Không khí chuẩn bị đón Tết ở trại giam
Để chuẩn bị cho cái Tết ở trại giam đầm ấm, nhiều khẩu hiệu, pa-nô được treo lên khắp các phân trại. Những vườn cây cảnh được dọn dẹp, cắt tỉa và đi tới đâu cũng thấy hoa các loại khoe sắc.
Nét mặt ai cũng hồ hởi, nhưng có lẽ vui nhất vẫn là những người được giảm án trong đợt này, đặc biệt là những người được giảm hết thời hạn thi hành án phạt tù…
Đại tá Nguyễn Khắc Chính, Giám thị trại giam Tân Lập (Tổng cục 8, Bộ Công an) cho biết, trong đợt này, trại giam có trên 800 phạm nhân được giảm án trong đó có khoảng 50 người được giảm hết án. Những phạm nhân này họ sẽ được về nhà trước Tết, được ăn Tết cùng gia đình.
Cái giá rét, quạnh hiu của núi, của cây khiến cho Tân Lập như lạnh giá hơn. Con đường dẫn vào trại càng thêm heo hút khi mà hai bên đường, lối từ cao tốc rẽ vào, vẫn còn nhiều lắm nhà tranh, vách đất. Từ ngày cao tốc Hà Nội-Lào Cai đi vào hoạt động, đường lên trại giam Tân Lập đỡ vất vả hơn trước. Nhưng đấy là cảm nhận của chúng tôi chứ với những người lính như anh Chính thì với 35 năm công tác, nơi đây đã thân thuộc như quê hương thứ hai vậy.
“Ngày trước có người khi lên đây công tác đã nói rằng có cho một quả đồi màu mỡ, một cô vợ đẹp và một khoản tiền lương mấy chục triệu một tháng cũng không ở vì buồn như “chấu cắn”. Thế nhưng lính chúng tôi quen rồi, có đi đâu cũng chỉ vì công việc rồi mau mau, chóng chóng quay về. Sống ở đây yên tĩnh quen rồi”, anh Chính bảo.
Cái quen của anh Chính là đứng ở tòa nhà trung tâm có thể nhìn thấy các phân trại nhưng đến được mỗi chỗ ấy phải đi từ mười đến vài chục cây số đường bộ; Là mỗi buổi sáng mai, khi sương mù vẫn còn giăng khắp nhưng cán bộ đã cùng phạm ra đồng làm việc; Là tiếng người dân vẫn thường í ới mỗi khi đi qua cổng trại, dân dã và gần gũi. Nhờ có những người dân ấy mà mỗi khi Tân Lập có phạm nhân trốn trại, muộn lắm thì hôm trước, hôm sau là các anh đã bắt được. Ai đó bảo cán bộ trại giam Tân Lập làm tốt công tác dân vận, anh Chính chỉ cười: “Để thắt chặt tình quân dân, lấy dân làm tai mắt, năm nào chúng tôi cũng tổ chức gặp gỡ với chính quyền đoàn thể của 15 xã trong vùng”.
Giữa khung cảnh đất trời sang xuân, cán bộ và phạm nhân trại giam Tân Lập đang khẩn trương chuẩn bị đón Tết. Ai cũng bận rộn với quét dọn, tỉa cây, tập và chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để đón xuân. Hơn 4.000 phạm nhân, giữa núi rừng heo hút song vẫn tìm ra nhiều thú vui để san sẻ với nhau trong gần chục ngày Tết.
Đó là những chương trình văn nghệ, những trò thi nấu ăn, thi gói bánh, thi đánh cờ, kéo co… Theo Trung tá Vương Thế Huynh, Đội trưởng đội giáo dục trại giam Tân Lập thì Tết này, phạm nhân được nghỉ 9 ngày theo quy định nên sẽ rất có nhiều trò chơi để phạm nhân tham gia.
Video đang HOT
Thậm chí có nhiều trò cán bộ cùng chơi, cùng thi đấu với phạm nhân như đánh cờ, bóng chuyền, cầu lông… Điều này có thể thấy được khi chúng tôi tới phân trại số 5, số phạm nhân nữ cùng quản giáo đang hăng say tập văn nghệ trên hội trường.
Cán bộ và phạm nhân Trại giam Tân Lập đang chỉnh trang lại khuôn viên trại, chậu hoa đón Tết.
Trong cái tiết trời rét ngọt, nhưng mồ hôi nhễ nhại, phạm nhân Lưu Thị Phượng, SN 1982, quê ở Điện Biên cho biết năm nay sẽ tham gia tiết mục múa hát tập thể. Phượng phạm tội mua bán ma túy, kể từ ngày vào trại đến nay đã được 7 năm, luôn tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ của phân trại. Năm 2010, cô đem về cho trại giải ba cuộc thi “Tiếng hát tình đời” do Tổng cục Trại giam tổ chức. Phượng bảo rằng, chỉ còn một thời gian ngắn nữa là cô mãn hạn tù, vì vậy mong muốn trước khi quay về với cuộc sống đời thường, để lại một điều gì đó thật tốt đẹp tại nơi đã trả giá và sửa sai.
Khác với Phượng, phạm nhân Hà Thị Vân Anh, vợ của ông trùm ma túy nổi tiếng đất kinh bắc Nguyễn Văn Thi chỉ cười nhẹ. Cô không muốn chia sẻ những nỗi buồn đang ẩn sâu trong lòng mình cho dù được Chủ tịch nước tha tội chết là một đặc ân mà không phải tử tù nào cũng nhận được. So với ngày mới đưa về đây thi hành bản án chung thân, Vân Anh đẹp và khỏe hơn hẳn. Đôi mắt cô đã có thần sắc hơn nhưng nỗi buồn vẫn như đám mây giăng trong mắt. Cũng phải thôi bởi với một người phụ nữ, dù có xinh đẹp bao nhiêu nhưng trước cảnh gia đình tan nát, thì khó có thể vui được. Chồng Vân Anh, người đàn ông gia trưởng đã biến cô từ một gái quê nhu mì trở thành kẻ trợ giúp đắc lực cho chồng khi tham gia vào đường dây ma túy. Nhà đẹp, tiền nhiều nhưng không giúp vợ chồng Vân Anh thoát khỏi án tù. Chồng khoác áo tử tù, hai con trai thì sa chân vào nghiện ngập, bản thân cũng chưa biết ngày nào ra trại…khiến lòng cô héo hắt. Tuy nhiên, khi về trại giam Tân Lập được cán bộ động viên, chia sẻ và cải tạo ở đội bếp, công việc ấy đã giúp cô khuây khỏa phần nào.
Điểm mới của Tân Lập năm nay chính là có 3 trường hợp được giảm án từ tù chung thân xuống án có thời hạn. Theo Đại tá Nguyễn Khắc Chính thì số hồ sơ trại đề nghị là 5 trường hợp nhưng sau khi bàn bạc, lãnh đạo đã nhất trí giảm án cho 3 trường hợp.
“Cả 5 trường hợp chúng tôi đề nghị đều là án ma túy nhưng chỉ 3 trường hợp được duyệt vì thành tích nổi bật hơn cả. Ba phạm nhân này, quá trình cải tạo luôn được xếp loại khá, có ý thức chấp hành và tỏ ra thành khẩn, hối lỗi”, đại tá Nguyễn Khắc Chính cho biết. Hơn ba chục năm công tác trong ngành trại giam, anh Chính có hơn 20 cái Tết đón giao thừa tại nơi công tác. Thế nên khi được hỏi về tâm trạng của mình khi bước sang canh giao thừa, anh cứ cười. Mấy chục năm công tác, mọi thứ đã trở thành quỹ đạo, thành thói quen nên dù có phải lo Tết cho mấy ngàn con người thì cũng là “quen rồi” và “mọi người cùng làm, mỗi người mỗi việc nên có thấy bận rộn đâu”.
Theo Phap luât Xa hôi
Phạm nhân được đặc xá học kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng
Để giúp các phạm nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, Trại giam Tân Lập (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn.
Càng gần đến ngày Quốc khánh 2/9, không khí tại Trại giam Tân Lập càng rộn ràng hơn bởi chỉ vài ngày nữa thôi, hàng trăm phạm nhân sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, có cơ hội làm lại cuộc đời và tái hòa nhập cộng đồng.
Có tên trong danh sách đặc xá lần này, phạm nhân Đào Văn Lực ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang đang đếm ngược từng ngày. Hơn 10 năm thụ án tại Trại giam Tân Lập, Lực đã thấm thía những sai lầm mà mình gây ra, quyết tâm cải tạo thật tốt.
Được tham gia các lớp tập huấn trước khi ra Trại, Đào Văn Lực hào hứng: "Tôi cũng rất may mắn đợt này được nhiều cán bộ mời đến các lớp tuyên truyền, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng. Sau khi tham gia tôi thấy rất bổ ích, nhiều thông tin được cập nhật và tôi có nhiều kỹ năng sống hơn. Khi trở về xã hội, điều đầu tiên tôi muốn nói tôi xin cảm ơn ban lãnh đạo trại giam đã tạo điều kiện sớm trở về xã hội, và tôi hứa sẽ trở thành một công dân tốt không tái phạm".
Lớp học phổ biến kỹ năng sống tái hòa nhập cộng đồng
Giống như những lần đặc xá trước, việc chuẩn bị tư tưởng, tâm lý, kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân đặc xá được Ban lãnh đạo Trại giam Tân Lập rất coi trọng. Trại đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các phạm nhân được đặc xá ở các phân trại với sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát, Liên đoàn Luật sư tỉnh Phú Thọ.
Hầu hết các phạm nhân đều chăm chú học, ghi chép và trả lời các câu hỏi của giáo viên với mong muốn mình sẽ không bị lạc lõng khi trở về và có thể kiếm được việc làm. Trung tá Đỗ Quang Huy, Phó Giám thị Trại tạm giam Tân Lập cho biết: "Trại đã tổ chức các lớp học cho phạm nhân nam và phạm nhân nữ phối hợp với các ban ngành địa phương như Hội luật gia, Hội liên hiệp thanh niên và Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Phú Thọ để tư vấn pháp luật về luật cư trú, giao thông, phòng chống ma túy, kỹ năng sống, kỹ năng tìm việc làm để phạm nhân sau khi được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng và không tái phạm".
Đào tạo nghề cho các phạm nhân nữ
Năm nay, Trại giam Tân Lập có hơn 300 phạm nhân được xét đặc xá trên tổng số hơn 4.000 phạm nhân đang thụ án tại Trại. Để thực hiện đặc xá đảm bảo công bằng, đúng người, việc nghiên cứu, xét duyệt hồ sơ của các phạm nhân được Hội đồng xét đặc xá Trại giam Tân Lập thực hiện rất kỹ và đúng quy định.
Trung tá Vương Thế Huynh, Đội trưởng đội Giáo dục hồ sơ Trại giam Tân Lập cho biết: Ngay sau khi có Quyết định của Chủ tịch nước, công tác chuẩn bị đặc xá của Trại đã được chuẩn bị kỹ càng. Từ Ban Giám thị tới Ban Chỉ huy các phân trại đều rất chú trọng việc xem xét, đánh giá để bảo đảm tính khách quan, công bằng khi đưa ra danh sách các phạm nhân được đặc xá, trong đó có việc tìm hiểu hoàn cảnh của các phạm nhân.
"Trong quá trình ở trại, chúng tôi cũng quan tâm đến nhân thân và hoàn cảnh điều kiện phạm nhân qua đó có biện pháp giáo dục rất cụ thể từ đó các phạm nhân có nhìn nhận xem xét lại bản thân có ý thức chấp hành pháp luật không chỉ trong trại mà khi được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng họ cũng có điều kiện để tránh vi phạm pháp luật", Trung tá Vương Thế Huynh nói.
Đào tạo nghề cho các phạm nhân nam
Đợt đặc xá năm nay là dịp tốt để mỗi phạm nhân có cơ hội suy xét lại những lỗi lầm đã phạm phải, đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta không chỉ dừng lại ở việc tha tù trước thời hạn mà còn được thể hiện trong việc tạo điều kiện để những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng./.
Văn Hiếu
Theo_VOV
Trải lòng của nữ phạm nhân xinh đẹp với ước mơ ngày về được làm đẹp cho đời Được gọi là "hoa khôi" trong trại giam, Lý Hiền Trang, SN 1993, trú tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) đang khoác trên vai bộ áo tù kẻ sọc, nhưng tiếng nhạc, những bước chân nhịp nhàng của Trang cùng các bạn tù khiến mọi người thấy mùa xuân đang rất gần... Đoàn công tác chúng tôi gặp Trang...