Không khí lạnh suy yếu, miền Bắc chưa thoát khỏi rét hại
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương cho biết, không khí lạnh đang suy yếu dần nhưng các tỉnh miền Bắc vẫn chìm trong rét hại.
Đã có 7.605 con trâu bò bị chết trong đợt rét đậm rét hại vừa qua – Ảnh: Phan Hậu
Nhiệt độ cập nhật sáng nay ở các tỉnh phía Bắc, dù có tăng hơn so với những ngày trước đây nhưng nền nhiệt nhiều nơi phổ biến dao động trong khoảng dưới 10 độ C.
Nhiệt độ thấp nhất được ghi nhận tại khu vực cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với 6,8 độ C; còn tại đèo Pha Đin (Điện Biên) nhiệt độ là 8,6 độ C. Cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) là 9,8 độ C.
Còn tại khu vực vùng núi cao trong huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) và Mẫu Sơn (Lạng Sơn) từng ghi nhận có băng giá, mưa tuyết trong ngày 24.1, nhiệt độ cũng tăng lên lần lượt là 8,9 độ C và 10 độ C. Ở huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) tuyết đã tan, trời đã hửng nắng và nhiệt độ tăng lên 11,2 độ C.
Video đang HOT
Trong khi đó, nhiệt độ ở các tỉnh đồng bằng được ghi nhận đang tăng nhanh từng ngày. Ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) nhiệt độ trong buổi sáng nay 28.1 là 10,8 độ C; tại Phủ Liễn (Hải Phòng) là 10,4 độ C.
Các tỉnh khu vực bắc trung bộ có nhiệt độ cao nhất nhưng cũng chưa thể vượt qua ngưỡng rét hại. Ở Thanh Hoá là 11,4 độ C; còn tại Vinh (Nghệ An) là 12,3 độ C.
Theo quy định về phòng, chống thiên tai, nhiệt độ trung bình ngày trong ngưỡng từ 13 – 15 độ C gọi là rét đậm. Nhiệt độ trung bình ngày dưới 13 độ C gọi là rét hại.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, nhiệt độ tại các tỉnh miền Bắc đang có xu hướng tăng nhanh và ấm dần lên cho đến hết tháng 1.2016, sang đến đầu tháng 2, các tỉnh miền Bắc sẽ đón thêm một đợt không khí lạnh. Nhưng đợt không khí lạnh chỉ có khả gây ra rét đậm cho các tỉnh miền Bắc, khó có thể lặp lại đợt rét hại như đã diễn ra trong những ngày vừa qua.
Cũng theo thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, đến hết ngày 27.1, đợt rét đậm rét hại đã khiến 7.605 trâu bò bị chết rét.
Hiện tại, chính quyền địa phương đang tích cực hỗ trợ người dân chống rét, bảo vệ đàn gia súc.
Hoàng Phan
Theo Thanhnien
Trường học đóng cửa vì đợt rét kỷ lục
Do nhiệt độ ở các tỉnh miền Bắc xuống thấp kỷ lục nên ở nhiều tỉnh thành đã cho phép học sinh nghỉ học.
Thông báo nghỉ học được treo ngay tại cổng trường - Ảnh: Ngọc Thắng
Nghỉ học hàng loạt
Nếu như ngày 25.1 chỉ các trường mầm non, tiểu học đồng loạt cho học sinh nghỉ vì nhiệt độ dưới 10 độ C thì ngày 26.1 các trường THCS trên địa bàn Hà Nội cũng "đóng cửa" vì nhiệt độ xuống mức 6,7 độ C. Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội nhiệt độ xuống thấp dưới 7 độ thì học sinh THCS sẽ không phải đến trường, nên hầu hết các trường công lập nhắn tin thông báo nghỉ học qua sổ liên lạc điện tử cho phụ huynh.
Nhiều tỉnh/thành, trong đó có Hà Nội, không có quy định về mức nhiệt độ mà học sinh THPT sẽ được nghỉ học, chỉ yêu cầu các trường nhắc nhở các em mặc đủ ấm, giữ gìn sức khoẻ khi đến trường. Nhưng một số địa phương như Thái Bình đã cho phép cả học sinh THPT nghỉ học khi thời tiết xuống dưới 7 độ C.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, do các đợt rét thường kéo dài và có nền nhiệt độ thấp hơn nên cũng đưa ra quy định linh hoạt, để các trường ứng phó tránh để học sinh nghỉ học quá nhiều. Các trường dân tộc nội trú hầu như không cho học sinh nghỉ học để về nhà mà áp dụng phương án "nghỉ tại chỗ"- học sinh đã đến trường thì sẽ được bố trí ở lại trường vì thường các em phải đi bộ rất xa. Đại diện một số sở GD-ĐT như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang giải thích, nếu nghỉ học lâu sẽ dễ dẫn đến nguy cơ bỏ học hàng loạt. Một số tỉnh như Sơn La, Bắc Cạn thông báo cho học sinh nghỉ học khi nền nhiệt độ liên tục trong ngày là dưới 7 độ C, chứ không phải chỉ căn cứ vào nhiệt độ lúc 6 giờ sáng như các tỉnh đồng bằng.
Đảo lộn kế hoạch
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, việc trẻ ở độ tuổi mầm non, tiểu học nghỉ học trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm đang là mối bận tâm không nhỏ của các ông bố bà mẹ. Không phải gia đình nào cũng đang có ông bà hoặc người giúp việc để trông các cháu khi chúng không đến trường. Đến ngày thứ hai của đợt rét đậm, nhiều gia đình đã phải huy động người nhà ở quê lên giúp cho việc trông con, để đi làm. "Lo nhất là rét như này đến cận Tết thì chẳng thể nào nhờ được ai vì mọi người đều phải về quê để chuẩn bị Tết", một phụ huynh có con học trường tiểu học Lê Văn Tám chia sẻ.
Không chỉ lo xoay sở với việc trẻ ở nhà thiếu người trông, nhiều người còn lo con nghỉ học ở nhà kéo dài, cộng với thời gian nghỉ Tết gần chục ngày sắp tới sẽ khiến việc học bị gián đoạn. Các sở GD-ĐT đều yêu cầu mỗi trường cần theo dõi sát sao về số lượng ngày nghỉ, để thực hiện việc dạy bù chương trình, đảm bảo học sinh không bị hổng kiến thức vì nghỉ rét kéo dài, không cắt xén chương trình.
Bộ GD-ĐT cũng phát đi công văn yêu cầu các địa phương đang phải hứng chịu đợt rét đậm rét hại kéo dài, có hướng dẫn cụ thể việc cho học sinh nghỉ học, củng cố cơ sở vật chất nhà trường để đảm bảo sức khoẻ cho cả học sinh và giáo viên, nhất là những trường có tổ chức bán trú, nội trú. Đồng thời, Bộ này cũng công bố số điện thoại để tiếp nhận thông tin, hỗ trợ các địa phương trong quá trình ứng phó với đợt rét này.
Tuệ Nguyễn
Theo Thanhnien
Nền nhiệt miền Bắc tăng nhanh Không khí lạnh suy yếu đẩy nền nhiệt miền Bắc tăng lên đáng kể, cao nhất hôm nay tại Hà Nội có thể lên 13 độ C. Sau 5 ngày tác động, khối không khí lạnh gây ra đợt rét kỷ lục bắt đầu suy yếu, rãnh thấp trên cao gây mưa trong hai ngày qua ở Bắc Bộ cũng di chuyển ra...