Hải, tức giận khi họ không nhận được thông tin về tai nạn và người thân.
Thân nhân hành khách trên tàu Ngôi sao phương Đông ngồi kéo cánh cửa đã khóa ở công ty du lịch Xiehe, Thượng Hải. Ảnh: Reuters.
Khoảng 60 người, hầu hết là người thân của khách du lịch trên tàu Ngôi sao phương Đông, hôm qua tập trung tại văn phòng công ty du lịch quốc tế Xiehe ở Thượng Hải nhưng nơi này khóa cửa. Nhóm người sau đó tới tòa nhà chính quyền Thượng Hải và được yêu cầu đợi trong một căn phòng.
Ẩu đả đã xảy ra khi một nhóm thân nhân, tức giận trước những thông tin ít ỏi họ nhận được, bắt đầu yêu cầu nhà chức trách cung cấp thêm câu trả lời.
"Chúng tôi rất lo lắng", Reuters dẫn lời Zhang Yingli, 56 tuổi, người có em trai cùng vợ là hành khách trên Ngôi sao phương Đông, nói. "Bây giờ là 16h30 và chúng tôi vẫn chưa thấy ai nói gì ngoài những bản tin. Không có ai đến trấn an chúng tôi".
Một quan chức phòng truyền thông chính quyền Thượng Hải từ chối bình luận.
Theo Xinhua, tàu Ngôi sao phương Đông chở tổng cộng 456 người, gồm 405 hành khách, 46 thuyền viên và 5 nhân viên du lịch. Toàn bộ hành khách đều đặt vé thông qua công ty Xiehe. Tàu được cho là đã gặp lốc xoáy và chìm trên sông Trường Giang, đoạn chảy qua tỉnh Hồ Bắc, vào cuối ngày 1/6.
"Tôi chỉ biết về tai nạn qua bản tin truyền hình khi đang làm việc. Tôi khóc suốt trên đường (đến văn phòng Xiehe). Không có ai ở đây cả, cánh cửa đã khóa", Wang Sheng, 35 tuổi, vừa nằm vừa khóc vì cha mẹ cô có mặt trên con tàu xấu số.
Nhiều người cũng giống cô Wang, biết tin tai nạn qua truyền hình, tỏ ra giận dữ yêu cầu có thêm thông tin. "Chúng tôi chưa thấy nhà chức trách lên tiếng", Zhang Junmin, 32 tuổi, nói. Mẹ Zhang cùng bạn bè của bà và hàng xóm tham gia chuyến đi.
Theo thông tin trên website công ty du lịch, Ngôi sao phương Đông khởi hành từ thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, đến thành phố Trùng Khánh. Hành trình dài 11 ngày và tàu dừng tại các thắng cảnh, di tích lịch sử dọc trên sông Trường Giang.
Huang Jing, có em trai và bố vợ trên tàu gặp nạn, tức tốc đến văn phòng công ty Xiehe ngay khi biết tin vào sáng qua. Anh yêu cầu Xiehe cung cấp danh sách chính thức các hành khách trên tàu và cùng những người khác tới tòa nhà chính quyền địa phương đề nghị họ trợ giúp.
"Chính quyền phải làm đúng trách nhiệm", AP dẫn lời Huang trả lời qua điện thoại từ khu vực họ bị tách khỏi truyền thông. "Chúng tôi cần biết chuyện gì đã xảy ra với người thân".
Theo Huang, danh sách hành khách đang lan truyền trên mạng xã hội chỉ bao gồm tên và số chứng minh của những người mua bảo hiểm du lịch. Người thân của anh không xuất hiện trong danh sách này.
"Chính quyền nên đưa chúng tôi đến Hồ Bắc ngay bây giờ", cô gái họ Li nói. "Sao những người (ở công ty du lịch) lại có thể trốn tránh chứ?".
Tại một khách sạn ở Nam Kinh, thân nhân những người sống sót cũng tập trung trong phòng họp báo và lên án nhà chức trách vì không cung cấp thông tin. Ba quan chức chính quyền địa phương tại đây cố gắng xoa dịu đám đông.
"Các người không làm được gì giúp chúng tôi", một người đàn ông buộc tóc đuôi ngựa, cạo nửa đầu, hét lớn về phía các quan chức. Một số người ngồi sụp xuống ghế, số khác vừa khóc vừa lấy tay ôm đầu.
Truyền thông địa phương đưa tin họ được nhà chức trách đề nghị không tới hiện trường thảm họa và cập nhật thông tin qua đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cùng hãng tin Xinhua. Một tờ báo Hồ Bắc cho biết các chính quyền địa phương phải điều cảnh sát tới hiện trường để "đảm bảo ổn định".
CCTV hôm qua cập nhật diễn biến cứu hộ với hình ảnh Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ tại hiện trường, đồng thời dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi dồn hết sức để cứu hộ.
"Không ai nói gì với chúng tôi", anh Huang nói. "Đây là điều chúng tôi không thể nào chấp nhận".
Thân nhân của hành khách tìm cách xông vào một văn phòng chính quyền ở Thượng Hải sau khi công ty du lịch tổ chức chuyến đi không thể giúp họ. Ảnh: AP.
Như Tâm
Theo VNE
Cứu hộ Trung Quốc thâu đêm tìm hơn 400 người trên tàu chìm Lực lượng cứu hộ Trung Quốc đêm qua chạy đua với thời gian để tìm người sống sót trong thảm họa lật tàu làm ít nhất 7 người chết và hơn 400 người vẫn mất tích. Nhân viên cứu hộ tìm kiếm người sống sót tại hiện trường tối 2/6. Ảnh: Reuters. Chỉ có 14 người sống sót, tính đến đêm qua, trong...